Mở nhà trẻ trong các làng người dân tộc
Mở nhà trẻ trong các làng dân tộc giúp cha mẹ có nơi gởi con mình vào đó, để còn có thời gian đi làm kiếm cái ăn cho gia đình. Vì họ thường sinh nhiều con nên đứa lớn phải ở nhà giữ em. Ngặt một nỗi là khi đứa em vừa chập chững biết đi thì mẹ nó lại sinh tiếp đứa khác, và thế là nó lại tiếp tục giữ em. Vậy cho nên nó đâu có được đi học, mà đã không được đi học thì sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi trưởng thành. Còn nếu như cha mẹ ở nhà giữ con để cho nó được đi học thì làm sao cha mẹ nó đi lao động được? Mà không đi làm thì lấy gì mà ăn. Đây là một cái vòng luẩn quẩn rất đáng thương và đáng buồn.
![]() |
Một lớp học mẫu giáo của người dân tộc thiểu số tại thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà |
Vì muốn cho người dân tộc thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, nên GP Kon Tum chúng tôi suy nghĩ như sau: các linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ, bằng cách nào đó mở nhiều nhà trẻ tại các làng, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Điều này rất ích lợi cho những người cha, người mẹ và các trẻ em người dân tộc.
Vậy nên chúng tôi đã mở được một số nhà trẻ trong các làng dân tộc, tuy rằng nó không lớn và quy mô. Các nhà trẻ do chúng tôi mở ra tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng đã đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân trong làng. Nhất là khi trẻ em được chính các cô giữ trẻ là người dân tộc của làng chăm sóc. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì như thế này: Chính những người dân tộc trong làng đảm nhận trách nhiệm giữ trẻ em trong làng của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng, vì nó phù hợp với tâm lý và não trạng của các em. Thế nhưng phải làm cách nào để người trong làng biết cách giữ trẻ em ở trong làng của mình?
|
Những đứa trẻ nào được ở trong nhà trẻ thì rất mạnh khỏe và trí não phát triển tốt |
Tổ chức cho người giữ trẻ đi học các khóa giữ trẻ
Chúng tôi cho những người giữ trẻ được đi học thêm về cách thức giữ trẻ, về cách gìn giữ vệ sinh, về chế độ ăn uống, và nhận thấy rằng những đứa trẻ nào được ở trong nhà trẻ thì rất mạnh khỏe và trí não phát triển tốt, vì các trẻ em đó được:
- Ăn uống đầy đủ, theo đúng chế độ dinh dưỡng.
- Có nước sạch để uống và tắm rửa.
- Có nhiều đồ chơi để phát triển trí thông minh.
- Dạy cho các trẻ sống đời sống tập thể, yêu thương nhau, đối với người dân tộc thì điều này rất dễ tập.
- Dạy cho các trẻ em tập nói tiếng Việt, hát những bài hát tiếng Việt, dạy các trẻ em sống theo kỷ luật của trường, lớp.
- Các cô giữ trẻ phải biết chữa những bệnh thông thường cho các trẻ em như cảm, nóng sốt, tiêu chảy, bị trầy xước ngoài da do chơi đùa nghịch ngợm... Khi nào có bác sĩ, thầy thuốc hay y tá đến khám chữa bệnh cho các em thì cô giữ trẻ phải biết lo cho các em được khám và chữa bệnh.
![]() |
Nhờ được học thêm về cách giữ trẻ, hơn nữa các cô giữ trẻ lại là người dân tộc trong làng nên đã làm rất tốt công việc này. Các cô có trách nhiệm và biết yêu thương trẻ em. Hầu hết các em ở trong các nhà trẻ tại làng đều khỏe mạnh. Các em được học tiếng Việt nên biết nói tiếng Việt, rồi học kỷ luật và biết giữ kỷ luật của trường, của lớp. Cho nên, khi nào các em vào cấp Một thì dễ dàng thích ứng với những kỷ luật của trường, lớp với các bạn học người Kinh. Các em đó không bị lúng túng bỡ ngỡ khi hòa nhập với những học sinh người Kinh.
Đã từ lâu người dân tộc nhận được rất nhiều những giúp đỡ và sự chú tâm lo lắng chăm sóc của nhiều cấp chính quyền và các linh mục, tu sĩ tại giáo phận Kon Tum, nhất là các nữ tu ở những vùng xa xôi. Chính các vị này đã không quản ngại gian khố để giúp cho họ về mọi mặt, nhất là về y tế và giáo dục. Người ta có thể CHO mà không THƯƠNG, nhưng người ta không thể THƯƠNG mà không CHO. Chữ THƯƠNG ở đây và trường hợp này là cần thiết, rất cần thiết!
Điều đáng mừng là càng về sau này, người dân tộc không còn bị chết trẻ nhiều, cũng không yếu đau bệnh tật nhiều như thời trước. Cho nên trẻ em người dân tộc đông là như vậy đó. Nhưng họ lại gặp nhiều khó khăn trong việc làm sao kiếm đủ lương thực để nuôi con, lo cho con đi học. Khi con cái hay người nhà bị bệnh thì phải có tiền để lo chữa trị cho người bệnh. Công việc của chúng ta bây giờ là giúp đỡ họ bằng mọi cách với khả năng có thể. Như vậy là đã thể hiện được tình yêu thương đồng loại, yêu thương người nghèo khó, bệnh tật. Nếu được như thế là chúng ta đã sống theo Tin Mừng Phúc Âm của Chúa.
![]() |
Nhà trẻ ở làng Ea Luh |
Nhờ ơn Chúa thương ban cho đất nước Việt Nam nói chung và giáo phận Kon Tum nói riêng. Qua sự truyền giáo của các linh mục thừa sai ngày xưa, nên ngày hôm nay giáo phận Kon Tum đã có những con số thật đáng mừng. Chúng con muôn vàn cảm tạ ơn Chúa, nguyện xin Chúa cho số giáo dân người dân tộc và người Kinh ngày càng tăng, cuộc sống của người dân tộc ngày càng tốt hơn về mọi mặt.
Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.