Chuyển tải Tin Mừng qua nghệ thuật chèo

Sứ vụ loan báo Tin Mừng gắn liền với hội nhập văn hóa là một yêu cầu cấp thiết của công cuộc truyền giáo. Năm 2009, khi mới về nhậm chức Giám mục giáo phận Thái Bình, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ đã chú trọng đến nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Thái Bình, mảnh đất nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo. Và rồi không lâu sau, ngài đã cho chuyển thể những trích đoạn Kinh Thánh từ trang sách vào nghệ thuật sân khấu chèo.

Nghệ sĩ, soạn giả chèo Bùi Văn Nhân

Ý TƯỞNG ÐẦU TIÊN

Ðức cha Phêrô cho biết : “Quê lúa Thái Bình là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa dân gian, lễ hội đặc trưng Bắc bộ, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến chèo. Mình là người Công giáo phải tận dụng mọi phương tiện để chuyển tải Lời Chúa, ở mảng này cách làm là chọn một số trích đoạn Tin Mừng rồi mời soạn giả Bùi Văn Nhân viết lại cho phù hợp với làn điệu chèo truyền thống”.

Chèo là loại hình sân khấu lâu đời mang đặc điểm diễn kể dân gian kết hợp nghệ thuật hát, múa, cử bộ rất hài hòa. Tuy nhiên, không sử dụng lại một cách nguyên bản, Ðức cha cho lược bỏ hết mấy đoạn ngân nga quá dài, chủ yếu sử dụng các đoạn hội thoại, một vài câu thơ, đưa những nét tinh túy của chèo vào Tin Mừng. Ðến bây giờ, sau khoảng một thập niên, đã có hơn 10 vở chèo Tin Mừng được thuê nghệ sỹ chèo thu âm sẵn, mỗi lần biểu diễn, diễn viên chỉ cần nghe và tập theo.

Đoàn chèo Thái Bình giao lưu tại GP Thanh Hoá

Vậy làm thế nào chọn những câu chuyện Kinh Thánh phù hợp để chuyển thể qua chèo? Cha Gioan Chu Văn Yên, Văn phòng Tòa Giám mục giải thích : “Ðích thân Ðức cha Phêrô lựa chọn những đoạn Kinh Thánh để chuyển thể dựa vào chủ đề mục vụ của từng năm. Như năm ngoái về đề tài gia đình thì có vở chèo “Tiệc cưới Cana”. Soạn giả Bùi Văn Nhân, người viết kịch bản, tuy không phải người Công giáo nhưng lại rất có thiện cảm với đạo. Mỗi lần soạn xong một vở ông đều mang đến nhờ Ðức cha xem để điều chỉnh cho phù hợp. Rất tiếc là ông đã mất đột ngột vào tháng 6 năm vừa rồi”.

Nghệ sĩ, soạn giả chèo Bùi Văn Nhân (1952 - 2017) là nhạc công nhà hát chèo Thái Bình, soạn giả viết lời cho chèo. Ngoài ra ông còn là cộng tác viên thân thiết của Ðài PT - TH Thái Bình và chương trình dân ca và nhạc cổ truyền Ðài TNVN.

Việc sáng tác, chuyển thể kịch bản từ Kinh Thánh qua nghệ thuật chèo phải dựa vào những đặc trưng nghệ thuật của chèo, làm sao để có thể viết những lời văn giàu tính nhạc điệu, dễ dẫn lối để vào ca. Bên cạnh đó, cũng có những nét khác biệt. Nghệ sĩ chèo Vũ Hằng Nga, Phó giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình, người cùng với cố soạn giả Văn Nhân đã cộng tác với Ðức cha Phêrô trong việc chuyển Tin Mừng qua ngôn ngữ chèo nói về kỹ thuật : “Khác nhau là văn viết. Nhưng khi chuyển thể một tích truyện sang hoạt cảnh chèo, phải chuyển từ văn nói sang văn xuôi và chuyển thành lời thông qua các làn chèo cổ, dựa vào hoàn cảnh, tính cách của nhân vật. Sử dụng diễn xướng, hát múa đều mang đúng tính chất chèo cổ không pha các chất liệu dân ca khác vào. Bên cạnh đó, khác với các hoạt cảnh chèo bình thường là các nhân vật trong cốt truyện phải đọc tên theo phiên âm nước ngoài”. Bố cục của hoạt cảnh tùy thuộc theo từng tích và trò. Tích là cốt truyện kể bằng văn học, chủ yếu là văn biền ngẫu; còn trò là nghệ thuật diễn đạt cốt truyện đó trên sân khấu. Có hoạt cảnh hai chú hề dẫn chuyện xuyên suốt hoặc hát múa dẹp đám rồi vào tích truyện. Âm nhạc dùng trong chèo hoàn toàn là nhạc cụ dân tộc, giúp cho tích trò phong phú, mang đậm bản sắc và đặc trưng của bộ môn chèo.

ÐƯA ÐẠO VÀO ÐỜI

Nếu như ở Nam Bộ, cha Phêrô Phan Thanh Ðiềm (Gx Phú Vĩnh - GP Long Xuyên) đã từng cho tổ chức diễn nguyện Giáng sinh bằng cải lương, loại hình nghệ thuật đặc trưng của đất phương Nam rất được “lòng” bà con, thì khi có dịp hiện diện tại Tòa Giám mục Thái Bình xem các bạn trẻ tập diễn vở chèo “Tiệc cưới Cana”, tôi mới phần nào cảm nhận được nét độc đáo của loại hình nghệ thuật chỉ có ở miền Bắc này. Bình thường, mỗi khi muốn đọc Kinh Thánh là phải mở sách ra đọc từng chữ. Bây giờ được nghe Tin Mừng ngay trên sân khấu, bao nhiêu thần ý được lột tả bằng chất liệu âm nhạc dân gian, với điệu gõ, tiếng nhị, tiếng sáo, tiếng trống… hùng hồn mà cũng không kém phần sâu lắng hệt như một bài thơ.

Những vở chèo đã được chuyển thể:

Tổ phụ Ápraham; Truyền tin cho Ðức Maria; Cuộc đời Chúa cứu thế; Ðức tin viên Ðại đội trưởng; Tiệc cưới Cana; Người cha nhân hậu; Ðức Mẹ thăm viếng bà Êlisabet; Ðức tin của thánh Phaolô - Vị tông đồ dân ngoại; Người Samaritano nhân hậu; Vụ án bà Susanna.

Ðoàn chèo của Thái Bình được thành lập theo lời mời gọi của vị chủ chăn giáo phận. Thành phần trong đoàn là những diễn viên không chuyên đến từ giáo xứ nhà thờ Chánh tòa, sinh viên Công giáo của các trường Cao đẳng, Ðại học trong tỉnh và có cả những tu sinh... Những anh chị em này tham gia vào đoàn với tư cách là những tông đồ truyền giáo, mang khả năng của mình qua những lời ca tiếng hát để chúc tụng ngợi khen Chúa.

Tùy theo từng hoạt cảnh mà vở chèo có thời gian diễn dài hay ngắn. Có những ca cảnh nhỏ, bài hát, làn điệu chỉ diễn 5 phút; cũng có những hoạt cảnh diễn 15, 30 đến 60 phút. Ðạo diễn dàn dựng cho những vở chèo này là nghệ sĩ Hằng Nga kể ở trên. Chị cho biết, do đa số là diễn viên không chuyên nên phải hướng dẫn tận tình, chỉ từng chút một. Kịch bản được thu sẵn, các bạn chỉ cần diễn theo, cốt làm sao diễn tả điệu bộ tay chân, nét mặt thật tự nhiên, nhuần nhuyễn, vì nếu không sẽ “khớp” và “đơ”. Bạn Phạm Quang Huy (ÐH Thái Bình) thổ lộ:“Lần đầu mới tham gia diễn tập còn ngượng nghịu, tay chân lóng ngóng, phải học thuộc lời thoại để diễn cho tự nhiên, đúng với tính cách nhân vật. Càng tập, càng diễn Lời Chúa lại càng thấm vào lòng mình”.Còn bạn Nguyễn Văn Tuấn (Gx Nguyệt Lãng) thì tỏ ra khá thích thú bởi không ngờ làn điệu chèo quê mình có thể chuyển tải được Tin Mừng. Cha Giuse Trịnh Tiến Thành, Giám đốc Nhà Chung thông tin thêm:“Những vở chèo đã được “nhập thể” Tin Mừng này sẽ được biểu diễn vào những dịp lễ lớn của giáo phận như Giáng sinh, Phục sinh, Tết, Ðại hội giới trẻ hoặc những kỳ Thái Bình đăng cai họp HÐGMVN… Ngoài ra, những khi đi kinh lý ở các giáo xứ, Ðức cha cũng thi thoảng mang theo ban văn nghệ, trong đó có đội chèo để biểu diễn, vừa là cách mang lại niềm vui đơn sơ cho giáo dân, cũng là hình thức truyền giáo”.

Mặc dầu là người không Công giáo nhưng gắn bó với đoàn chèo Thái Bình gần 10 năm qua, nghệ sĩ Hằng Nga cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể mang làn điệu chèo đến cho đồng bào Công giáo: “Giáo phận trong nhiều năm qua được giáo dân yêu mến và say sưa với các hoạt cảnh chèo Tin Mừng, do người Thái Bình được nuôi dưỡng từ trong cái nôi của chèo. Từ các tiết mục được dàn dựng và biểu diễn một cách nghệ thuật, lại mang tính giáo dục cao, tôi hy vọng sẽ góp phần giúp cho giáo dân sống đạo vui và nhẹ nhàng hơn”. Không những chị mà cả chồng chị là nghệ sỹ Văn Tuấn, giảng viên bộ môn nghệ thuật chèo cũng phụ với chị dàn dựng cho mấy vở chèo của giáo phận khi có sự kiện lớn. Nhận xét về những đóng góp của nghệ sĩ Hằng Nga và các bạn trẻ, cha Micae Nguyễn Văn Ðô, đặc trách giới trẻ của Tòa Giám mục cảm kích: “Chị Nga là người ngoại giáo nhưng rất yêu mến đạo Công giáo, nhiệt tình cộng tác với giáo phận trong việc chuyển tải Lời Chúa vào làn điệu chèo. Khi thực hiện chị rất chỉn chu câu chữ để không làm mất đi nội dung Tin Mừng và tính nghệ thuật của chèo. Các bạn trẻ thì khỏi nói, rất năng động, nhiệt thành hưởng ứng lời mời gọi của Ðức cha Phêrô, nên dù bận việc học vẫn hy sinh không quản ngày đêm để luyện tập”.

Như vậy, sự tâm huyết của vị chủ chăn giáo phận Thái Bình - Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ - trong việcđưacác giá trị Tin Mừng vào đời sống đạo của bà con qua chính hình thái văn hóa của họ đã bước đầu gặt hái được những hoa trái. Bằng việc cho chuyển tải Lời Chúa qua nghệ thuật chèo, ngài vừa giúp bảo tồn một nét văn hóa dân gian độc đáo, vừa thúc đẩy công cuộc truyền giáo một cách tinh tế và đa dạng. Chính điều này đã làm cho niềm tin Kitô giáo bén rễ nơi bổn đạo mới và phục hồi đức tin nơi những tâm hồn nguội lạnh.

NGỌC LAN

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Các linh mục hưu TGP TPHCM sắp có nhà tĩnh dưỡng mới
Các linh mục hưu TGP TPHCM sắp có nhà tĩnh dưỡng mới
Sáng 20.4.2024, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã dâng thánh lễ và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Tĩnh dưỡng Chí Hòa.
Đa dạng các hoạt động trong ngày  cầu nguyện cho ơn thiên triệu
Đa dạng các hoạt động trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu
Ngày lễ Chúa Chiên Lành, các giáo phận đã tổ chức nhiều hoạt động cổ vũ ơn gọi, để cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ, đồng thời giới thiệu những nét đẹp của đời thánh hiến đến các bạn trẻ.
Nhiều ý kiến quanh quy định thủ tục hôn nhân tại các giáo phận
Nhiều ý kiến quanh quy định thủ tục hôn nhân tại các giáo phận
Thông tin Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa ra các quy định về thủ tục hôn phối cho các giáo phận trong toàn quốc nhanh chóng lan tỏa, thu hút nhiều thành phần quan tâm...
Các linh mục hưu TGP TPHCM sắp có nhà tĩnh dưỡng mới
Các linh mục hưu TGP TPHCM sắp có nhà tĩnh dưỡng mới
Sáng 20.4.2024, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã dâng thánh lễ và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Tĩnh dưỡng Chí Hòa.
Đa dạng các hoạt động trong ngày  cầu nguyện cho ơn thiên triệu
Đa dạng các hoạt động trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu
Ngày lễ Chúa Chiên Lành, các giáo phận đã tổ chức nhiều hoạt động cổ vũ ơn gọi, để cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ, đồng thời giới thiệu những nét đẹp của đời thánh hiến đến các bạn trẻ.
Nhiều ý kiến quanh quy định thủ tục hôn nhân tại các giáo phận
Nhiều ý kiến quanh quy định thủ tục hôn nhân tại các giáo phận
Thông tin Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa ra các quy định về thủ tục hôn phối cho các giáo phận trong toàn quốc nhanh chóng lan tỏa, thu hút nhiều thành phần quan tâm...
Hội đồng Giám mục Việt Nam Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn giáo hội tại Việt Nam
Hội đồng Giám mục Việt Nam Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn giáo hội tại Việt Nam
Để giúp các mục tử và các đôi bạn chu toàn thủ tục hôn phối theo giáo luật và phù hợp với thực tế, trong Hội nghị kỳ 1/2024 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long, Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành quy định về thủ...
Những quyết định mới của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Những quyết định mới của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tại kỳ họp thường niên lần thứ 1/2024 tại giáo phận Vĩnh Long, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bàn thảo và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống Giáo hội.
Truyền chức Phó tế tại Tổng Giáo phận Hà Nội
Truyền chức Phó tế tại Tổng Giáo phận Hà Nội
Tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội vào sáng ngày 23.4.2024, Đức Tổng Giám mục TGP Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên đã chủ sự thánh lễ truyền chức Phó tế cho 20 chủng sinh của TGP.
Hạt Gia Định huấn luyện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ
Hạt Gia Định huấn luyện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ
Các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ thuộc hạt Gia Định, TGP TPHCM tham dự khóa huấn luyện Hội đồng Mục vụ giáo xứ.
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.