Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, 2023 07:06

Có Chúa luôn đồng hành

 

Sau Phục Sinh, đây là bài diễn từ chia tay rất ngắn của Đức Chúa Giêsu, tại Galilê, miền đất thường được gọi là “ngã tư của dân ngoại” hoặc “Galilê của các dân tộc”, vì từ nay về sau, sứ vụ của các môn đệ liên quan đến tất cả mọi dân tộc trên thế giới.

 

1.

 Tin Mừng Mátthêu tường thuật vắn gọn, nhưng thật ra, cuộc phiêu lưu đang bắt đầu. Tất cả xảy ra như trong một cuộn phim, trong đó từ “kết thúc” lại mở ra một con đường vô tận mà Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi: Thế giới mênh mông và thời gian bất tận: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất”.

Lệnh truyền này thật lạ lùng, vì hình như các môn đệ chưa được chuẩn bị chu đáo cho sứ mạng đặc biệt quan trọng này; vì dù sống bên cạnh Đức Chúa Giêsu ba năm, nhưng các ông chưa hiểu biết tường tận giáo huấn của Người, cũng như chưa tiếp thu cách tốt nhất chương trình đào tạo của Người. Thực tế cho ta thấy rõ điều đó vì có mấy ông lại hoài nghi, như Mátthêu kể lại.

 

2.

 Sứ vụ Đức Chúa Giêsu giao phó cho các môn đệ là một công việc đầy rủi ro, vì phải phổ biến trên toàn thế giới một sứ điệp vẫn còn đang làm cho các ông kinh ngạc.

“Rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ! Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài  người” (1Cr 1,23-25).

Như vậy, công việc Người giao không phải tầm thường, vì vượt quá tất cả những gì trí khôn con người có thể tưởng tượng ra được, đó là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Ngài đã đem lửa đến trần gian giao cho các môn đệ trách nhiệm làm cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

 

3.

 “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Thường chúng ta không có dịp dừng lại để suy niệm về công thức quan trọng nhất của niềm tin chúng ta, trình bày về mầu nhiệm Ba Ngôi. Kiểu nói “nhân danh” rất quen thuộc trong Thánh Kinh, có nghĩa là nói đến một Thiên Chúa duy nhất, trong Ba Ngôi riêng biệt.

“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nếu chúng ta nhớ rằng trong Thánh Kinh, tên chính là người, và thanh tẩy là dìm xuống, điều đó muốn nói rằng phép rửa dìm ta trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta thấy lệnh truyền của Đức Chúa Giêsu có tính khẩn cấp: “Vậy anh em hãy đi!”. Làm thế nào mà không vội vã được, khi biết rằng nhân loại sẽ được hưởng lợi rất nhiều do lệnh truyền này!

Đồng thời, cần phải nhớ rằng công thức này rất đỗi quen thuộc đối với chúng ta hôm nay, nhưng vào thời của Đức Chúa Giêsu, đó là một cuộc cách mạng! Bằng chứng là khi hai ông Phêrô và Gioan chữa lành cho một người què tại cửa Đẹp của Đền thờ Giêrusalem (Cvtđ 3&4), các thủ lãnh người Do Thái lập tức chất vấn họ: “Nhờ quyền năng nào hay  nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?” (Cvtđ 4,7). Không được phép kêu cầu danh nào khác ngoài danh Thiên Chúa. Đức Giêsu nói rõ về Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi riêng biệt. Sự không hiểu biết của người Do Thái dẫn đến sự bách hại các Kitô hữu là điều không thể tránh khỏi: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa, nghĩa là tưởng mình bảo vệ danh dự của Thiên Chúa. Và Đức Giêsu nói thêm: Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha, cũng chẳng biết Thầy” (Ga 16,2-3).

 

4.

 Nhiệm vụ Đức Chúa Giêsu giao cho các môn đệ bề ngoài có vẻ điên rồ, nhưng chúng ta đừng quên rằng, các ông không hề đơn độc mà có Chúa luôn đồng hành. Do đó, không có gì phải lo lắng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi!”. Nói cách khác, chính chúng ta đi, nhưng chính Đức Giêsu là Đấng làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng thành công mỹ mãn.

Người ta kể rằng, vài ngày sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, một người bạn của Đức Gioan XXIII nói với ngài: “Trách nhiệm của ngài nặng quá!”. Đức Gioan XXIII trả lời: “Thật ra, buổi tối khi đi ngủ, tôi suy nghĩ Angelo, mi là Giáo Hoàng, suy nghĩ đó làm tôi mất ngủ; nhưng chỉ vài phút sau, tôi tự nhủ Angelo, mi ngốc quá, người chịu trách nhiệm chăm sóc Giáo hội, không phải là mi, mà là Chúa Thánh Thần, và khi trở mình sang phía bên kia, tôi ngủ ngon lành”. Chúng ta cũng vậy, mỗi người có thể ngủ ngon giấc khi xác tín: rao giảng Tin Mừng là bổn phận của bản thân, nhưng đừng lo âu vì Đức Chúa Giêsu đã nói “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”.

 

5.

 Nếu đứng riêng một mình, câu nói trên là một bản tóm tắt tuyệt vời về cuộc đời của Đức Giêsu. Mátthêu cho biết việc này xảy ra trên một ngọn núi, người ta không biết là ngọn núi nào, nhưng chắc chắn là gợi nhớ đến núi Cám Dỗ và núi Hiển Dung. Trên núi Cám Dỗ, Đức Chúa Giêsu đã từ chối không nhận quyền của ai khác ban cho ngoài quyền của Chúa Cha ban cho Người trên tạo vật. “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó nếu ông sấp mình bái lạy tôi. Đức Giêsu liền nói: Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,8-10). Quyền bính này Đức Chúa Giêsu không thể nhận của bất kỳ ai hoặc mua được, mà do Chúa Cha ban cho Người.

 

6.

 Từ nay về sau, quyền bính này ở trong tay chúng ta! Ta phải tin lời Chúa phán: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi! Và đây, Thầy sẽ ở cũng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Thiên Chúa Hằng Hữu, đã mặc khải cho Môsê trong bụi gai cháy lửa, Đấng Emmanuen (nghĩa là Thiên Chúa - ở - cùng - chúng - ta) mà Isaia đã tiên báo... chỉ là một trong Thánh Thần Tình yêu liên kết Ba Ngôi với nhau. Phần chúng ta là phải công bố cho thế giới biết sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Lm Inhaxiô Hồ Văn Xuân - TGP TPHCM

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm