Thứ Năm, 19 Tháng Chín, 2019 15:43

Cô giáo hưu và gian hàng quần áo 0 đồng

 

Cách trung tâm TPHCM khoảng 17 cây số, không dễ kiếm với ai mới đến lần đầu, sau một hồi vòng vèo hỏi thăm người bên đường, chưa gặp nhân vật chính nhưng chúng tôi đã biết cô rất được bà con quý mến vì ai cũng sốt sắng chỉ dẫn: “Cô giáo Ước có gian hàng quần áo đồng giá 0 đồng cho người nghèo phải không? Cứ cặp thẳng con đường này, hướng về nhà thờ Tân Ðông hỏi tiếp sẽ gặp”.

 

Thực hiện tâm nguyện của cha

Mất cha từ thời thiếu nữ, khi còn đang học lớp 12, đến nay về hưu, không còn dạy tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ðông Thạnh, Hóc Môn), cô Anna Nguyễn Thị Ước - giáo dân xứ Tân Ðông, hạt Hóc Môn - vẫn chưa một ngày quên di huấn mà cha để lại: “Ông cụ nhà tôi sinh được nhiều người con trai, nên chỉ ước có một đứa con gái, khi mình chào đời cụ đặt luôn tên là Ước. Vì là con gái duy nhất nên cụ hết mực thương yêu và dạy dỗ. Mấy chục năm cha khuất bóng, chưa bao giờ tôi quên tâm nguyện ông để lại. Một là ông muốn mình vào học trường trung học sư phạm. Hai là mong mình đi tu. Cuối cùng là mong con gái trở thành y tá”. Như một thước phim quay chậm, cô Ước hồi tưởng.

 Giờ đây cô giáo Ước sống bằng kỷ niệm, vui với đời, với người qua những chuyến xe nghĩa tình đến cùng nhiều mảnh đời kém may mắn

 

Cha qua đời để lại đàn con cùng mẹ già. Nhớ thương cha, trong khó khăn, cô lại càng rèn luyện ý chí, vươn lên bằng con đường học vấn để thực hiện di nguyện thứ nhất của cha: “Tôi tốt nghiệp trung học sư phạm, sau một thời gian đi dạy, lập gia đình rồi sanh hai con, tôi bắt đầu học tiếng Anh, sau đó học chuyên tu bốn năm cử nhân Tiểu học. Nghỉ ngơi một thời gian ngắn, tôi lại tiếp tục theo học cử nhân Luật. Khi tạm xa giảng đường cũng là lúc tôi vào tuổi 45”. Tự nhận đời mình có những lúc “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, nhưng hầu như mọi biến cố trong cuộc đời, cô luôn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người mà không thể báo đáp cách trực tiếp. Vì thế, người phụ nữ này chọn cách cho đi, chia sẻ với người thiếu thốn trong khả năng của mình. Dù phải xin lỗi cha vì không thể trở thành một nữ tu, nhưng cô tin cha rất vui khi con gái làm những việc có ích, trả ơn cuộc đời.

Trò chuyện với người phụ nữ này, chúng tôi cảm nhận tinh thần bác ái được nhen nhúm nơi cô từ khi còn rất trẻ. Cô bảo ai cũng có cái để sẻ chia, miễn là mình thành tâm. Vậy nên, khi còn trẻ, chưa có nhiều điều kiện thì cô giúp sức, cùng bạn bè tham gia vào các nhóm thiện nguyện đi phát tâm ở bệnh viện hay lăn xả trên những chuyến xe đến ủy lạo vùng xa, hoặc hỗ trợ xây cầu cùng bằng hữu bên tôn giáo bạn. Chính những chuyến đi xa giúp cô nảy ra suy nghĩ: “Sao mình không làm việc thiện ngay tại nhà?”.

 

Ði để trở về

Nghĩ là làm, tháng 4.2017, gian hàng 2k - Từ tâm (2k: 2.000) gồm quần áo, giày dép, sách vở cho người lao động khó khăn ra đời tại nhà riêng của cô ở ấp 4, xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ðích thân người phụ nữ này đi xin từng món đồ, khi thì ở quận 4, lúc lại ở Nhà Bè… Hễ ở đâu có người cho, cô lại chạy xe đến chở về rồi phân loại, giặt giũ sạch sẽ, làm xong thì trời đã về khuya nhưng trong lòng lại cảm thấy hân hoan vì làm điều có ý nghĩa. Ban đầu cô xin của người thân, bạn bè, đồng nghiệp; dần dần việc tốt lan tỏa, nhiều người nghe tiếng tự chở đồ đến ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, hàng xóm gần nhà chia sẻ: “Từ ngày mở gian hàng này thấy cô Ước cứ đi tới đi lui xin đồ về cho người nghèo, bao đồ phía sau còn bự hơn cả người cô. Thấy vậy mọi người cũng phụ vô một tay, giúp được gì thì giúp”.

“Từ ngày mở gian hàng này, cổ cứ đi tới đi lui xin đồ về cho người nghèo, bao đồ phía sau còn bự hơn cả người cổ”

 

Gian hàng từ tâm những ngày đầu mở bán với giá tượng trưng chỉ 2.000 đồng, số tiền này cô Ước gom lại dùng để mua gạo, nhu yếu phẩm thực hiện những chuyến từ thiện ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Sau biến cố cháy rụi toàn bộ căn nhà vào tháng 9.2018, tài sản không còn gì, nhưng lại được nhiều tấm lòng tương trợ để dựng lại nhà cửa, cô cảm nhận được không có bất kỳ vật chất nào có thể sánh được với tình nghĩa và sự sẻ chia. Nghĩ vậy, cô liền “hạ giá” xuống 0 đồng để người nghèo tiết kiệm thêm một khoản chi phí và để đưa những hồng ân Chúa trao ban cho mình đến nhiều người hơn nữa.

Bình thường, gian hàng mở cửa hằng ngày từ sáng tới tối. Nhiều công nhân, người lao động thu nhập thấp đi làm về tranh thủ ghé vào lựa chọn cho mình vài vật dụng cần thiết. Chị Nguyễn Thanh Hoa kể lại: “Tôi quê ở miền Trung vào đây không có công việc ổn định, làm việc thu mua ve chai, thu nhập bấp bênh nên thỉnh thoảng ghé qua đây chọn vài món đồ về dùng. Nhờ có gian hàng này mà tôi cũng tiết kiệm được một khoản chi tiêu nho nhỏ”.

Quyết định về hưu sớm khi không còn quá lo toan về vật chất, cô Ước hướng đến những giá trị tinh thần. Ngoài gian hàng từ tâm, với sự chung tay góp sức của nhiều người, thỉnh thoảng cô lại lên đường đến với người nghèo ở vùng sâu. Và như một cách hoàn thành tâm nguyện của cha, dù chẳng trở thành một y tá nhưng không biết bao nhiêu lần cô đã hiến máu nhân đạo để cứu người, và chờ ngày hiến xác cho y học khi được Chúa gọi về.

Bao nhọc nhằn đã qua đi, bước vào buổi hoàng hôn cuộc đời, giờ đây cô giáo Ước sống bằng kỷ niệm, vui với đời, với người, qua những chuyến xe nghĩa tình đến cùng nhiều mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.

 

NGỌC LAN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm