Từ chỗ là người theo Phật giáo, bà Ngô Thị Hai, một trong bốn nữ điều dưỡng đầu tiên của Việt Nam đã bén duyên cùng đạo Chúa nhờ môi trường công việc hằng ngày. Hiện bà là tín hữu thuộc giáo xứ Thánh Jeanne d’Arc (hay thường gọi là họ đạo Ngã Sáu), một con chiên nhiệt thành, không ngừng dấn thân.
Chiều chiều, trong tiếng kinh nguyện râm ran, dáng bà Hai nhỏ nhắn, mái đầu đã phai màu vì gió sương chậm rãi lần bước vào ngôi thánh đường. Linh mục chánh xứ Giuse Vũ Minh Thùy cho biết: “Hầu như ngày nào bà Hai cũng tham dự thánh lễ, chỉ những hôm đau bệnh mới vắng mặt. Không chỉ vậy, dù cao tuổi nhưng mỗi khi có thể, bà đều tham gia công việc chung. Còn nhớ buổi lễ Giáng Sinh năm 2016, bên cạnh các anh, các chị hát ca đoàn, tôi thấy bà vẫn nhịp nhàng kéo vĩ cầm đệm cho mọi người mà thật cảm phục”. Đến nay, dù đã qua tuổi 100 nhưng bà vẫn là một giáo dân luôn sống cùng, sống với nhịp thở của họ đạo sau khi đã đồng hành qua bao mùa mưa nắng.
Bà dùng tiếng đàn để ủi an người đau yếu và phục vụ xứ đạo - ảnh Trinh Huệ |
Trong căn nhà nhỏ xinh, bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời. Chào đời năm 1916 trong một gia đình nghèo theo Phật giáo ở xứ dừa Bến Tre, cuộc sống của bà vốn tưởng sẽ giống như bao người nữ khác: lấy chồng, sinh con, chăm lo gia đình... Nhưng, khi học hết lớp đệ tứ (lớp 9), dưới sự hướng dẫn và khuyến khích của người cha, bà khăn gói một mình lên Sài Gòn ở nhờ nhà người quen để học tiếp. Sau đó, bà đăng ký vào Trường Y tá của Hội Chữ Thập đỏ Pháp (Ecole d’Infirmière de la Croix Rouge Française) do các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn quản lý. Dưới mái trường này, bà và 3 cô bạn cùng khóa được học những kiến thức về nghề điều dưỡng, một nghề mà lúc ấy thường chỉ dành cho nam giới. Cũng tại đây, khi nhìn thấy bạn bè xung quanh đến nhà thờ, học giáo lý, và được chứng kiến những việc làm vị tha nhân của các nữ tu, trong lòng cô gái trẻ được khơi lên sự tò mò, muốn hiểu hơn về đạo Công giáo.
Năm 24 tuổi, bà ra trường và làm việc tại bệnh viện Lalung Bonnaire (nay là bệnh viện Chợ Rẫy). Càng tiếp xúc với những con người đang phải chống chọi với bệnh tật, bà lại càng thêm thấu cảm nỗi đau của họ và thêm yêu công việc của mình.“Thực ra lúc mới đi làm, tôi cũng e ngại lắm, nhưng rồi xem các sơ dòng Nữ Tử Bác Ái tận tình lo cho người bệnh, chăm sóc họ chẳng hề quản công, mình thấy cảm động và bắt chước. Cứ vậy, qua mỗi ngày lại thấy hăng hái và gắn bó với nghề hơn”,bà nhớ lại. Lúc ấy, bà được gặp linh mục phó xứ Phanxicô Xaviê Giuse Bùi Văn Nho (sau này là cha chánh xứ Jeanne d’Arc), khi ngài thường vào bệnh viện để thăm viếng, an ủi và ban bí tích cho các bệnh nhân. Thế là với những điều đã được biết, cộng thêm sự thôi thúc của con tim, bà quyết định học giáo lý và gia nhập đạo Chúa, dù gặp sự ngăn trở của hai đấng sinh thành.“Ban đầu tôi bị phản đối dữ lắm, nhưng một thời gian sau cha mẹ tôi cũng nhận bí tích Rửa Tội và thành người Công giáo. Chắc là theo con gái”,bà cười bảo.
Thiên Chúa điểm tựa tinh thần của bà - ảnh: Mai Lan |
Vào những năm 1950, khi Ban Giám đốc bệnh viện chuẩn bị thành lập trường đào tạo điều dưỡng nữ, bà được cử sang Canada du học chuyên ngành điều dưỡng ngoại - nội khoa để sau này về nước giảng dạy. Cùng với kiến thức chuyên môn, bà còn được dạy thêm về chế độ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe của chính bản thân. Với tất cả những gì đã học được, đặc biệt là về kỹ thuật vô trùng, bà mang về ứng dụng thực tế ở Việt Nam để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và truyền lại tri thức cho những thế hệ tiếp theo. Chẳng biết tự khi nào, cái tên “cô Hai vô trùng” trở thành biệt danh của bà. Trong ấn tượng của bao lớp học trò, “cô giáo Hai” nghiêm khắc nhưng tận tâm và luôn sẵn sàng cho đi tất cả kinh nghiệm bản thân. Đó đã là một hình ảnh khó phai mờ.
Song song với công việc xã hội, bà cũng nhiệt tình tham gia các sinh hoạt trong xứ đạo. Gia nhập ca đoàn giáo xứ Ngã Sáu, bà học chơi vĩ cầm với cha sở Giuse Nho. Lúc đã thuần thục, ngoài thời gian ở bệnh viện, bà dành những ngày nghỉ để tập luyện, đệm đàn trong thánh lễ. Bà còn cùng với thành viên ca đoàn đi phục vụ văn nghệ ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Chợ Quán… “Khi đó không có những chương trình hay phương tiện để giải trí như bây giờ, cha Nho dẫn ca đoàn vô bệnh viện đàn hát cho bệnh nhân nghe để giúp họ vui, bớt đau đớn. Sau mỗi chuyến đi, cả đoàn chia nhau miếng bánh, mấy bịch kẹo rồi tập luyện cho đợt sau, vậy mà thích lắm”, bà kể. Những chuyến đi ủy lạo ấy chẳng có bồi dưỡng, cũng chẳng được vinh danh nhưng ai nấy đều sẵn sàng góp sức. Hồi tưởng lại quãng thời gian ngày trước, trong đôi mắt bà như ánh lên ngọn lửa nhiệt thành vẫn luôn cháy mãi từ những ngày thanh xuân. Bà chậm rãi: “Bây giờ già rồi, chẳng còn sức nữa, nhưng nhờ ơn Chúa ban nên tôi vẫn còn được minh mẫn và khỏe mạnh. Vậy nên khi có thể, tôi cố hoạt động cùng mọi người được chút nào hay chút đó cho họ đạo càng thêm phát triển”.
Cô Hai (X) cùng các bạn trong khóa tu nghiệp điều dưỡng tại viện Maiguerite D'Youville Montreal, Canada 1959-1960 - ảnh tư liệu |
Không con cái, không gia đình riêng, bà hiện trú ngụ tại mảnh đất nhỏ ngay phía sau núi Đức Mẹ của nhà thờ để tiện bề đi lễ sớm hôm. Đều đặn 7 giờ tối hằng ngày, bà cùng cộng đoàn giáo xứ dâng lên Mẹ câu kinh, tiếng hát trong niềm an vui sau chuỗi ngày sống và cống hiến hết mình.
MAI LAN
Bình luận