Mái ấm Thiên Ân nằm êm đềm bên con sông nhỏ thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 10 cây số. Nơi đây 14 năm qua là cái nôi nuôi dưỡng và chở che cho hàng trăm cuộc đời bị bỏ rơi.
“Phần lớn các em nhỏ trong mái ấm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chúng tôi mang về từ bệnh viện, đường phố, góc chợ, bên cạnh thùng rác, dưới chân Đức Mẹ trong hang đá nhà thờ… từ khi mới vài ngày tuổi”, bà Rêmi Trần Bạch Yến - Giám đốc mái ấm chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh của những cô nhi mà bà đã hết lòng cưu mang.
Ra đời từ năm 2004, mái ấm là giấc mơ được ấp ủ từ thuở ấu thơ của bà Yến, bởi bản thân bà ngay từ tấm bé đã không được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ cha. “Tôi được các sơ dòng Chúa Quan Phòng nuôi từ nhỏ cho đến trưởng thành. Trong thời gian đi học, tôi phụ với các dì chăm sóc em nhỏ trong cô nhi viện. Cảm nhận được sự thiếu thốn tình thương của bọn trẻ, tôi ước mơ sau này khi có điều kiện sẽ làm được một điều gì đó cho những mảnh đời kém may mắn như tôi xưa…”, bà Yến thổ lộ.
Hiện tại, nơi đây đang nuôi dưỡng 40 em từ 3 - 16 tuổi và gần 20 em từ 17 tuổi trở lên. Những em lớn là sinh viên, hoặc đang học nghề, đi làm thì ở riêng. Tất cả đều được bà Yến và 4 cộng sự tự tay chăm bẵm, giáo dục từ khi còn nằm nôi cho đến lúc lập gia đình. Em nào cũng được học hành tử tế để sau này có nghề nghiệp ổn định, hòa nhập với xã hội.
Quây quần bên bữa ăn ấm tình yêu thương |
Mái ấm được tổ chức theo mô hình trang trại, kết hợp sinh sống, học tập và lao động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài mục đích cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập, đây còn là liệu pháp giúp cho những trẻ em từng bị sang chấn tâm lý dần lấy lại sự bình an và niềm tin vào cuộc sống. Để duy trì hoạt động của cơ sở tình thương này, bà Yến nhờ vào sự chung tay góp sức của những tấm lòng quảng đại từ bạn bè hoặc một vài tổ chức bác ái… Tuy nhiên, từ nhiều năm gần đây, mái ấm vận động sự hỗ trợ chủ yếu tại địa phương. Hằng ngày đều có người trong vùng cho thịt, cá, sữa, xà bông… “Tôi ít khi ở nhà, đi ‘xin ăn’ hoài cô ơi, cũng chẳng xấu hổ gì vì tất cả đều dành để nuôi bọn trẻ”, bà Yến dí dỏm cho hay.
Sinh hoạt thường nhật của bọn trẻ bắt đầu từ 5g30 sáng. Các bé dậy làm vệ sinh, ăn sáng rồi đạp xe đến trường. Cơ sở còn tạo thêm điều kiện cho các em học tăng cường thêm Anh văn và đàn để phục vụ nhà thờ. Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần có các thầy bên Đại Chủng viện Thánh Quí qua hớt tóc, trò chuyện, vui chơi với các em. Một trong những mối bận tâm thường xuyên của những người phụ trách tổ ấm vẫn là giáo dục, bởi các em đều xuất phát từ những hoàn cảnh rất đặc biệt nên tánh tình nhiều khi khó bảo. Vì thế các “mẹ” rất chú trọng đến vấn đề đào tạo nhân bản, không cho chơi game mà chỉ trang bị tivi để bọn trẻ xem những chương trình phù hợp hoặc coi phim về Kinh Thánh. Ngoài ra còn có tủ sách nhỏ để chúng bồi dưỡng tâm hồn, tích lũy kiến thức.
Lũ trẻ sống trong vòng tay bao bọc của bà Yên |
Thỉnh thoảng có một vài đoàn từ thiện đến viếng thăm, trao quà, mang đến sự sẻ chia, chút ấm áp, nhưng dường như từ trong sâu thẳm, những tâm hồn trẻ thơ vẫn mơ về một gia đình có đủ đầy mẹ cha. Bé Đào Thiên Thanh (10 tuổi) bẽn lẽn: “Đến trường, con thấy các bạn được cha mẹ đưa đón đi học mà mắc thèm”.
Thiên Ân khuất dần sau những bờ tre, khóm trúc, từ giã các em, tôi không khỏi bồi hồi. Cuộc sống nơi mái ấm vẫn đang tiếp diễn tốt đẹp, và bọn trẻ, chỉ thiếu vắng đôi chút tình máu mủ, ruột rà, vẫn cứ lớn lên trong sự đùm bọc của các mẹ, trong bầu khí ấm áp tình người…
NGỌC LAN
Bình luận