Những tu sĩ dòng Don Bosco đã đến hiện diện và góp đôi tay để mang thêm sức sống ở vùng đất cồn còn lắm thử thách. Nhiều chương trình đã được mở ra, đã có cả điểm phổ cập cấp tiểu học cho trẻ nghèo trong vùng…
Lớp học đặc biệt
Từ nhà thờ Rạch Giá (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), qua vài tuyến phố trong nội thành, rồi những con đường nhỏ ngoằn ngoèo phía ngoại ô, chúng tôi tìm về ngôi trường tình thương của các tu sĩ dòng Don Bosco. Không như những trường dạy nghề bề thế với hàng trăm học sinh theo học mà nhà dòng đã mở ra ở nhiều nơi, ở đây nhỏ gọn và cũng ít học sinh hơn. Mảnh đất mà trường đang hiện diện thuộc phường Vĩnh Hiệp của thành phố Rạch Giá. Ngày trước, cách đây chỉ vài năm, nơi đây còn là một nơi biệt lập vì là cù lao trên sông. Ðể qua lại đôi bờ, người dân phải đi phà, vì thế cuộc sống cư dân ở cồn còn không ít trắc trở. Cố linh mục chánh xứ Rạch Giá Giuse Nguyễn Văn Việt canh cánh nhiều mối bận tâm nhằm giúp vùng đất biệt lập này phát triển, do đó về sau cha đã mời dòng Don Bosco đến cùng hiện diện.
|
Không chỉ học, các em còn được vui chơi và lớn lên trong sự đồng hành của nhiều người - ảnh: cộng đoàn cung cấp |
Với lợi thế là các trung tâm dạy nghề cho thanh thiếu niên trải dài từ miền Trung vào tận phía Nam, nên hướng đi của cộng đoàn khi đến cũng là mở trường nghề. Năm 2010, Trung tâm dạy nghề Tư thục Ðông Hiệp chính thức hoạt động. Những năm đầu, các lớp học bài bản đã giúp nhiều thanh thiếu niên trang bị cho mình kỹ năng nghề nghiệp để bước vào đời. Tuy nhiên sau vài năm, những rào cản với một trung tâm nghề nơi vùng sông nước dần xuất hiện. Ðầu tiên vì đi phà không thuận tiện qua lại nên nhiều học viên nghỉ giữa chừng, kế đến do gần biển, các em lớn lên thường theo thuyền bè ra khơi kiếm sống chứ ngồi lại dành vài năm để học lấy một cái nghề thì xem ra… không quen. Lớp học vì thế cũng thưa dần.
Trung tâm nghề không còn hữu ích, các tu sĩ Don Bosco không vì thế mà dừng lại, họ tìm hướng đi mới, chuyển qua những công việc mang ý nghĩa tương đương. Rạch Giá là thành phố đang phát triển, số người đổ về tìm kiếm việc làm cũng ngày một đông, trong đó có nhiều gia đình di cư nghèo, lại vì miếng cơm manh áo nên con cái họ không được đến trường. Vậy là từ năm 2013, điểm phổ cập tiểu học ra đời.
Trong mấy gian phòng xây dựng kiên cố, ngày ngày rộn vang tiếng trẻ con đánh vần, học đếm. Ngoài động viên, tâm tình, các thầy còn giúp các em xóa đi tâm lý xấu hổ, ngượng ngùng vì “chưa quen” ngồi trong lớp. Những lớp học ở đây có điểm đặc biệt là sĩ số học sinh không ổn định mà có ngày đông, ngày vắng. Nhiều em phải phụ gia đình đi đánh bắt tôm cá trên sông, bán vé số, lượm ve chai, tới ngày rảnh rỗi thì quay lại lớp. Vậy nên chuyện thầy vừa dạy học, vừa tới lui nhà các em để xin cho chúng đến trường là chuyện như cơm bữa. Qua thời gian kiên trì phổ cập, lũ trẻ dần quen mặt chữ, cứ thế qua năm học sau, các lớp lớn hơn được mở ra. Ðến cuối năm học này, khóa lớp 5 đầu tiên cũng sẽ ra trường.
|
Lớp học đơn sơ và nhỏ nhắn nhưng từ đây, nhiều em đã được học chữ và học làm người - ảnh: Đình Quý |
Tay nắm lấy tay
Không những học phí được miễn phí hoàn toàn, học sinh còn được hỗ trợ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, cả quà tình thương khi các thầy nhận được sự trợ giúp từ ân nhân nào đó. Ðến lớp đều là các em có hoàn cảnh đặc biệt, ra đời sớm, số khác quá tuổi, nên bên cạnh dạy kiến thức, điều quan tâm hàng đầu của những người làm công tác giáo dục nơi đây là dạy đạo đức làm người. Trong năm, các cha, các thầy phụ trách thường có buổi đồng hành, nói chuyện. Vào dịp hè, khi đội ngũ các thầy trong dòng đến giúp đông hơn thì những hoạt động rất phong phú, các thành viên cộng đoàn theo sát và huấn đức cho các em. Ðặc biệt như một “đặc sản” ở những nơi mà người tu sĩ Don Bosco hiện diện, chính là làm sân chơi cho trẻ em và thanh thiếu niên trong vùng, và ở đây cũng không ngoại lệ, vừa giúp trẻ phát triển về tri thức lẫn sức khỏe, qua sân chơi, các em còn dễ dàng cởi lòng và sẻ chia suy nghĩ.
Như hè này, trường xây dựng một chương trình dài với đủ các lớp bồi dưỡng văn hóa, văn nghệ, thể thao, dạy kỹ năng. Hè những năm trước quy tụ 200 đến 300 học sinh, cả những em trường ngoài cũng đến tham gia. “Ða phần học sinh trường tình thương không có học lực khá, nên khóa hè chủ yếu giúp các em trau dồi trước kiến thức để khi vào năm học không bị bỡ ngỡ và theo kịp các bạn”, linh mục phụ trách cộng đoàn Phêrô Phạm Quốc Hùng giải thích. Ngoài các lớp văn hóa, hơn một năm nay, đều đặn các tối thứ Hai, Tư, Sáu và Chủ nhật, vùng quê thanh vắng lại được khuấy động bởi những âm thanh từ lớp võ thuật trong khuôn viên trường.
|
Phần quà tình thương gởi tặng học sinh |
Cứ vậy, người tu sĩ không ngừng dấn thân để những đứa trẻ kém may mắn có một không gian phát triển bền vững.
Trong hướng đi của mình, trường có liên kết với một trường ngoài để sau khi xong cấp tiểu học, học sinh học lên cấp 2. Riêng những em giữa chừng phải theo gia đình đi nơi khác thì được cấp học bạ để tiếp tục học lên khi có điều kiện. Ðến hết lớp 8, các em sẽ chuyển về Trung tâm dạy nghề Don Bosco Ðông Thuận ở Vĩnh Long để song song học văn hóa, vừa học nghề. “Ðó là một hành trình xuyên suốt giúp trẻ lớn lên có nghề nghiệp nuôi sống tương lai. Ðã đào tạo thì phải theo các em đi từ gốc đến ngọn chứ không thể bỏ dỡ giữa chừng”, cha Hùng nhấn mạnh lý tưởng cộng đoàn hướng đến.
Ðể duy trì mái trường tình thương với cả trăm học sinh, khó khăn lớn nhất với cộng đoàn chính là kiếm nguồn kinh phí… Tuy bước đi giữa những chông gai như thế nhưng người tu sĩ Don Bosco chưa bao giờ ngừng thao thức, sẵn sàng dang rộng vòng tay với những mảnh đời cơ cực.
ÐÌNH QUÝ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.