Tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, từ ngày 23 - 25.10 vừa qua, Caritas Việt Nam đã tổ chức hội nghị thường niên 2018 và nhìn lại chặng đường 10 năm dấn thân trong các lãnh vực bác ái xã hội.
Trong suốt những ngày diễn ra hội nghị, lần lượt có các đấng bậc như Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM TGP Huế, Chủ tịch HĐGMVN; Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục GP Bùi Chu, Chủ tịch Ủy ban Bác ái - Xã hội thuộc HĐGMVN; Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Chủ tịch Caritas Việt Nam; Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục GP Xuân Lộc và Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, phụ tá; Đức Giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, giáo phận Kontum; Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, Phụ tá giáo phận Hưng Hóa đã đến thăm hoặc chia sẻ, góp ý, phát biểu...
|
Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo trình bày tham luận |
Ngoài ra, trong ngày khai mạc còn có sự hiện diện của ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Đào Thị Đượm, phó Vụ trưởng Vụ Công giáo. Ông Dương Ngọc Tấn đại diện BTG Chính phủ bày tỏ niềm vui và chúc mừng Caritas Việt Nam dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động. Ông đánh giá cao những đóng góp của Caritas trong thời gian qua cho việc từ thiện nhân đạo, giúp đỡ đời sống người nghèo và hy vọng các thành viên Caritas tiếp tục thực hiện tốt lối sống bác ái, yêu thương.
|
Quang cảnh hội nghị - ảnh: caritasvietnam.org |
LIÊN ÐỚI ÐỂ THĂNG TIẾN
“Sau 10 năm thành lập Caritas Việt Nam, một thời gian không dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại hành trình cùng sát cánh bên nhau để phục vu trong yêu thương. Mười năm tự hào về những gì đã làm được cho những người kém may mắn, đã tạo được sự uy tín với các đối tác, với các ân nhân. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại với những kết quả đã thu lượm được bằng hành trang thiết yếu là sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của một nhân viên Caritas nhưng chúng ta còn cần phải thăng tiến hơn nữa, thăng tiến trong tình liên đới”, đây là những dòng mở đầu cho bài phát biểu khai mạc hội nghị của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu. Ngài cũng chia sẻ về chủ đề “Liên đới để thăng tiến” dưới 3 khía cạnh: liên đới trong cơ cấu văn phòng Caritas; liên đới trong mạng lưới Caritas; liên đới với đối tác và các tổ chức trong và ngoài xã hội. Theo Đức cha, hiện nay hầu hết các Caritas 26 giáo phận đều có cơ cấu tổ chức văn phòng cùng với nhân sự được đào tạo kiến thức và kỹ năng trong hoạt động bác ái xã hội. Caritas Việt Nam có nhiều dự án và chương trình hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, HIV, khuyết tật, bảo vệ sự sống, hỗ trợ di dân, phòng chống buôn người, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường... Trong việc liên đới với các dòng tu để hoạt động, thống kê cho thấy 280 dòng tu, tu hội trong toàn Giáo hội Việt Nam suốt thời gian qua đều tham gia hoạt động bác ái xã hội theo linh đạo của mỗi dòng như giúp học sinh nghèo, người khuyết tật, già yếu, neo đơn, làm nhà tình thương, dạy nghề và giáo dục giới trẻ, chăm sóc di dân. Tuy nhiên, Đức cha cho rằng không phải tất cả các dòng tu đều đã đồng hành với Caritas Việt Nam và Caritas giáo phận trong các hoạt động bác ái xã hội, và đây là thiếu sót của cả hai phía.
|
Caritas Việt Nam thăm bà con vùng lũ miền Trung tháng 10.2017 |
Hướng về tương lai, Đức cha Tôma bày tỏ: “Những nỗ lực đóng góp của từng thành viên Caritas đã góp phần làm ấm lòng người nghèo. Dầu vậy, vẫn còn nhiều phận đời đau khổ rất cần vòng tay quảng đại của mọi người. Chúng ta dõi theo tầm nhìn và định hướng của HĐGMVN: tích cực tham gia các lãnh vực quan trọng là giáo dục và y tế. Tất cả chúng ta đồng lòng quyết tâm liên đới với nhau để cùng thăng tiến trong yêu thương và phục vụ”.
RẢO BƯỚC TRÊN CÁC NẺO ÐƯỜNG
Trong những ngày làm việc, hội nghị đã nghe tham luận báo cáo của các vị giám mục, linh mục đại diện và những hoạt động trên nhiều phương diện ở cả ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng HĐGMVN, thư ký Ủy ban Mục vụ di dân đã khơi gợi làm sao giữa Caritas và mục vụ di dân ngày một liên đới với nhau và cùng thăng tiến. Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục - HĐGMVN trình bày tham luận với chủ đề “Chiều kích tâm linh của công việc bác ái”. Đức cha nhấn mạnh: “Để có được cái tâm, người được sai đi phải nghe được tiếng Chúa nói. Kế đến, người được sai đi phải biết chạnh lòng thương người nghèo như Chúa chạnh lòng thương”.
![]() |
Quán cơm 5.000 đồng cho sinh viên nghèo ở Thủ Đức do các thành viên Caritas phụ trách |
Đại diện Caritas giáo tỉnh Hà Nội, linh mục Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện điểm qua quá trình hình thành và phát triển của các Caritas giáo phận trong giáo tỉnh. Qua báo cáo tóm lược của các giáo phận ghi nhận nhân viên văn phòng và mạng lưới Caritas giáo xứ tại các giáo phận mỗi ngày thêm phát triển. Caritas các giáo phận miền Bắc có những hoạt động như ngày họp mặt, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên, tham dự những chương trình phòng chống và cứu trợ thiên tai. Cha Marcello Đoàn Minh, đại diện Caritas giáo tỉnh Huế thông báo tin vui là số tình nguyện viên ngày một gia tăng và sau đó nhiều người trở thành hội viên Caritas.
Trong phần chia sẻ của giáo tỉnh Sài Gòn, cha Giacôbê Hà Văn Xung trình bày về mục vụ tại 10 giáo phận trong khu vực. Cha khẳng định các Caritas giáo phận miền Nam thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn chung để nâng cao năng lực và học hỏi lẫn nhau, nhờ đó có thể áp dụng những phương thức tốt cho hoạt động phục vụ người nghèo, kết hợp cùng nhau qua nhiều chương trình như cung cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên khó khăn, giúp bệnh nhân, đào tạo nghề cho thanh thiếu niên, hỗ trợ giúp nhau làm các thủ tục pháp lý. Rất nhiều giáo xứ nghèo tuy chưa có mạng lưới Caritas nhưng vẫn luôn có những hội bác ái lo cho những hoàn cảnh khốn khó.
Có thể nói, với tinh thần phục vụ trong khiêm tốn, dù còn hạn chế về nhân lực, vật lực, song tròn một thập niên qua, Caritas Việt Nam đã có nhiều cố gắng để mang ánh sáng và tình thương của Chúa sưởi ấm những mảnh đời cơ cực.
Anh Nguyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.