Thứ Bảy, 05 Tháng Mười Một, 2022 11:37

Công đồng Vatican II: Văn kiện ý nghĩa

NHẬN THỨC

Đối với một số người, nhiều vấn đề liên quan tới Công đồng Vatican II vẫn còn như rất mới. Nhưng Công đồng Vatican II là hướng đi của lịch sử hiện đại. Bánh xe lịch sử cứ xoay, không thể cưỡng lại được. Ai không di chuyển, hội nhập, sẽ bị văng ra ngoài. Đặc biệt là với Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), nếu ai hiểu và thực thi sẽ bớt tốn sức lực và thời giờ tìm tòi định hướng.

Sau đây, tôi xin chia sẻ về nội dung qua những tựa đề căn bản và ý nghĩa; “Đức Phanxicô - Công đồng” và sáu quy luật tự nhiên, ẩn hiện trong các chủ đề và nghị quyết của Công đồng.

NỘI DUNG CỦA CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Những ý hướng chính

Trước hết, khởi đi từ định nghĩa về con người, về Giáo hội và về thế giới. Đặc biệt, Công đồng nói về chính mình trong các tương quan. Tiếp đến, Công đồng đề cập tới “Thần học về Chúa Thánh Thần”; “Thần học về mạc khải”. Một quan niệm mới về chân lý của Thánh Kinh và về linh ứng. Chức linh mục phổ quát nơi mọi giáo dân. Khai mào những viễn ảnh mới, báo hiệu nhiều chuyển biến mới, cần bổ túc.

Tựa đề căn bản

Gồm 18 văn kiện. Trong đó, trước hết là 4 Hiến chế, được coi như là Hiến pháp. Tiếp đến là 9 sắc lệnh, được hiểu là luật pháp, thực thi hiến pháp. Sau đó là 3 tuyên ngôn, nói rõ lập trường của Giáo hội về các vấn đề có liên quan tới giáo dục, tự do tôn giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Cuối cùng là 2 sứ điệp, Công đồng gởi thế giới, vào lúc khai mạc và khi bế mạc Công đồng.

Bốn hiến chế

Trước tiên là tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa, “Lời Chúa”. Sau đó là tín lý về Giáo hội, “Ánh sáng muôn dân”. Tiếp theo là “Phụng vụ Thánh”. Và sau cùng là mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, “Vui mừng và Hy vọng”.

Có thể xếp thành hai khoa: Khoa Thần học tín lý: sự việc bên trong, như đức tin, tín lý, những điều phải tin về Thiên Chúa và Giáo hội. Khoa Thần học Mục vụ: sự việc bên ngoài, như phượng tự, mục vụ, phục vụ. Nói chung, đó là những phong cách thể hiện khoa Thần học tín lý.

Chín sắc lệnh

Trước hết là Sắc lệnh về Giám mục. Tiếp đến là hai sắc lệnh về: chức vụ và đời sống linh mục; về Đào tạo linh mục. Sắc lệnh về Dòng tu; Tông đồ Giáo dân; các Giáo hội Công giáo Đông phương; Hiệp nhất; Hoạt động truyền giáo; Phương tiện truyền thông.

Từ 9 sắc lệnh này, có thể tóm tắt: “Toàn thể Dân Chúa, từ hàng giáo phẩm tới hàng giáo dân cùng với Giáo hội Công giáo Đông phương, hiệp nhất loan báo Tin Mừng với các phương tiên truyền thông hiện đại”.

Ba tuyên ngôn

Gồm có: Giáo dục Kitô giáo; Tự do Tôn giáo; Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Hai sứ điệp

Trong diễn văn khai mở Công đồng, tư tưởng nổi bật là về công bằng, hòa bình và  “Sức mạnh của Chúa Thánh Thần”. Trong diễn văn bế mạc, câu phát ngôn ấn tượng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Phải biết con người, nếu muốn biết Thiên Chúa”[1]. Và sau đó là bảy bức thư gởi: Các nhà cầm quyền; Giới trí thức; Giới văn nghệ sĩ; Giới phụ nữ; Giới lao động; Người nghèo, bệnh tật và đau khổ; Giới trẻ.

 

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐƯỢC COI LÀ “BERGOGLIAN - CÔNG ĐỒNG VATICAN II”

Sau đây là những liên hệ gần gũi giữa ngài và Công đồng được ghi nhận. Đặc biệt, ngài nói Công đồng là ân sủng cho Giáo hội và cho thế giới. Đây là sự kiện mà hoa trái vẫn chưa cạn kiệt. Công đồng đại kết chưa được hiểu đầy đủ được sống và được áp dụng phong phú. Chúng ta còn đang trên đường đi. Đường đi của Công đồng là đổi mới. Việc làm đầu tiên của Công đồng là cải tổ phụng vụ và truyền thông xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng chú tâm thực thi: Hiến chế Phụng vụ thánh và sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, theo nhận thức: Đổi mới Phụng vụ bên trong và sử dụng truyền thông bên ngoài. Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh đến việc Giáo hội là Dân Thiên Chúa và là gia đình của Chúa, biết sống tình huynh đệ, tình bằng hữu xã hội. Sau cùng, Thượng hội Đồng Giám mục Thế giới mà Đức Phanxicô khai mở được xem là phong cách của Công đồng Vatican II cả trong sứ mệnh và cả trong đời sống. Quả thực, đó là một  “Phanxicô - Công đồng”.

 

SÁU QUY LUẬT TỰ NHIÊN TRONG CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Trước hết là quy luật “Tập trung”

“Càng tập trung càng tỏa sáng, mở rộng, bung xa, văng mạnh”. Công đồng tập trung vào Chúa Kitô đang sống và Lời của người; Con người và môi trường. Bản chất của Hội Thánh loan báo Tin Mừng qua con đường đối thoại và hòa giải, chứng tá.

Thứ đến là quy luật “Hấp dẫn”

Tần số năng lượng chuyển động, chuyển biến, như hào quang. Khi có cùng tần số, nơi cõi tâm, sẽ tìm gặp nhau. Mang ba đặc tính: Tính hệ thống: Nội tâm + bên ngoài. Tính khác biệt: Tâm linh có Chúa. Chúa chạm vào ta như ta chạm lửa; lửa tỏa ra bên ngoài qua đời sống chứng tá, gương sáng. Tính độc đáo: toàn diện con người và toàn thể nhân loại, vũ trụ, vạn vật.

Tiếp đến là quy luật “Trong - ngoài”

Bên trong tạo ra cái bên ngoài: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. “Cảnh tùy tâm chuyển”. Gốc rễ tạo ra hoa trái. Gốc mai báo hiệu mùa Xuân mới, hoa mai nở. Đời sống nội tâm và đời sống hoạt động; cầu nguyện và lao động, chiêm niệm và phục vụ; hòa quyện tuyệt diệu Matta và Maria.

Rồi quy luật: “Nhân quả”

Có gieo có gặt. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; cái cho đi sẽ là cái nhận lại.

Sau đó là quy luật: “Nhất quán”

Học phải đi đôi với hành; hình thức phải chuyển tải nội dung. Nếu con người và tự nhiên hoạt động không nhất quán sẽ đi chệch đường, tai họa xảy ra.

Sau cùng là quy luật “Cân bằng”

Cân bằng là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Quy luật này chi phối mọi quy luật. Triết lý sống hiện nay phải là “Cân bằng, thanh thản - bình thường”. Nội tại, tư duy gốc rễ hướng tới giá trị cộng đồng.

***

Trở về với con người và môi trường, là trở về khám phá quy luật tự nhiên. Con người và thiên nhiên rất trật tự. Khám phá ra trật tự lạ lùng, người ta không thể phủ nhận: “Đấng Tạo Hóa”. Như thế, Công đồng rửa tội cho con người và thế giới. Đức tin sẽ trở lại;  mùa Xuân sẽ lại đến. 

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

 


 

1 Thánh Giáo hoàng Phaolô VI

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm