Cửa hàng gạo Nhân Ái của giáo xứ Hòa Hưng (hạt Phú Thọ) từ một gian nhà cũ vài chục năm tuổi, đã được linh mục chánh xứ Giuse Phạm Bá Lãm cho xây mới thành cửa hàng khang trang, sạch đẹp. Trong nhiều năm qua, đây chính là phương tiện để giáo xứ thực thi sứ vụ bác ái, như tên gọi “khai sinh” từ lúc ban đầu.
![]() |
Cha Giuse Phạm Bá Lãm chia sẻ tâm tình trong một lần trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn
|
Niềm vui “chiếc áo mới”
Cửa hàng do cha Giuse Phạm Bá Lãm thành lập với mục đích tạo nguồn kinh phí trao quà hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, bất kể lương giáo, trên địa bàn giáo xứ. Kể từ ngày đầu khai trương (ngày 3.12.2013), Ban Caritas đã được cha trao nhiệm vụ phụ trách quản lý, điều hành cửa hàng và tổ chức trao quà theo định kỳ hằng tháng. Nơi này ban đầu có mặt tiền rộng 3 mét, cửa sau nằm trong khuôn viên nhà thờ, cửa trước ở đường hẻm bên hông nhà thờ (hẻm số 17 đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10). Vì có “tuổi đời” lên đến vài chục năm, nền nhà thấp hơn mặt đường nên khó tránh khỏi phiền toái mỗi khi mùa mưa đến. Thậm chí có lần mưa lớn, nước tràn vào nhà làm cho hơn 1 tấn gạo bị ướt. Gạo ướt không bán được, Ban Caritas đành gởi cho một dòng nam để các thầy nuôi heo.
Sau này, khi mua được thêm nhà lân cận, cha Lãm quyết định xây dựng lại cửa hàng mới với diện tích mặt tiền 7 mét, rộng gấp đôi cơ sở cũ, nâng tổng diện tích lên 70m2. Sau hai tháng xây dựng, cửa hàng mới khang trang, tiện nghi đi vào hoạt động trong niềm hân hoan của toàn giáo xứ. Từ khi được thay “áo mới”, Nhân Ái được trang bị máy quay giám sát, mua sắm thêm tủ kính để bài trí các sản phẩm được tươm tất hơn. Bên cạnh đó, mái hiên di động mới cũng được lắp đặt để tránh mưa nắng cho người mua cũng như người bán. Ðặc biệt, để tránh tình trạng ngập nước, nền nhà đã được nâng cao hơn nửa mét so với mặt đường. Từ khi mặt tiền được mở rộng, người đi đường dễ quan sát nên lượng khách hàng cũng tăng nhiều hơn so với trước đây.
|
Bà Maria Rosa Nguyễn Thị Liệu đang bán hàng cho anh Nguyễn Võ Thanh Bình vào trưa 22.5
|
Cửa hàng tiện lợi, bán giá “yêu thương”
Cách chợ Hòa Hưng chỉ khoảng hơn 100 mét, cửa hàng gạo Nhân Ái ngay từ những ngày đầu tiên đã có khách hàng mua ủng hộ. Nhắc đến thời gian đầu “tập tành” kinh doanh, bà Maria Ðặng Thị Thúy Oanh (Trưởng Ban Caritas giáo xứ) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng vất vả vì chưa rành về sản phẩm gạo, hay những lúc rong ruổi về các vùng nông thôn để tìm mua được loại gạo giá tốt. Dù Caritas rất nỗ lực trong công việc mới, nhưng do trong khu vực chợ có nhiều tiệm gạo quy mô lớn, nên khoảng hơn một năm sau, cửa hàng gạo đã được “cải tiến” thành cửa hàng tạp hóa nhằm thu hút khách. Ðể có được tiệm tạp hóa với hàng trăm sản phẩm như hôm nay, bà Oanh khẳng định: “Ðó là kết quả của cả quá trình lắng nghe nhu cầu của khách hàng. Cứ để ý họ cần mua gì, thì chúng tôi bổ sung để nguồn hàng ngày càng phong phú”.
Nhờ nỗ lực này, tiệm tạp hóa với đầy đủ các loại nhu yếu phẩm, đáp ứng được hầu hết nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Trong đó có các sản phẩm như gạo, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột nêm, mì tôm, cá hộp, dầu gội, bánh kẹo, đường, sữa, bia, nước giải khát… Là thành viên Ban Caritas và là nhân viên của Nhân Ái, bà Maria Rosa Nguyễn Thị Liệu cho biết, tiệm hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Ðặc biệt, các sản phẩm đều được bán với giá cả phải chăng. Theo bà Liệu, “vì mục đích hoạt động để chăm lo mục vụ bác ái, nên mỗi mặt hàng chỉ lời chút ít với phương châm phục vụ là chính”.
Là một trong số những khách hàng thân thiết, chị Maria Tạ Thị Bích Ngọc (giáo dân giáo xứ Hòa Hưng) so sánh: “Tôi mua một bịch cà phê hòa tan loại 800g (50 gói) ở cửa hàng Nhân Ái chỉ có 90.000 đồng, nhưng tiệm tạp hóa ở nơi khác bán 97.000 đồng và trong siêu thị là 110.000 đồng; 1 bịch bánh ở đây bán 5.000 đồng thì nơi khác là 7.000 đồng”. Chị Ngọc cho rằng ưu điểm bán hàng giá tốt để làm việc bác ái là sáng kiến rất hay nên gia đình chị luôn ủng hộ. Cũng là người mua hàng thường xuyên, anh Nguyễn Võ Thanh Bình (nhà ở cách cửa hàng 50 mét) thừa nhận: “Dù không phải là người Công giáo, nhưng gia đình tôi vẫn thích mua sắm ở cửa hàng Nhân Ái. Nơi đây có bán những sản phẩm nhà tôi cần dùng, nhân viên bán hàng niềm nở, và trên hết đây là hoạt động gây quỹ phục vụ người nghèo khiến tôi cảm phục”.
|
Bà Maria Đặng Thị Thúy Oanh, trưởng ban Caritas giáo xứ (thứ nhất từ phải sang) thường xuyên đến cửa hàng để quản lý thu chi hoặc phụ bán hàng với nhân viên |
Ðường hướng mục vụ lâu dài
Từ nguồn huê lợi của cửa hàng Nhân Ái, cha Lãm cho biết trong những năm đầu, giáo xứ trao tặng khoảng 100 phần quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn cư ngụ tại phường 13 và 15 quận 10 (là hai phường thuộc địa giới của giáo xứ). Tính đến nay, số người được hỗ trợ thường xuyên là 150 người. Là người quản lý cửa hàng và phụ trách trao quà bác ái, bà Maria Ðặng Thị Thúy Oanh cho biết, đối tượng được hỗ trợ là những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Mỗi phần quà trị giá khoảng 300.000 đồng (gồm 10kg gạo, 1 thùng mì, 1 chai nước mắm, nước tương, dầu ăn, bột ngọt và đường), được trao tặng 2 tháng một lần (thay vì mỗi tháng một lần với trị giá mỗi phần quà 150.000đ trong thời gian mới hoạt động). Theo bà Oanh: “Hoạt động tạo quỹ của cửa hàng gạo Nhân Ái, cùng sự góp sức của các mạnh thường quân, đặc biệt là sự hỗ trợ của cha chánh xứ đã giúp công tác mục vụ bác ái được duy trì thường xuyên và lâu dài”.
Xúc động trong một lần được trao quà, ông Thạch Tâm (68 tuổi) khẳng định: “Nhờ nhà thờ giúp đỡ nên tôi không phải mua gạo, chưa kể có thùng mì gói nên tôi đã có những bữa ăn rất tiện lợi”. Ông sống độc thân, bị mất bàn chân phải do bị thương trong chiến tranh, kiếm sống bằng nghề chạy xe xích lô hoặc phụ hồ, nay chủ yếu nhờ trợ cấp của địa phương. Ðược giáo xứ hỗ trợ, ông Tâm xem đó là may mắn cho mình. Cùng cảm nhận niềm vui này, ông Lê Quang Tuấn (ngụ 102/17/1P Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) nói rằng ông rất cảm kích vì được cha xứ và các thành viên Ban Caritas quan tâm trong 3 năm qua. Từ người lao động chính trong gia đình 6 nhân khẩu, bệnh thoái hóa cột sống hơn 10 năm qua khiến người đàn ông vốn là cột trụ của gia đình không còn lao động được, khi di chuyển phải vịn tường nhà. Với nụ cười hiền hậu, ông Tuấn chia sẻ: “Tôi thật lòng rất biết ơn cha Lãm và các giáo dân đã giúp đỡ tôi. Những món quà là nguồn động viên tinh thần quý giá cho bản thân tôi và gia đình, mặc dù chúng tôi không cùng tôn giáo”.
Bích Vân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.