Thứ Tư, 25 Tháng Giêng, 2023 14:18

Đại trùng tu nhà thờ Đức Bà: “Chữa bệnh” cho hai tòa tháp

 

Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn đã tiếp tục tiến thêm những bước quan trọng trên “hành trình” trùng tu toàn diện, với trọng tâm hiện tại là hai tòa tháp chuông và tháp kẽm.

 

 

Trùng tu di tích cổ luôn là một quá trình dài, cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng, với một kế hoạch được tính toán rất chi tiết, vì mỗi một bước thực hiện là một chuyến khám phá lịch sử, ngược dòng thời gian hàng trăm năm. “Công trình thế kỷ” ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang trong giai đoạn được đánh giá là rất phức tạp: “chữa bệnh” cho hai tòa tháp chuông và tháp kẽm (tháp nhọn). Trao đổi với Báo Công giáo và Dân tộc, linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Ðại diện TGP TPHCM và là Trưởng Ban Trùng tu cho biết: “Theo tiêu chuẩn của Châu Âu, khoảng 50 năm, một công trình cần được trùng tu một lần, 100 năm cần đại trùng tu. Trong khi đó, nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn khánh thành vào ngày 11.4.1880, ban đầu chưa có hai tháp kẽm. Đến năm 1895, kiến trúc sư Fernand Gardes thiết kế bổ túc và 2 tháp nhọn được lắp dựng vào phía trên gác chuông”. Tính cả hai cột mốc này thì việc đại trùng tu là vô cùng cấp thiết, và thực tế, ở các hạng mục đã thực hiện, khảo sát đến đâu, các chuyên gia đều ghi nhận tình trạng xuống cấp. Theo cha Tổng Đại diện, việc tu sửa vẫn “rất kịp thời” và là một chặng đường dài…


Làm đến đâu, hút bụi tới đó

“Trong năm 2022, nhờ hệ giàn giáo được thiết kế khoa học, các chuyên gia và đội ngũ kỹ sư đã có thể khảo sát, đo đạc trực tiếp ở hai tòa tháp chuông, tháp nhọn, ghi nhận những hư hại rất nghiêm trọng”, cha Xuân kể. Dù đã quay 3D để lập hồ sơ kỹ thuật chi tiết của nhà thờ nhưng vẫn có những vị trí bị khuất, nên việc đo đạc tại chỗ rất quan trọng, để mang đến các thông tin, dữ liệu ở mức chính xác cao nhất. Từ cơ sở này, các chuyên gia của tập đoàn Monument (Bỉ; chịu trách nhiệm chính về việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn), công ty EurohausHaustechnik và các công ty ở châu Âu (Đức, Pháp) có liên quan đến công trình, đã tính toán, thiết kế, thử nghiệm rồi mới chốt lại phương án chính thức để thực hiện tại nhà thờ.

Liên quan đến kỹ thuật trùng tu, ông Mark Willems - Giám đốc Kỹ thuật dự án - giải thích: “Có hai hệ kết cấu: kết cấu thép của tháp kẽm và kết cấu tường gạch của tháp chuông. Hệ kết cấu thép của tháp kẽm nguyên thuỷ đã được sử dụng nhiều vật liệu quý khác nhau bên cạnh các kỹ thuật liên kết các thanh thép phần lớn bằng rivê. Bốn hệ khung thép - cửa hình Đức Mẹ của mỗi tháp kẽm đã bị hư hại nặng phần chân liên kết với tháp chuông thì đều phải được khảo sát tỉ mỉ. Vị trí đỉnh chóp của tháp nhọn rất nhỏ hẹp nên phải chọn những người có thân hình ‘gọn gàng’, phải rất chịu khó, kiên nhẫn để trực tiếp leo lên mới làm được. Ngoài việc làm vệ sinh bề mặt, toàn bộ vật tư, từng cây thép, từng vị trí trong mỗi liên kết khác nhau trên tháp kẽm đều được vẽ lại, lập bộ bản vẽ, gởi qua tập đoàn Monument ở Bỉ để kiểm tra và tính toán trước khi đưa ra biện pháp trùng tu”. Một trong những tiêu chí quan trọng khi trùng tu là phải giữ gìn tối đa những hạng mục còn có thể giữ được nên phải xác định rõ những chỗ cần bảo tồn lưu giữ, hoặc các vị trí bắt buộc phải gia cường hay phục chế, vị trí nào hư hại quá nặng thì mới phải thay. Tương tự công việc của bác sĩ, khi một công trình cổ được trùng tu, cần “khám” cẩn thận, “chẩn đoán” chính xác thì mới “điều trị” hiệu quả.

Ở hạng mục thứ hai, để trùng tu được tường gạch của tháp chuông, đồng thời tính toán biện pháp và chọn vật liệu vữa xây, ron gạch phù hợp thì phải gỡ lớp vữa tô ở mặt trong, cắt các ron gạch ở cả mặt trong lẫn mặt ngoài của bốn mặt tường bên trong, bên ngoài tháp chuông vì tính liên kết vật liệu của ron sau hàng trăm năm đã không còn đảm bảo. Đặc biệt, những khu vực bị xói mòn bởi nước mưa làm rửa trôi ron, nhiều mảng tường đã mòn gần hết lớp gạch trang trí bên ngoài, ăn sâu vào tường xây bên trong. Theo kết quả ghi nhận được, mặt trong có ít khu vực bị rỗng nhưng mặt ngoài bị rỗng sâu nhiều, có những mảng tường bị mòn sâu hơn hai lớp gạch. Việc cắt, đục vữa ron gạch cần phải làm vô cùng cẩn thận để không ảnh hưởng đến những viên gạch còn tốt, giữ lại được; cắt phải đều, đủ độ sâu, rộng thì khi chà ron mới bằng nhau, đảm bảo cho kết cấu được bền vững. Ngoài ra, do công trình trùng tu nằm ngay trung tâm thành phố nên phải hạn chế bụi, tiếng ồn. Mỗi công nhân khi cắt, đục ron gạch đều phải đeo trên người một thiết bị chuyên dụng vừa cắt - vừa hút bụi. Làm tới đâu, họ hút bụi tới đó. Nếu không cẩn thận như vậy thì bụi sẽ dễ rơi bám vào chuông, bám vào các bề mặt, hoặc bay vào không khí gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó còn có hạng mục ở chân tháp kẽm - đỉnh tháp chuông, nơi liên kết chịu lực cho hệ kết cấu tháp kẽm với tháp chuông là khu vực hư nặng nhất, khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất để thực hiện việc khảo sát, đo vẽ, tính toán. 


Khung đỡ cho tháp nhọn 26 tấn

Những công việc thầm lặng kể trên của năm 2022 chính là nền tảng vô cùng quan trọng để thực hiện các hạng mục ở năm 2023. Khi mở liên kết giữa chân tháp kẽm với đỉnh tháp chuông ở hai tòa tháp, phải lắp dựng toàn bộ kết cấu tạm, khung để đỡ hệ kết cấu thép của hai tháp nhọn (mỗi tháp nặng 26 tấn). Đầu tháng 2.2023, chuyên gia của tập đoàn Monument sẽ sang để thực hiện giám sát và trực tiếp tham gia thi công hệ liên kết này.

Chuyên gia cũng sẽ giám sát việc tháo hai cây thánh giá trên đỉnh ra. Theo cha Tổng Đại diện, hai thánh giá này sẽ được gởi sang Bỉ phục chế toàn bộ rồi mạ vàng. Tiếp đến, mái kẽm sẽ được mở ra để làm vệ sinh, đánh cát toàn bộ bề mặt kết cấu tháp kẽm, sau đó dùng kẽm nguyên chất dạng dung dịch để phun phủ bảo vệ thép. 

 

Một hạng mục quan trọng khác trong năm 2023 là thay các phiến đá vôi trang trí xung quanh đỉnh tháp chuông. Phần đá cũ đã bị hư nặng vì mưa nắng xói mòn và nhiều tác động khác suốt hàng trăm năm nên phải thay mới. Sau khi đi khảo sát thực tế tại Pháp các mỏ đá vôi, lựa chọn các mẫu đá vừa phải đảm bảo thông số kỹ thuật vừa phải giống với màu đá vôi cũ của Nhà thờ, Ban Trùng tu đã quyết định chọn giải pháp hàng đầu là đá trang trí vàng sáng (roche jaune clair) từ mỏ đá ở Massangis (tỉnh Yonne, vùng Bourgogne - Franche - Comté, Pháp). Đây là đá vôi trứng cá (oolithe), được hình thành từ kỷ Jura, nổi tiếng về độ cứng và sự bền bỉ với thời gian. Khối đá này vào tháng 4.2022 đã được chuyển từ Pháp sang cơ sở của tập đoàn Monument ở Bỉ để chế tác hoàn toàn thủ công theo đúng thiết kế cũ đã được quay 3D. Sau khi chế tác, vào tháng 10, các khối đá trang trí có tổng trọng lượng 88,79 tấn đã xuống tàu và về tới nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vào ngày 12.12.2022.

Kết thúc năm 2022, “công trình thế kỷ” đã có những bước tiến bền bỉ để nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có thể tiếp tục vững chãi qua những mùa mưa nắng. Cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân nhìn lại chặng đường hơn 5 năm đã qua: “Trải qua nhiều khó khăn, tôi muốn tạ ơn Chúa, cảm ơn các ân nhân, các chuyên gia, anh em kỹ sư, công nhân… đã đóng góp rất lớn, hy sinh rất nhiều để đến ngày nay, việc đại trùng tu diễn ra tốt đẹp theo như định hướng từ đầu của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc: Làm những gì tốt nhất cho nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, từ vật tư cho đến kỹ thuật, để ngôi thánh đường có thể trường tồn hàng trăm năm nữa”. Dự kiến, công trình đại trùng tu có thể hoàn tất vào cuối năm 2027. 

 

 

Cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân và các chuyên gia thảo luận về giàn chuông carillon khi chuông vừa được vận chuyển về công trình trùng tu

Sau khi khảo sát và ghi nhận đà treo chuông đã bị xuống cấp, việc kéo chuông sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho tháp chuông nên những năm qua, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không kéo chuông nữa. Để ngôi thánh đường không còn vắng tiếng chuông, Ban Trùng tu đã đặt mua giàn chuông carillon (chuông có thể ngân vang thành giai điệu) 25 cái của hãng Perrot (Đức), gồm 9 chuông lớn và 16 chuông nhỏ. Trong số này, có 4 chiếc chuông lớn được khắc tên các vị chủ chăn của Tổng Giáo phận: Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình; Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn; Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc; Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Tháng 12.2022, giàn đã được dựng lên ở khu vực trước ngôi thánh đường và lắp chuông vào, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của hai chuyên gia thuộc hãng Perrot từ Đức sang.

 

Lan Chi

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm