Những con lộ ở huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè ngày nay đã rộng rãi, tấp nập nhà - xe, không còn hoang vắng cỏ lau như mấy chục năm trước. Chừng ấy thời gian của sự đổi thay, từ những nóc nhà xa vắng, hiện đã hình thành các xóm đạo với nếp sống quy củ. Dấu ấn này gắn liền với chân dung một vị mục tử có niềm say mê nối bước các thừa sai gắn, đã bó gần như cả đời mình vào miền đất này, trong bao tâm huyết, mồ hôi và nước mắt : cha Ðaminh Ngô Quang Tuyên, người thao thức với việc truyền giáo trong từng hơi thở.
Những câu chuyện chưa nhòa phai
Khi những ngày Xuân gần kề bên vách cửa, cha Ðaminh vẫn miệt mài bên các bản dịch tài liệu về truyền giáo. “Bản thân tôi có đam mê công việc dịch thuật. Từ khi còn là chủng sinh, tôi đã bắt đầu dịch mục tin tức, dịch sách. Ðến khi nhận trách nhiệm trong Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, tôi có nhiệm vụ phổ biến giáo huấn của Hội Thánh về truyền giáo, và càng thấy niềm phấn khởi khi bắt tay vào chuyển ngữ các tác phẩm hay tài liệu có liên quan. Thành quả là nhiều đầu sách đã ra đời, không ít trong số đó được tái bản nhiều lần để chia sẻ cùng các thành phần Dân Chúa...”, vị linh mục ngoại thất tuần hồ hởi giải thích. Ra nhiều sách là vậy nhưng tất cả cha đều dành miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu, bởi “ông cha truyền giáo” chỉ mong người ta mở mang thêm về khái niệm này.
Gần Tết, bên cạnh sự nao nức hiển hiện ở những khóm hoa, cành mai, nụ đào trang trí ở xóm đạo vùng ven Phú Xuân - nơi cha gắn bó trong hành trình mục tử của mình mấy mươi năm qua - còn có chút bồi hồi về những mùa Xuân đã xa xôi. Trong quãng đời phục vụ với trọng trách dẫn dắt đoàn chiên tản mác vùng heo hút này trong ngày cũ, cha nhớ nhất những mùa Xuân thời bao cấp, khi cùng tất cả giáo dân Phú Xuân khi đó (chừng 12 gia đình) dắt dìu nhau đi thăm các cha hưu dưỡng với mắm, gạo, chuối..., bởi “các cha già ăn bo bo hoài làm sao chịu nổi”. Buổi thăm hỏi thắm tình nghĩa cha con, trước khi về, cả đoàn cùng nhau đọc kinh, hòa giọng hát trong bầu khí yêu thương và giọt nước mắt của những vị linh mục già. Cha bảo có lẽ đó cũng là nguồn động lực để bước chân mục tử của mình càng hăng say, rắn rỏi hơn ở những năm tháng về sau này.
Kể những câu chuyện cũ trong cuộc đời hầu như chỉ gắn với các công việc truyền giáo, bên cạnh vai trò người dẫn dắt đoàn chiên ở các xứ đạo thuộc vùng ven Cần Giờ, Nhà Bè..., cha như quay chậm lại miền ký ức với bao nhiêu buồn vui trộn lẫn. Cũng vì đã nhuốm màu thời gian nên có khi chúng không liền lạc, trôi chảy, mà chậm rãi, thấm sâu những trầm tư của một đời người.
Tuổi trẻ của cha Ðaminh ngay khi rời khỏi ghế nhà trường chính là môi trường tu học và hành trình “lên đường”. Người tu sĩ trẻ đầy nhiệt huyết cứ mê mẩn những tấm gương linh mục đàn anh chuyên tâm truyền giáo, được nhắc nhiều như cha Piô Ngô Phúc Hậu, cha P.X Ðinh Trọng Tự... Vì lẽ đó, khi bề trên mời gọi, trong số những linh mục trẻ xung phong dấn thân đến vùng còn hoang vắng như rừng Sác đã có tên cha Tuyên. Trả lời cho câu hỏi vì sao cha chọn vùng rừng Sác hoang vu năm xưa trong khởi đầu sứ vụ linh mục, cha Tuyên khẽ cười nói bởi nơi này xa nhất trong Tổng Giáo phận vào lúc đó. Có một chi tiết rất thú vị là trước khi nhận trách nhiệm đi gieo hạt giống Tin Mừng nơi miền xa, cha đã mạnh dạn xin Ðức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình đi đến các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore... để tìm hiểu các mô hình truyền giáo của họ thời kỳ hậu chiến, rồi về Việt Nam cũng rong ruổi khắp nơi để hiểu và lựa chọn một hướng đi cho nơi mình sắp tới. Ðó cũng là lý do cha quyết định xin gác lại con đường du học tại Rome như dự định của bề trên, vì quan niệm cần chọn phần thực hành, cọ xát thực tế trước khi hướng đến lý thuyết.
Cha miệt mài dấn thân và trải nghiệm, đi nhiều nơi để học hỏi, ngay cả khi đường sá còn khó khăn, chỉ với một cái túi vải nhỏ đựng vài bộ quần áo và trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Cha lên tận những nhà nguyện nơi các buôn sóc, bản làng xa xôi miền Tây Nguyên, hay đến những vùng biển nắng gió miền Trung, để cảm nhận và để thấy rõ hơn “mình cần phải làm gì và nên làm như thế nào”.
Thời tuổi trẻ với những bước chân tiên phong đến với vùng Rừng Sác |
Nối bước các thừa sai
Sau những chuyến đi của thời thanh xuân luôn canh cánh trong lòng ước muốn tìm thấy con đường phục vụ, những năm sau đó, cha Tuyên gắn mình ở vùng rừng Sác cùng bao khó khăn và đầy ắp kỷ niệm. Bước đầu tiên là gầy dựng các giáo điểm trong những ngày đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà giáo dân còn thưa thớt, sông ngòi chằng chịt, giao thông không thuận tiện, cánh đồng (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) thì mênh mông. Ðến nay, nhiều nơi đã thành xứ thành họ, chỉ còn lại giáo điểm Tin Mừng vùng Hiệp Phước, song với những thế hệ người Công giáo sống tại đây, hình bóng người linh mục tận tụy, sống khó nghèo, thường ngược xuôi cùng đàn chiên của mình vẫn mãi ấn tượng. Ngay tại Phú Xuân, từ hơn mười nóc nhà năm nào giờ trở thành một xứ đạo vững mạnh tới hàng ngàn hộ gia đình Công giáo. Ðặc biệt là từ tinh thần và cách sống của cha sở mình, nay giáo dân trong xứ đã trở thành những người cùng hành động trong công cuộc truyền giáo. Tinh thần gắn bó, liên đới trở thành một nét son nơi đây có được một phần từ vị mục tử “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của họ. Những nồi cháo dinh dưỡng cho trẻ nghèo thời “đói ăn” hay những chuyến xe hỗ trợ bà con ở xa có thể đến nhà thờ dự lễ khi giáo điểm chưa xây dựng, khi đường sá còn gập ghềnh từ ông cha sở “nhớ tất cả họ tên các hộ trong địa bàn phụ trách để hỏi thăm, nâng đỡ” âm thầm tạo nên mối thiện cảm sâu xa và sự ý thức sẻ chia trong dân...
Người ta có vì thế mà biết Chúa nhiều hơn hay không ? Câu trả lời của vị mục tử vùng ven này đến bây giờ vẫn là “phải yêu người như yêu mình, còn lại là việc Chúa làm”. Xác tín là thế nên giữa những năm tháng vùng đất này còn hoang sơ, thưa bóng người, cha không ngại cùng dân xắn đất làm móng, lợp mái, đóng cột dựng nhà nguyện..., dù hằng ngày phải chạy tới lui như con thoi giữa các điểm trong vùng để dâng lễ như Phú Lộc, Tắc Rỗi, An Phú, Môi Khôi... Về sau này, khi các khu đô thị mới, cụm cảng, khu công nghiệp phát triển, đường được rộng mở thu hút dân cư về đây đông, cha Tuyên lại thêm việc đến các khu phòng trọ công nhân, khu lao động để nâng đỡ đức tin, ủy lạo vật chất. Cha thăm hỏi người di dân mỗi tuần một lần, rồi mở các lớp học bổ túc thêm kỹ năng sống, giáo lý cho công nhân, tạo mọi điều kiện để họ có thể tham gia sinh hoạt nhà thờ và không cảm thấy đơn độc khi tha hương…
Vị mục tử không bao giờ quên người nghèo |
Chứng kiến những thành quả thu gặt bây giờ, người viết buột miệng hỏi “Chắc là cha có bí kíp truyền giáo ?”, người linh mục nay tóc đã “muối nhiều hơn tiêu” rất chân thành : “Trước kia là hỗ trợ người nghèo, ngày đó Caritas là chính. Bây giờ là đối thoại, dân sinh, là hỗ trợ nghề nghiệp bên cạnh bác ái...”. Cũng theo cha, “phương pháp chính” là bắt chước Chúa Giêsu : tiếp cận, ăn uống, đối thoại, lao động... cùng dân chúng; đồng thời, hãy “nhìn ra cái người ta cần” để chung tay, chung tâm, dù là cái rất nhỏ. Có lần đi thăm một gia đình nghèo, bằng cảm nhận và quan sát nhạy bén, cha được biết hộ này cả nhà chỉ dùng chung một chiếc khăn mặt đã khô cứng, cũ sờn, vậy nên lần sau ghé thăm đã tặng mỗi người một chiếc khăn mặt riêng, họ mừng lắm. Hay lần khác đến nhà một ông lão đi lại khó khăn, nhiều người sống trong căn phòng chật hẹp, trong khi nhà vệ sinh thì tạm bợ, trơn ướt nên cha đi xin tiền làm gấp cho họ một nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho người già. Hoặc đơn giản hơn là khi thấy một đứa trẻ tóc dài luộm thuộm, biết cha mẹ chúng chưa có tiền lo cho con nên cha gọi vào nhà xứ, nhờ người hớt cho nó mái đầu gọn gàng.... Cứ như vậy, những món quà của cha có khi chẳng giá trị nhiều nhưng là gởi gắm tình yêu thương thiết thực nên luôn đáng nhớ, vì người nhận hiểu người trao tặng xuất phát từ sự quan tâm dành cho họ.
Những năm gần đây, khi giáo phận có đường hướng mở rộng, phát triển thêm các giáo điểm, ở tuổi thất thập - trong vai trò Trưởng Ban Truyền giáo TGP và Tổng Thư ký Ủy ban Loan báo Tin Mừng thuộc HÐGM Việt Nam - cha Ðaminh vẫn luôn đồng hành với tất cả các chương trình chung. Trong sứ vụ mục tử, bước vào năm thứ 46 của đời linh mục, cha dí dỏm nói “mình vẫn còn lửa lắm !”, nên ở thì tương lai cũng đang ấp ủ những kế hoạch mới, cách làm mới, để tiếp tục thắp lửa phục vụ...
Minh Hải
Bình luận