Thứ Sáu, 21 Tháng Hai, 2020 11:40

Dấu chân miệt mài ở đất Tầm Ngân

 

Năm 2013, cha được nhà dòng tín nhiệm giới thiệu cùng giáo phận để về coi sóc giáo xứ Tầm Ngân (giáo phận Nha Trang), một xứ đạo đa phần anh em dân tộc sinh sống… Suốt từng ấy năm, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sỹ (dòng Ngôi Lời) đã không ngừng dấn bước để chăm lo cho đời sống bà con họ đạo.

 

Tầm Ngân - mảnh đất cha Sỹ đang gắn bó và phục vụ - ảnh: Phú Thịnh

 

Chăm lo từ cuộc sống thường ngày

Mỗi lần có dịp công tác tại vùng đất đầy nắng Ninh Thuận, chúng tôi đều xin cha một cuộc hẹn, bởi khi đặt chân về xứ này, bản thân được sống những ngày thư thái khi hòa mình vào với núi đồi, cây cỏ. Vốn là tên của một con suối tại địa phương, xứ đạo Tầm Ngân được hình thành từ năm 1963, ban đầu đây là một họ nhánh của giáo xứ Sông Pha. Theo thời gian, Tầm Ngân lớn mạnh dần và hiện có gần 1.800 giáo dân người dân tộc thiểu số, trong đó đa phần anh em K’ho, còn lại là Raglai, Chu Ru, Chăm…

Tính ra thời gian cha Sỹ gắn bó với Tầm Ngân chưa phải quá lâu nhưng ngần ấy năm, vị linh mục có dáng thấp, đậm người này đều nghĩ và lo cho người dân tộc thiểu số. Trong mắt của cha, những anh chị em dễ thương, đáng quý này có cuộc sống vô vàn thiệt thòi. Cũng chính từ cái nhìn tinh tế đó, nên trong những ngày đầu khi chưa thể triển khai dự án lâu dài, cha vẫn tiến hành làm những việc nhỏ mà thiết yếu cho đời sống người dân, đó có thể là chiếc xe đạp cho trẻ đến trường để bớt đi cảnh phải cuốc bộ hàng cây số trên những cung đường đất đỏ, bụi mù; cùng với đó là tặng sách, hỗ trợ học phí. Nhiều gia đình nghèo có người thân qua đời không thể sắm sửa hòm chôn cất, cha cũng tặng họ, lo cho người đã khuất được tươm tất, người sống cũng được ấm lòng...

Mỗi lần ghé nhà trẻ, ông cố đều mang theo quà làm niềm vui cho các em - ảnh: Phú Thịnh

 

Ninh Thuận quanh năm nắng gió, Tầm Ngân lại là vùng đồi núi cao, ít sông suối, mạch nước ngầm khô cạn, nên nước sạch là vấn đề không dễ giải quyết với bà con. Cũng từ thiếu nước, tất cả các nhu cầu thiết yếu hằng ngày như ăn uống, tắm giặt đều phải tiết kiệm. Thiếu thốn nguồn nước, cộng thêm thói quen không chọn lọc, đã dẫn đến tình trạng nhiều người mang bệnh về tiêu hóa, da liễu hay những thứ bệnh khác. Ở đây, đa phần đều nghèo, lại sống cách xa nên khi có bệnh họ ít đến bệnh viện hay trạm xá. Ðể giải quyết những nhức nhối nêu trên, không lâu sau khi về nhận xứ, ông cố đã cho xây dựng nhà máy nước sạch và thỉnh thoảng mời các đoàn bác sĩ đến khám bệnh cho bà con. Về sau, để tiện hơn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, cha mở luôn nhà thuốc với tên gọi Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng, khám chữa bệnh thông thường theo Tây y, và mời các nữ tu có chuyên môn thuộc dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ Nha Trang đến giúp.

Ghé thăm trung tâm vào một buổi sáng, cụ bà tên K’Rup chia sẻ với chúng tôi niềm vui sướng vì lâu nay, mỗi lần bị đau nhức không còn phải đi xa xin thuốc nữa. “Giờ cứ hễ đau cái bụng, chỉ cần ra nhà thờ  là các sơ cho thuốc về uống thôi. Cái bụng không còn đau, con cháu trong nhà cũng khỏe mạnh nên làm rẫy cũng được nhiều hơn”, bà nói. Tại đây, chúng tôi còn được nghe những bệnh nhân như ông Sohao Ha Hông, bà K’Lai chia sẻ về tình cảm dành cho cha sở và các dì tại nhà thuốc… Theo cha Sỹ, nước sạch, thuốc men là thứ mà người dân tộc thiểu số vốn rất thiếu. Vậy nên những chương trình cha mở ra đã phần nào xua tan đi nỗi lo lắng đó của bà con.

Tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng - ảnh: Phú Thịnh

 

Ðến chương trình dài hơi

Tầm Ngân là xứ nông nghiệp với những rẫy bắp xanh mướt chạy dài trên những ngọn đồi. Người dân tộc thiểu số thường sinh rất nhiều con, đời sống lại khó khăn nên để kiếm cái ăn, nhiều em chỉ mới hơn một tuổi đã phải theo cha mẹ lên nương, đi rẫy vì ở nhà không ai chăm. Giữa bốn bề là triền đồi, sông suối, những đứa trẻ vốn nhếch nhác luôn bị hiểm nguy rình rập. Cảm thương cho hoàn cảnh người dân và sự thiếu thốn của trẻ nhỏ trong vùng, năm 2014, tức chỉ sau một năm về nhận xứ, cha Sỹ đã cho hình thành nên ngôi nhà giữ trẻ và mời các nữ tu dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ Nha Trang cùng cộng tác để giúp bà con yên tâm đi làm, các em nhỏ có chỗ sinh hoạt, vui chơi. Hiện ngôi nhà cấp bốn nằm kế bên nhà thờ giáo xứ Tầm Ngân ngày ngày vẫn đều đặn vang lên tiếng vui đùa của con trẻ. Khỏi phải nói, giữa vùng đất cháy sạm vì nắng cát ở Ninh Thuận, sự có mặt của mái nhà tình thương trở thành niềm vui khôn tả của đồng bào.

Đôi khi chỉ là vài câu thăm hỏi dọc đường cũng làm cho nhiều người, cả già lẫn trẻ cảm thấy ấm lòng - ảnh: Phú Thịnh

 

Dù bận rộn với biết bao công việc và dự định nhưng thời gian chính yếu trong ngày, cha vẫn dành để viếng thăm các gia đình. Cũng từ những chuyến tới lui, thăm hỏi như thế đã giúp nhiều người yêu mến Chúa, nhiều đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu nhưng chưa học đạo nay được hợp thức hóa, những đứa trẻ gia đình Công giáo mà chưa được Rửa tội thì nay cũng lãnh nhận Bí tích. Nhờ vậy từ con số khoảng 1.200 nhân danh năm 2013, đến nay số tín hữu Tầm Ngân đã là 1.800. Hơn thế, cha còn dành thời gian thăm viếng anh em không Công giáo, tạo điều kiện để mọi người tham gia sinh hoạt chung với giáo xứ trong những dịp đặc biệt. Một số không nhỏ anh em lương dân từ đó cũng đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. “Con đường gặp gỡ, sẻ chia là con đường tốt nhất để đem Lời Chúa đến cho những người chưa biết Chúa”, việc loan báo Tin Mừng được cha thực hiện một cách nhẹ nhàng như thế.

Dù đã qua ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”, ở tuổi 61, chạy theo các chương trình đã triển khai cũng đủ “mướt mồ hôi”, nhưng cha vẫn luôn thao thức ấp ủ những dự định mới. Mong muốn lớn nhất của cha là xây dựng được ngôi nhà rông truyền thống của người dân tộc thiểu số. Ngoài góp phần giữ gìn văn hóa thì sau khi hoàn thành, nhà rông còn là điểm giao lưu văn hóa, tổ chức những sinh hoạt cộng đồng nối kết người trong vùng.

Cứ vậy, cha không ngừng dấn bước nhằm làm đẹp hơn cho đời, vun đắp cuộc sống cho cộng đoàn ở Tầm Ngân.

 

PHÚ THỊNH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm