40 năm trên đất đỏ cao nguyên

Niăm Să - Bàp (xin chào - cha, là tiếng chào thân thiện trong văn hóa người K’Ho) luôn được cất lên mỗi khi tôi cùng “ông cha của họ” đi ngang qua. Cứ mỗi nơi chúng tôi đến lại có rất đông người trong vùng hỏi thăm, chuyện trò thân thiết. Nói về người giáo dân trong xứ, linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, chánh xứ Phú Sơn, GP.Đà Lạt thẳng thắn: “Người dân tộc nhận thức và sống rất thật, không để bụng, không toan tính”… Cha hiểu con, con thương cha nên dễ hiểu vì sao vị linh mục già lại gắn bó cả đời mục tử với mảnh đất đỏ cao nguyên này.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Mở giáo điểm, xây nhà thờ…

Đường dẫn vào giáo xứ Phú Sơn khá thuận lợi. Nhà thờ nằm trên quốc lộ 27, cách ngã ba Liên Khương chừng 40 cây số. Tại đây có xe buýt vào tới giáo xứ. Quốc lộ 27 sau khi được mở rộng và làm mới đã dễ dàng hơn cho xe cộ đi lại, tuy nhiên, trước đây vào vùng Phú Sơn không phải chuyện dễ dàng. Nhưng với linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, yêu văn chương, thơ phú (nhiều tập thơ của cha đã được xuất bản), dấu chân của ngài đã in hằn tại vùng đất này từ 40 năm trước.

Khi các cha truyền giáo Dòng Chúa Cứu Thế đặt chân đến đây vào năm 1957, Phú Sơn và những vùng lân cận chỉ có một số ít người dân tộc K’Ho sinh sống, ẩn dật nơi những con suối, vạt rừng hoang vu, trồng lúa rẫy, khoai mì, khoai lang… Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều người miền Bắc, miền Trung vào đây lập nghiệp. Dân trong vùng từ đó tăng lên. Ngày đó, cha Lợi mới chịu chức, được Bề trên và Tòa Giám mục Đà Lạt bổ nhiệm về coisóc vùng đất “khỉ ho cò gáy” này, tiếp nối sứ vụ của các linh mục truyền giáo Canada hồi hương sau năm 1975. Thoắt đã 40 năm, vị linh mục trẻ khỏe ngày nào giờ đã là “ông cụ” U 70, nhưng nhìn bề ngoài người ta dễ bị đoán nhầm bởi sự hoạt bát và năng động của cha. Cha tủm tỉm: “Sống cùng anh em dân tộc giản dị, không bon chen, không tranh giành như ở miền xuôi nên trẻ và khỏe”.

Cây cầu bắt qua sông Đại Đơn do cha Lợi làm

Năm 1975, cha Lợi được bổ nhiệm về giáo họ Rơ Lâm, cùng lúc coi sóc giáo họ Phú Sơn, trước khi chính thức về nhận xứ Phú Sơn vào năm 1989. Ngày đó, một mình cha phụ trách một vùng rất rộng lớn, có nơi xa đến 100 km, lên tới giáo xứ Đạ Tông bây giờ. Riêng việc đi từ đầu này qua bên kia cũng phải mất nửa ngày trời, khi phần lớn là đường đèo cheo leo, đá lởm chởm. Với nhiệt huyết của một linh mục trẻ, hằng ngày cha băng đèo, lội suối vào những điểm truyền giáo trước đây để làm công tác mục vụ. Có những bản làng đa phần là người Công giáo nhưng số đông chưa được rửa tội nên có năm số người được cha rửa tội xấp xỉ gần 1.000 người…

Ngoài công tác mục vụ, cha Lợi còn thực hiện nhiều công việc giúp thăng tiến đời sống vật chất cho người dân tộc. Người trong vùng mến đạo yêu thương nên xin theo đạo ngày một đông. Chính quyền vì thế cũng tạo điều kiện để cha phát triển đời sống người dân địa phương. Từ đó, cha thuận lợi vào những điểm trước đây là vùng truyền giáo hay những giáo điểm nhỏ lẻ để dâng lễ. Giáo dân trong vùng tăng lên, nhiều giáo họ vì thế được hình thành. Ngày 15.8.1990, cha Lợi lần đầu chính thức vô dâng thánh lễ tại giáo điểm Lán Tranh, sau đó hình thành nên giáo họ (giờ đã thành giáo xứ Lán Tranh); tháng 12.1990, ngài vô Nam Ban; tháng 10.1991, vô giáo họ Đoàn Kết; năm 1992, giáo họ Tân Văn; năm 1996, giáo họ Ngọc Long, Đinh Văn; năm 1997, giáo họ Hòa Lạc; 1998, giáo họ Đạ Tông… Giờ đây, nhiều nơi đã lên thành giáo xứ và có cha sở, nhưng linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi vẫn coi sóc Phú Sơn cùng kiêm nhiệm năm giáo họ khác là Rơ Lâm, Đăm Pao, Đinh Văn, Hòa Lạc, Ngọc Long, với tổng số giáo dân khoảng trên 8.000 người.

Ngôi nhà thờ mới tại Giáo họ Đam Pao

Ngoài việc thành lập giáo họ, cha còn là người trực tiếp xây dựng các nhà thờ Tân Văn, Lán Tranh, Ngọc Long và mới đây nhất là nhà thờ giáo họ Đăm Pao. 40 năm gắn bó với cao nguyên đất đỏ, “ăn trái cây rừng, uống nước suối cao nguyên” nên cha thông hiểu cuộc sống của anh em đồng bào dân tộc. Với phương châm “giúp họ ưng cái bụng” thì công việc truyền giáo mới thêm phần dễ dàng, cha đã có nhiều bước đi để cùng sống và đồng cảm với anh em dân tộc.

Thăng tiến đời sống giáo dân

Xác định rằng cái nghèo xuất phát từ trình độ dân trí thấp nên sau khi về Phú Sơn, cha đã nhờ các nữ tu dòng Phaolô thành Chartres về đây để cùng phụ giúp trong việc mở những trạm xá và những nhà nội trú tình thương dành cho học sinh dân tộc nghèo. Các em được chăm lo miễn phí mọi thứ từ học hành, ăn uống, ngủ nghỉ. Ngày trước, nhiều buôn làng sống xa những con sông, con suối nên bị thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào những tháng nắng. Do thói quen, người dân tộc sử dụng bất kỳ nguồn nước nào nên dẫn đến bệnh tật. Thấy vậy, cha đã cho xây dựng hệ thống ống dẫn để mang nước từ khe suối về tận nhà. Những nơi cheo leo, không cầu qua lại giữa các buôn làng, cha tìm nguồn tài trợ xây dựng những chiếc cầu treo dân sinh. “Những chiếc cầu đó do chính người dân tộc tự thiết kế và thi công đó nghe. Người dân tộc giờ đây nhiều người tài giỏi lắm!”, câu nói tự nhiên nhưng trong ánh mắt vị linh mục già ánh lên niềm tin yêu, cảm phục. Giúp người dân thoát nghèo cũng luôn là một trăn trở lớn của vị linh mục tự nhận mình là “người Tây Nguyên chính hiệu”. Nhiều đêm cha trăn trở với câu hỏi đất Tây Nguyên mạnh về cà phê, vậy tại sao người Kinh có thể làm giàu từ cà phê trong khi người dân tộc mình lại không? Vậy là ông linh mục chuyên đi giảng đạo và làm bác ái ngày nào giờ khăn gói đi học nông nghiệp. Ngày đó chưa có “gu gồ”, cha phải tự mày mò, học hỏi từ những người kinh nghiệm cách trồng, cách chăm bón cây cà phê hiệu quả. Những buổi gặp gỡ được mở ra, sợ kiến thức mình chưa đủ “uyên thâm”, cha còn mời những người có chuyên môn về chỉ dạy cho bà con. Xen trong thánh lễ là những buổi nói chuyện thân mật, ở đó ông “kỹ sư nông nghiệp nghiệp dư” dạy cho người dân cách trồng cây cà phê... Nhờ thế, nhiều nhà đã thoát nghèo, cà phê giờ đã chất đầy trong lu. Nhiều gia đình còn xây dựng được nhà cửa khang trang.

Nhà máy nước lọc được khánh thành tại Ngọc Long

Để có cái nhìn thực tế hơn, cha dẫn chúng tôi vào những giáo điểm xa tít, trên những con đường đất đỏ gồ ghề, nhiều đoạn đường đá nhiều hơn đất. Ngọc Long vừa mới khánh thành hệ thống máy lọc nước sạch, bà con nơi đây không còn lo lắng thiếu nước sinh hoạt như trước. K’Ba, một người đến lấy nước cho hay: “Nhờ cha, có máy nước sạch rồi, giờ đây gia đình K’Ba không còn phải đi xa để lấy nước suối nữa!”. Đăm Pao đang vào mùa cà phê. Năm nay cà phê mất mùa nhưng bù lại bán được giá. Nhờ cây cà phê, gia đình anh Mook Nhất đã có nhà lầu, sắm được cả xe tải chở hàng. “Tất cả nhờ áp dụng kỹ thuật trồng cà phê từ cha xứ”, anh Mook Nhất nói với tất cả lòng kính trọng.

Ngoài việc thăng tiến đời sống vật chất cho người dân tộc, việc thăng tiến đời sống đạo đức cha cũng dùng những bước đi mềm dẻo, nếu không, họ dễ “bỏ ông Giêsu”. Chính vì vậy, ngoài những buổi nói chuyện ở nhà thờ, thăm mục vụ, cha đặt trọng tâm vào những buổi học giáo lý, ở đó, các giáo lý viên được đào tạo bài bản sẽ diễn giải bằng chính tiếng của dân tộc mình. Hiện nay ở Phú Sơn có một đội ngũ giáo lý viên người dân tộc xem ra là đông đảo nhất giáo phận Đà Lạt, khoảng 100 người. Những giáo lý viên thường xuyên được cha đào tạo bằng những khóa ngắn hay dài hạn để nâng cao kiến thức, cũng như thêm cách dạy gần gũi với buôn làng mình Để khuyến khích con em học văn hóa, cha thành lập quỹ học bổng với trên 100 suất hằng năm, nhằm hỗ trợ cho những gia đình nghèo.

***

Trong văn hóa của người K’Ho, khi đến thăm mỗi buôn làng, nếu được quý mến, có hai thứ bạn sẽ được tặng, vòng đeo cổ và đãi rượu cần. Với một người lần đầu đặt chân đến đây, vậy mà tôi may mắn được cả hai. Có lẽ, vì đi cùng với ông linh mục mà họ quý mến. Như lời chị Mook Đông nói rằng: “Chúng tôi không gọi cha hay linh mục, mà gọi là Bàp (Bố)”.

Đình Quý

Chia sẻ:

Bình luận

người dân tộc k'ho rất thật, và sùng đạo, ở lâm đồng dân tộc này rất đông,
Con giúp lễ cho Cha từ năm 1975 - 1981 tại R'Lơm
Con giúp lễ cho Cha từ năm 1975 - 1981 tại R'Lơm
người dân tộc k'ho rất thật, và sùng đạo, ở lâm đồng dân tộc này rất đông,

có thể bạn quan tâm

Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh...
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Chào tạm biệt bà con giáo dân Phú Lý thuộc vùng chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), cha Antôn M. Claret Nguyễn Ngọc Lâm (CRM) vừa quay trở về nhà dòng để bắt đầu một quãng đời mới khi bước vào tuổi hưu. Hành trình rong ruổi khắp những mái...
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Cha Antôn Lê Quang Trinh tâm sự, Chúa vẽ nét cong trong cuộc đời mình. Nét cong trong câu nói của thánh nữ Têrêsa Avila ứng với cha Antôn hai chuyện: hình hài và những diễn biến đời tu.
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh...
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Chào tạm biệt bà con giáo dân Phú Lý thuộc vùng chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), cha Antôn M. Claret Nguyễn Ngọc Lâm (CRM) vừa quay trở về nhà dòng để bắt đầu một quãng đời mới khi bước vào tuổi hưu. Hành trình rong ruổi khắp những mái...
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Cha Antôn Lê Quang Trinh tâm sự, Chúa vẽ nét cong trong cuộc đời mình. Nét cong trong câu nói của thánh nữ Têrêsa Avila ứng với cha Antôn hai chuyện: hình hài và những diễn biến đời tu.
Như cánh chim bằng không mỏi
Như cánh chim bằng không mỏi
Cha Antôn Nguyễn Đình Thục sinh năm 1947 tại Thọ Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1958, theo học Tiểu Chủng viện Saigon. Ngày 28.4.1973, cha được thụ phong linh mục với châm ngôn “Phụng sự trong hân hoan” (Tv 99,2)
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Chung tay kiến tạo giáo xứ từ những ngày đầu tiên, linh mục Antôn Vũ Thanh Hòa trở thành vị chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Thánh Phaolô (giáo hạt Madagui, giáo phận Ðà Lạt), đứng đầu một giáo xứ rộng lớn với gần 2.000 tín hữu.
Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Tôi có dịp trở lại giáo xứ Ka La, giáo hạt Di Linh, giáo phận Ðà Lạt để tham dự thánh lễ tạ ơn 50 năm hồng ân linh mục của cha cố Phaolô Lê Ðức Huân. Nhiều người đã bày tỏ lòng kính trọng, cảm phục vị cha già...
Chọn người nghèo làm hành trang đời tu
Chọn người nghèo làm hành trang đời tu
Từng sống trong cảnh nghèo và vất vả một thời, linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ Vườn Xoài - TGP TPHCM) đã thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những mảnh đời khốn khó, nên ngài bước vào đời tu với một xác tín mạnh mẽ: phụng sự...
Hạnh phúc đời thánh hiến
Hạnh phúc đời thánh hiến
Tròn 50 năm kể từ phút giây “bước vào Nhà Chúa”, linh mục Antôn Ðoàn Văn Vinh, tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa cảm nghiệm đó là những tháng ngày chan chứa hồng ân, trong lúc yên bình cũng như khi gian nan, thử thách.

Trăn trở của vị linh mục về hưu
Trăn trở của vị linh mục về hưu
Những ngày cuối tháng 4 này, tại nhà hưu dưỡng các linh mục Chí Hòa của Tổng Giáo phận có đợt mừng Kim khánh Linh mục của một số cha đã về nghỉ hưu trong đó có cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hùng Oánh, nguyên chánh xứ Xây Dựng, hạt Chí...