40 năm trước, linh mục Phaolô Phạm Trung Dong, mới vừa chịu chức, được bề trên bổ nhiệm về coi sóc giáo xứ Thánh Phaolô (280 Vành Đai Trong, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM). Con đường dấn thân của cha ngày đó bắt đầu từ vùng đất trũng, đầy phèn và hoang vu... Sau 40 năm “đóng đô” trên mảnh đất Bình Trị Đông, dấu chân của ngài đã in hằn khắp nẻo với nhiều công trình chung cho người dân nơi đây.
Linh mục Phaolo Phạm Trung Dong |
Giếng nước ông cha
Cách đây hơn 10 năm, Bình Tân là quận mới được tách ra từ một phần của huyện Bình Chánh nên còn thiếu thốn đủ bề. Dù vậy, đây lại là “miền đất hứa” với nhiều di dân đến tìm việc làm bởi có nhiều nhà máy, xí ngiệp mở ra. Vì mới nên một số điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người lao động nói riêng và người dân vùng Bình Trị Đông B nói chung vẫn còn rất khó khăn, trong đó quan trọng nhất phải kể đến là nước sạch. Ngày đó, nơi đây và một số vùng lân cận chưa có nước thủy cục, trong khi nguồn nước ngầm lại nhiễm phèn nặng, có những giếng khi bơm lên màu nước đỏ ngầu. Mỗi lần đi thăm mục vụ nơi ở của những anh chị em di dân, cha thấy mọi người phải chắt chiu từng giọt nước sạch, đêm về cha trăn trở mất ngủ. Giấc mơ về một nguồn nước an toàn, nơi mọi người có thể thỏa thích sử dụng được ấp ủ từ đó.
Lớp học tình thương của cha Dong |
Như có phép lạ, trong một lần tình cờ cha phát hiện một trong những giếng nước trong khuôn viên nhà thờ có một giếng ít bị nhiễm phèn. Hôm đó, nguồn nước trước đây vẫn hay dùng bị hư nên nhà xứ chỉ “tạm thời” sử dụng nước giếng này, nhưng khi sử dụng thấy có vị ngọt, đem tưới cây không bị chết. Đây là chuyện trước đây trong vùng chưa từng có! Thậm chí bảy giếng khoan trước đó trong nhà thờ đều bị nhiễm phèn nặng, mặc dù có giếng đã đào sâu đến 107m. Dù vẫn còn bán tín bán nghi nhưng cha vẫn âm thầm đem mẫu nước lên viện Pasteur để xét nghiệm. Kết quả nguồn nước an toàn. Vui như “bắt được vàng”, ngay hôm sau cha liền cho khoan sâu một giếng bên cạnh, bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư bồn chứa cùng hệ thống lọc nước bằng tia cực tím rồi dán thông báo, rao giữa nhà thờ để mọi người biết đến lấy về dùng. Giếng nước Phaolô trở thành điểm hẹn từ đó.
Những ngày đầu chỉ có vài người đến vì họ không tin nơi đây lại có nguồn nước sạch có thể uống liền mà chẳng cần đun sôi. Vậy là mỗi lần gặp bất kỳ ai, cha đều khuyến khích họ dùng thử, rồi những lần sinh hoạt cha lại đứng ra giải thích cho mọi người nghe về độ an toàn. Cha còn mua những bình chứa loại 20 lít để sẵn cho mọi người có thể thuận tiện lấy về. Ban đầu, cũng có người nghi ngờ đem mẫu nước đi kiểm nghiệm và trở về với kết quả tốt nên từ đó tiếng lành đồn xa. Lượng người vì thế cũng tăng lên. Nhiều người đến đây có khi phải xếp hàng cả tiếng mới tới lượt, thấy vậy cha liền cho tăng thêm vòi hứng nước để đáp ứng nhu cầu bà con, thay vì chỉ có bốn vòi như trước.
Bà con giáo dân lấy nước sạch về dùng |
Giờ đây, nguồn nước thủy cục đã về đến từng nhà nhưng số người đến lấy không giảm mà vẫn tăng, có lẽ như lời ông Bùi Đình Lợi, một người đến lấy nước chia sẻ: “Uống riết sinh ghiền. Tôi đã uống thử nước từ nhiều nơi, cả nước của những công ty giao đến tận nhà nhưng chất lượng thì khó qua khỏi “công ty nước sạch xứ Phaolô”. Trong khi nước nơi đây lại miễn phí hoàn toàn”... Mỗi ngày giếng nước mở cửa từ 5 giờ đến khi hết nước (tầm 9 giờ), buổi chiều từ 16 giờ đến khoảng 21 giờ, “công ty Phaolô” cung cấp cho người dân đến 40 khối nước sạch miễn phí, tương đương 2.000 thùng loại bình 20 lít. “Nếu một nhà lấy nhiều thùng chăng nữa thì cũng phải 500 gia đình được dùng nước sạch mỗi ngày”, cha Dong tính sơ. Để đảm bảo sự an toàn cho nguồn nước, cha thường xuyên cho người thay lọc, kiểm tra thiết bị và đưa mẫu nước xét nghiệm định kỳ.
Bên giếng nước còn là nơi nối kết tình thâm giao, là chỗ gặp gỡ, chuyện trò của những bà nội trợ, của những anh chị em công nhân sau những giờ làm việc. Nơi đó còn giúp mọi người gắn bó với nhau, tình lương giáo thân thương, liên đới... Với con trẻ, đó là nơi quây quần vui chơi...
Sẻ chia cùng những người di dân
Bình Trị Đông ngày trước là vùng đất trũng toàn rau muống và lau sậy. Điều kiện sinh hoạt khó khăn cộng với việc thiếu nước sạch là nguyên do của nhiều bệnh tật. Vì thế nên sau một thời gian về nhận xứ, cha đã mở tủ thuốc tình thương. Hằng tuần, tủ thuốc mở cửa vào mỗi sáng Chúa nhật và được các bác sĩ trong xứ đến giúp việc khám bệnh và phát thuốc. Đến nay, tủ thuốc vẫn đang duy trì và cứ mỗi lần giúp khám bệnh cho gần 100 bệnh nhân.
Cha Dong cho biết: “Chỉ sau 12 năm tách ra từ Bình Chánh, cư dân Bình Tân đã tăng gần 2/3, giờ vào khoảng 600.000 người. Giáo xứ cũng vậy, tuy số giáo dân đăng ký khoảng hơn 5.000 người nhưng mỗi Chúa nhật có gần 12.000 người đến dự lễ, vì vậy nhu cầu mục vụ cũng tăng theo từng ngày”.
Vốn là “đất hứa” của người lao động nhập cư nên bao năm qua cha sở Phaolô luôn canh cánh trong lòng những công việc để thăng tiến đời sống của anh chị em di dân. Cha thường mở những buổi sinh hoạt chung. Sau này, khi nhận thấy để đến tận nhà xứ nhiều người phải đi một quãng đường xa, cha chia thành từng nhóm nhỏ theo từng vùng sinh hoạt với nhau. Mỗi nhóm khoảng hơn 20 người và do chính cha hay các cha phó, các thầy giúp xứ chia nhau đến thăm mục vụ, đọc kinh chung hay đơn giản tổ chức những buổi sinh nhật với nhau... “Nhờ những buổi như vậy, chúng tôi có dịp để gặp nhau, chuyện trò nhưng hơn hết để nâng đỡ nhau trong đời sống đạo”, chị Đinh Thị Thu, một di dân mà tôi có dịp được gặp cho hay. Nhằm giúp đỡ phần nào về kinh tế đối với người lao động, cha còn lập ra một phòng áo cưới, cho thuê với giá tượng trưng.
Trong vùng, có rất nhiều con em của những gia đình lao động nghèo không có điều kiện đến trường, thấy các em phải lo bươn chải mưu sinh phụ cha mẹ, trong khi ở độ tuổi các em phải được ăn, được chơi và học nên cha không đành lòng. Cùng cộng tác với một vài giáo viên, cha đã quy tụ một số lại để dạy chữ cho các em, ban đầu chỉ mấy chục em, sau dần tăng lên mấy trăm, từ đó cha mở thêm trường học tình thương. Giáo xứ lo hết toàn bộ mọi chi phí hoạt động để các em được học đầy đủ bậc tiểu học. Vui mừng hơn nữa khi gần đây, trường Bình Trị Đông A cách đó không xa đã nhận lời đỡ đầu cho trường tình thương của xứ. “Vì thế các em có điều kiện để học lên, và nơi đây sẽ không chỉ là nơi xóa mù chữ mà còn giúp cho các em có tương lai”, cha Dong nói trong sự hân hoan... Vào các dịp Noel - Tết, giáo xứ còn tổ chức cho các em những chuyến vui chơi dã ngoại, tặng quà. Ngoài trường tình thương giáo xứ còn có những lớp dạy nghề miễn phí như Anh văn, đàn, cắt may, vi tính..., giúp trang bị thêm kỹ năng cho giới trẻ.
Hằng năm, cứ vào Mùa Chay, cha lại khuyến khích giáo dân mình hy sinh để đến với những người bất hạnh, cụ thể là những người mắc bệnh cùi tại các trại phong. Nhờ sự động viên và khích lệ từ cha sở nên năm nào giáo dân cũng đóng góp một số tiền không nhỏ để đi đến 10 trại phong, với hơn 1.000 phần quà trao tay đến các bệnh nhân, sẻ chia với họ chút hơi ấm tình người.
Rời giáo xứ khi trời vừa xế chiều, dừng bên giếng nước, chúng tôi uống những dòng nước tươi ngon. Nhiều người đến lấy nước hay gọi đây là “giếng nước tình thân”, có lẽ không sai và nó cũng chính là tâm tình của vị mục tử Phaolô Phạm Trung Dong nơi vùng đất ven đô.
Võ Quới
Bình luận