Nhắc đến cha Simon Nguyễn Văn Thu - chánh xứ Sơn Lộc (hạt Củ Chi, giáo phận Phú Cường), giáo dân thường nghĩ tới hình ảnh một linh mục bình dân cùng giọng nói sang sảng. Về sống cùng cư dân thuộc vùng ven của TPHCM, cha dần dà đem đến nhiều đổi thay hạnh phúc. Trên bước đường phục vụ ấy, dấu chân cha hằn in đây đó, tất cả đều đều phát xuất từ cái tâm, cái tình của người mục tử.
![]() |
Linh mục Simon Nguyễn Văn Thu |
Niềm vui cho người di dân
Năm 1998, cha Thu về coi quản Sơn Lộc, bấy giờ chỉ hơn 1.000 giáo dân. Đến khoảng năm 2003- 2004, cha nhận thấy có nhiều bạn trẻ lạ mặt đến xin học giáo lý hôn nhân hay dự tòng. Qua tìm hiểu, cha biết đó là những người từ khắp nơi tới đây đi làm, đa số gốc miền Tây Nam Bộ và miền Trung. Gia cảnh ai cũng khó khăn, nghèo khổ nên phải xa quê làm công nhân. Rồi trong nhiều lần chuyện trò, thăm hỏi cha mới vỡ lẽ họ thường bỏ lễ Chúa nhật, phần do tăng ca, phần bởi không có phương tiện đi lại. Thời đó, số công nhân có xe máy rất khan hiếm, xe đạp cũng ít vì phòng trọ kiểu “cá hộp” nên không tiện để mà nhà thờ lại cách khu công nghiệp vài cây số. Sợ anh em công nhân dễ lạnh nhạt đức tin, cha Thu thuê một chiếc xe đưa đón người đi lễ miễn phí. Cứ bốn giờ rưỡi chiều cuối tuần, họ tập trung tại một điểm rồi cùng nhau tới nhà thờ. Nhờ thế, một số anh chị em di dân có thể giữ đạo cách trọn, sốt sắng, nhanh chóng hòa nhập với giáo xứ mới.
![]() |
cha Thu và các em thiếu nhi trong giáo xứ |
Để giúp công nhân cảm thấy không lạc lõng, xa lạ ở môi trường mới vốn là tâm lý chung phổ biến, cha mời gọi anh em hội Legio Mariae dành ít thời gian đến đọc kinh, thăm hỏi. Hội chọn khu có đông công nhân sinh sống rồi bàn bạc, xem xét tập trung nhà nào thuận tiện để cùng nguyện kinh. Thế là tới nay, vào bảy giờ rưỡi tối thứ năm và thứ bảy hằng tuần, các hội viên lần lượt đến hai điểm là cư xá Vina và Ngã ba Lò Muối cùng khoảng 15-20 công nhân lần hạt, suy niệm lời Chúa. Đồng hành như vậy vừa giúp họ duy trì đời sống thiêng liêng, vừa tạo bầu khí thân tình, ấm áp. Và đây cũng là dịp để lắng nghe, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, nỗi buồn vui của những người xa xứ, từ đó mà có sự tương trợ, nâng đỡ lẫn nhau. Là một công nhân nhiều năm tham gia những giờ kinh chung, chị Trần Thị Ánh Tuyết, quê ở Huế cho biết: “Lúc đầu chúng tôi rất e dè, ngại ngùng khi tới giáo xứ mới, nhưng không ngờ cha và anh chị Legio quan tâm và ưu ái nhiều như vậy. Không riêng gì tôi, mọi người đều thấy vui, ấm lòng thật sự”.
|
Hội chợ xuân, Tết sum vầy cho anh chị công nhân trong giáo xứ |
Với những người di dân đang sinh hoạt tại Sơn Lộc, niềm vui trong họ càng thêm nhân đôi mỗi khi đến Tết âm lịch. Khoảng 25 Tết, cha Thu tổ chức phiên chợ Xuân, nhiều anh chị em công nhân quây quần cùng nhau mua sắm miễn phí tại nhà thờ. Với phiếu mua cao nhất trị giá 500.000 đồng, họ thỏa sức mang về cho mình quần áo, đồ gia dụng, nhu yếu phẩm... Ai cũng thích thú vì vừa vui vừa có nhiều quà Tết. Hoạt động này đã diễn ra năm năm nay. Biết mục đích hướng về người nghèo, giáo dân đã ủng hộ mỗi người chút ít từ cái quạt, chiếc xe đạp cũ tới quần áo, gạo, đường... Hỏi vì sao lại đặc biệt chăm lo cho công nhân, cha thật tình: “Bản thân mình cũng từng trải qua vất vả, gian nan nên hiểu được sự tủi thân, tự ti của những người lao động. Thấy Tết nhất mà một số anh em không về quê vì xa và sợ tốn kém nên giáo xứ tổ chức hội chợ nhằm mang lại cho họ chút niềm vui Xuân, mong muốn chỉ có vậy thôi”.
Và “mái nhà” Sơn Lộc
Sự gian nan, vất vả mà cha Thu nhắc đến chính là năm tháng sống giữa đời thường trước khi chịu chức linh mục. Ngài từng sửa xe, trồng rau, lái máy cày như bao người bình dân để đổi lấy bữa cơm hằng ngày. Chính từ những cọ xát, trải nghiệm đó, cha cảm thông và hiểu rõ nỗi nhọc nhằn, cơ cực nơi những người nghèo khổ. Vì thế những hoạt động mục vụ chăm lo cho người nghèo luôn được cha quan tâm, coi trọng.
|
Buổi sinh hoạt của các em Thiếu nhi thánh thể |
Trong khuôn viên Sơn Lộc hiện nay gần như lúc nào cũng có bóng người tới lấy nước mang về. Không như một số nơi quy định giờ giấc, giáo xứ Sơn Lộc luôn mở toang cánh cửa mỗi ngày đến chín giờ tối để thuận tiện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong vùng. Hệ thống máy nước sạch ở Sơn Lộc đã có khoảng tám năm, phục vụ cho giáo dân trong xứ và cả lương giáo, ai cần cứ tới lấy. Nhiều năm trước, các em thiếu nhi sau những giờ học giáo lý và sinh hoạt nhốn nháo tìm nước uống mà bình nước nhà thờ lại không đủ. Các em ra ngoài mua những bịch đá bào thì không an tâm, nhất là mùa nắng. Thêm nữa, nguồn nước giáo dân sử dụng dần ô nhiễm vừa phèn vừa đục, thỉnh thoảng lại có người đau bụng, viêm ruột. Người khá giả có lẽ không phải bận tâm nhưng người nghèo chịu tiền mua nước sao cho xiết nếu tình trạng mãi kéo dài. Thấy vậy, cha quyết định xây dựng hệ thống bơm và lọc nước ngay nhà thờ để đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần trong giáo xứ.
Những tháng khô như thời điểm này, nguồn nước sạch càng đáng quý vì an toàn mà giá lại rẻ. Thời gian đầu, có người ngồi thu mỗi bình 5.000 đồng, coi như phụ vào tiền trả góp máy móc. Khi đã hoàn đủ, cha Thu bỏ hình thức đó thay vào là đặt thùng tiền, tùy ý thức cá nhân mà mỗi người tự bỏ vào, coi như cũng là cách tập thói quen có ý thức. Nhiều người hỏi không sợ bị “ăn gian” sao, cha khoát tay cười xòa: “Không sao, Chúa biết hết mà, lo gì. Ý định chính của mình là nhằm giảm bớt khoản chi cho người nghèo khi mua nước bên ngoài giữa thời buổi đắt đỏ hiện nay, còn chuyện kia không quan trọng”.
|
Để tiện cho việc dạy nhân cách cha Thu kêu gọi các em thiếu nhi đến khuôn viên giáo xứ vui chơi và sinh hoạt |
Ngoài cương vị chánh xứ Sơn Lộc, cha Thu còn là linh mục đặc trách Thiếu nhi Thánh Thể của giáo phận Phú Cường nên cha khuyến khích các em cứ đến nhà thờ vui chơi. Cha nói trẻ con đùa giỡn ở ngoài nhiều lúc không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ, chi bằng cho tới giáo xứ sẽ tiện nhắc nhở, chỉ bảo. Có người không quen với việc ồn ào, huyên náo nhưng cha thì không thấy phiền lòng hay khó chịu, thế nên còn làm thêm sân bóng đá và bóng chuyền ngay trước sân nhà thờ, ngoài ra còn có hai bàn bóng bàn trên phòng giáo lý. Chiều chiều, các em cả nam lẫn nữ đến vui chơi, luyện tập. Mùa hè, cha tổ chức thành hội thao hẳn hoi, chia ra đội, vòng đấu cụ thể và có giải thưởng khích lệ kèm theo. Hằng tháng cha còn phụ hỗ trợ tiền học phí cho 20 em khó khăn, với những em khá giỏi sẽ được thưởng vào cuối học kỳ. Bấy nhiêu coi như niềm vui, động lực để các em phấn đấu.
Trước sự thay da đổi thịt của giáo xứ, chị Lê Ngọc Thúy, một giáo dân bày tỏ: “Với những người lao động nơi đây, việc có nước sạch, con cái được chăm lo học hành, sinh hoạt như vậy là quá quý rồi, mừng lắm, cha mẹ cũng yên tâm làm ăn hơn”. Sắp tới đây, cha sẽ cho đổ bêtông, làm lại các con đường chung quanh xứ. Nhu cầu này cha đã nhận thấy lâu rồi vì những con đường đất sỏi đá lởm chởm, nắng thì bụi mịt mù, mưa lại ngập lênh láng, lầy lội rất tội cho các em học sinh nên có kế hoạch “lột xác” chúng. Một ngày không xa, giáo dân sẽ có thêm niềm vui mới.
Khi chào ra về, cha nói đùa lần sau nếu nhà báo đến hy vọng được thấy một Sơn Lộc khang trang hơn nữa. Và chúng tôi nhủ thầm: “Chắc chắn là vậy rồi”.
Giáng Hương
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.