Thứ Hai, 05 Tháng Giêng, 2015 10:14

Mục tử của người nghèo giữa lòng Sài thành

Hình ảnh thường thấy nhất của cha Giuse Phạm Bá Lãm, chánh xứ Hòa Hưng kiêm hạt trưởng hạt Phú Thọ - GP TP.HCM là ông cụ tóc bạc trắng rong ruổi khắp thành phố bằng chiếc cub 81 xưa cũ. Nhưng ở vị linh mục ấy, tinh thần dấn thân, phục vụ người nghèo vẫn căng tràn như ngày nào ở tuổi thanh xuân…

Đường yêu thương

Giáo xứ Hòa Hưng tọa lạc tại quận 10, TPHCM, một trong những khu vực phát triển, nhộn nhịp, sôi động của thành phố nhưng đời sống của một số gia đình cả trong và ngoài xứ vẫn còn đó không ít cái lo, cái khó riêng. Nằm khuất sau những ngôi nhà hai ba tầng ngoài mặt tiền đường là những căn nhà trọ chật hẹp sâu trong hẻm của những người nghèo. Ngày ngày, họ buôn gánh bán bưng, làm thuê, rửa chén mướn, chạy xe ôm... Gánh nặng mưu sinh oằn xuống đôi vai. Trong nhiều chuyến thăm mục vụ của mình, cha Lãm đã thấy, cảm thương, thấu hiểu và muốn san sẻ phần nào nỗi vất vả ấy.

Sau nhiều đêm thao thức, cha đề xuất cùng ban Caritas giáo xứ ý định mở tiệm bán gạo lấy lời giúp người nghèo. Nghe qua thấy hơi “lạ” và “liều” nhưng dẫu sao cũng là một phương án có thể tương trợ người khó khăn trong khu vực nên mọi người tán thành. Ngày 3.12.2013, dịp lễ thánh Phanxicô Xaviê - bổn mạng các xứ truyền giáo, tiệm gạo chính thức được khai trương với tên gọi Nhân Ái, cha đến làm phép và mua gạo mở hàng. Dẫu gần nhà thờ Hòa Hưng là một khu chợ khá xầm uất và có nhiều cơ sở bán gạo đã lâu năm, quy mô lại lớn nhưng khi biết mục đích, ý nghĩa của việc bác ái, nhiều người đã rủ nhau đến Nhân Ái mua ủng hộ. Bà Phạm Thị Tuyết, người trông coi cửa tiệm cho biết: “Với công việc này, cả người bán lẫn người mua đều cảm thấy niềm vui rất bình dị nhưng đầy tính nhân bản. Hiện tại, cứ vào thứ Bảy đầu tiên của các tháng lẻ, 100 hộ nghèo thuộc phường 15, quận 10 (không kể lương giáo) đều đến nhà thờ nhận 10kg gạo. Từ năm 2015, chúng tôi sẽ tăng thêm 50 phần để giúp đỡ cho người nghèo ở phường 13”. Chị Sương, một người đang mua gạo ở cửa hàng Nhân Ái góp thêm vào câu chuyện: “Nhà tôi ở cách đây 2km, giá gạo ở đây lại bằng giá thị trường nhưng biết nhà thờ mở tiệm “kinh doanh” lấy đồng lời lo cho người nghèo nên tôi thường ghé đây mua ủng hộ. Tôi kể câu chuyện này cho mấy bà hàng xóm bên lương họ cũng cảm kích và làm khách hàng ở đây luôn”.

Bên trong tiệm gạo Nhân Ái

Bên trong khuôn viên nhà thờ Hòa Hưng còn có một cái kho nằm gần cổng phụ, đề chữ “VE CHAI” to rõ, chất lỉnh kỉnh đủ thứ chai lọ, đồ bể. Giáo dân nơi đây giải thích những món đó sẽ được bán vào cuối tháng nhằm gây quỹ giúp người nghèo. Họ nói thêm, đây là lời kêu gọi của bố Lãm “nhà nào có ve chai hãy mang đến để làm từ thiện và bảo vệ môi trường”. Lo xa hơn, sợ một vài gia đình có nhiều đồ không tiện đem tới, cha cho hẳn số điện thoại của các thiện nguyện viên, khi có cuộc gọi, sẽ có người trực tiếp đến thu gom. Anh Minh, một giáo dân đến góp ve chai cho hay: “Mấy việc đó thì thấm vào đâu, đấy chỉ mới là lo cho dân tại thành phố này, cha còn giúp đỡ nhiều chỗ khác nữa kia”.

Mà thật vậy. Tỷ như nhiều năm qua, cha cùng nhóm Thiện Chí Hòa Hưng vận động giáo dân gửi tặng xe đạp cũ (đã được sửa ngon lành) nhằm giúp người Khmer ở Sóc Trng có phương tiện làm ăn. Bởi đời sống của họ chật vật đến nỗi không có cái xe đi lại, hoặc có thì cũng cà tàng khổ sở nên không thể đi xa để làm mấy việc chân tay khi có ai gọi. Hay dù ở thành phố nhưng lâu lâu người ta lại thấy cha hối hả ngược lên KonTum bảo trợ xây nhà  nguyện và thăm hỏi giáo hữu tại buôn Long Jol. Vì như cha nói: “Đồng bào ở đó toàn nghèo khổ, phải lo chạy bát cơm manh áo từng bữa rất tội nghiệp nên mình kết hợp, chỉ dẫn cho hội Bà mẹ Công giáo lên thăm, tặng quần áo, thực phẩm vào các dịp Trung Thu, Giáng sinh Tết”. Đặc biệt, cha còn cung cấp đủ loại hạt giống rau màu để giúp họ trồng trọt, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thay Vì ăn rau rừng trái rừng dễ bị những căn bệnh về đường ruột và thiếu chất dinh dưỡng.

Luôn chăm lo ngay từ những cái nhỏ nhặt, bình dị nhất cho người khác là lời nhận xét của đa số những người đã từng cộng tác với bố Lãm. Ông Nguyễn Văn Mạnh, phó Chủ tịch HĐMV nói thêm: “Cả cuộc đời cha gần như gắn bó với giáo xứ nên cha con chẳng lạ gì nhau nữa. Tuy đã có tuổi nhưng cha vẫn nhiệt tình phục vụ, lo lắng cho người này người kia và theo sát cùng bổn đạo trong mọi chuyện lớn bé. Kham nhiều công việc nhưng hiếm khi nghe cha than vãn, kể khổ”.

Nâng bước sinh viên xa nhà

Nhắc đến Hòa Hưng sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua lưu xá Hòa Hưng khang trang - luôn nức tiếng là nơi kỷ luật nghiêm nhặt, nề nếp chỉn chu của những nữ sinh viên chăm ngoan. Tuy nhiên, ít ai biết đến người đã âm thầm gầy dựng và phát triển nó như hiện nay. Trước năm 2002, thấy nhiều sinh viên đến thuê những căn phòng chật chội, đắt đỏ để trọ học, đặc biệt là những nữ sinh viên với rủi ro về cuộc sống chung đụng, cha Lãm đã khởi xướng cùng giáo xứ mua lại căn nhà cạnh nhà thờ, dốc sức xây dựng thành một lưu xá cho các sinh viên nữ lưu trú. Đối tượng tiếp nhận là những em có hoàn cảnh khó khăn nơi tỉnh lẻ. Lại lo để các em tự quản thì không ổn, cha mời các nữ tu dòng Saledieng về đồng hành, dìu dắt. Cha cùng các cộng sự đề ra những nội quy như đi lễ mỗi ngày, tối đọc kinh chung, hạn chế dùng điện thoại, cuối tuần học giáo lý và nhân bản..., và nhất là dành thời gian học bài với nhau. Cha lý giải: “Ngoài đời ngày càng có nhiều cạm bẫy, cám dỗ, các sinh viên nhất là nữ rất dễ bị lạc hướng, sa ngã. Vì thế, với các quy định của lưu xá, tôi mong ước giúp các em trở thành người sống tốt cả đời lẫn đạo”

Sinh viên ở lưu xá bán hàng gây quỹ

Nhằm định hướng cho sinh viên có tinh thần sẻ chia, yêu thương người nghèo khổ như một cách thức để giáo dục, mùa Vọng hằng năm, cha và các nữ tu còn khuyến khích các em hy sinh chút thời gian vào thứ Bảy và Chúa nhật đến các nhà thờ bán đĩa, phim Kinh Thánh, lịch Công giáo, sách, chuỗi, thiệp Noel... Công việc này diễn ra từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 12. Để việc đến bán được suôn sẻ và tạo độ tin cậy, cha viết giấy giới thiệu với cha chánh xứ và giáo dân. Số tiền thu được sau hơn hai tháng bán hàng sẽ dùng tổ chức cho các em hoạt động tông đồ Giáng sinh như phát quà, làm văn nghệ cho thiếu nhi ở vùng sâu. Như Chúa nhật III mùa Vọng vừa rồi, lưu xá đã đến thăm và tạo sân chơi cho thiếu nhi tại bốn giáo xứ ở Cà Mau. Tham gia hoạt động này, nhiều bạn đã tích lũy cho mình các kinh nghiệm sống, như Trần Phương Mai Ly, trưởng lưu xá thổ lộ: “Qua việc đi bán, em học được cách giao tiếp, nói năng sao cho khéo léo, linh hoạt. Rồi biết việc mình làm đã đem lại được ấm áp, hạnh phúc cho những người khó khăn em cảm thấy rất  vui”.

Đánh giá về công tác xã hội trên, nữ tu phụ trách Đỗ Thị Minh Duyên chia sẻ: “Những chuyến đi giúp ích đã giúp các em có được dịp va đập cần thiết, hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người khó khăn. Từ đó, các em ý thức về mối tương quan xã hội, biết chia sẻ, cảm thông và biết cho đi để nhận nhiều hơn”. Với 166 em, hiện lưu xá Hòa Hưng ngày càng thăng tiến, chứng tỏ sự trưởng thành trên mọi phương diện về kỷ cương, đạo đức, hoạt động... Mỗi năm, hàng chục nữ sinh ở lưu xá đã tốt nghiệp cử nhân loại khá giỏi.

Ở ngưỡng quá “cổ lai hy”, tóc toàn “muối” nhưng cha vẫn hăng say rảo những bước chân giữa lòng Sài thành tìm cách giúp người nghèo, vẫn còn đau đáu hướng tới những ai cần đỡ nâng. Còn nhớ câu cửa miệng của ngài là: “Lý tưởng của tôi là...người nghèo, chỉ vậy thôi!”. 

Giáng Hương

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm
Xem nhiều nhất