Thứ Tư, 03 Tháng Sáu, 2015 15:04

Người mở lối bên dòng Đa Nhim

Chúng tôi có dịp gặp linh mục Phaolô Phạm Công Phương, Chánh xứ Lạc Viên, Hạt trưởng hạt Đơn Dương - GP Đà Lạt, trong những chuyến đi công tác trên cao nguyên Lâm Viên. Cha Phương có vầng trán rộng, ít nói với vẻ ngoài khá khiêm khắc nhưng đó lại là một người thân thiện, dễ mến và luôn “cháy” hết mình vì công việc. Nhắc đến cha Phương, không chỉ giáo dân mà nhiều người ngoài Công giáo vùng Lạc Xuân - Đơn Dương cũng biết đến một vị linh mục của những công trình giao thông và luôn quan tâm đến đời sống người dân, nhất là anh chị em dân tộc…

nha tho lac vien
nhà thờ Lạc Viên

Xây cầu nối bờ vui

Từ ngã ba Fi-nom theo quốc lộ 27 đi khoảng 20km là tới giáo xứ Lạc Viên. Đó là một xứ đạo hiền hòa ở độ cao 1.002m so với mặt nước biển, phía Bắc và phía Nam là hai dãy núi chạy dài, ở giữa là thung lũng có dòng Đa Nhim băng ngang và suối nước từ trên núi đổ xuống. Dân trong vùng đa số là nông dân trồng hoa và la-ghim. Trước năm 2011, Lạc Viên có hơn 6.000 giáo dân nhưng hết một nửa là người dân tộc thiểu số sống bên bờ Nam sông Đa Nhim. Vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng, những người này phải đi đường vòng hàng chục cây số để đến nhà thờ hoặc mạo hiểm vượt sông với những cây cầu tạm đầy nguy hiểm. Vào mùa mưa lũ, dòng Đa Nhim phình rộng, xiết gào, nuốt gọn những cây cầu tạm. Cũng tại khúc sông này, nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra khi thủy điện xả lũ.

Cha Phương bên cây cầu dây văng vượt sông Đa Nhim

Từ ngày về nhận xứ năm 2004, cha Phương luôn canh cánh chuyện di chuyển của dân trong vùng khi vượt suối và sông Đa Nhim. Bởi tuổi thơ của cha Phương gắn liền với những cây cầu khỉ miền sông nước Cửu Long và cũng chính những cây cầu lắc lẻo đã cướp mất người chị ruột của ngài vào một mùa nước nổi. “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Cái Sắn – Kiên Giang, thuở bé tôi không có quần dài và dép vì đường sá lầy lội. Nhà tôi cách nhà thờ chỉ 2,5km nhưng đó là quãng đường đầy gian nan, một tay xách đèn, tay còn lại cầm dép và quần áo luôn xắn cao để sạch sẽ dự lễ. Rồi ba năm thanh niên xung phong, sống ở vùng Tà In – Đức Trọng, nơi có dòng Đa Nhim chảy qua nên tôi hiểu rất rõ nỗi khổ của dân không có những cây cầu khi mùa mưa lũ về”, cha Phương nhớ lại.

Thời gian đầu, vì kinh tế chưa cho phép xây cầu, thay vì để hơn 3.000 giáo dân vượt sông đi lễ hằng tuần, cha Phương lập giáo điểm Diom bên bờ Nam sông Đa Nhim để đến dâng lễ cho họ. Diom là giáo điểm có đến 2.500 người dân tộc nên cha chủ động đưa họ vào Ban Hành giáo của xứ, giao việc cho họ và tạo mọi điều kiện để họ phát triển. Đến năm 2008, cha tiến hành xây nhà thờ Diom và khánh thành trong năm. Đó là ngôi thánh đường có kiến trúc gothic đẹp đẽ giữa thung lũng Đơn Dương có dòng Đa Nhim uốn quanh. Nhờ vậy mà đến năm 2011, giáo họ Diom đã được Đức Giám mục GP Đà Lạt nâng lên thành giáo xứ.

Khi đời sống đạo của giáo dân bên kia sông Đa Nhim dần ổn định, đầu năm 2013, cha Phương quyết định khởi công xây cầu vượt sông Đa Nhim. Ngày 04.4.2013, cây cầu dây văng dài 114m, rộng 1,6m, cao 10m với 64 sợi dây văng trị giá hơn một tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động. Trong đó, giáo xứ chịu trách nhiệm thiết kế, giám sát thi công và toàn bộ chi phí vật liệu xây dựng, người dân tự nguyện góp công lao động. Khi đi vào hoạt động, cây cầu đã giúp người dân rút ngắn quãng đường từ hàng chục cây số xuống còn hơn một cây số, giao thương thuận tiện nên đời sống người dân cải thiện nhiều. “Trước muốn qua bờ bên kia chúng tôi phải gởi xe bên đây rồi đi cầu tạm hoặc lội qua kia sông rất khó khăn và tốn kém vì phải đón xe ôm đi tiếp. Giờ cha xây cho cây cầu, đi lại thuận tiện, không còn nguy hiểm khi mùa mưa lũ về, chúng tôi rất biết ơn cha”, ông Ya Hoan, một người dân sống gần cầu cho hay.

Cha Phương bên cây cầu thứ hai

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2014, cha còn tiến hành xây cầu bê tông nối thôn Lạc Viên A với thôn Giãn Dân dài 28,5m, rộng 3,2m, cao 6,5m, tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, người dân góp 300 triệu đồng và công xây dựng. Với cây cầu bê tông này, đời sống người dân bên bờ Nam sông Đa Nhim thay đổi hẳn, học trò đến trường thuận tiện, giá đất vườn tăng cao hơn trước do xe tải có thể vào tận vườn thu mua. Ngoài hai cây cầu lớn, cha còn xây hai cây cầu bắc qua suối mà chỉ những người dân trực tiếp hưởng lợi mới biết được giá trị.

Cải tạo nông thôn

Tuy chương trình chủng viện không đào tạo cha Phương thành một kỹ sư cầu đường hay một nhà quản lý nông thôn, nhưng với tuổi thơ đầy trắc trở và tâm hồn mãi hướng đến người nghèo khó nên cha luôn thao thức tìm cách để làm đời sống người dân trong vùng ngày một tốt đẹp hơn. Nhờ vậy mà hơn 5km đường bê tông đã được cha trải phẳng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người dân. Có đoạn đường chỉ hơn 20m, có đoạn dài hơn cây số, nhưng đường đến trường của trẻ nhỏ được rút ngắn, bớt gập ghềnh, tai nạn giao thông cũng giảm hẳn. “Ai cũng thấy với các con đường cha mở tạo cho chuyện đi lại của người dân rất thuận tiện nhưng ít ai để ý tới những khu vườn dọc hai bên đường có giá tăng chóng mặt. Nhờ vậy mà một số hộ ở đây bán một phần vườn để tái đầu tư cho phần còn lại, từ đó kinh tế gia đình ngày một đi lên”, ông Nguyễn Năng Trọng, Phó Chủ tịch HĐGX Lạc Viên phân tích.

Nhắc đến xã Lạc Xuân, chỉ cách đây 5 năm ai cũng sẽ ngán ngẩm vì nạn rác thải vô độ. Đâu đâu cũng thấy rác thải, từ rác sinh hoạt đến rác của vườn tược. Đường sá ngổn ngang rác và cống rãnh ngập ngụa rác. Mỗi tháng cha Phương vận động thanh niên trong xứ đi gom rác nhưng mãi không ăn thua, vậy là cha quyết định thành lập tổ vệ sinh môi trường để đi gom rác hằng ngày. Bước đầu, cha thuê đất chứa rác, thuê người thu gom và phân loại rác, đồng thời vận động người dân hưởng ứng với phí 25.000 đồng/tháng. Chương trình được sự đồng thuận của người dân, nhanh chóng giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường trong xã và được chánh quyền địa phương đánh giá cao. Giáo xứ đã bàn giao mô hình cho địa phương cách đây ít tháng.

Đường và điện được cha Phương phủ rộng Lạc Dương

Không dừng lại ở đó, vị linh mục xuất thân từ miền Tây Nam bộ còn bỏ tiền túi kéo hơn 17km điện đường để thắp sáng hang cùng ngõ hẻm trong vùng và cả một số đoạn trên quốc lộ 27 chạy qua Lạc Xuân. Với hệ thống chiếu sáng này, người dân đi lại vào ban đêm bớt nguy hiểm, tai nạn giao thông và trộm cắp cũng giảm hẳn mà mỗi hộ gia đình hai bên đường chỉ đóng từ 5.000 – 10.000 đồng/tháng để trả tiền điện và chi phí bảo trì.

Rồi nhiều căn nhà tình thương trị giá hơn 150 triệu đồng và hàng chục suất học bổng cũng được cha Phương và giáo xứ duy trì để giúp người dân và giới trẻ trong vùng thăng tiến. “Tôi có nằm mơ cũng không nghĩ đến mình sẽ có căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi như vậy”,  ông Drong Thoát, chủ căn hộ được cha Phương tặng nói trong nghẹn ngào. Còn với cha Phương, ngài chỉ nghĩ giúp cho người dân thì phải giúp cho đến nơi đến chốn, vả lại người dân tộc thường ở chung nhiều thế hệ với nhau nên nếu chỉ xây nhà nhỏ ít phòng sẽ gây khó khăn cho họ trong sinh hoạt.

Người dân vui mừng được ở nhà khang trang

Cha Phương tâm niệm, cơ sở vật chất chỉ là bước đầu, giúp giáo dân cùng dân trong vùng vươn lên và vấn đề đạo đức mới là quan trọng. Nên dù hăng say với công việc xã hội nhưng cha vẫn dành thời gian học tiếng K’ho và Churu để hằng tuần dâng lễ riêng bằng tiếng mẹ đẻ của họ, vừa tạo sự gần gũi và giúp họ bảo tồn văn hóa của mình. Lạc Viên hiện có hơn 30 đoàn thể hoạt động quy củ và thường xuyên tổ chức nhiều chương trình để quy tụ các giới, đặc biệt là giới trẻ để giao lưu học hỏi, tạo nên một sống sức mạnh mẽ ở vùng nông thôn này. Dù chuẩn bị bước vào tuổi lục tuần và giữ cương vị hạt trưởng nhưng giáo dân vẫn thấy cha hướng dẫn cộng đoàn múa trên nền nhạc thánh ca với những cử điệu uyển chuyển và ý nghĩa trong nhiều chương trình giao lưu từ cấp giáo phận đến giáo xứ. “Cha là vậy, luôn âm thầm làm cho tất cả mọi người và luôn cháy” hết mình khi bắt tay vào việc gì”, đó là câu nhận xét mà nhiều giáo dân Lạc Viên nhận định về cha sở của mình mà chúng tôi được nghe. Riêng Đức cha Antôn Vũ Huy Chương vẫn thường mời gọi các linh mục trong giáo phận học hỏi cách mục vụ và các chương trình của cha Phương.

Những ngày cuối năm, trên các con đường ngang dọc thuộc địa bàn xã Lạc Xuân những xe hàng chất đầy la-ghim và hoa Tết phục vụ Xuân Ất Mùi hối hả nối đuôi nhau. Sâu trong vùng Diom A, Diom B, B’Kan thuộc bờ Nam sông Đa Nhim, hàng hóa vẫn đi thẳng một mạch ra quốc lộ 27, điều mà chỉ cách đây vài năm những người lạc quan nhất cũng không nghĩ tới.

Đinh Mưa

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác