Sau 10 năm, tôi gặp lại Kiên, một người bạn thời nối khố, đã từng trải qua năm năm lao động tại Hàn Quốc. Trong giây phút hàn huyên, Kiên nhắc đến cha Giuse Phạm Thanh Bình, dòng Salêdiêng Don Bosco đã cứu anh thoát chết sau một tai nạn nghiêm trọng và giúp đỡ nhiều người Việt bên Hàn khi gặp nạn nơi đất khách quê người.
|
Linh mục Giuse Phạm Thanh Bình |
Khởi đầu một hành trình
Thời điểm trước năm 2003, Giám tỉnh của dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam khi đó là cha Gioan Nguyễn Văn Ty có mối liên hệ mật thiết với các tỉnh dòng khác ở châu Á, châu Úc và có dịp đi lại ở nhiều quốc gia có tỉnh dòng Salêdiêng hiện diện. Trong một lần qua Hàn Quốc công tác, cha Ty gặp linh mục người Mỹ Gioan Trisolini, đặc trách văn phòng Mục vụ Di dân của Tổng giáo phận Seoul. Thấy ở Hàn có nhiều lao động người Việt Nam trong khi không có linh mục người Việt lo mục vụ cho họ nên cha Trisolini gợi ý cha tìm giúp một linh mục như vậy. Sau khi trở về Việt Nam, cha đã đến gặp và trình bày điều này với Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn, đặc trách về Mục vụ Di dân và được ngài ủng hộ. Thế là linh mục Giuse Phạm Thanh Bình là người được chọn để mở đường hành trình mục vụ cho người Việt Nam ở Hàn Quốc.
![]() |
Cha Bình cùng Đức cha Lazaro địa phận Deachon đến thăm bệnh nhân |
Chuyến đi đó, cha Bình chỉ có một mình. Khi đến nơi, công việc đầu tiên cha theo đuổi là học tiếng bản địa. Phải mất gần hai năm học tại một trường đại học của Dòng Tên, cha mới có thể giao tiếp và về làm việc tại Văn phòng Mục vụ di dân của TGP Seoul. Văn phòng mang tên “Mục vụ, tư vấn cho người lao động nước ngoài”, là một văn phòng quốc tế giúp mục vụ cho lao động Philippines, Trung Quốc, Mông Cổ, Băng La Đét... Công việc chính của Văn phòng là lo cho người đau ốm; tư vấn về pháp luật hay can thiệp với pháp luật để người lao động được lấy lại lương, hưởng những chế độ xã hội; giúp đưa những người bị tai nạn lao động đến bệnh viện với mức phí rẻ; mục vụ cho con cái di dân (nhà trẻ)...
Khi bắt đầu làm việc văn phòng, một mình cha phải quán xuyến nhiều việc để có thể hỗ trợ phần nào cho khoảng 45.000 người Việt trên đất Hàn như tiêu chí văn phòng đưa ra. Trong đó, có thêm một mảng lớn là giúp những cô dâu Việt lấy chồng Hàn đang gặp trắc trở. Bởi khi qua đây những cô gái Việt thường có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ... nên hôn nhân thường trục trặc. Vậy là cha trở thành người tư vấn, thông dịch để giúp họ quay lại với nhau. Để cho các cô dâu Việt có cuộc sống hạnh phúc khi hiểu chồng và gia đình, cha còn mở những lớp dạy về văn hóa Hàn Quốc để họ hiểu và dễ hòa đồng hơn với văn hóa bản địa.
![]() |
Hành hương mộ Thánh KimTreGon |
Đó là chưa kể cha phải giúp lao động đòi quyền lợi khi bị chủ bóc lột do hạn chế về ngôn ngữ và chạy ngược chạy xuôi giúp đỡ những lao động gặp tai nạn nhưng không có bảo hiểm. Công việc trong một ngày thật bộn bề nhưng chưa phải đã hết! Cha giải thích : “Hàn Quốc là một xã hội công nghiệp nên trong công việc rất nguyên tắc và áp lực hơn ở nước ta. Việc lớn nhỏ đều phải thực hiện bằng văn bản, trên giấy tờ. Mỗi ngày, mọi việc đều phải viết nhật ký, ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết như tư vấn thế nào, chữa trị ra sao để viết báo cáo gởi về văn phòng đặc trách. Ngoài ra còn dành thời gian để tham gia những khóa học cách tư vấn cho người lao động, những khóa huấn luyện, định hướng của Giáo hội trong lãnh vực này...”. “Khi đã nhận lời qua đây là mình phải hy sinh hết mình nhưng nhiều khi không còn chút sức lực để tiếp tục. Nhưng nếu để ngã bệnh sẽ mất đi nhiều ngày hơn nữa! Nhiều khi ban đêm điện thoại reo liên tục, bởi không chỉ có người Việt gọi mà cả cục xuất nhập cảnh, phi trường đều gọi tới. Chính vì vậy phải dành thời gian nghỉ ngơi vì công việc phía trước là cả một hành trình dài...”, cha Bình chia sẻ.
Niềm vui đọng lại
Về sau, qua một linh mục người Pháp, cha quy tụ được một nhóm gồm những anh chị em lao động lâu năm ở Hàn trợ giúp. Nhờ đó nhiều việc được san sẻ. Khi các hoạt động ngày càng mạnh, số người tìm đến văn phòng xin hỗ trợ ngày một đông, đủ mọi thành phần: lao động, di dân, sinh viên du học... thuộc nhiều tôn giáo. Riêng hai ngày cuối tuần dành cho việc sống đạo. Hằng tuần, cha dạy giáo lý hôn nhân và giáo lý dự tòng cho người chuẩn bị lập gia đình, dâng lễ tại ngôi nhà nguyện được thuê lại. Theo bảng thống kê gởi về giáo phận Seoul, mỗi năm có khoảng 600 người đến xin được tư vấn và khoảng 300 người đến dự lễ Chúa nhật mỗi tuần.
![]() |
Họp ban điều hành |
Để tạo tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa cộng đoàn người Việt, cha còn tổ chức những buổi gặp gỡ, vui chơi, mỗi năm hai lần tổ chức những chuyến hành hương tới các Trung tâm Công giáo, quê hương các Thánh tử đạo tại Hàn Quốc, vì cha tâm niệm: “Các em qua xứ người, lạ lẫm, nên dù có tiền cũng không có cơ hội để đi lại. Những chuyến hành hương sẽ giúp cho các em hiểu hơn về Giáo hội Hàn Quốc, ngoài ra còn có tầm nhìn về văn hóa và con người nước bạn”... Việc mục vụ không chỉ giới hạn tại giáo phận Seoul, bởi nhiều người không biết hoặc do đi lại khó khăn, nên cha luôn trăn trở để địa bàn được mở rộng. Những lần về Việt Nam có dịp gặp Đức Hồng y Gioan Baotixita hay bề trên các dòng tu, cha đều giải bày những khó khăn. Được sự tiếp tay của nhiều linh mục, tu sĩ, cộng đoàn Việt Nam tại Hàn Quốc hôm nay đã được mở rộng, ngoài giáo phận Seoul còn có tại các giáo phận Uijeongbu, Suwon, Pusan, Taegu và Masan.
![]() |
Một thánh lễ trong ngôi nhà nguyện |
Công việc dù vất vả và áp lực nhưng theo cha điều nhận lại cũng lớn không kém, lớn nhất chính là tình cảm anh em dành cho mình. Cha cho hay, có nhiều bạn mới qua đã bị tai nạn lao động hay bị bệnh nặng không đủ tiền để chạy chữa. Vậy là cha liên lạc để đưa họ đến những bệnh viện Công giáo, số khác nhờ qua những đài truyền hình Công giáo để xin được hỗ trợ... Bởi vậy nên khi các em khỏe mạnh, dù về nước đã lâu nhưng vẫn thường xuyên gọi điện để cám ơn, hỏi thăm. “Ơn gọi của dòng Salêdiêng Don Bosco là mục vụ cho các bạn trẻ, khi làm được việc gì đó cho lý tưởng mình đã chọn lựa dấn thân thì thật hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa khi tôi còn được biết, nhiều em sau khi khỏi bệnh cũng đã quay lại giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình”, cha nói trong ánh mắt hạnh phúc. Giờ đây, dù không còn phục vụ tại Hàn Quốc nhưng cha vẫn luôn nắm bắt tình hình mục vụ tại Hàn Quốc. “Số người Việt hiện đang sống, làm việc tại Hàn vào khoảng 100.000 người, cũng tương đương số người Hàn sống tại Việt Nam. Ngoài ra, tại Đài Loan, Nhật Bản củng có đông người Việt như vậy nhưng chưa có những công tác mục vụ phù hợp cho họ, quả thực còn nhiều trăn trở!”, cha Bình chia sẻ.
|
Văn phòng tư vấn cho người lao động |
Dù đã về Việt Nam khá lâu nhưng mỗi khi nhắc đến những tháng ngày ở Hàn cha đều xúc động: “Con tim tôi vẫn luôn hướng về những anh chị em ở đó và luôn ấp ủ ý định ngày nào đó sẽ trở lại”. Có lẽ vậy nên trong câu chuyện của mình cha luôn khuyến khích những vị linh mục trẻ dấn thân để ra đi. “Đó là cách để mang Chúa đến cho người khác như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: Hãy ra đi đến những vùng ven; Người mục tử phải mang trên mình mùi của con chiên”, cha Bình thổ lộ.
Đình Quý
Năm 2010, việc mục vụ tại Hàn Quốc được giao lại cho một linh mục khác tiếp quản, riêng cha Bình được nhà dòng gọi về để qua học tại Philippines. Sau hai năm du học, hiện nay cha đang là Phó Giám đốc trường nghề Đông Thuận – Vĩnh Long. Đây là một trường do dòng Don Bosco mở ra để dạy nghề cho các bạn trẻ nhà nghèo, bỏ học giữa chừng tại khu vực ĐBSCL, với mức học phí tương đối và có nơi cho các em lưu trú. Trường dạy đủ nhiều nghề khác nhau như sửa xe gắn máy, điện, điện tử, may, cắt tóc, cơ khí... |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.