Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao anh em Tin Lành nói về Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh một cách rõ ràng mạch lạc, trong khi đó, một số tín hữu Công giáo có phần thụ động và bối rối khi trình bày về một vấn đề nào đó liên quan đến Thánh Kinh ?
Chúng ta phải thừa nhận rằng, phần không nhỏ các tín hữu Công giáo ít khi dự một chương trình đào tạo liên quan đến những vấn đề như phương pháp đọc Thánh Kinh; hoặc có người gợi ý những câu hỏi, những đề tài để giúp họ suy niệm Lời Chúa. Vì vậy, họ không biết phải bắt đầu từ đâu, hệ lụy là đôi khi họ đọc Lời Chúa nhưng không mấy khi nhận ra Lời Chúa là lời ngỏ với chính bản thân. Sau nữa, có những người nghe Lời Chúa, nhưng lại nghĩ Lời Chúa nói cho người khác, cho tập thể chứ không phải cho mình, chính vì thế không có được sự gặp gỡ cá vị với Chúa. Vì vậy, họ không thường xuyên tìm đọc Thánh Kinh để sống tương quan mật thiết với Chúa.
Vậy phải làm sao để tín hữu có thể gặp gỡ với Chúa Giêsu nhiều hơn nhờ siêng năng đọc và học hỏi Kinh Thánh? Một tín hiệu đáng mừng là hiện có nhiều nơi tổ chức những lớp học về Thánh Kinh, đặc biệt là những lớp dành cho các bạn trẻ. Nhiều giáo xứ đã tặng cho mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh. Họ cùng đọc bài Tin Mừng của thánh lễ hôm đó, thậm chí còn suy niệm trước Tin Mừng của lễ sau.
Có hội đoàn còn dành riêng một đến hai ngày trong tuần quy tụ lại với nhau, để cùng nhau đọc và suy niệm Lời Chúa. Ðó là những dấu hiệu đáng mừng và cần được cổ xúy. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi thì chưa đủ. Những giá trị của Tin Mừng cần phải được thấm vào đời sống của Kitô hữu nhiều hơn nữa để bắt nhịp với thời cuộc, đối diện với những làn sóng thế tục và khủng hoảng các giá trị như hiện nay.
Người tín hữu cần hiểu được ý nghĩa và giá trị của Tin Mừng, ý thức được rằng Kinh Thánh là lời của Chúa đang ngỏ lời với bản thân mình. Lời đó có sức mạnh biến đổi con người nên hoàn thiện, như lời thánh Phaolô Tông đồ gởi ông Timôthê: “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3, 15-17).
TRẦN LAM THÀNH
Bình luận