Ngày 5.9, tiếng trống vang lên từ dãy nhà nhỏ nằm trong con hẻm thuộc Hương lộ 2, quận Bình Tân, đánh dấu sự khởi đầu năm học mới 2020 - 2021 của các học sinh lớp tình thương Hướng Tâm.
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên cả thầy lẫn trò gặp gỡ, chuyện trò cùng nhau sau lớp khẩu trang. Niềm vui ánh lên từ những đôi mắt thơ ngây nơi các em như muốn tỏ bày khát khao học biết kiến thức. Hầu hết học sinh của ở đây là con em của các gia đình di dân từ tỉnh xa đến Sài Gòn mưu sinh.
|
Lớp học của những con em di dân giữa chốn thị thành |
17 năm trước, linh mục Phaolô Phạm Trung Dong, chánh xứ Thánh Phaolô, quy tụ các bạn nhỏ di dân, không phân biệt tôn giáo ở vùng ven đô này về dạy dỗ. Từ một nhóm nhỏ những buổi đầu rồi dần dần phát triển đông lên, đến năm 2007, cha thuê đất, dựng nhà, lập lớp học tình thương, chia học sinh theo độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 và mời thầy cô về dạy miễn phí. Thế là từ cảnh lang thang khắp nơi phụ cha mẹ kiếm sống, muốn được đến trường mà chẳng được, các em được học biết mặt chữ, học văn, học toán, được cắp sách đến lớp như bao bạn đồng trang lứa.
Có gần 300 học sinh đang theo học các lớp ở đây. Vào ngày các em đến nhận lớp, chuẩn bị vào năm học mới, nơi dãy nhà cấp 4 với vài căn phòng giản đơn rộn ràng tiếng nói cười. Các em lắng nghe cô giáo dặn dò, lễ phép đón chào khách thăm. Ngoài cổng, phụ huynh các em ngồi chờ, một số người tất tả mang giấy khai sinh, hộ khẩu đến xin nhập học. Chẳng cần hỏi nhiều, chỉ cần thấy nét vui trong mắt cha, mẹ và sự háo hức trong từng bước đi của trẻ là có thể thấu cảm được tâm trạng của họ.
![]() |
Học sinh ngồi chờ nhận lớp trong khoảng sân nhỏ hẹp |
Bé Mỹ Nhiên nắm chặt tay ông, ngoan ngoãn chào cô giáo, sau khi làm xong thủ tục nhận lớp. Cả nhà em rời quê nghèo thuộc tỉnh Sóc Trăng đến chốn đô thị này kiếm sống. Ở đất khách mưu sinh vất vả nên dù muốn cho con, cháu đi học họ cũng đành bó tay. Khi Nhiên được học ở đây, họ vui và thở phào nhẹ nhõm. Cô Phạm Thị Nhơn, một giáo viên kỳ cựu đã gắn bó với lớp Hướng Tâm từ những buổi đầu chia sẻ: “Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng tựu trung đều rất khó khăn. Chúng tôi chỉ mong các em chăm học, có thêm kiến thức để tương lai sau này có thể tự lập và xây dựng cuộc sống tốt hơn, không phải vất vả như cha mẹ các em”. Ðau lòng nhất là khi có trò bỏ học vì gia đình dời đi, vì phải phụ kiếm sống hay vì nhiều lý do khác. Mỗi lúc ấy, các cha, các thầy, các cô tìm đến tận nơi sống của các em để khuyên bảo. Có em sau đó tiếp tục đi học nhưng cũng có em rời đi và để lại trong họ sự nuối tiếc.
Từ năm 2011, các tu sĩ dòng Linh mục Thánh Tâm (SCJ) đến đồng hành với lớp. Các cha, các thầy dạy tiếng Anh, vui chơi cùng các bạn nhỏ, dọn dẹp, sửa chữa vật dụng hư hỏng… Nhờ sự tận tâm của các thầy cô, sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu trường tiểu học Bình Trị Ðông A mà các em được học hết tiểu học, nhiều em tiếp tục học các cấp cao hơn. Ðến nay, dù chỉ là số ít, nhưng cũng có những học trò của lớp tình thương Hướng Tâm đã, đang theo học cao đẳng, đại học. Có lẽ đó chính là phần thưởng lớn nhất mà các linh mục, tu sĩ, giáo viên đồng hành với lớp nhận được. Còn gì có thể khích lệ tinh thần cống hiến của họ hơn lúc nghe tin, nhìn thấy học trò cũ của mình vượt qua bóng tối của đói nghèo, mù chữ để tiến về tương lai xán lạn?
![]() |
Lễ khai giảng năm học mới của thầy trò Hướng Tâm |
Tháng 7.2020, cha Dong chính thức bàn giao lớp cho dòng Linh mục Thánh Tâm quản lý. Tiếp bước tinh thần của vị mục tử, các tu sĩ duy trì hoạt động và cải tiến để mọi thứ thêm khởi sắc. Những năm gần đây, quận Bình Tân ngày một phát triển, giá đất thuê theo đó cũng dần tăng cao, cơ sở hoạt động hiện tại lại ngày một xuống cấp. “Phương án đề ra là tìm một địa điểm ổn định để làm cơ sở mới cho khang trang hơn chút. Chúng tôi đang lên kế hoạch. Xin Chúa giúp sức để mọi thứ thuận lợi và không gây ảnh hưởng đến việc học của các em”, cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bạt (SCJ), phụ trách lớp tình thương chia sẻ.
Hành trình tiếp sức đến trường cho trẻ nghèo còn rất dài. Tin rằng với nỗ lực không ngừng của các linh mục, tu sĩ, giáo viên cùng lòng hảo tâm của nhiều người gần xa, hành trình ấy thêm nhẹ nhàng và được chắp cánh để đỡ nâng nhiều hơn nữa những mảnh đời cơ cực.
Trúc Yên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.