Nhà vật lý học nổi tiếng, Archimedes (ảnh), đã từng xin: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất”. Có điểm tựa, dù khó khăn mấy cũng vượt lên được. Có rất nhiều điểm tựa. Ðiểm tựa trước mặt, gần nhất, chính là bản thân, gia đình, bạn hữu. Thời nay, ngoài ba điểm trên đây, chúng ta chú ý tới hai điểm tựa căn bản, bao trùm, có tính quyết định thành công hay thất bại, đó là điểm tựa: “Tâm linh Khoa học”. Tôi muốn chia sẻ về các điểm tựa này.
Trước hết, điểm tựa là chính mình. Không ai có thế cứu mình nếu mình không kiên cường, nỗ lực tự cứu. Người ta chỉ đầu tư vào những ai mà người ta hy vọng. Mình muốn trở thành điểm tựa cho chính mình, và trở thành điểm tựa cho tha nhân, cần giữ ba điều này: “Tin, yêu và hy vọng”. Trước hết là “Uy Tín”. Giữ chữ tín, như giữ vàng, giữ kim cương trong nhà. Cha ông dạy: “Một lần mất tín, vạn lần chẳng tin”. Và “Nhân bất tín bất lập” có nghĩa: “Người không có lòng tin, không lập nên cơ đồ”. Chúa Giêsu luôn nhắc: “Ðức tin con đã cứu thoát con”1. Kinh nghiệm lịch sử: “Có thể bỏ vũ khí, bỏ lương thực nhưng không bao giờ bỏ niềm tin”. Còn niềm tin là còn tất cả. Vun đắp chữ tín hằng ngày: “Hứa thì giữ, dù phải thiệt”; “Nhận thì làm và làm theo lương tâm”. Nếu vì lý do chính đáng, bất khả kháng, thì phải xin lỗi và đền bù, theo lẽ công bằng. Thứ đến, là làm thế nào để mình “được yêu và khả năng đáp trả tình yêu”. Thánh Augustinô đã diễn tả tình yêu Phúc Âm như sau: “Yêu và làm điều bạn muốn; hoặc “Cứ yêu đi, rồi làm”2. Ðó là tình yêu đúng nghĩa: Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu thật, đòi hỏi hy sinh, như Chúa Giêsu đã yêu nhân loại và đã hy sinh trên thập giá. Ca dao Việt Nam: “Yêu nhau chẳng quản xa gần, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng leo”. Tình yêu mạnh mẽ và cụ thể ấy, còn được Phúc Âm diễn tả qua dụ ngôn: “Ðức ái Samari”, yêu nhưng không, vô vị lợi. Chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Hãy cứ đi và làm như vậy”3. Ðào luyện cụ thể, sống: “Liên đới - trách nhiệm và yêu thương - phục vụ”. Sau cùng, là “Niềm hy vọng”. Cũng như niềm tin, đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Kinh nghiệm triết lý cuộc sống: “Bĩ cực thới lai; cùng tắc biến”; “khổ tận cam lai”. Bế tắc hết, hanh thông trở lại. Cánh cửa này đóng, sẽ có cánh cửa khác mở ra; ánh sáng ở cuối đường hầm!
![]() |
Thứ đến, điểm tựa tha nhân. Gần nhất và cũng quan trọng nhất là gia đình. Ði đâu, làm gì, trở về vẫn là gia đình. Không ai nói thật bằng cha; không ai yêu con bằng mẹ. Khi ta trưởng thành là lúc ta biết sám hối. Quay trở về với gia đình. Sống hiếu thảo với cha mẹ. Ðừng để cha mẹ mất lòng tin và niềm hy vọng nơi mình. Sống, biết sống, biết suy nghĩ; Biết cân nhắc, biết biện phân và quyết đoán; Chan hòa tình huynh đệ: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ðó là những điều cha mẹ và gia đình mong đợi nơi bản thân mình.
Bên cạnh, một chỗ dựa khác, chính là những người bạn tri kỷ. Biết đồng cảm, trở thành cố vấn, cùng tìm kiếm sự thành công, làm cho mình lớn lên, chỉ cho mình những điều sai và khuyến khích làm những điều đúng: “Giàu vì bạn”. Ðể có bạn tốt, chính mình là người tốt của bạn.
Tiếp đến là hai điểm tựa quan trọng hiện nay: “Tâm linh và khoa học”. Như tôi đã trình bày trong “Vun trồng nền văn hóa Tâm linh - khoa học” (CGvDT số 2289). Tôi chỉ xin tóm tắt: “Tâm linh là niềm tin có Ông Trời, có Thượng Ðế. Tâm linh Kitô giáo là tin có Thiên Chúa hằng sống, đang hiện diện sống động, thực sự qua Chúa Giêsu, trong Bí tích Thánh Thể. Tất cả mọi người tín hữu được mời gọi sống theo Chúa Giêsu, là Tình yêu của Thiên Chúa. Bản Chất của Ngài là: “Chỉ muốn và làm điều tốt cho con người và muôn loài”. Ngài còn là Ðấng quyền năng, chân thật, trung tín, không phản bội, lừa dối ai bao giờ. “Phải tin Thiên Chúa hơn tin người đời”4. Tin có Ngài trong đời, thì chỉ có lợi và tốt, cho cuộc sống hiện tại và tương lai, hơn là không tin. Ngày xưa, Thánh Cả Giuse đã phó thác tất cả vào điểm tựa thiêng liêng là Thiên Chúa. Và Ngài đã thành điểm tựa trở lại cho Thánh Gia. Còn về khoa học. Vốn là những giá trị do con người, suy luận, thí nghiệm, dựa vào con người, thiên nhiên và vũ trụ mà khám phá ra đôi chút, những quy luật chi phối, rồi vận dụng phục vụ cho cuộc sống. Chúng ta ca ngợi là tiện lợi, tiện nghi và hiện đại. Khoa học chân chính và tâm linh chân chính đều là bạn thân của nhau. Cùng nhau đi tìm chân lý, chân lý toàn vẹn và tột cùng. Hầu phục vụ hạnh phúc cho con người, dù mỗi bên có con đường khác nhau. Ðại đa số các nhà khoa học chân chính, tài giỏi thực, đều rất khiêm nhường và rất tâm linh! Như nhà bác học Pasteur lừng danh, tay cầm danh thiếp trao cho một sinh viên: “Ðây là địa chỉ của tôi”. Nhưng tay kia đang mải lần hạt!
***
Bản thân, gia đình, bạn hữu, khoa học, tâm linh… là những điểm tựa và trở nên điểm tựa, trong bối cảnh lịch sử thế giới hôm nay, thực phức tạp. Ngày này có những thành tựu như cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối vạn vật, rồi đến công nghệ in 3D, công nghệ nano, cấu trúc vật liệu mới, ứng dụng trong hầu hết các lãnh vực, sau cùng, là trí tuệ nhân tạo, không gian mạng, robot, cobots hợp tác, không giới hạn không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn, nhưng cũng chưa thể tin được, nếu khoa học quên đi phục vụ thiện ích của con người, dựa trên bốn nền tảng: “Công bằng, bác ái, chân lý và tự do”. Là điểm tựa và trở thành điểm tựa chân chính cho tha nhân, chính là con đường truyền giáo mới và hữu hiệu trong thời đại ngày nay.
Sống trong lịch sử đương đại, trường hợp ông Gióp, ập tràn về tâm trí tôi. Satan được phép của Thiên Chúa, thử thách lòng trung thành của ông. Trong cảnh khốn khổ cùng cực, nhưng ông vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa và không hề buông lời trách móc Thiên Chúa5. Rồi tiếp đến, cảnh các tông đồ, khi biển động mạnh, sóng ập vào thuyền. Thầy cũng có mặt trong con thuyền, nhưng vẫn ngủ. Các tông đồ hốt hoảng, đánh thức Chúa. Ngài thức dậy và trách: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin”. Và đồng thời, Ngài cũng an ủi, khuyến khích họ: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”6. Sau đó ngài thể hiện quyền năng của Thiên Chúa làm người là ngăm đe gió và biển: “Biển liền lặng như tờ”7. Những cảm nghiệm trên cho tôi thấy cần phải trở về và tập trung vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi xin được nhắc lại tâm nguyện của Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Chầu Thánh Thể thinh lặng suốt đêm ngày”. Nhất là cảm nghiệm của chân phước Carlo Acutis: “Hướng về mặt trời da ta sạm nắng; hướng về Thánh Thể, Thánh Thể làm cho ta trở thành những vị thánh”.
Như thế điểm tựa ắt có và đủ, lựa chọn ưu tiên: Cứu thế giới và nhân loại hôm nay là “Giêsu - Thánh Thể và những vị thánh”. Bước sang năm mới, tôi cầu xin với Chúa Giêsu Thánh Thể, soi lòng cho mỗi gia đình Việt Nam, nói chung và gia đình Kitô hữu nói riêng, vốn ảnh hưởng của nền văn hóa cộng đồng, - lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp, náo động, ồn ào -, nên có những giây phút tĩnh lặng trước Thánh Thể…
Tôi xin xác tín lại: “Có Thánh Thể là có tất cả”8; “Còn Thánh Thể là còn tất cả”9; “Hãy để cho Chúa Giêsu giải quyết”10. “Quây quần bên Thánh Thể, không thiếu bất kỳ sự gì, ngay cả ơn gọi”11.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
_____________________________________________________
1 Mt 9.18-26
2 Augustinô, Dilige, et quod vis fac, Tractatus in epistulam Johnnis 7,8
3 Lc 10,25-37
4 Gr 17,5-10; Lc 16,19-31
5 G 2,10
6 Ga 14,1-6
7 Mt 8, 23-27
8 Thánh Eymard, đấng sáng lập Dòng Thánh Thể.
9 Ðức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
10 Thánh Giáo hoàng Piô X.
11 Lm Pet. Hoàng Xuân Nghiêm, Linh hướng phong trào Cursillo.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.