Rảo quanh một thoáng giáo phận Ban Mê Thuột, có thể thấy mục vụ cho người sắc tộc, người yếu thế khá nổi bật. Ðó không chỉ là thao thức của vị chủ chăn, Ðức Giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, trong suốt hành trình 13 năm trên miền đất này, mà còn có sự chung tay, cộng tác của các thành phần Dân Chúa giáo phận. Giáo xứ Vinh Hòa với 10.144 giáo dân, trong đó có 4.398 tín hữu Êđê (số liệu năm 2022) đã chung sống trong tình yêu thương, hiệp nhất…
![]() |
Nhà thờ giáo xứ Vinh Hòa |
Chiếm gần phân nửa số giáo hữu trong giáo xứ, anh em sắc tộc là bộ phận quan trọng cấu thành nên sự vững mạnh của đời sống giáo xứ. Vì thế, theo lời cha chánh xứ GB Nguyễn Minh Tâm, mọi việc mục vụ trong xứ đạo gắn liền với người dân tộc thiểu số. Ở đây có hẳn ban đặc trách người sắc tộc do cha phó xứ phụ trách, các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình đang sinh hoạt tại giáo xứ và giáo dân tham gia. Ban này có vai trò trong việc chăm lo cho đời sống giáo hữu và đào tạo giáo dân sắc tộc để đồng trách nhiệm trong giáo xứ. Số tín hữu sắc tộc được chia thành 11 giáo buôn. Buôn xa nhất cách nhà thờ 7 cây số. Trong các cử hành đức tin, linh mục phụ trách tổ chức thánh lễ bằng tiếng dân tộc. Ðiểm đặc biệt trong tổ chức các giáo buôn là 11 giáo buôn có 11 ngày lễ bổn mạng. Trong những dịp này, cha đến dâng lễ tại nhà giáo dân của buôn. Theo cha Tâm, đó là cách giúp giáo dân quy tụ lại, thể hiện sự liên đới trong cộng đoàn và sự quan tâm của chính giáo xứ: “Khi có lễ hoặc sinh hoạt quan trọng của bà con, chúng tôi thường tổ chức tại các buôn. Phần là để anh chị em tiện tham gia, đi lại gần gũi, phần khác để cho thấy sự thoải mái, giáo dân cũng cảm nhận sự quan tâm của giáo xứ, hiện diện một cách gần gũi, chan hòa”. Cộng đoàn người Êđê thuộc giáo xứ có hẳn hoi ca đoàn phục vụ, hát lễ bằng tiếng sắc tộc để giáo dân dễ hiệp thông. Lễ Noel, bà con giáo dân cùng làm hang đá. Các con đường được giăng đèn. Buổi tối, ánh đèn lung linh mọi ngả đường làng. Giáo dân vui thích khi đến nhà thờ tham dự các sinh hoạt, tập văn nghệ, diễn nguyện… Trong chương trình mục vụ tại giáo xứ, giáo dân Vinh Hòa đang chung tay để xây dựng 4 nhà nguyện cho 4 giáo buôn lớn của anh em sắc tộc, hiện đã hoàn thành được một công trình. Khi các nhà nguyện hình thành, việc đi lễ của bà con cũng dễ dàng hơn. Thánh lễ sẽ được cử hành nhiều hơn tại các nhà nguyện này. Và theo dự kiến, trong thời gian tới, giáo xứ sẽ trình bày với chủ chăn giáo phận nâng các giáo buôn ở phía tây nhà thờ thành giáo điểm sinh hoạt.
![]() |
Trong các hoạt động, anh em người Ê đê hăng hái tham gia, tinh thần tích cực |
Một trong những điều cha xứ lưu tâm khi mục vụ ở Vinh Hòa là đào tạo tín hữu sắc tộc, nhất là lớp trẻ. Trong việc giảng dạy giáo lý, giáo xứ có đội ngũ giáo lý viên tại các buôn là những người dân tộc thiểu số. Ðể có được lực lượng nòng cốt này, cha tâm sự đó là cả quá trình đồng hành, khuyến khích và theo dõi để đào tạo: “Mọi sinh hoạt trong giáo xứ đều cần có anh chị em Êđê tham gia, cùng trách nhiệm. Không thể bỏ rơi họ, không thể thiên vị họ và do đó các vai trò mục vụ trong xứ đều có đồng bào tham gia”. Chúa nhật là ngày vui trong giáo xứ khi các em thiếu nhi ở 11 giáo buôn từ hai hướng đông - tây nhà thờ đổ về ngôi thánh đường trung tâm. Các em về học giáo lý, tham dự thánh lễ. Ngày thường, sáng thứ Năm, cứ mỗi hai tuần một lần, cha dâng thánh lễ chung cho thiếu nhi trong xứ. Lúc bấy giờ, các em thay phiên hát lễ, đọc sách. Em H’ Mit Tu, 13 tuổi chia sẻ niềm vui khi được tham dự các sinh hoạt: “Em rất thích đến nhà thờ để được dự lễ, đặc biệt hát các bài thánh ca bằng tiếng Ê đê. Các bạn cũng hăng hái. Ngoài dự lễ, trong xứ các em còn được tổ chức vui chơi, cắm trại...”. Cha chánh xứ lại lý giải:“Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã tập để lớp trẻ tham gia, thể hiện trách nhiệm của mình với các việc chung. Các em thì cảm thấy thích thú, hứng khởi do được tin tưởng, giao phó”. Theo cha, ở cộng đoàn có tín hữu sắc tộc và người Kinh cùng sinh sống, sinh hoạt, điều quan trọng là xây dựng sự hiệp nhất, không phân biệt, chia rẽ. Không thể để anh chị em ở các buôn bị bỏ lại sau lưng. Ngay trong nội tại, đời sống kinh tế của người Êđê đã có phần khó khăn hơn. Chính vì thế mà giáo xứ cần có trách nhiệm đỡ nâng người nghèo khó. Ban Caritas giáo xứ Vinh Hòa, trong những việc chia sẻ, bác ái luôn ưu tiên cho người đồng bào. Cha xứ, các thành viên ban cùng nối kết với những ân nhân ở các giáo phận miền xuôi như Xuân Lộc, TPHCM… tổ chức chương trình thiện nguyện đến giúp đỡ anh chị em sắc tộc. Chăm lo cho người sắc tộc, kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn là mối dây xuyên suốt trong mục vụ của giáo xứ Vinh Hòa. Ðến giáo xứ, có thể cảm nhận được tinh thần cộng đoàn đoàn kết, yêu thương. Những giáo hữu qua các thế hệ đã chung tay với cha xứ trong việc chăm lo cho người đồng bào. Ông Hoàng Ðình Trọng (78 tuổi), người từng là trưởng khối truyền giáo trong xứ, có thời gian 16 năm giảng dạy giáo lý cho tân tòng Êđê trong xứ và tham gia vào việc dạy tiếng Êđê cho các thầy chủng sinh, các nữ tu trong giáo phận chia sẻ về tình cảm với người ở các buôn làng trong niềm say mê: “Nhiều năm về trước, khi sức khỏe còn đảm bảo, tôi tham gia dạy giáo lý, gắn bó với anh em sắc tộc. Ðồng hành để giúp họ nhận biết Chúa. Nói đến người đồng bào, có nhiều kỷ niệm, họ chân tình. Nhìn thấy sự khó khăn và lòng nhiệt thành của họ, mình càng cố gắng hơn”. Còn ông Phạm Văn Niệm, chủ tịch HÐMV giáo xứ thì nhận định, trong tinh thần Công giáo, yêu thương, bà con trong giáo xứ dù cuộc sống hiện nay vẫn có những khó khăn, ảnh hưởng chung của đại dịch, song vẫn luôn nhắc nhau đồng hành và đỡ nâng anh em sắc tộc, vì tất cả như một khối trong tập thể, không thể tách rời.
Vinh Hòa, trải qua dòng thời gian đến nay có thể xem là một giáo xứ lớn mạnh, không chỉ số lượng giáo dân đông đảo mà còn bởi đời sống đức tin đã được hun đúc, trưởng thành.
Năm 1954, nhiều gia đình gốc giáo phận Vinh di cư vào Nam tạm cư ở Sài Gòn như Xuân Trường, Tân Sơn Nhì, Bình Ðông I, Bình Ðông II... Vào thời điểm này, linh mục G.B Phan Xuân Bang, đang trú ngụ tại trung tâm Foucauld Sài Gòn, đã đến dâng lễ tại Bình Ðông II. Tại đây, cha gặp 57 gia đình giáo dân đồng hương thuộc xứ Trung Hòa và 22 gia đình giáo xứ Vạn Phần - GP Vinh. Sau cuộc gặp gỡ, đáp lại nguyện vọng của mọi người, cha đồng ý làm “người hướng đạo” giúp bà con tìm chốn lập nghiệp. Ngày 15.8.1955, giáo dân Trung Hòa và Vạn Phần theo cha rời Sài Gòn đến Lagi (Bình Thuận). Sống tại giáo xứ Vinh Thanh, mọi người gặp thêm một số gia đình thuộc xứ Yên Ðại ngoài quê (cũng thuộc giáo phận Vinh) đang muốn tìm nơi định cư khác. Sau khi họp bàn, cộng đoàn giáo dân lần nữa quyết định tìm nơi ở mới trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Dưới sự điều hành của cha, mọi người phát quang, phân lô, mở đường, dựng lều tạm trú. Cuộc sống mới giữa đại ngàn hoang vu dần ổn định và ngày một phát triển. Ngày 27.9.1956, giáo xứ Vinh Hòa chính thức được khai sinh, nhận Trái tim vẹn sạch Ðức Mẹ làm bổn mạng. Từ ngôi nhà nguyện tạm bợ ban đầu để giáo dân có nơi dâng lễ, cầu nguyện, ngày 24.5.1959, ngôi nhà thờ kiên cố bằng cột gỗ, mái tôn được dựng nên. Theo thời gian, ngôi nhà thờ cũ xuống cấp và không đáp ứng đủ nhu cầu sống đạo của giáo dân ngày một tăng, nên ngày 19.3.1990, giáo xứ khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ rộng rãi hiện nay và được khánh thành vào ngày 25.1.1991. Vinh Hòa ngày nay là xứ mẹ của hai giáo xứ Vinh Trung (tách ra năm 2005) và Tân Hòa (tách ra năm 2010). Tới nay đã có trên 40 linh mục, hơn 100 nữ tu, cùng số lớn các tu sĩ, chủng sinh, đệ tử xuất thân từ Vinh Hòa. |
Hùng Luân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.