Đóng góp nào của người Công giáo Việt Nam với Giáo hội hoàn vũ

Có những vấn đề đã đọng lại và gợi nhiều suy tư cho các thành phần Dân Chúa khi Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu FABC 50 tại Thái Lan kết thúc vào cuối tháng 10.2022. “Làm thế nào để Giáo hội ở châu Á có thể đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ?”, một trong những câu hỏi từ Đại hội đã khiến hàng giáo sĩ và giáo dân Việt Nam được dịp liên hệ tới những đóng góp của Giáo hội trên quê hương đất nước mình cho sự phát triển chung của Giáo hội toàn cầu.

Sự sốt mến cũng như những dấn thân vì cộng đồng của đông đảo tu sĩ Việt Nam, nhất là trong mùa dịch Covid, đã trở thành chứng từ sống động về sự đóng góp hiệu quả của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn vũ - ảnh: Bích Vân

Ơn gọi đời sống thánh hiến vàsự hiệp thông, liên đới làm chứng cho Đức Kitô

Theo Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục giáo phận Long Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc HĐGMVN, một trong những vị tham dự Đại hội FABC 50 vừa qua, thì Giáo hội Việt Nam đã tạo được những hình ảnh đẹp với các giáo hội anh em ở châu Á. Hình ảnh đẹp thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có sự thán phục của anh em thế giới về ơn gọi linh mục, tu sĩ tại Việt Nam. Đây cũng là một đóng góp cách riêng của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn vũ. Điều này cũng đã được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ (HĐGMVN) khẳng định. Trong một cuộc trao đổi với báo Công giáo và Dân tộc, ngài nhắc đến cuộc viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng 9 năm 2018 của Đức Hồng y Joao Braz De Aviz - Tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, chính Đức Hồng y cũng đã bày tỏ niềm cảm phục về đời sống thánh hiến khi ngài gặp gỡ nhiều tu sĩ, chủng sinh trẻ ở Việt Nam, không chỉ vì con số được trình bày mà nơi đây còn đóng góp nhiều ơn gọi cho các hội dòng trên thế giới. Nhiều tu sĩ Việt Nam đang hỗ trợ mục vụ tại các nước châu Âu cũng như đang truyền giáo tại một số nước Á châu. “Đức Hồng y từng nhận xét rằng, đây chính là kho báu quý giá đặc biệt của Giáo hội tại Việt Nam và Giáo hội toàn cầu… Như vậy có thể thấy rõ việc đóng góp ở mặt này của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn vũ”, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ nói. Ngài cũng chia sẻ thêm góc nhìn của mình khi bàn đến sự đóng góp không phải về số lượng mà là phần thiêng liêng, ân sủng, chứng nhân, bác ái, chăm sóc các bệnh nhân, người già yếu, người nghèo khổ cùng cực, bị bỏ rơi… “Tôi nghĩ đây là phần đóng góp quan trọng, đáng kể nhất của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn vũ. Đây cũng là điều cần thiết nhất cho ý nghĩa, giá trị và sứ mạng chính yếu của Giáo hội toàn cầu, cách riêng cho Giáo hội Á châu” - Đức cha Phêrô nhấn mạnh và xác tín rằng, đại đa số các tu sinh đều tha thiết sống đời thánh hiến, chứng nhân bằng hành động việc làm cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói suông…

Bản dịch tiếng Việt Các Giờ Kinh Phụng Vụ và Kinh Thánh, Sách Bài Đọc không ngừng tái bản và được sử dụng rộng rãi trong các cộng đoàn Công giáo Việt Nam

“Cộng đoàn Kitô hữu tại Á châu tuy chỉ là thiểu số nhưng là một cộng đoàn có uy tín, nhờ sự góp phần của giáo hội trong các lĩnh vực về giáo dục, y tế và thăng tiến con người”, đây là điều Đức cha Giuse Trần Văn Toản đã ghi nhận được từ phát biểu của một tham dự viên đến từ một châu lục khác, tại Đại hội FABC 50. Ngài cho rằng nhận định này rất đúng tại Việt Nam, điển hình là trong tình hình dịch bệnh Covid năm 2021, sự dấn thân bất chấp nguy hiểm đến sức khỏe và mạng sống của các tu sĩ, linh mục và những người trẻ ở các tuyến đầu phòng chống dịch tại Sài Gòn và nhiều địa phương, đã là sự cống hiến trao tặng niềm vui tinh thần và tình yêu vô điều kiện mà các bệnh nhân thuộc mọi thành phần trong xã hội, thuộc nhiều niềm tin tôn giáo đang rất cần.

Quả thực, là một tu sĩ từng tham gia phục vụ ở bệnh viện dã chiến hồi tháng 8.2021 khi dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn, thầy Antôn Nguyễn Văn Phúc (dòng Đức Mẹ Lên Trời) đã có khoảng thời gian trải nghiệm đáng nhớ. Hằng ngày, thầy và các anh chị em tình nguyện khác vẫn quét dọn, đổ rác, thay tã bỉm cho bệnh nhân và an ủi, nâng đỡ họ mỗi khi cần kíp. Trong buổi gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam cùng với các tu sĩ phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch ở TGP TPHCM vào chiều ngày 20.2.2022, thầy Phúc nhận ra niềm xúc động của ngài trước sự chung tay của các tu sĩ trong đại dịch. Đức Tổng đã đánh giá cao sự đóng góp này, theo ngài thì những trải nghiệm đầy đặc sủng của các tu sĩ Việt Nam, trở thành chứng từ không chỉ cho thành phố, đất nước này mà còn lan tỏa ra nhiều giáo hội địa phương ở các nước… “Trải qua mùa dịch càng thấy rõ nét hơn sự đóng góp của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn cầu, khi mọi thành phần có sự hiệp thông, con người có sự liên đới giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hiện tại…”, thầy Phúc cảm nghiệm.

Đóng góp cho nền văn hóa chung

“Tôi nghĩ, mỗi quốc gia, đất nước, giáo hội địa phương… khi giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình là đã góp phần vào Giáo hội hoàn vũ, làm cho giáo hội phong phú hơn”, nhà nghiên cứu Michel Nguyễn Hạnh - Phó ban Từ vựng Công giáo Hán Nôm thuộc Ủy ban Giáo lý Đức Tin (HĐGMVN), qua sự trải nghiệm trong chuyên môn đã nhìn nhận. Liên hệ với thực tế, ông cũng cho thấy việc bảo tồn văn hóa dân tộc là đóng góp vào văn hóa chung của nhân loại. Lâu nay, nhà nghiên cứu này vẫn cùng các cộng sự góp phần của mình vào việc bảo tồn và làm sống các di sản văn hóa của tiền nhân qua việc thành lập Câu lạc bộ Hán Nôm Công giáo, mời gọi các bạn trẻ sinh hoạt, học tập; tham gia vào ban Từ Vựng Công giáo Hán Nôm để thực hiện việc giữ gìn - in ấn - phổ biến các đầu sách Hán Nôm Công giáo, biên soạn bộ Tự điển Hán Nôm Công giáo, số hóa các bản văn kinh sách chữ Nôm… Những công việc này đã được sự khích lệ của các đấng bậc đặc trách trong Giáo hội. Từ những gì đã và đang làm một cách nhiệt thành, ông Hạnh tin tưởng: “Khi chúng tôi cùng nhiều ban ngành khác đóng góp cho Giáo hội tại Việt Nam, làm cho từng lĩnh vực sống động lên thì đương nhiên, Giáo hội Việt Nam sẽ đóng góp một cách hiệu quả cho Giáo hội hoàn vũ”.

Trong nỗ lực hội nhập văn hóa, Giáo hội Việt Nam cũng đã thể hiện được những đóng góp nhất định. Cách đây nhiều năm, trong một hội thảo về Kinh nghiệm hội nhập văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - nguyên Chủ tịch Ủy ban Phụng tự (HĐGMVN) đã trình bày bài nghiên cứu, theo đó cho thấy qua dòng thời gian, Phụng vụ Rôma đã tiếp nhận và thích nghi những bản văn, những ca khúc, những cử điệu, nghi thức từ các nguồn khác nhau, hay đã thích ứng những nghi thức của mình cho hợp với nền văn hóa địa phương… Khi đề cập đến các cử hành Phụng vụ, Đức cha cho rằng “công bố Lời Chúa bằng tiếng địa phương rất có ích cho dân chúng, vì thế, việc dịch Kinh Thánh, các bản văn Phụng vụ được coi là bước đầu của việc hội nhập văn hóa trong Phụng vụ…”. Nhìn lại, về mặt này, Giáo hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực. Chẳng hạn như năm 1971, khởi nguồn từ sự chia sẻ cùng thao thức về một bản dịch Thánh Vịnh tiếng Việt để dùng trong Phụng vụ giữa linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM và linh mục Xuân Ly Băng, từ từ, được sự khích lệ của các đấng bậc và góp sức của một số người, đã hình thành nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hơn 50 năm hiện diện, nhóm đã cho ra đời các bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ và Kinh Thánh, được đông đảo tín hữu Công giáo đón nhận, góp phần đưa Lời Chúa đến gần đồng bào của mình hơn. Hai công trình mang tính phổ thông này trong những thời kỳ đầu của nhóm đến nay không ngừng tái bản và được sử dụng rộng rãi trong các cộng đoàn Công giáo ở Việt Nam.

Nhạc cụ dân tộc được dùng trong thánh lễ tại một nhà thờ ở giáo phận Kon Tum, cho thấy việc hội nhập văn hóa được mở rộng ra các cộng đoàn dân tộc thiểu số

Việc hội nhập văn hóa được mở rộng ra với cả anh em đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua việc đi truyền giáo đến những vùng có người dân tộc sinh sống, các vị mục tử đã không chỉ truyền bá đức tin, Lời Chúa mà còn giúp bà con giữ lại bản sắc dân tộc của mình. Tại những nơi phục vụ, các thừa sai đã ưu tiên học ngôn ngữ bản địa và biên soạn kinh sách Công giáo bằng tiếng của người dân tộc vùng miền ấy. Đáng lưu ý là các xứ đạo có đồng bào dân tộc, việc hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa bản địa còn được thể hiện qua âm nhạc trong Phụng vụ. “Tôi từng có dịp dự những thánh lễ và ấn tượng với sự tham gia của ca đoàn là người dân tộc. Họ hát và mang nhạc cụ của dân tộc mình vào, như đồng bào K’ho hát tiếng K’ho và sử dụng đàn T’rưng, đàn đá, cồng chiêng… cho ca đoàn”, anh Giuse Nguyễn Hùng Cường (giáo dân giáo xứ Nhân Hòa, TGP TPHCM) cho hay. Quan tâm đến thánh nhạc, anh chia sẻ rằng mình cũng hay nghe các bài thánh ca mang làn điệu dân ca Việt Nam hoặc các bài hát viết theo hệ thống ngũ cung, cũng đầy màu sắc dân ca. Rồi mỗi năm, các xứ đạo đến mùa Thương Khó lại có những buổi ngắm nguyện, vãn… hay những bài hát trong mùa dâng hoa mang đậm bản sắc riêng từng vùng miền trên đất nước Việt Nam… Theo anh Cường thì “tất cả góp phần tạo nên sự phong phú cho nền thánh ca mà các dân tộc ở Việt Nam có thể hát theo bản sắc của riêng dân tộc mình để ca ngợi Thiên Chúa, Mẹ Maria… Việc tận dụng tinh hoa văn hóa dân tộc trong đời sống Giáo hội như vậy, cũng là đã đóng góp vào sự đa dạng trong nền văn hóa đa sắc tộc của Giáo hội hoàn vũ”.

Linh mục Giuse Phạm Hưng Thịnh, dòng Đa Minh (Bề trên Chánh xứ Đa Minh - Ba Chuông) - người có nhiều thao thức với kiến trúc Công giáo Việt Nam, đã nói theo cách nhìn của Giáo hội: “Một khi đức tin có trở thành văn hóa và Tin Mừng được diễn tả theo cung cách riêng của mỗi dân tộc, thì đức tin và Tin Mừng ấy mới sống động, dồi dào, mới trở thành máu thịt…”. Cha Thịnh nhận thấy, theo tiến trình hội nhập văn hóa, đáp lại lời mời gọi của Công đồng Vatican II, Thượng HĐGM Á châu và HĐGMVN về việc đối thoại với nền văn hóa bản địa đa sắc màu, nhiều ngôi thánh đường mới đã được xây dựng theo phong cách Á Đông, mang dấu ấn của văn hóa dân tộc. Ở đó, niềm tin của người tín hữu hôm nay được gợi mở thông thoáng qua sự hội nhập sống đạo trong lòng dân tộc. Công trình không còn là những hình ảnh, bóng dáng, đường nét xa lạ, ngoại lai nữa nhưng đã trở nên thân quen, như dễ dàng bắt gặp ở đâu đó, ngoài ngõ, sau luỹ tre xanh, nơi đồng đất chân quê Việt Nam... Như vậy, trong nỗ lực hội nhập văn hóa, Giáo hội Việt Nam cũng đã diễn tả đức tin và Tin Mừng một cách sống động - dồi dào, phải chăng đây cũng là một đóng góp không nhỏ vào công cuộc chung của Giáo hội toàn cầu?

Còn nhiều nữa những hình thức đóng góp cách này cách kia cho sự phát triển của Giáo hội Mẹ mà chúng tôi chưa kể hết ở đây. Để làm nên bức tranh đẹp, đa sắc màu, chắc chắn có sự hiệp thông của mọi thành phần trong Giáo hội trên dải đất quê hương Việt Nam này.

LIÊN GIANG

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo
Sa mạc huấn luyện Apollo của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Giuse Hoàng Lương Cảnh đã diễn ra trong hai ngày 13 - 14.4.2024.
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Giáo xứ Phú Xuân khánh thành nhà giáo lý
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cử hành thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà giáo lý xứ Phú Xuân.
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Biên bản Hội nghị thường niên lần 1/2024 của HĐGMVN
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục...
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội tại Việt Nam
Tại kỳ họp lần 1/2024, HĐGMVN đã thảo luận và thống nhất quy định về thủ tục hôn phối dành cho các cặp đôi tại các giáo phận trên toàn quốc.
Những món quà dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan
Những món quà dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan
Các tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Quiapo (Philippines) đã gặp gỡ và tặng quà các tín hữu Hồi giáo tại Đền thờ Hồi giáo Vàng Manila vào dịp lễ Eid’l Fitr, ngày kết thúc tháng Ramadan.
Kinh Phục vụ
Kinh Phục vụ
Vừa qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hành hương ở Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu.
Giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định tổ chức hiến máu nhân đạo
Giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định tổ chức hiến máu nhân đạo
Ngày 14.4.2024, tại giáo xứ Vườn Xoài - hạt Tân Định, Hội Chữ Thập Đỏ và Ban chỉ đạo Hiến máu Nhân đạo phường 12, quận 3 đã tổ chức ngày hiến máu nhân đạo.
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Nhiều vấn đề được thảo luận tại kỳ họp lần thứ I/2024 của HÐGM Việt Nam
Trong các ngày 14-18.4.2024, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long đã diễn ra kỳ họp thường niên HÐGMVN lần 1/2024.
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Mát lòng giữa ngày khô hạn
Những xe bồn chở nước ngọt, dù về đến sân nhà thờ khi trời đã tối sầm hay giữa trưa nắng oi ả, vẫn luôn có bóng dáng cha chánh xứ Giacôbê Nguyễn Minh Phụng tất bật “nhận hàng”.