Thứ Ba, 09 Tháng Sáu, 2015 13:57

Đức Phanxicô sẽ ban thông điệp về môi sinh

Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho biết thông điệp mới của Đức Thánh Cha  Phanxicô về sinh thái nhân văn sẽ bàn đến tương quan giữa việc chăm sóc thiên nhiên, sự phát triển toàn diện con người và sự quan tâm đến người nghèo.

Trong bài thuyết trình ngày 5.3.2015 tại đại học Giáo hoàng thánh Patrick ở Maynooth, thuộc Cộng hòa Ireland, trước sự hiện diện của các Giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân, Đức Hồng y Turkson, người Ghana, cho biết ngài đã thấy bản thảo thông điệp của Đức Thánh Cha. Hiện nay, nhiều người vẫn còn cộng tác để giúp hoàn thành thông điệp này để công bố trước mùa hè năm 2015, kịp thời trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại New York, và bài phát biểu của ngài tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

 

Đức Hồng y Turkson mời gọi các thính giả hãy đặc biệt quan tâm đến thông điệp mà Đức Thánh Cha sẽ công bố, trong lúc con người đang đối đầu với đe dọa hiểm họa môi sinh ở mức độ hoàn cầu. Đức Hồng y Turkson nhận xét rằng năm 2015 này thật quan trọng đối với nhân loại. Những tháng tới đây thật là thiết yếu đối với những quyết định về sự phát triển quốc tế, số phận của nhân loại và sự chăm sóc trái đất. Vào tháng 7.2015, có Hội nghị quốc tế kỳ III về tài trợ cho việc phát triển nhóm, tổ chức tại Addis Abeba, thủ đô Ethiopia; tiếp đến vào tháng 9.2015, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua một loạt các mục tiêu phát triển dài hạn cho đến năm 2030; sau đó vào tháng 12, có Hội nghị quốc tế về sự thay đổi khí hậu được tổ chức tại Paris, hội nghị này sẽ đề ra các kế hoạch và quyết tâm làm chậm lại hoặc giảm bớt nạn hâm nóng trái đất.

Trước đây, vào ngày 23.9.2014, tại New York đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu. Đây là bước chuẩn bị cho Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu sẽ được triệu tập vào tháng 12.2015 tại Paris, Pháp. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở New York, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi các nước cùng quyết tâm đối phó với hiện tượng hâm nóng trái đất. Ngài đã nhắc đến nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thái độ dửng dưng của nhiều quốc gia và cá nhân trước hiện tượng hâm nóng khí hậu đã mang lại những nguy cơ lớn lao và gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Đức Hồng y Parolin cũng cho rằng nếu muốn hữu hiệu trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu, mọi người phải dựa trên một nền văn hóa liên đới, gặp gỡ và đối thoại làm căn bản cho những hoạt động đối tác bình thường và đòi phải có sự cộng tác hoàn toàn trong tinh thần trách nhiệm và tận tụy của mọi người, theo khả năng và hoàn cảnh của họ.

 

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các thiên tai đã làm cho 22 triệu người tản cư trong năm 2013. Trong năm 2013, Á Châu có tới 19 triệu người phải tản cư vì thiên tai, chiếm 87% tổng số thế giới. Riêng trận bão Haiyan ở Philippines đã khiến gần 4,1 triệu người phải tản cư và đã làm cho hơn 8.000 người chết. Trong vòng 5 năm, từ năm 2008 đến 2013, đã có gần 165 triệu người phải di tản vì các thiên tai trên toàn thế giới. Tổ chức thiện nguyện Oxfam, ngày 19.9.2014, đã công bố một báo cáo liên quan đến những hậu quả của biến đổi thời tiết, đã khẳng định rằng từ hội nghị Copenhagen 2009 về khí hậu đến nay, ngân khoản thiệt hại do các thiên tai do biến đổi khí hậu đã lên tới con số kỷ lục gần 500 tỷ mỹ kim. Vẫn trong vòng 5 năm gần đây hơn 650 triệu người phải chịu sự thiệt hại vì thiên tai và 112.000 người thiệt mạng. Những người nghèo khó vẫn là những người chịu thiệt hại nhất, họ bị mất mọi phương thế sinh sống, hoa màu thất thu nặng, giá cả thực phẩm thì gia tăng; kết quả là hàng triệu người lâm cảnh đói kém.

 

Thông điệp về môi sinh của Đức Phanxicô sẽ là một góp phần đáng kể vào việc bảo vệ thiên nhiên và con người, làm thăng tiến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Một mối quan hệ đến độ Đức Phanxicô đã coi đất đai, thiên nhiên là mẹ của con người, như ngài đã chia sẻ với các thành viên của Liên đoàn các nông dân Ý vào cuối tháng 1.2015:   “... Đất đai là mẹ của con người, vì khi được trồng tỉa với sự cẩn trọng, lòng biết ơn trân quý và chừng mực, đất đai cung cấp lương thực nuôi sống con người. Trong các luống cày của mẹ đất không chỉ ấp ủ các hạt giống và loại củ trở thành thực phẩm nuôi sống con ngưòi, nhưng nó còn ấp ủ cả chính gốc rễ của cuộc sống nhân bản nữa”. Đức Phanxicô cũng đã nhắc nhở bảo vệ tạo vật là trách nhiệm của Kitô hữu. Trong thánh lễ tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta vào sáng thứ hai 9.2.2015, ngài đã nhắn nhủ: “Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, nhưng sự tạo dựng chưa kết thúc, Thiên Chúa tiếp tục giữ gìn những gì Ngài đã tạo dựng. Chúng ta có trách nhiệm phải gìn giữ trái đất, vun đắp công trình Sáng tạo, giữ vững và làm cho trái đất phát triển theo luật tự nhiên. Chúng ta là người được trao phó công trình tạo dựng, chứ không phải là ông chủ”.

Khánh Thi

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm