Ngày 19.3.2023, giáo xứ Thanh Ða, TGP TPHCM, đã dâng thánh lễ mừng 60 năm hồng ân. Trong hành trình xây dựng và phát triển, xứ đạo đã luôn mang lòng mến, tình bác ái lan tỏa. Mẹ Têrêsa Calcutta đặc biệt cũng đã hai lần đến thăm giáo xứ vào 30 năm trước và trở thành nguồn cảm hứng yêu thương với cộng đoàn.
![]() |
Nhà thờ Thanh Đa xưa |
Giáo xứ Thanh Đa trước đây được gọi là giáo xứ Cầu Kinh, vì nhà thờ gần cây cầu bắc qua một con kinh đào. Năm 1957, cha Phanxicô Xaviê Lê Vĩnh Khương, lúc đó là cha sở họ đạo Thị Nghè, vì nhu cầu mục vụ đã mua đất tại Cầu Kinh với ý định làm khu Đất Thánh, nhưng sau này, cha đã cho xây một nhà nguyện bằng gỗ lợp lá làm nhà tĩnh tâm cho các hội đoàn. Thời đó các hội đoàn của giáo xứ Thị Nghè thường xuyên tới nhà nguyện tĩnh tâm. Về sau nơi đây trở thành họ nhánh của giáo xứ Thị Nghè với chừng vài trăm giáo dân. Hiện nay số giáo dân ở Thanh Đa đã trên 6.500 người.
Năm 1963, Thanh Đa chính thức thành giáo xứ và cha Gioan Lê Trung Độ, lúc ấy đang là phụ tá của họ đạo Thị Nghè, trở thành cha sở tiên khởi của họ đạo Cầu Kinh (Thanh Đa). Ngày 19.3.1973, ngôi thánh đường chính thức được khởi công xây dựng với thánh lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ sự.
Tháng 7.1988, vì tuổi già sức yếu, cha Gioan Lê Trung Độ đã được Đức Tổng Phaolô chấp thuận cho nghỉ hưu. Vị chánh xứ tiên khởi qua đời năm 1998. Linh mục chánh xứ tiếp theo là cha Đaminh Nguyễn Đình Tân được bổ nhiệm ngay trước lễ Giáng Sinh năm 1988. Sau khi nhận xứ, cha Đaminh đã xây dựng tiếp ngôi thánh đường còn dang dở. Thánh lễ tạ ơn, khánh thành nhà thờ mới đã được cử hành vào ngày 15.12.1993. Với châm ngôn “phục vụ trong yêu thương”, cha Đaminh đã cổ võ nhiều hoạt động bác ái nơi bà con giáo dân.
![]() |
Nhà thờ Thanh Đa hiện nay |
Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến giáo xứ Thanh Đa hai lần vào tháng 11.1993 và tháng 4.1994. Sự viếng thăm của Mẹ đã trở thành dấu ấn đặc biệt với giáo xứ. Trong lần đầu, Mẹ Têrêsa chỉ ghé qua để vào nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa, nhưng lần sau đã cùng các chị trong đoàn ở lại hiệp dâng thánh lễ chiều. Sau lễ, Mẹ ở lại thêm ít phút để trò chuyện với cộng đoàn trong nhà xứ. Nhiều giáo hữu nơi đây còn lưu giữ những ấn tượng về Mẹ. Sau ngày Mẹ được tuyên chân phước, để ghi nhớ vị á thánh từng đặt chân đến giáo xứ Thanh Đa, cha Đaminh Nguyễn Đình Tân đã dựng tượng đài kính Mẹ và đặt nơi trang trọng nhất ở khuôn viên thánh đường. Bức tượng thể hiện sự gần gũi của Mẹ với người dân Việt Nam, vẻ mặt hiền từ, một tay ôm đứa bé còn say giấc, tay kia cầm tay một thiếu nữ đội nón lá đang quỳ gối. Sự hiện diện của Mẹ làm cho tinh thần phục vụ trong yêu thương của giáo dân Thanh Đa lớn mạnh. Giáo xứ Thanh Đa cũng đã được Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng công bố là trung tâm Đức Mến, cùng với 2 trung tâm khác là Fatima Bình Triệu (Đức Cậy) và nhà thờ Thánh Gẫm (Đức Tin).
![]() |
Đài Thánh Têrêsa Calcutta tại Gx Thanh Đa |
Thao thức xây dựng giáo xứ noi gương và sống theo linh đạo “yêu thương phục vụ” của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta vẫn được tiếp nối. Năm 2017, cha Phaolô Nguyễn Phong Phú về làm cha sở giáo xứ Thanh Đa thay cho cha Đaminh Nguyễn Đình Tân nghỉ hưu sau nhiều năm tháng phục vụ. Hiện nay, vào mỗi thứ Ba của tuần thứ 2 trong tháng là Ngày Bác ái Têrêsa Calcutta, có thánh lễ cho các anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hoạt động bác ái vẫn được giáo xứ duy trì, như nồi súp Têrêsa Calcutta phục vụ cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Ung Bướu, các bữa ăn trưa bổ dưỡng cho người nghèo…
Trong chiều kích tâm linh, ở giáo xứ Thanh Đa vào mỗi chiều thứ Tư cách tuần đều có lễ kính Mẹ Têrêsa. Cuối lễ, cộng đoàn cùng xếp hàng để lên hôn kính thánh tích của Mẹ gồm tóc, máu và vải áo. Những thánh tích này do dòng Thừa Sai Bác Ái tại Calcutta trao tặng giáo xứ năm 2013.
Trong ngày mừng kỷ niệm 60 năm và khai mạc Năm Thánh giáo xứ Thanh Đa, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã đến chủ sự thánh lễ. Đức Tổng nhấn mạnh: “Mừng 60 năm, chúng ta phải có quyết tâm làm sao để sự hiện diện của giáo xứ Thanh Đa trở thành một sự lôi cuốn, hấp dẫn, đáng mến cho những người dân chung quanh… Ước gì từ ngày khai mạc hôm nay cũng khai mạc sự sốt sắng, thánh thiện và mở đầu cho thời gian sám hối, cải đổi đời sống của chúng ta”.
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.