Thứ Tư, 03 Tháng Hai, 2021 16:46

Gặp nghệ nhân tạc tượng Thánh Giuse

 

Mùa Xuân 2021 này đã là năm thứ 37, nghệ nhân Duy Chinh bước vào nghề điêu khắc gỗ. Giờ đây, cái tên Duy Chinh trong làng điêu khắc tượng Công giáo đã trở nên thân quen, được nhiều người biết tới. Sản phẩm của anh có mặt ở nhiều giáo xứ, gia đình trong cũng như ngoài Tổng giáo phận TPHCM và ra cả nước ngoài. Trong số các tượng Công giáo mà Duy Chinh làm từ trước đến nay, thánh Giuse là vị thánh được anh điêu khắc rất nhiều, bên cạnh tượng Chúa Giêsu và Ðức Mẹ.

 

Tạc tượng Thánh Giuse, anh học hỏi được tấm gương âm thầm, điềm tĩnh, nhẫn nại của Ngài

 

Thể hiện được cái hồn của tượng thánh

Thánh Giuse là vị thánh mà hầu như gia đình Công giáo nào cũng tôn kính. Nhiều nhà trên bàn thờ, ngoài tượng Chúa chịu nạn còn có thêm tượng Thánh Giuse và Ðức Mẹ, hoặc hình ảnh Thánh gia với Thánh Cả, Mẹ Maria và Chúa con. Ở các nhà thờ, lại càng không thiếu những bức tượng của cha nuôi Ðức Giêsu.

Nói đến Thánh Giuse, nghệ nhân Duy Chinh không nhớ hết trong đời làm nghề, mình đã tạc bao nhiêu bức tượng về Thánh nhân, chỉ biết có rất nhiều mẫu tượng của anh đã đến với các gia đình và xứ đạo, có kiểu tạc chung 3 Ðấng trong Thánh gia, có kiểu tạc rời. Khi thể hiện những tác phẩm về Thánh Cả, anh Chinh cho biết mình cũng phải tìm hiểu kỹ về Thánh nhân để cho ra đời những bức tượng khác nhau theo từng mốc thời gian, hoặc gắn với công việc ở góc này góc kia hay sự bầu cử cho một giới nào đó của Ngài. Vì vậy có tượng Thánh Giuse dắt Chúa Giêsu, có bức ông thánh nằm ngủ, có cảnh Thánh Cả cầm cưa, cầm thước, cầm nhành hoa huệ… Những bức tượng thời thanh niên của Thánh Cả lúc mới kết bạn với Ðức Mẹ được diễn tả với khuôn mặt trẻ trung, khác với thời điểm khi gia đình Thánh Gia lên Ðền lúc Chúa Giêsu 12 tuổi, gương mặt Thánh nhân chững chạc và bộ râu dài hơn…

Bức tượng “Thánh Giuse công nhân” do nghệ nhân Duy Chinh điêu khắc, hiện đang đặt tại nhà nguyện của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.

 

Khi được hỏi yếu tố nào quan trọng nhất lúc tạc tượng Thánh Giuse, nghệ nhân Duy Chinh nói: “Sáng tác tượng Công giáo nói chung và tượng thánh Giuse nói riêng, quan trọng nhất là thể hiện được cái hồn để mọi người có thể chiêm ngắm cầu nguyện, làm sao cho cặp mắt của Thánh nhân có sức hút, miệng như đang mỉm cười. Ðời thường của Thánh Cả vốn giản dị, đơn sơ, thánh thiện, vì thế các bức tượng về Ngài cũng phải toát lên được nét thần thái này...”.

Hiện đã trở thành bậc thầy trong nghề điêu khắc gỗ, có các thợ làm việc ở xưởng, nhưng nghệ nhân Duy Chinh bảo, khi thực hiện một bức tượng thánh, anh vẫn tự tay thực hiện tất cả những phần quan trọng, còn anh em thợ chỉ làm một số công đoạn phụ. Thậm chí có những bức, người nghệ nhân này làm từ A tới Z. Với khuôn mặt, anh chăm chút rất kỹ vì đây chính là nơi thể hiện cái hồn của tác phẩm.

Trong số những tượng về Thánh Giuse đã tạc, nghệ nhân Duy Chinh nhắc tới một số bức đặc biệt như bức Thánh Giuse trong bộ tượng Thánh Gia cao 2,2 mét, đặt tại nhà thờ Trung Chánh nhân dịp lễ Thánh Gia Thất cách đây 2 - 3 năm, đã được Ðức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường về làm phép; rồi bức Thánh Giuse công nhân, một tay cầm nhành huệ, tay kia cầm cây thước, hiện diện ở nhà nguyện của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng từ tháng 11.2020; bức Thánh Giuse bế Chúa con, cao 1,3 mét được linh mục chánh xứ Kim Sơn (giáo phận Mỹ Tho) đặt cho nhà thờ xứ…

Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước làm phép bộ tượng Thánh Gia - tác phẩm của Duy Chinh, đặt tại nhà thờ Trung Chánh

 

Học hỏi từ tấm gương Thánh Cả

Từ năm 9 tuổi, Duy Chinh đã theo cha học nghề, khi 13 tuổi đã có thể tự làm những phần chính của bức tượng thay bố. Ấy vậy mà tới nay, lúc đã trở thành người cha trong gia đình, người thầy của bao nhiêu học trò, anh vẫn không ngừng nỗ lực mỗi ngày, bởi với anh, nghệ thuật rất bao la, phải luôn khám phá, tìm tòi, trau dồi để mỗi lúc một tiến bộ hơn.

Tạc tượng thánh Giuse, nghệ nhân Duy Chinh cho biết mình còn học hỏi được tấm gương âm thầm, điềm tĩnh, nhẫn nại của Ngài. Thánh Giuse cũng làm nghề mộc, vì thế Duy Chinh lại càng cảm nhận được sự gần gũi hơn giữa mình và Thánh nhân, như anh chia sẻ : “Với nghề này, không thể nào nôn nóng mà rất cần sự điềm tĩnh, kiên trì, bởi có những chi tiết của bức tượng phải tập trung khắc tỉ mỉ từng chút một. Sự âm thầm, nhẫn nại của Thánh Giuse cũng là những đức tính cần có cho người làm nghề điều khắc như mình”.

Nhìn lại quá trình sáng tạo, nghệ nhân Duy Chinh thừa nhận, chính sự bền bỉ ấy đã giúp tay nghề của anh được nâng cao mỗi ngày. Qua mỗi lần thực hiện một bức tượng, anh lại rút ra cho mình những kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Khi làm tượng về Thánh Cả, Duy Chinh càng có sự trau chuốt vì hiểu trong đời thường, vị thánh này rất phổ biến, được nhiều người tôn kính chạy đến xin ơn, nên phải làm cho thật sống động, giúp các Kitô hữu khi cầu nguyện cảm nhận được sự thánh thiêng nhưng không xa cách của vị thánh hiền lành…

Tượng Thánh Giuse bế Chúa con, được nghệ nhân Duy Chinh (đứng bên phải) trao cho linh mục chánh xứ Kim Sơn - GP Mỹ Tho

 

Có những tác phẩm trước khi trao cho khách, tác giả chụp hình đăng lên trang cá nhân, đã nhận được nhiều lời khen, trong đó những bức về Thánh Giuse thường tạo được ấn tượng. Chị Trịnh Thị Quyên - một giáo dân quê Thanh Hóa, sau khi chiêm ngắm một trong những bức tượng Thánh Giuse công nhân của nghệ nhân Duy Chinh, đã thốt lên : “Ðẹp quá đi, Chúa ban cho Duy Chinh có đôi bàn tay vàng !”.

Là một tín hữu Công giáo, hiện sống tại xứ Trung Chánh - hạt Hóc Môn, nghệ nhân Duy Chinh ý thức được sở trường, khả năng Chúa ban cho mình trong nghệ thuật như một “nén bạc”, nên luôn nghĩ phải có trách nhiệm làm sinh lời một cách ý nghĩa nhất. Mỗi khi bắt tay vào công việc, anh vẫn luôn cầu nguyện, xin cho mình có sức sáng tạo, có đôi tay khéo léo để trao cho đời những đường nét nghệ thuật Công giáo thật đẹp.

 

 

LIÊN GIANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm