Chủ Nhật, 14 Tháng Tám, 2016 10:56

Gia đình của Chúa

Một lần nữa, ĐTC Phanxicô đã đề cập về tình trạng các giáo xứ ngày nay.

Ngày 27.7.2016, tại nhà thờ chánh tòa Krakow, ngài đã nói chuyện với các Giám mục Ba Lan: “Có những cấu trúc có giá trị nhưng thực sự cần được tu bổ. Vấn đề là cách chúng ta định hình giáo xứ! Có các giáo xứ với những Chủ tịch Hội đồng giáo xứ ‘như đồ đệ quỷ Satan’, họ khiến mọi người e sợ. Có những giáo xứ với cánh cửa đóng chặt. Nhưng cũng có những giáo xứ với cánh cửa mở, những giáo xứ mà khi có người đến xin điều gì, họ sẽ nói: Vâng, vâng? Mời ngồi. Có vấn đề gì vậy? Và họ kiên nhẫn lắng nghe. Tôi muốn kể chuyện về một giáo xứ ở Buenos Aires. Những người trẻ đến nhà thờ và nói: Chúng tôi muốn cử hành hôn phối ở đây và viên thư ký giáo xứ trả lời: Được, đây là bảng giá. Làm thế không được, chuyện thế này không được xảy ra trong một giáo xứ”.

Trước đây, khi vừa lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã từng nói đến khía cạnh tương tự trong một thánh lễ cử hành ngày 25.5.2013 và lấy làm tiếc vì nhiều khi người Kitô hữu trở nên người kiểm soát đức tin thay vì trở thành người tạo điều kiện dễ dàng cho đức tin của người khác. Đó là cám dỗ chiếm hữu Chúa, một cám dỗ, đã bắt đầu từ thời Chúa Giêsu, với các tông đồ. Thái độ hải quan mục vụ này không giúp ích cho người ta, cho dân Chúa. Trái lại, thái độ tốt lành, đó là phục vụ đức tin, tạo điều kiện dễ dàng cho đức tin, làm nó lớn lên, giúp nó tăng trưởng. Đức tin của dân Chúa là một đức tin đơn sơ, có lẽ họ không biết giải thích Đức Maria là ai - điều này cần hỏi thần học gia; nhưng ai muốn biết làm thế nào yêu mến Đức Maria, thì chính dân Chúa sẽ dạy cho biết điều đó cách tốt nhất và đẹp nhất.

Và ngài cũng đã để lại một câu nói ấn tượng và day dứt: “Chúa Giêsu đã thiết lập bảy phép Bí Tích và bằng thái độ này, người Kitô hữu thiết lập bí tích thứ tám, bí tích hải quan mục vụ”.

GHCGVN cũng vừa trải qua năm 2015 với chủ đề Tân Phúc Âm hóa giáo xứ. Trong năm này, HĐGMVN cũng đã có Thư Mục vụ nhấn mạnh: “Giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc Âm hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Và, để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công Vụ: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42) (Thư Mục vụ 2015, 1).

Trong bài viết Tân Phúc Âm hóa giáo xứ (tháng 1.1993), ĐGM GB Bùi Tuần nhận định: “Tân Phúc Âm hóa giáo xứ là đổi mới giáo xứ. Giáo xứ không ưu tiên là một cơ sở, một cơ chế, một địa hạt có ranh giới, nhưng ưu tiên là một cộng đồng các tín hữu (GL 515,1), là một gia đình của Chúa, một huynh đoàn chỉ có một linh hồn (Lumen gentium 28,1964), là căn nhà của gia đình đầy tình huynh đệ sẵn sàng đón tiếp (Gioan Phaolô II - Catechesi tradendae, 1979). Giáo xứ nào cũng là một sự sống. Để tránh cho sự sống giáo xứ khỏi rơi vào tình trạng cằn cỗi, trái lại, để nó luôn luôn trẻ trung, càng ngày càng phát triển, giáo xứ cần phải được thường xuyên đổi mới”.

Mỗi giáo hữu đều được mời gọi xây dựng gia đình giáo xứ thành một cộng đoàn yêu thương và lan tỏa Tin Mừng, nhất là với những người đại diện được cộng đoàn ký thác trách nhiệm.

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm