Có câu chuyện kể về đàn nhím giúp nhau chống lạnh. Ðàn nhím lúc ban đầu áp sát vào nhau để chuyển hơi ấm cho nhau. Nhưng sau đó, chúng thấy cơ thể rướm máu vì sự cọ sát của bộ lông sắc nhọn. Từ đó, chúng giữ một khoảng cách đủ ấm mà không gây thương tích cho nhau. Bài học từ đàn nhím này tạo sự liên tưởng: Các thành viên trong gia đình cũng cần có một khoảng cách, khung trời tự do, thinh lặng, tôn trọng riêng tư… như thế mới khỏi gây phiền hà, thương tích, đau đớn cho nhau.
Thiên Chúa làm người trong một gia đình. Gia đình trở thành Giáo hội nhỏ của Chúa Kitô, Giáo hội tại gia (Amoris Laetitia, 87). “Gia đình còn là con đường của Hội thánh” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Ngày nay, gia đình đang biến đổi, xuất hiện những mâu thuẫn bên trong và bên ngoài, bị lu mờ bởi những hình thức lệch lạc. Cùng với Chúa Thánh Thần, Giáo hội khuyến khích thực thi con đường gia đình “Hiệp hành”. Trong bối cảnh này, dựa theo kinh nghiệm hiệp hành gia đình Adam - Eva, Thánh Gia và hai môn đệ trên đường về làng Emmaus, tôi xin chia sẻ ít điều mục vụ về “Gia đình hiệp hành” để hy vọng góp phần canh tân Giáo hội tại gia.
![]() |
Những kinh nghiệm
1. Gia đình Adam - Eva đã không hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Họ đổ lỗi cho nhau và cho ma quỷ. Hai ông bà đã thiếu liên đới trách nhiệm. Dù Eva chủ động lỗi lệnh Chúa, đã gây hậu quả, nhưng Chúa vẫn tôn trọng người lãnh đạo nên hỏi Adam trước. Tố chất cao quý của lãnh đạo là dám chịu trách nhiệm. Ðổ lỗi cho người khác và cho hoàn cảnh là dấu chỉ người kiêu căng. Tất cả không đúng với lối sống hiệp hành. Hậu quả là phải gánh sự bất hạnh của gia đình.
2. Gia đình Thánh Gia hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Thánh Gia đã hiệp thông với Chúa. Lắng nghe chỉ dẫn của Thần sứ và tham gia, lắng nghe nhau. Thánh Gia đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ sự sống toàn diện và mục đích làm tròn sứ vụ cứu độ. Kết quả đạt được, đó là gia đình hạnh phúc.
3. Hai môn đệ về làng Emmau (Lc 24,13-15). Chúa Giêsu chủ động hiệp hành, gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ. Lòng họ bừng cháy lên và họ nhận ra Người lúc bẻ bánh. Họ lập tức trở về, tìm nhóm mười một (Lc 24, 30-35). Hiệp hành có sức hội tụ và lan tỏa, đó chính là nhờ Ân sủng. Không có ơn sủng, không thể nhận ra Chúa, không thể hiệp hành hữu hiệu được. Ngày nay, đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu: “Không ai có thể nói ‘Ðức Giêsu là Chúa’, ngoại trừ bởi Chúa Thánh Thần” (1Cr 12,3); “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần” (Cv 1,8). Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn để nhận ra Chúa Kitô đang sống và cùng đi với Giáo hội. Ðể có Chúa Thánh Thần, theo kinh nghiệm ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người cần hướng về Thánh Thể, biệt tôn Ðức Mẹ và yêu mến Giáo hội Chúa Kitô. Ngoài ơn sủng tình yêu của Chúa Thánh Thần, cần sự đóng góp của khoa học (MV 47-52). Với ba nguyên tắc: Ðơn giản, tập trung, xác tín.
Phương thức đón nhận Thánh Thần
Nếu gia đình có điều kiện nên dành một phòng nhỏ, gọi là Phòng Tiệc ly hay phòng đào luyện tâm linh. Căn phòng này được xếp đặt sao cho gợi lên khung cảnh diễn tả Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi, ở đó có chim câu cách tân - biểu tượng Chúa Thánh Thần, ngậm cành Oliu, báo hiệu mùa Xuân mới với bảy ngọn lửa tượng trưng bảy ơn Chúa Thánh Thấn; có Thánh giá, tượng chịu nạn; Trái tim bốc lửa hay Logo Thượng hội đồng 2023; có Ðức Mẹ đứng hướng về Thánh Thể; Thánh Kinh. Kinh “Cầu nguyện - Cảm nghiệm”. Căn phòng cũng nên có máy lạnh, nhạc không lời.
Mỗi tuần, dành 1 giờ, thành viên trong gia đình ngồi thinh lặng trước Nhà Tạm thiêng liêng là “Trái tim”; “Logo Hiệp hành”. Mỗi người trong thinh lặng, tâm niệm theo gương Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, gương chân phước Acutis, như đang đứng trước Thánh Thể: “Hướng về Mặt Trời làm da sạm nắng, hướng về Thánh Thể, làm ta nên thánh”. Có thể xen kẽ trong thời gian này bằng việc lần chuỗi Lòng Thương xót, suy niệm Lời Chúa, hát thánh ca… Kết quả từ viêc tự đào luyện này sẽ chuyển dịch đức tin truyền thống, cộng đồng trở thành “Ðức tin - cá vị, bản thân, sống động và xác tín”.
Sự phân công đồng trách nhiệm trong gia đình
Trong gia đình cần có sự phân công đồng trách nhiệm. Mẹ và bên nữ, phụ trách Hồn… qua việc học hỏi giáo lý; trong Phụng vụ thì có bổn phận tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, học hỏi suy tôn Lời Chúa. Thực hành giới răn Mến Chúa bằng đời sống hiền lành và khiêm nhường; giới răn yêu người bằng cách sống liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ theo gương Mẹ Maria là người cưu mang Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng.
Cha và bên nam phụ trách tinh thần và xác. Ở đây có những việc cụ thể về mặt văn hóa, đào luyện con người yêu thương, sống cân bằng, thanh thản bình thường; lối sống chân thiện mỹ; đoàn kết, hài hòa và sáng tạo. Giáo dục nên những con người biết suy nghĩ đúng, hành động độc lập, sáng tạo để phát triển con người toàn diện và toàn thể. Thúc đẩy gia đình góp phần kiến tạo xã hội qua viêc hình thành con cái trở thành người trẻ khao khát chính trực, lòng biết ơn.
Gia đình là bộ máy, như chiếc đồng hồ, sẽ tự tương tác, bổ trợ và thúc bách lẫn nhau, một cách tự nhiên. Sự phân công đồng trách nhiệm của gia đình sẽ tạo nên một gia đình hiệp hành có đời sống linh đạo qua việc Mến Chúa; có đời sống mục vụ là yêu người và loan báo Tin Mừng qua đối thoại và hòa giải. Một gia đình hiệp thông là để loan báo Tin Mừng, và chính sự loan báo Tin Mừng dẫn tới sự hiệp thông.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.