Thứ Bảy, 29 Tháng Mười, 2022 18:07

Giáo hội Việt Nam có thể đóng góp gì cho Giáo hội hoàn vũ?

 

Tại Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu FABC 50 diễn ra tại Thái Lan, nhiều vấn đề đã được đặt ra, trong đó có câu hỏi “Làm thế nào để Giáo hội ở châu Á có thể đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ?”… Vấn đề cũng gợi lên những suy tư cho các thành phần Dân Chúa ở Việt Nam: Vậy Giáo hội Việt Nam có thể hoặc đã và đang đóng góp gì cho Giáo hội toàn cầu?

 


ĐÓNG GÓP CÁCH RIÊNG VỀ ƠN GỌI, ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TU SĨ…

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ (Giám mục giáo phận Thái Bình, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ - HĐGMVN): Tôi nhớ trong cuộc viếng thăm Việt Nam vào tháng 9 năm 2018, Đức Hồng y Joao Braz De Aviz, Tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ đã có dịp gặp gỡ các tu sĩ, tận mắt nhìn thấy rất nhiều tu sĩ, chủng sinh trẻ ở các giáo phận. Ngài bày tỏ niềm cảm phục về đời sống thánh hiến như đã thấy, không chỉ vì con số được trình bày mà nơi đây còn đóng góp nhiều ơn gọi cho các hội dòng trên thế giới. Nhiều tu sĩ Việt Nam đang hỗ trợ mục vụ tại các nước châu Âu cũng như đang truyền giáo tại một số nước Á châu. Theo Đức Hồng y, ơn gọi đang bị khựng lại ở nhiều nơi, như tại châu Âu hầu như không còn, hoặc một số nước chỉ còn rất ít, không phát triển nhanh như Việt Nam (thời điểm Đức Hồng y thăm Việt Nam, Giáo hội Việt Nam có trên 31.000 tu sĩ nam nữ và 269 dòng tu đang hiện diện và hoạt động…). Đức Hồng y từng nhận xét: “Đây chính là kho báu quý giá đặc biệt của Giáo hội Việt Nam và Giáo hội toàn cầu”… Như vậy có thể thấy rõ việc đóng góp ở mặt này của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn vũ… Qua thời gian, các con số có thể thay đổi đôi chút nhưng tôi không nói về số lượng mà muốn nói về sự đóng góp thiêng liêng, ân sủng, chứng nhân, bác ái, chăm sóc các bệnh nhân, người già yếu, người nghèo khổ cùng cực, bị bỏ rơi… Tôi nghĩ đây là phần đóng góp quan trọng, đáng kể nhất của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội hoàn vũ. Đây cũng là điều cần thiết nhất cho ý nghĩa, giá trị và sứ mạng chính yếu của Giáo hội toàn cầu, cách riêng cho Giáo hội Á châu. Tôi nhấn mạnh với lòng xác tín rằng, đại đa số các tu sinh đều tha thiết sống đời thánh hiến, chứng nhân bằng hành động việc làm cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói suông. Điều Giáo hội cần nhất ngày hôm nay chính là sự thánh thiện được nhiều giáo dân và nhất là tu sĩ ấp ủ suốt đời mình mọi nơi, mọi lúc; cách xác tín và âm thầm bằng đời sống nội tâm, kín đáo, liên lỉ cầu nguyện cho mọi người, kèm theo các hy sinh, hãm mình, vui vẻ chịu thương, chịu khó, chịu khổ với Chúa Giêsu…


NỖ LỰC HỘI NHẬP VĂN HÓA LÀ GÓP PHẦN VÀO CÔNG CUỘC CHUNG…

Linh mục Giuse Phạm Hưng Thịnh (Bề trên Chánh xứ Đa Minh - Ba Chuông, TGP TPHCM): Theo tiến trình hội nhập văn hóa, đáp lại lời mời gọi của Công đồng Vatican II, Thượng HĐGM Á châu và HĐGMVN về việc đối thoại với nền văn hoá bản địa đa sắc màu, nhiều ngôi thánh đường mới đã được xây dựng theo phong cách Á Đông, mang dấu ấn của văn hóa dân tộc. Ở đó, niềm tin của người tín hữu hôm nay được gợi mở thông thoáng qua sự hội nhập sống đạo trong lòng dân tộc. Công trình không còn là những hình ảnh, bóng dáng, đường nét xa lạ, ngoại lai nữa, nhưng đã trở nên thân quen, như dễ dàng bắt gặp ở đâu đó, ngoài ngõ, sau lũy tre xanh, nơi đồng đất chân quê Việt Nam... Một khi đức tin có trở thành văn hóa và Tin Mừng được diễn tả theo cung cách riêng của mỗi dân tộc, thì đức tin và Tin Mừng ấy mới sống động, dồi dào, mới trở thành máu thịt… Như vậy, trong nỗ lực hội nhập văn hóa, Giáo hội Việt Nam đã diễn tả đức tin và Tin Mừng một cách dồi dào, đây cũng là một trong những đóng góp vào công cuộc chung của Giáo hội toàn cầu.


SỰ HIỆP THÔNG, LIÊN ĐỚI LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ

Tu sĩ Antôn Nguyễn Văn Phúc (dòng Đức Mẹ Lên Trời): Là một tu sĩ từng tham gia phục vụ ở bệnh viện dã chiến hồi tháng 8 năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở Sài Gòn, tôi đã có khoảng thời gian trải nghiệm đáng nhớ. Hằng ngày, tôi và các anh chị em tình nguyện khác vẫn quét dọn, đổ rác, thay tã bỉm cho bệnh nhân và an ủi, nâng đỡ họ mỗi khi cần kíp. Tôi cảm nhận chuyến đi thiện nguyện này là cột mốc làm mới đời sống thánh hiến của mình… Khi tham dự buổi gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam cùng với các tu sĩ phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch ở TGP TPHCM vào chiều ngày 20.2.2022, tôi nhận ra niềm xúc động của ngài trước sự chung tay của các tu sĩ trong đại dịch. Đức Tổng nhận xét  “Giáo hội Việt Nam có khả năng đọc được dấu chỉ của thời đại một cách hiệu quả”. Tôi vui vì được đóng góp một phần trong mùa dịch cho Giáo hội Việt Nam, để từ đó, như Đức Tổng Marek Zalewski nói, những trải nghiệm đầy đặc sủng của các tu sĩ chúng tôi, trở thành chứng từ không chỉ cho thành phố, đất nước này mà còn lan tỏa ra nhiều Giáo hội địa phương ở các nước… Trải qua mùa dịch càng thấy rõ nét hơn sự đóng góp của Giáo hội Việt Nam cho Giáo hội toàn cầu khi mọi thành phần có sự hiệp thông, con người có sự liên đới giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hiện tại…


BẢO TỒN VÀ LÀM SỐNG DI SẢN VĂN HÓA CỦA TIỀN NHÂN

Nhà nghiên cứu Michel Nguyễn Hạnh (Phó ban Từ vựng Công giáo Hán Nôm thuộc Ủy ban Giáo lý Đức Tin - HĐGMVN): Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân - Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin luôn khích lệ chúng tôi cố gắng tìm người kế thừa và gìn giữ những di sản văn hóa cha ông để lại. Việc bảo tồn văn hóa dân tộc là đã đóng góp vào văn hóa chung của nhân loại. Ban Từ vựng Công giáo Hán Nôm mới ra mắt hồi tháng 5 vừa rồi. Chúng tôi được quan tâm, tạo điều kiện và đang tiến hành in lại trên 100 đầu sách Hán Nôm Công giáo (đã được nhóm dịch thuật Hán Nôm Công giáo phiên chuyển sang chữ quốc ngữ) do linh mục Vinhsơn Nguyễn Hưng để lại; đồng thời cũng thực hiện bộ Tự điển Hán Nôm Công giáo; số hóa các bản văn kinh sách chữ Nôm… Khi tìm hiểu ngọn nguồn về văn hóa Công giáo, mới thấy rõ được các cụ ngày xưa đã đóng góp cho văn hóa của đất nước như thế nào, thấy để bảo tồn và đi đến sự phát triển. Thế hệ con cháu hôm nay không chỉ giữ lại di sản văn hóa của tiền nhân mà còn phải làm cho nó sống. Tôi nghĩ, mỗi quốc gia, đất nước, Giáo hội địa phương… khi giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc mình là đã góp phần vào Giáo hội hoàn vũ, làm cho Giáo hội phong phú hơn. Khi chúng tôi cùng nhiều ban ngành khác đóng góp cho Giáo hội Việt Nam, làm cho từng lĩnh vực sống động lên thì đương nhiên, Giáo hội Việt Nam sẽ đóng góp một cách hiệu quả cho Giáo hội hoàn vũ.


ĐÓNG GÓP VÀO SỰ ĐA DẠNG TRONG NỀN VĂN HÓA CỦA GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Anh Giuse Nguyễn Hùng Cường (Giáo xứ Nhân Hòa, TGP TPHCM): Thỉnh thoảng, tôi có dịp tham dự thánh lễ có sự hiện diện của ca đoàn là những anh chị em người dân tộc. Họ hát và sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình, như đồng bào K’ho hát tiếng K’ho và đưa đàn T’rưng, đàn đá, cồng chiêng… vào phục vụ cho ca đoàn. Tôi ấn tượng và thầm cảm phục các vị mục tử, các thừa sai khi đi truyền giáo ở các xứ có đồng bào dân tộc, không chỉ truyền bá đức tin, Lời Chúa mà còn giúp bà con giữ lại bản sắc dân tộc của mình… Tôi cũng được nghe các bài thánh ca mang làn điệu dân ca Việt Nam hay các bài hát viết theo hệ thống ngũ cung, cũng đầy màu sắc dân ca… Tất cả góp phần tạo nên sự phong phú cho nền thánh ca mà các dân tộc ở Việt Nam có thể hát theo bản sắc của riêng dân tộc mình để ca ngợi Thiên Chúa. Thêm nữa, mỗi năm, các xứ đạo đến mùa Thương Khó lại có những buổi ngắm nguyện, vãn… hay những bài hát trong mùa dâng hoa cũng mang đậm bản sắc riêng từng vùng miền trên đất nước Việt Nam. Việc tận dụng tinh hoa văn hóa dân tộc trong đời sống Giáo hội như vậy, cũng là đã đóng góp vào sự đa dạng trong nền văn hóa đa sắc tộc của Giáo hội hoàn vũ.

 

 

LIÊN GIANG (thực hiện)

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm