Thứ Hai, 02 Tháng Mười, 2023 17:00

Giáo hữu băn khoăn về thủ tục hôn phối

 

Một trong những nội dung chính được Hội đồng Giám mục Việt Nam bàn bạc trong Hội nghị thường niên kỳ II/2023 vừa qua là quy định về các thủ tục hôn phối thống nhất trong toàn quốc. Ðây cũng là vấn đề được đông đảo giáo dân quan tâm. Xoay quanh điều này, các tín hữu đã bày tỏ những thao thức, ước mong các chỉ dẫn sớm thống nhất và tiện lợi, phù hợp thực tiễn.


UYỂN CHUYỂN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI HOÀN CẢNH

Linh mục P.X Nguyễn Phước Chân Lý (Dòng Ngôi Lời): Về các thủ tục hôn phối Công giáo hay giáo lý hôn nhân cho các đôi bạn trẻ, trong Giáo luật đã có những quy định, các giáo xứ đều dựa trên đó để áp dụng. Có thể mỗi nơi thực hiện cứng nhắc hay linh động, là tùy thuộc vào cha sở của xứ đó. Thông thường, ở những xứ toàn tòng thì việc học giáo lý đều theo khung giờ nhất định và có quy định chung về thời gian hoàn tất khóa học. Từng giúp dạy giáo lý dự tòng và hôn nhân nhiều năm cho các bạn trẻ di dân, tôi thấy ở những nơi có khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân nhập cư hoặc vùng truyền giáo thì cần có sự uyển chuyển hơn để thích ứng với hoàn cảnh. Và quan trọng là sự cởi mở của các vị mục tử, vì thực tế, ở những nơi này, không tránh khỏi việc có những đôi bạn trẻ “góp gạo nấu cơm chung”, có khi có mấy mặt con rồi mới hợp thức hóa, hoặc một trong hai người ngoài Công giáo sau một thời gian sống chung với người bạn đời rồi mới đồng ý gia nhập đạo. Các cha sở có thể chủ động nhờ người hướng dẫn các cặp đôi này trong việc tìm hiểu đạo hay học giáo lý, thời gian tùy thuộc vào sự sắp xếp của họ. Như vậy sẽ giúp gỡ rối cho những đôi bạn để họ được chính thức trở thành một gia đình theo đúng hôn nhân Kitô giáo.


MONG SỚM CÓ SỰ THỐNG NHẤT

Chị Nguyễn Nữ Tú Quỳnh (giáo xứ Nghĩa Yên, giáo phận Xuân Lộc): Thủ tục hôn phối mà thống nhất theo quy định chắc chắn sẽ đem lại nhiều sự thuận lợi, sáng rõ và ai đọc cũng hiểu mình cần phải làm cách nào, từ đó tránh được sự hoang mang không biết quy định nào mới là đúng nhất. Ngày trước, cần phải hoàn tất nhiều quy định mới đủ yêu cầu để làm phép hôn phối trong khi đang đi làm xa quê nhà, thực sự làm hai vợ chồng tôi loay hoay. Xứ nhà của cả hai có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau trong khi ở xa xứ đi lại quá khó khăn, tốn kém. Gần đây, tôi thấy Giáo hội trong nước ở một vài giáo phận đã bắt đầu hướng tới các ứng dụng công nghệ thông tin nên tôi nghĩ nếu có ứng dụng nào liên quan đến thủ tục hôn phối thì quá hay. Nhiều loại thông tin cần xác nhận và có thể xác nhận qua dữ liệu số hóa ở các giáo xứ, giáo phận như tình trạng hôn nhân, rửa tội, giáo lý..., sẽ giúp ích rất nhiều cho các cặp hôn phối và cả linh mục có trách nhiệm xác minh thông tin theo thủ tục. Tôi nghĩ rằng, khi các giáo phận toàn quốc cùng thống nhất về cách làm các thủ tục hôn phối thì sẽ tránh được nhiều điều rườm rà, cục bộ, địa phương. Mặt khác, cũng mong những hướng dẫn tới đây sẽ linh hoạt theo thực tế cuộc sống hiện đại.

 

SỐ HÓA CÁC DỮ LIỆU GIÁO DÂN CẦN THIẾT

Chị Vũ Nguyễn Minh Uyên (giáo xứ Chân Lộc, giáo phận Đà Lạt): Chuẩn bị lập gia đình, tôi đã hoàn thành chương trình học giáo lý hôn nhân tại giáo xứ. Trong khóa học, tôi và các anh chị em học viên được học theo tài liệu Giáo lý hôn nhân của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bên cạnh những kiến thức căn bản về giáo lý, giáo luật, Bí tích Hôn Phối, đời sống hôn nhân, tài liệu còn đề cập đến sức khỏe sinh sản, trong đó có phương pháp Billings; hôn nhân khác đạo; các thủ tục và nghi lễ kết hôn dân sự… Với giáo dân ở tỉnh, tôi cảm nhận những kiến thức trên là sự chuẩn bị chu đáo để người tín hữu chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Được biết một số nơi ở TPHCM có điều kiện đã tổ chức khóa giáo lý hôn nhân với nội dung phong phú hơn, với sự cộng tác của giới chuyên môn về tâm lý, luật, sản khoa… Thiết nghĩ, tài liệu này nếu được chia sẻ cho các giáo phận, hoặc những nơi có điều kiện có thể tổ chức cách thức và nội dung tương tự thì thật là thêm phần hữu ích cho hành trang của các học viên tỉnh thành. Bên cạnh việc hoàn thành chương trình học, tôi cũng đã hoàn tất việc trích lục các chứng từ liên quan ở giáo xứ quê cũ, cách nơi đang cư ngụ khoảng 500km. Ước mong trong tương lai gần, Giáo hội sẽ triển khai App “Dữ liệu giáo dân”, hoặc số hóa các thủ tục hôn phối, nhằm đem lại nhiều tiện ích trong việc tra cứu thông tin giáo dân khi cần. Được như thế, nhiều anh chị em xa quê hoặc những gia đình đã chuyển đến nơi khác sinh sống, sẽ thuận tiện hơn trong việc hoàn tất các thủ tục khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.


GIÚP GIỚI TRẺ HỨNG KHỞI TÌM HIỂU

Chị Đinh Thị Thủy (giáo xứ Chánh tòa, giáo phận Phát Diệm): Các cha xứ cẩn trọng trong quá trình làm thủ tục cho các cặp đôi trẻ là điều đáng mừng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trong một số việc, có thể bớt đi sự rập khuôn. Chẳng hạn như việc học giáo lý, nhiều nơi quy định chứng chỉ giáo lý hôn nhân chỉ có thời hạn nhất định. Thế thì, các bạn trẻ học rồi, bẵng một thời gian lâu mới kết hôn lại phải học tiếp vì vượt thời hạn cho phép sao? Trong khi đó, kiến thức này đã tích lũy và có thể tự tìm hiểu lại. Bằng đại học hay bằng tốt nghiệp phổ thông cấp hiện nay có giá trị cả đời chứ không phải quy định về thời hạn. Đơn giản vì người học có tư duy, tri thức, có hiểu biết nhất định. Theo tôi, cũng có thể áp dụng công nghệ thông tin cho việc đăng ký thủ tục. Cần có quy chuẩn chung và hỗ trợ thủ tục tốt nhất cho các đôi hôn phối. Đồng thời, có chương trình chuẩn, đa dạng, nội dung hấp dẫn để các cặp đôi hiểu rõ về giáo lý hôn nhân, gia đình. Điều quan trọng là giúp các bạn trẻ đến với lớp học này trong tinh thần tự nguyện, trong sự hứng khởi của những người đang yêu, tiến vào hôn nhân không phải chỉ xem đây là thủ tục bắt buộc, nặng nề.


KÊNH RIÊNG PHỤC VỤ CHO HÔN PHỐI

Anh Nguyễn Minh Huy (giáo xứ Lạc Quang, TGP TPHCM): Các giáo phận nên có kênh để giúp giải đáp khúc mắc các thủ tục hôn phối cho người trẻ, ngoài giáo xứ. Ban này có vai trò như tổng đài hay địa chỉ hướng dẫn cho các bạn trẻ thủ tục cũng như cách đăng ký học giáo lý hôn nhân dễ dàng. Cần có hòm thư hoặc đường dây nóng để giúp giải quyết các thắc mắc được nhanh chóng. Tôi nghĩ việc thiết lập một hòm thư (e-mail là tiện nhất) hoặc có vị phụ trách hẳn công việc này trong xu hướng 4.0, nhu cầu đa dạng của giáo phận thành phố thật không khó. Vì thực tế cho thấy nhiều khi các bạn trẻ không biết hướng giải quyết, không tìm được cách thức phù hợp. Trong khi đó, có nhiều trường hợp phức tạp, khó lường, như hôn nhân khác đạo... chẳng hạn.

 

“Các vị chủ chăn các linh hồn buộc phải liệu sao cho cộng đoàn Giáo hội của mình biết trợ giúp các Kitô hữu, để bậc hôn nhân được bảo tồn trong tinh thần Kitô giáo và tiến tới trong sự hoàn thiện. Việc trợ giúp này phải được thực hiện nhất là: bằng việc giảng thuyết, bằng việc huấn giáo thích hợp cho nhi đồng, thanh niên và người thành niên, và cũng bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhờ đó các Kitô hữu được giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ Kitô giáo; bằng việc chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới; bằng việc cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ, để minh họa rằng hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy, bằng việc giúp đỡ các đôi vợ chồng, để khi trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ biết sống cuộc đời đôi bạn ngày càng thánh thiện và hoàn hảo hơn” (Giáo luật điều 1063).

 

 

Nhóm phóng viên (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm