Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai, 2017 15:04

“…Phải dành cho chữ “giáo lý” một chỗ đứng quan trọng trong việc học hỏi về hôn nhân gia đình…”

Đó là nhận xét của Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Chánh tòa Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục, khi cùng Công giáo và Dân tộc nhìn lại một năm Giáo hội Việt Nam đặt trọng tâm đến việc chuẩn bị cho giới trẻ các kiến thức, kỹ năng và tâm lý để có thể sẵn sàng bước vào đời sống hôn nhân.

 CGvDT: Kính chào Ðức cha, nhìn lại một năm thực hiện điểm nhấn “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”, Ðức cha có nhận xét gì về những hoạt động và sự hiệu quả của việc mục vụ này trong cộng đồng Dân Chúa ?

- Ðức cha Giuse Châu Ngọc Tri: Thật khó để nắm bắt cụ thể tình hình hoạt động cũng như hiệu quả những nỗ lực của toàn Giáo hội Việt Nam trong suốt năm qua về mảng mục vụ này. Tuy nhiên, qua Hội nghị các linh mục chuyên trách Mục vụ Gia đình tại các giáo phận vào đầu tháng 10.2017 vừa qua, tôi biết chắc chắn rằng giáo phận nào cũng dành nhiều quan tâm cho việc “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”. Ðây cũng là sinh hoạt thường xuyên của hầu hết các giáo xứ trong Giáo hội Việt Nam, qua các khóa Giáo lý Hôn nhân được tổ chức đều đặn, và từ lâu đã trở thành một trong những điều kiện quan trọng cho việc đăng ký kết hôn của những người trẻ Công giáo.

Ðể thấy được hiệu quả của những lớp Giáo lý Hôn nhân, chúng ta thử tưởng tượng nếu không được chuẩn bị qua những khóa học này, thì người trẻ Công giáo Việt Nam hôm nay sẽ hoang mang bỡ ngỡ biết bao trước bối cảnh xã hội ngày một thay đổi táo bạo và nhanh chóng, trực tiếp tấn công hôn nhân và gia đình. Các bạn trẻ đã tự tin và trưởng thành hơn trước ngưỡng cửa hôn nhân. Nhiều người trẻ ngoại đạo ngày nay cũng đăng ký đi tham dự lớp Giáo lý Hôn nhân với bạn bè Công giáo, không phải vì tò mò, nhưng họ đã nhận ra những nét độc đáo và giá trị của hôn nhân Công giáo. Nhiều bậc phụ huynh ngoài Công giáo không che giấu niềm vui khi con cái mình được kết hôn với người Công giáo, vì tin rằng hạnh phúc của các con sẽ bền vững hơn.

Dù không tập trung nhiều vào phong trào và những hình thức bên ngoài nhưng tôi tin rằng sự chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân sẽ là quan tâm và nỗ lực thường xuyên và nề nếp của các cộng đoàn, đặc biệt là các mục tử, khi các ngài biết ân cần chăm sóc đoàn dân đã được trao phó, cũng như biết chia sẻ trọng trách với giám mục của mình và Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung.

 

Từ định hướng đến thực tiễn khi nào cũng có độ vênh nhất định, theo Ðức cha, các giáo phận, giáo xứ và toàn thể thành phần Dân Chúa Việt Nam cần những nỗ lực gì để những hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam luôn được áp dụng, thực hiện sát sao, cụ thể và đem nhiều ích lợi đến cho giáo dân?

- “Ðộ vênh” giữa định hướng và thực tiễn là biện chứng của cuộc sống nơi mỗi cá nhân, xã hội và cả Giáo hội, nhưng nó sẽ giúp xây dựng nên tầm nhìn, nên dự phóng cho con đường phía trước. Ðịnh hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng lấy cảm hứng từ Giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt của Ðức Thánh Cha qua hai Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua về Gia đình, hai Thượng Hội đồng đã luôn dựa trên ánh sáng của Tin Mừng. Nên “độ vênh” lớn nhất và quan trọng nhất chính là Tin Mừng chưa đi vào cuộc sống của người tín hữu chúng ta. Ðây là vấn đề cần phải nỗ lực không ngừng ở mọi thời đại.

Không thể có “Niềm Vui Yêu Thương” đích thực nếu không có “Niềm Vui Tin Mừng” - tên hai Tông huấn liên tiếp của Ðức Thánh Cha Phanxicô tưởng là không liên quan đến nhau nhưng thực ra có tương quan mật thiết trong tâm ý Ðức Giáo Hoàng. Vì thế, tôi nghĩ, mọi tổ chức của Giáo hội lớn nhỏ và từng người chúng ta, cần phải “hoán cải mục vụ”, cần phải bắt đầu trở lại với Tin Mừng trong tất cả mọi sinh hoạt của Giáo hội. Tôi nói thế vì nhiều yếu tố trần tục đã len vào trong cơ cấu và sinh hoạt của Giáo hội. Nhiều nơi Giáo lý Hôn nhân chỉ chú trọng vào kiến thức, chuyên môn, kỹ thuật…, và cuối cùng là thi cử, là chứng chỉ tốt nghiệp. Vậy thì kết quả sẽ không thể tồn tại, và hôn nhân gia đình Công giáo cũng sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy của lối sống thực dụng và ích kỷ ngày nay. Phải dành cho chữ “giáo lý” một chỗ đứng quan trọng trong việc học hỏi về hôn nhân gia đình. Nếu không có hai chữ “giáo lý” liên quan đến Ðức tin, phải công bằng nhìn nhận những kiến thức về hôn nhân và gia đình được cung cấp qua sách vở và truyền thông ngày nay còn phong phú và chuyên nghiệp hơn những gì các giáo xứ dạy.

Giáo hội mong rằng các bạn trẻ Công giáo cần được củng cố đời sống Ðức tin cách mạnh mẽ trước ngưỡng cửa hôn nhân gia đình. Ðức tin phải là nền tảng cho đời sống hôn nhân mà những người trẻ đang chuẩn bị bước vào. Chúng ta thường chúc các đôi bạn được hạnh phúc dài lâu, nhưng quên rằng hôn nhân Công giáo cần phải thánh thiện. Và đây chính là đặc điểm của hôn nhân trong đạo chúng ta. Vì thế, không phải chỉ học thuộc giáo lý, nhưng cần được đồng hành thiêng liêng bằng các cuộc tĩnh tâm, tĩnh huấn… Chính trong Ðức tin mà những định hướng và nỗ lực thực thi sẽ gặp nhau, làm cho “độ vênh” này được thâu hẹp khoảng cách. Nhưng không phải chỉ các mục tử, những bậc phụ huynh cũng phải quan tâm và chủ động hơn trong việc đồng hành với con cái trong giai đoạn quan trọng này. Cha mẹ phải tạo cơ hội giúp con cái dễ dàng có thể đối thoại với mình để trình bày những suy tính của chúng. Cha mẹ phải là những cố vấn đầu tiên cho con cái. Chúng ta thường dễ rơi vào tình trạng bất cập hay thái quá: can thiệp thô bạo quá sâu về tình yêu của con cái hoặc không làm gì, để mặc con cái tùy tiện. Rồi khi phải đứng trước những khó khăn và nguy cơ, chúng ta lại đổ hết trách nhiệm cho con mình.

 

Với tình hình xã hội hiện nay, chắc hẳn Hội đồng Giám mục Việt Nam và riêng Ðức cha vẫn còn những thao thức dành cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân?

- Chắc chắn rồi và đây là câu chuyện không của riêng ai! Ðứng trước những hiện tượng nhiều đổ vỡ trong hôn nhân gia đình ở xã hội “tân tiến” hiện nay, chúng ta luôn đắm chìm trong những thao thức. Mỗi một mục tử khi chuẩn bị thủ tục và cử hành hôn nhân cho một đôi bạn trẻ, luôn trong tâm trạng vừa vui mừng vừa lo lắng. Vui mừng hôm nay và lo lắng ngày mai. Người ta thường nói rằng “ngày mai ai biết”; nhưng chúng ta thì cần phải biết, phải xác định! Chính vì thế mà lo lắng. Nhưng sự lo lắng này không cho phép chúng ta giảm đi sự xác tín về hiệu quả của Bí tích Hôn Nhân, nhưng mời gọi chúng ta mạnh mẽ tin tưởng và cộng tác với Ơn Chúa qua Bí tích này. “Không có Thầy chúng con không thể làm được gì” (Ga 15, 5). Các mục tử phải truyền cảm hứng cho các tín hữu trẻ rằng “đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19, 26). Phải can đảm lội ngược đòng để tránh bị trôi xuôi theo dòng chảy. Giữa những bất định của hôn nhân trong môi trường xã hội ngày nay, chúng ta thấy ấm lòng khi trong các thiệp hồng của các đôi bạn sắp cưới Công giáo, hay trang trí tiệc cưới của họ, phần đông đều trích câu Tin Mừng này: “Ðiều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mc 10, 9).

Riêng tôi cũng muốn chia sẻ thêm vài thao thức khác :

Một điều tôi vẫn trăn trở là tại sao việc học giáo lý hôn nhân được tổ chức khi các bạn trẻ đã thành đôi và chuẩn bị cưới. Quá trễ chăng? Trong khi trường đời lại dạy cho các bạn trẻ từ rất sớm về tính dục, về tình yêu và cả những gương mù, gương xấu! Các bạn trẻ Công giáo cần học cho biết cách “chọn” bạn đời, và cần nắm bắt những đặc tính của hôn nhân Công giáo cũng như luân lý tính dục trước khi bước vào thời gian tìm hiểu lẫn nhau.

Tôi ước mong rằng mỗi gia đình trẻ có một gia đình lớn tuổi hơn “đỡ đầu” khi cử hành Bí tích Hôn Phối, và đồng hành với gia đình trẻ này cách dài lâu và gần gũi, tín cậy, thân tình. Ðôi này có thể là hai người chứng mà giáo luật về Bí tích Hôn Nhân đòi buộc hiện diện khi Bí tích Hôn Nhân được cử hành. Mối quan hệ thiêng liêng này rất hiệu quả và mang tính tương tác: học gương và nêu gương cho nhau, hiện diện bên nhau, nhất là những lúc khó khăn.

Làm thông gia với lương dân là điều mà tất cả các bậc phụ huynh ngày nay phải sẵn sàng. Mong sao các bậc phụ huynh này cũng được giúp đỡ tìm hiểu sơ lược về nếp sống văn hóa tôn giáo của gia đình bên kia, để biết cách cư xử cho đúng lễ nghĩa, nhất là sự thân thiện hiểu biết nhau cũng hướng đến việc loan báo Tin Mừng.

 

Ðôi lời nhắn gởi của Ðức cha đến các cặp đôi trẻ - độc giả Công giáo và Dân tộc cũng như đến giới trẻ các giáo phận?

- Ðiều tôi muốn nói với các cặp đôi trẻ Công giáo hôm nay là: Các bạn hãy can đảm trở nên chứng nhân cho “Niềm Vui Yêu Thương”, cao cả và thánh thiện giữa đời trong một xã hội mà người ta “yêu thương cho vui”, để rồi hết vui thì cũng hết yêu thương! Các bạn không cần đi đâu xa để loan báo Tin Mừng, nhưng hãy để sức mạnh và hơi ấm của tình yêu lan tỏa từ mái nhà của các bạn, sưởi ấm thế giới chung quanh mình.

Xin gởi tới quý độc giả Công giáo và Dân tộc lời thăm hỏi bình an nhân mùa Giáng Sinh, và cầu chúc các gia đình luôn đầy ắp “Niềm Vui Yêu Thương”.

 

Chúng con xin cảm ơn Ðức cha!

HÙNG LUÂN thực hiện

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm