Nhằm giúp các em có điều kiện học trực tuyến, trong bối cảnh địa phương chuyển đổi phương thức dạy học cho phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, cha Ðaminh Trần Quang Vinh, chánh xứ Gân Reo (giáo hạt Ðức Trọng, giáo phận Ðà Lạt) đã phối hợp với cơ sở giáo dục địa phương để tổ chức lớp học cho hơn 100 học sinh dân tộc thiểu số một cách chu đáo.
![]() |
Lớp học chung sức, chung lòng
Lớp học trực tuyến ở giáo xứ Gân Reo đặc biệt dành cho các em học sinh sắc tộc đang theo học tại Trường THCS An Hiệp (xã Liên Hiệp, Ðức Trọng, Lâm Ðồng), được nhen nhóm từ ý tưởng của cha Vinh từ ngày 17.9.2021, khi nhà trường công bố thực hiện chương trình dạy học trực tuyến trong năm học mới 2021 - 2022 theo chỉ đạo của Sở GD-ÐT tỉnh. Trong năm học này, nhà trường có 634 học sinh, trong đó có 31% là dân tộc thiểu số, hầu hết tập trung ở thôn Gân Reo, thuộc địa bàn giáo xứ Gân Reo. Trong điều kiện còn hạn chế về cơ sở vật chất, nhà trường nỗ lực chuẩn bị được 8 phòng dạy trực tuyến để giáo viên đứng lớp. Ðồng thời, tổ chức các nhóm học trực tuyến tại nhà cho các em học sinh, với mật độ mỗi nhóm tối đa 5 em. Tuy nhiên, việc ghép nhóm học đối với học sinh đồng bào sắc tộc gặp khó khăn, vì đa phần các em thiếu phương tiện, không có điện thoại thông minh, truyền hình hoặc gia đình không có internet…
Biết được tình hình, cha xứ Gân Reo đã họp bàn với Hội đồng Mục vụ và đi đến quyết định phối hợp với nhà trường mở lớp học trực tuyến, bằng cách tận dùng các phòng giáo lý làm lớp học, trong lúc các sinh hoạt tôn giáo địa phương đang tạm ngưng để phòng chống dịch bệnh. Ðể chuẩn bị mở lớp học trực tuyến, trong hai ngày 18 và 19.9, giáo xứ được bà con giáo dân cho mượn màn hình truyền hình, các thiết bị âm thanh; trong khi các nữ tu thuộc cộng đoàn của hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp đang phục vụ ở giáo xứ Gân Reo mau mắn mượn được 8 máy tính xách tay ở các tu viện xung quanh. Tuy nhiên, máy mượn được cũng có chiếc cũ quá, không thể kết nối với màn hình, nên giáo xứ mời gọi những em có thiết bị đến nhà thờ học, để các bạn có cơ hội học cùng. Sáng 20.9, lớp học trực tuyến chào đón 107 em học sinh. Sau một tuần vận hành, với sự hỗ trợ của những anh em có chuyên môn trong giáo xứ, các lớp học dần đi vào ổn định cho đến nay.
Từ những ngày đầu, giáo xứ có 8 lớp học trực tuyến, mỗi lớp học từ 5 - 7 em, đảm bảo quy định của Phòng GD-ÐT địa phương (12 học sinh/lớp học trực tuyến). Trong đó, học sinh khối lớp 7 và lớp 9 học vào buổi sáng (7 giờ đến 11 giờ), khối lớp 6 và lớp 8 học vào buổi chiều (13g đến 17 giờ). Từ tuần thứ hai trở đi, lớp học trực tuyến ở nhà thờ Gân Reo chào đón thêm nhiều “học sinh mới” vì số lượng đến đăng ký học tăng thêm. Thầy Mai Mạnh Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Hiệp) mỗi ngày đều đặn đến các lớp học để theo sát việc học tập. Một cách thường xuyên, cha xứ cũng ghé thăm các lớp học: “Vì các em học trong nhà xứ, tôi cũng cố gắng hiện diện để động viên, hoặc khi có trục trặc về máy móc thì có thể hỗ trợ các sơ kịp thời”. Cùng cha xứ chăm lo cho các em, nên ngày nào các sơ cũng đến lớp sớm 15 phút và chu đáo sắp xếp mọi thứ, khởi động thiết bị để có thể bước vào giờ học một cách thuận tiện nhất. Giữa buổi, các sơ còn “phục vụ” bánh ngọt, hoặc trái cây, giúp bọn trẻ tỉnh táo, tiếp thu bài tốt hơn. Nhà xứ có máy nước lọc, cha xứ chu đáo cho đóng chai sẵn cho tiện dùng. Ðặc biệt, ngài còn trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn ở hành lang để sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch.
![]() |
Cổng nhà thờ luôn rộng mở
Ghi nhận đóng góp của giáo xứ, trong dịp mới đây, lãnh đạo phòng GD-ÐT huyện Ðức Trọng và hiệu trưởng Trường THCS An Hiệp đã đến tham quan lớp học và cảm ơn cha xứ, các nữ tu cùng Hội đồng Mục vụ giáo xứ về nghĩa cử cao đẹp này. Ông Nguyễn Hữu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS An Hiệp nhìn nhận, nhà trường có sự bị động trước kế hoạch dạy học trực tuyến vì từ ban đầu đã chuẩn bị phương án dạy học trực tiếp như mọi năm. Trong tình hình nhà trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, được linh mục Ðaminh Trần Quang Vinh và giáo xứ hỗ trợ kịp thời, giúp các em có điều kiện học tập thuận lợi và an toàn, khiến cả thầy và trò ai nấy đều phấn khởi. Với tình thương của người mục tử coi sóc đoàn chiên, cha sở Gân Reo chia sẻ: “Bây giờ học trò có nhu cầu, giáo xứ sẽ cố gắng phục vụ cho đến khi đi học trở lại bình thường ở trường”. Tuy nhiên, để có phương tiện học tập ổn định hơn, ngài mong các tấm lòng hảo tâm sẽ chung tay hỗ trợ một số trang thiết bị, từ đó giáo xứ có thể trả lại màn hình truyền hình cho bà con, vì trong nhiều tuần qua họ đã hy sinh nhu cầu giải trí, thông tin cần có trong cuộc sống hằng ngày khi cho mượn chiếc máy duy nhất trong nhà.
Quản nhiệm giáo xứ từ năm 2016, hơn ai hết, cha Ðaminh hiểu rõ về tình hình đời sống của bà con ở thôn Gân Reo (xã Liên Hiệp, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng). Với hơn 2.000 dân (khoảng 95% là người dân tộc K’Ho, Chil, Mạ), trong đó 1.300 người là tín hữu Công giáo, đa phần các hộ dân làm nông nghiệp, trồng lúa và cà phê là chủ yếu. Vì diện tích đất canh tác hạn chế, nên ngoài mùa vụ chính, họ đi làm thuê cho các công ty chế biến nông sản, rau củ quả ở địa phương trong bán kính từ 10 - 20 cây số, để có thêm thu nhập. Trong lúc các gia đình không có điều kiện cho con em học trực tuyến, lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, nên vị linh mục 41 tuổi mong muốn chung tay với nhà trường để chăm lo. Ngài cảm nhận: “Tôi cảm thấy nhẹ lòng, khi việc mình làm phù hợp với những yêu cầu chung của xã hội lúc này, góp phần vào công tác phòng chống dịch, đồng thời cũng là giải quyết cho chính nhu cầu của con em trong giáo xứ, mở rộng ra là trong toàn thôn Gân Reo, bất kể lương giáo”.
Nặng lòng với “cái chữ” đối với trẻ em sắc tộc, nên một trong những ưu tiên của cha Vinh khi về coi sóc giáo xứ Gân Reo từ năm 2016 là bằng nhiều phương thức có thể, giúp trẻ đến trường, đến lớp. Trong nhiều năm qua, thời điểm chưa có dịch bệnh, mỗi ngày, cánh cổng nhà thờ đều rộng mở để chờ đón học sinh sau giờ tan trường. Sau khi ăn uống lót dạ và nghỉ chơi đôi chút, các em được những nữ tu và thầy cô dạy kèm cho môn học còn yếu. Nhờ sự tận tâm và nỗ lực của người dạy cũng như người học, nên tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng trong giai đoạn chuyển tiếp từ cuối cấp 1 lên cấp 2 đã được cải thiện một cách đáng kể. Tiêu biểu như trong năm học mới này, số học sinh Công giáo trên địa bàn giáo xứ vào cấp 2 được gần 100 em. Theo nhận định của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Minh: “Ðây là một trong những năm có học sinh lớp 6 người dân tộc thiểu số đông nhất”.
Khiêm tốn trước sự ghi nhận của ngành giáo dục địa phương, cha Ðaminh chia sẻ: “Thành quả trên phản ánh phần nào những gì giáo xứ nỗ lực từ trước đến giờ đã có một chút kết quả. Thấy các em phấn khởi và tự tin hơn khi bước vào cấp THCS là điều đáng mừng”. Trong năm học mới này, giáo xứ Gân Reo còn có thêm niềm vui khi có 38 em học sinh vào cấp 3. Theo lẽ thường tình, muốn có sự phát triển thì bà con dân tộc thiểu số cần có kiến thức, và điều đáng quý là khi thành công, họ trở về phục vụ và dấn thân. Nói về những người con của giáo xứ bằng trái tim yêu thương của người mục tử, cha Vinh tâm tình: “Tạ ơn Chúa vì giáo xứ có một số anh chị người sắc tộc sau khi tốt nghiệp trung cấp dược, tin học, sư phạm và một số ngành nghề khác, đã trở về làm việc tại địa phương và cộng tác tích cực trong công việc mục vụ của giáo xứ. Là những người tín hữu nhiệt thành, các anh chị em đã góp phần xây dựng giáo xứ, phục vụ cộng đồng, buôn làng mình bằng tất cả tấm lòng yêu mến”.
Bích Vân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.