Trong sinh hoạt xứ đạo, giáo xứ không chỉ là cộng đoàn đức tin, các thành phần hiệp thông với nhau cử hành phụng vụ, bí tích nhưng còn là cộng đoàn yêu thương, liên đới thiết thực. Chắc hẳn, mỗi người đều được xứ đạo mình đỡ nâng, trên những phương diện khác nhau.
HÌNH ẢNH CHÚA GIÊSU LÀ VỊ LƯƠNG Y CHỮA LÀNH
![]() |
Linh mục GB Trương Thành Công (giáo xứ Rạch Vọp, giáo phận Cần Thơ): Rạch Vọp là họ đạo truyền giáo nhỏ bé ở miền sông nước đồng bằng. Công cuộc truyền giáo, giới thiệu Chúa đòi hỏi nỗ lực thật nhiều và dài lâu. Về phương châm truyền giáo, khởi đi từ Tin Mừng với hình ảnh Chúa Giêsu là vị lương y, chữa lành nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn, ban bình an cho gia đình, giáo xứ mời gọi những anh chị em lương dân, những người tìm hiểu đạo đến học hỏi để cảm nhận về tình yêu thương nhiệm mầu đó. Trong giáo xứ, giáo hữu học biết và sống với nhau, trở thành những nhân chứng của sự chữa lành. Cộng đoàn biết quan tâm, ủi an nhau, vực dậy tinh thần khi ai đó đau đớn, gục ngã. Số bà con sinh hoạt thường xuyên tại Rạch Vọp là khoảng 300 - 400 người, đông hơn cả giáo dân trong xứ. Trong khi truyền giáo, chúng tôi để mọi người đến một cách tự nhiên, bằng đời sống, sự quan tâm và mở rộng đón chào của các thành phần xứ đạo, những anh em dự tòng và tân tòng cảm thấy được nâng đỡ tinh thần, ủi an và khích lệ, tạo điều kiện để khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Cuộc truyền giáo gặt hái những hoa trái ban đầu khi thấy được những anh em tân tòng sốt sắng, gắn kết với xứ đạo.
TÌNH ĐOÀN KẾT, TƯƠNG TRỢ
![]() |
Anh Nguyễn Quốc Bảo (giáo xứ Thăng Thiên, giáo phận Kon Tum): Hiện tôi đang ở Đà Nẵng, một sinh viên xa xứ nên cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đi đôi với khó khăn, cũng có những sự giúp đỡ đến từ những người thân, bạn bè, giáo xứ và xóm đạo nơi tôi sinh sống…, giúp tôi thăng tiến hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn. Có thể nói giáo xứ đã giúp tôi vững niềm tin khi xa nhà, qua những trợ giúp từ vật chất cho đến tinh thần. Bản thân tôi muốn giúp sức cho giáo xứ, giúp thiếu nhi hiểu biết về Chúa, về Giáo hội, đem lại niềm vui cho các em, hỗ trợ mọi người khi có thể. Một điều khá đặc biệt ở giáo xứ là tình đoàn kết. Mọi người đỡ nâng nhau trong cuộc sống, chia sẻ khi hoạn nạn, khó khăn. Những sẻ chia ấy đúng lúc và làm tinh thần tích cực lên.
TRƯỞNG THÀNH DƯỚI MÁI NHÀ CHUNG XỨ ĐẠO
![]() |
Anh Ngô Triệu Kha (giáo xứ Cái Đôi, giáo phận Vĩnh Long): Tôi được sinh ra ở vùng sâu, vùng xa, tuy hẻo lánh nhưng người dân ở đó theo đạo đông và niềm tin của họ vào Chúa cũng thật sâu sắc. Từ lúc còn bé, tôi được các cha hướng dẫn rất nhiệt tình, từ những công việc phụng sự Chúa như hầu đèn, giúp lễ, đọc sách, cắm hoa... Qua những buổi sinh hoạt và học hỏi trong nhà thờ mà tôi được lớn lên, trưởng thành và khôn ngoan hơn, đặc biệt là thấy mình được dự phần vào “ngôi nhà chung” của giáo xứ và tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Còn các dì thì y như những người mẹ thứ hai vậy, đối xử với tôi và các em thiếu nhi hết sức dịu dàng và ân cần. Các dì tận tình hướng dẫn từng chút một mà không chút nóng giận hay la rầy, cái gì không biết thì được chỉ dạy, cũng vì vậy mà tôi nhận ra lỗi lầm. Vào những dịp khai giảng năm học, nhà thờ còn trích một phần quỹ để mua tập, dụng cụ học tập hay sách cho những em có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ, và trong đó có tôi.
MANG NIỀM VUI ĐẾN ANH EM SẮC TỘC
![]() |
Ông Điểu Trung (Phó Chủ tịch HĐMV giáo xứ Lộc Hòa, giáo phận Phú Cường): Là người trong HĐMV giáo xứ, tôi được cộng tác với cha chánh xứ trong rất nhiều công tác mục vụ cho bà con dân tộc S’tiêng ở đây. Đây là một điểm truyền giáo cần đáng được quan tâm và chăm sóc. Cộng tác với cha xứ, tôi và anh em trong ban điều hành phân chia thăm hỏi từng gia đình để kịp thời hỗ trợ họ về vật chất và tinh thần. Sửa sang nhà cửa, các công trình phụ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; mở ra nhiều giếng nước cho bà con sinh hoạt; hỗ trợ tiền đi học cho các em học sinh; đưa đón mọi người đến nhà thờ sinh hoạt vào mỗi ngày Chúa nhật bằng xe của giáo xứ (nhiều người dân ở cách nhà thờ hơn 10 cây số)… Với sự giúp đỡ và đồng hành tích cực của giáo xứ, cuộc sống bà con có nhiều thay đổi, ý thức sống mỗi ngày được nâng cao. Nhiều bạn trẻ biết chăm chỉ làm ăn, các em nhỏ không có điều kiện vẫn được đến trường. Tôi mong ước những cố gắng của chúng tôi sẽ góp phần nào đó cho cuộc sống anh em dân tộc thiểu số cũng như trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người nơi đây.
TỪ NHÓM GIÁO LÝ VIÊN GIÁO XỨ...
![]() |
Nữ tu Têrêsa Trần Thị Thanh Thúy (dòng Chúa Quan Phòng La Pommeraye): Hồi nhỏ, tôi rất nhút nhát nên chẳng dám tham gia hội đoàn nào. Đến năm 18 tuổi, vẫn còn trong lớp giáo lý Vào Đời, tôi được gọi giúp bán vé hội chợ Tết với các anh chị giáo lý viên, sau đó tham gia phụ lớp giáo lý Căn Bản. Vào năm học mới, sau khi kết thúc lớp Vào Đời, tôi chịu trách nhiệm đứng lớp giáo lý Khai Tâm cùng với hai người nữa. Tôi thấy vui khi được dạy giáo lý cho các em nhỏ. Vui vì có thể phục vụ, vui vì được thấy những tâm tình đơn sơ của các em nhỏ… Làm giáo lý viên được một năm rưỡi thì tôi đi tu. Với những chương trình trong hội dòng, nhiều năm sau, tôi mới có dịp tham gia giáo lý viên, giúp dạy giáo lý cho thiếu nhi lớp Khai Tâm. Và rồi đi sứ vụ ở nước ngoài, tôi cũng bắt đầu tham gia dạy giáo lý… Bây giờ, ký ức về thời gian cộng tác với giáo xứ trong vai trò giáo lý viên vẫn nguyên vẹn. Chính không gian sinh hoạt thân thiện, ấm áp nơi ấy đã đỡ nâng tinh thần tôi, cho tôi nhiều bài học thực tế.
Hùng Luân (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.