“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, đối với trẻ em, ngay từ trong gia đình và giáo xứ, cũng rất cần giáo dục ý thức bảo vệ môi sinh, bằng những hành động cụ thể, vừa sức.
CÁI NÔI GIA ÐÌNH
“Bảo vệ môi trường, thoáng nghe có vẻ như quá to tát nhưng thật ra nếu cứ nghĩ vậy mà cho rằng trách nhiệm này thuộc về ai đó hay thuộc các tổ chức lớn, quy mô thì thật tai hại. Mỗi người chúng ta đều có thể góp phần. Và trong gia đình, dạy cho các bé biết gìn giữ môi trường cũng là đang dạy một kỹ năng”, chị Ngô Thị Thu An (Q4, TP. HCM) nói. Chính vì quan niệm như vậy nên chị tập cho các con của mình thói quen tốt với môi trường ngay từ nhỏ. Ví như chuyện xả nước rửa chén và tắm ở lượng vừa đủ, để vòi nước tắt hẳn khi dùng xong, không nhỏ giọt. Trong mỗi phòng của các con, chị còn đặt một thùng rác nhỏ và để các bé tự dọn vệ sinh phòng, thay vì cha mẹ phải quét dọn. Bé gái đầu lòng nhà chị đang học lớp 11 và có sở thích nuôi mèo. Chị đã giao hẳn cho bé quyền chăm sóc và nghĩa vụ đảm bảo vệ sinh cho căn nhà, ngoài ra càng không được làm ảnh hưởng hàng xóm. Chị cũng nói thêm, dĩ nhiên cha mẹ luôn kiểm tra lại và nhắc nhở các bé nhưng dần dần để bé chủ động.
![]() |
Người lớn dọn vệ sinh, trẻ em bắt chước làm theo |
Trẻ con ngày nay dễ tiếp xúc với không gian mạng nhiều hơn. Mua sắm qua mạng là hoạt động ngày càng phổ biến ở thành phố. Anh Trần Văn Khôi (Q11, TP.HCM) cho biết bé gái duy nhất của anh, tuy mới 9 tuổi nhưng đã nghiện mua sắm trên mạng. Ðối với anh, việc này cũng thật tiện lợi nhưng anh luôn để ý nhắc bé sử dụng các sản phẩm bằng giấy, túi vải, phân hủy được thay cho đồ dùng túi nhựa. “Ðã nói bảo vệ môi trường thì mình cũng chỉ cho bé các việc nhỏ nhất. Không bỏ sót. Tôi cũng dặn bé sử dụng phòng riêng nhớ tiết kiệm điện, máy lạnh, và nhất là chỉ bật đèn khi cần, vừa phải thôi. Sáng quá cũng là một hình thức lãng phí”, anh Khôi chia sẻ. Còn gia đình anh Trần Long Hưng, do sống trong khu chợ Thủ Ðức nên rất để tâm đến ô nhiễm tiếng ồn. Anh tâm sự, bình thường, tiếng còi xe, tiếng người nói qua lại đã ồn, bé trai của anh lại hay hát karaoke càng làm bầu khí thêm náo động: “Mình dặn bé chỉ hát trong những giờ sinh hoạt như buổi tối, sau khi ăn cơm chiều và bật âm thanh vừa đủ cả nhà nghe, đừng để to, ảnh hưởng hàng xóm”. Ðối với anh Hưng, sinh sống trong chợ nên vấn đề vệ sinh, gia đình càng phải kỹ.
Ở nông thôn, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường với những đứa con nhà nông cũng rất cần thiết. Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Kế Sách, Sóc Trăng) chăn nuôi số lượng lớn heo thịt. Trung bình, mỗi lứa chị nuôi khoảng 30 con. Ðể tránh làm ô nhiễm nguồn nước và không khí, ngoài việc thường xuyên vệ sinh, chất thải động vật cũng được chị cho xuống hầm khí sinh học tại vườn nhà. Làm việc này, chị cho biết, trước hết là theo khuyến cáo, chỉ dẫn của ngành nông nghiệp tại địa phương, còn lý do quan trọng nữa là bản thân cũng không muốn ô nhiễm ảnh hưởng bà con trong quê. Mặt khác, nguồn khí sinh học còn phục vụ trở lại cho sinh hoạt: “Tôi cũng cắt nghĩa cho con cháu mình tại sao phải xây hầm khí sinh học loại lớn, tốn kém như vậy. Thà đầu tư một lần. Kết quả hạn chế tác động cho môi trường nước, không khí, chẳng ảnh hưởng ai mà còn làm lợi ích cho mình”. Ở nông thôn, kênh rạch chằng chịt, một bộ phận cư dân lại có thói quen vứt rác xuống sông. Chị cũng dạy các cháu từ cấp một biết phân loại rác và để tại hố rác của gia đình, đến lúc nào đó đầy thì lấp hoặc đốt đi. Nói chung, trong cách sống của gia đình, từng việc nhỏ của ông bà, cha mẹ đều có tác động tốt hoặc xấu đến thế hệ sau, nên chị cũng rất chú ý khoản này.
![]() |
Những em nhỏ của giáo xứ Bình Châu, GP Long Xuyên đang loay hoay dọn rác, chuẩn bị cắm trại |
TRONG CÁC SINH HOẠT XỨ ÐẠO
“Thiếu nhi đến nhà Chúa thường làm gì? Ðọc kinh, cầu nguyện, ca hát, học giáo lý… rất nhiều hoạt động chung. Ðó là cơ hội để gieo vào các em niềm yêu thích chăm sóc tự nhiên và bảo vệ môi sinh”, cha Giuse Ðinh Phi Thoàn, phó xứ Bình Châu, giáo phận Long Xuyên vừa nói, vừa chỉ toàn cảnh khuôn viên nhà thờ. Cha cười bảo, nhìn sạch sẽ là vậy, không chỉ có công của người lớn thôi mà có cả thiếu nhi nữa đấy. Vào dịp hè, xứ đạo hay tổ chức cắm trại cho các bé. Trước khi sinh hoạt, các anh chị giáo lý viên, huynh trưởng quy tụ các em dặn dò nội quy rồi phân công quét dọn. Chứng kiến cảnh đông đảo bạn nhỏ tay cầm chổi, cầm bao… quét lá, nhặt rác, đổ rác rồi cười giỡn, rượt đuổi nhau mà không giấu được cảm xúc. Có những em mới học lớp hai, lớp ba, khệ nệ vác chổi quét từng nhát một, được một lúc rồi thì tị nạnh nhau, phàn nàn kẻ làm nhiều, người chỉ giỡn… Bầu khí thiệt xôm tụ. Em Nguyễn Hoàng Anh, 14 tuổi, đảm nhận nhiệm vụ trưởng nhóm nên làm rất tích cực: “Thật ra làm cũng ít à. Chỉ quét lá rồi gom lại, dọn dẹp cho sạch để sinh hoạt. Cắm trại xong, dọn lại một lần nữa. Tụi em quen rồi nên lại thích”.
Cha Thoàn nhìn thoáng quanh, bảo, vậy mà vui. Phải tập tành cho các bé trách nhiệm chung trong tập thể, trách nhiệm cá nhân với môi trường sống. Bây giờ, các em không hiểu sâu xa nhưng đó là thói quen tốt. Mà, ở giáo xứ này là thế, như một nề nếp, thường vào các sinh hoạt hay ngay cả đi lễ hằng ngày, huynh trưởng, giáo lý viên hay nhắc các em gìn giữ vệ sinh chung.
![]() |
Thu gom ve chai vừa gây quỹ, vừa bảo vệ môi trường |
Tại giáo xứ Châu Long, giáo phận Long Xuyên, linh mục chánh xứ Giuse Phan Ðình Sơn cho biết, cha cũng tập cho thiếu nhi thói quen bảo vệ môi trường. Trong các giờ học giáo lý, sinh hoạt thiếu nhi hay giảng lễ, cha xứ nhắc nhở các em và cùng với phụ huynh, giáo lý viên chú tâm rèn luyện việc giữ vệ sinh chung, điều kiện môi trường, cảnh quan cũng luôn được tôn tạo, gìn giữ.
Ở giáo xứ Tân Hương, TGP TPHCM, thiếu nhi lại có phong trào gom ve chai gây quỹ. Thực hiện khá đều đặn. Như lời cha sở Phanxicô Assisi Lê Quang Ðăng thì công việc này làm tạo ra nguồn quỹ cho thiếu nhi, thêm vào đó, giúp các em góp phần bảo vệ Ngôi nhà chung Chúa ban. Không chỉ Tân Hương mà ở nhiều xứ khác cũng tổ chức thành công mô hình này, có thể kể đến như giáo xứ Thánh Linh (Q9), giáo xứ Hà Nội (Q. Gò Vấp), giáo xứ Tân Hưng (Q12)…
Trong nhà trường, việc bảo vệ môi trường cũng được giáo dục từ nội dung các môn học lý thuyết đến thực hành. Trong gia đình và nhất là môi trường giáo xứ, điều kiện lý tưởng để các em hình thành thói quen tốt, việc hướng dẫn, gieo cho trẻ niềm yêu thích thiên nhiên và trách nhiệm với môi trường sống bằng các hành động cụ thể thiết nghĩ là điều không thể lơ là, nhất là trong bối cảnh nạn ô nhiễm ngày càng tăng cao.
Thu Huyền
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.