1. CHUYỆN CHÚNG MÌNH:
Cảnh báo nạn mạo danh bác sĩ bệnh viện chợ rẫy để lừa người bệnh
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số người đã gọi điện thoại, mạo danh bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy để tư vấn người bệnh mua thuốc, thực phẩm chức năng.
Trong thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân đã mạo danh, tự xưng là bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM), gọi điện cho người bệnh để tư vấn cho họ mua thực phẩm chức năng.
Phía Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với các cơ quan chức năng và rà soát lại quy trình tại bệnh viện, qua đó khẳng định đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế, bác sĩ của bệnh viện nhằm mục đích trục lợi.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, những cuộc điện thoại này rất tinh vi, nêu tên bác sĩ rất rõ ràng, khiến người bệnh rất tin tưởng.
Bác sĩ Việt cũng cho biết, Bộ Y tế quy định bác sĩ điều trị không được phép kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. "Thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy luôn tuân thủ các quy định đó".
Bác sĩ Việt khuyến cáo, trường hợp có ai đó gọi điện thoại tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, thân nhân, bệnh nhân nên cảnh giác vì nhiều khả năng đây là những cuộc gọi lừa đảo để trục lợi. Khi nhận những cuộc gọi như thế này, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn và chỉ định điều trị.
Theo quy định, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ cung ứng thuốc cho người bệnh khi có chỉ định cần thiết. Trường hợp thuốc hiếm, kho thuốc bệnh viện chưa kịp thời cung ứng, bác sĩ phải giải thích cụ thể để người bệnh kịp thời ra ngoài mua thuốc.
"Tất cả các chương trình hỗ trợ thuốc từ Bộ Y tế đều là bệnh viện trực tiếp thực hiện, không có mô hình công ty bên ngoài gửi thuốc về nhà cho người bệnh", bác sĩ Việt thông tin thêm.
THANH CHÂN
(Nguồn: https://laodong.vn/y-te/canh-bao-nan-mao-danh-bac-si-benh-vien-cho-ray-de-lua-nguoi-benh-917811.ldo)
2. NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Stt |
Quốc gia |
Được chữa khỏi |
Tử vong |
Tổng số |
1 |
Mexico |
2.538.007 |
252.927 |
3.217.415 |
2 |
Nhật Bản |
1.052.221 |
15.596 |
1.277.439 |
3 |
Bolivia |
426.861 |
18.296 |
486.394 |
4 |
Việt Nam |
147.667 |
8.277 |
348.006 |
|
… |
|
|
|
|
Thế giới |
190.137.642 |
4.443.797 |
212.548.953 |
Cập nhật lúc 6g20 ngày 23.8.2021
3. KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (Mt 23,13-22; thứ Hai, tuần XXI Thường niên- kính nhớ thánh Rosa de Lima, trinh nữ)
Bắt đầu từ tuần IX mùa Thường niên, các bài đọc thứ nhất sử dụng trong thánh lễ, đa số được trích từ Cựu Ước. Kể từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ bắt đầu nghe các sứ điệp Lời Chúa được rút ra từ các thư của thánh Phaolô tông đồ. Trước hết, đó là thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica, một văn phẩm của Tân Ước được viết sớm nhất. Bản văn được tuyên đọc hôm nay trở thành nền tảng chính yếu để Giáo hội dựa vào đó khi triển khai tư tưởng thần học về ba nhân đức đối thần, tức là Tin - Cậy - Mến.
Trích đoạn Tin Mừng mà thánh Mátthêu ghi lại hôm nay cho thấy, Đức Giêsu đã nặng lời quở trách các Kinh sư và những người Pharisêu giả hình. Chúng ta dễ dàng đọc thấy có 7 lời quen gọi là những lời nguyền rủa chống lại họ. “Khốn cho...” không có ý nguyền rủa, nhưng nói lên nỗi đau đớn sâu xa, như kiểu đe dọa của các ngôn sứ. Theo một số nhà chú giải hiểu về Giáo hội thập niên 80 thì lúc bấy giờ, nhiều người Do Thái muốn gia nhập đạo nhưng bị người Pharisêu ngăn cấm; bởi vì những luật lệ do người Pharisêu đặt ra làm cho người ta không thể trung thành với Luật Chúa để có thể vào Nước Trời.
Tinh thần truyền giáo của Do Thái trong thế giới Hy Lạp và Rôma thời bấy giờ rất tích cực, đặc biệt là của nhóm Pharisêu. Nhưng họ không đưa người ta đến với Thiên Chúa, mà đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ. Ngoài ra, họ còn nại đến các lời khấn hứa có kèm theo lời thề để lừa phỉnh người khac. Đức Giêsu lên án họ về điều này; bởi vì các thầy Do Thái bày ra nhiều cách tinh vi để giải thích ý nghĩa những lời thề theo ý muốn và như thế giải gỡ người ta cũng theo ý thích. Do đó chuyện thực hiện và giữ lời khấn hứa trở thành một thứ đạo đức giả.
![]() |
Đọc Tin Mừng chúng ta sẽ thấy, nếu Đức Giêsu tỏ ra bao dung, nhân từ với những kẻ tội lỗi bao nhiêu, thì Ngài lại tỏ ra gay gắt đối với những kẻ giả hình bấy nhiêu, giống như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Vậy giả hình là gì? Xin thưa, giả hình là lối sống thiếu trung thực; là chuộng hình thức bên ngoài mà không phản ánh trung thực nội dung ở bên trong; là thái độ và cử chỉ bên ngoài không diễn tả một cách trung thực những gì đang diễn ra ở nơi tâm hồn.
Còn trong đời sống đạo, giả hình là bên ngoài ra vẻ đạo đức, nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ che đậy đời sống xấu xa và đầy tham vọng ở bên trong. Bởi đó, Đức Giêsu không ngại ví những kẻ giả hình giống như những mồ mả được tô vôi, bên ngoài trông đẹp mắt nhưng bên trong chứa đầy xương kẻ chết và đủ mọi thứ ô uế. Xét cho cùng, giả hình là sự tách biệt giữa niềm tin và một đời sống cụ thể.
Vậy nếu đạo đức giả hình là sự tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống cụ thể, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ cho mình không rơi vào một thái độ như thế. Người ta có thể giả hình khi mà căn tính Kitô hữu chỉ còn là một danh xưng thuần túy mà không được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày; khi mà đời sống đạo đức chỉ đóng khung trong bốn bức tường của nhà thờ; khi mà lòng đạo đức được thúc đẩy bởi tính khoe khoang, tự phụ; khi mà đời sống đạo của chúng ta không phải là đường đưa người khác đến với Đức Giêsu mà trở thành một trở ngại khiến người khác không đến được với Chúa hay đến với Giáo hội.
Như vậy, giả hình là cơn cám dỗ triền miên trong đời sống đạo của chúng ta. Và vì thế, Lời Chúa hôm nay được gởi đến với mỗi người chúng ta như một lời cảnh báo để chúng ta đừng bằng lòng với những hình thức giữ đạo bên ngoài, nhưng biết thực thi các giá trị Tin Mừng trong đời sống hằng ngày của mình. Bằng không, chính chúng ta cũng phải hứng chịu những lời quở trách giống như những gì mà Đức Giêsu đã lên án các Kinh sư và người Pharisêu năm xưa vậy.
Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những lời lên án mạnh mẽ của Ngài đối với những người Biệt phái và các Kinh sư đã làm chúng con thức tỉnh. Xin giúp chúng con canh tân đời sống để nhờ đó mà thoát khỏi thái độ mù quáng, khép kín và tư lợi; đồng thời nâng đỡ để chúng con biết sống khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em đồng loại. Xin cất đi những tấm mặt nạ của lối sống giả hình để chúng con biết sống tử tế và đối đãi hòa nhã với anh em. Và, xin tha thứ hết mọi lỗi lầm chúng con trót phạm và vực dậy đời sống đức tin của chúng con trong tình mến nồng nàn dành cho Chúa cũng như dành cho nhau.
4. LỜI BÀN
- Trong trích đoạn này, Đức Giêsu đưa ra một loạt bảy lời quở trách nhắm vào các Pharisêu và Kinh sư. Mỗi lời quở trách đều bắt đầu bằng câu: “Khốn cho các ngươi”. Từ Hy Lạp “ouai” thường được dịch là khốn, thì thực ra nó bao hàm cả sự tức giận lẫn buồn rầu. Đây là một sự nổi giận của lòng yêu thương, cộng thêm nỗi đau đớn vì sự đui mù cứng cỏi của con người. Như vậy, ngang qua những lời chỉ trích của Đức Giêsu chúng ta nhận ra rằng, Ngài chẳng những tố giác một cách mạnh mẽ các việc làm sai trái của họ, nhưng còn cho thấy một tâm chất chứa những buồn đau.
- Chữ đạo đức giả được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nguyên ngữ Hy Lạp hupokrites có nghĩa là người trả lời; dần dần nó được dùng để nói về các câu hội thoại của các diễn viên trên sân khấu. Ngoài ra, nó còn là một chữ thông thường trong tiếng Hy Lạp để chỉ một diễn viên nào đó. Về sau, chữ này mang một ý nghĩa xấu hơn, tức là chỉ mặt tiêu cực của nghề diễn viên; hàm ý họ là một người đóng kịch, một kẻ giả vờ, một người ngôn hành bất nhất, một người mang mặt nạ để che giấu những cảm xúc thật của mình, một người trình diễn bên ngoài khác với ý nghĩ hay cảm xúc bên trong.
- Đối với Đức Giêsu, các Kinh sư và người Pharisêu là những kẻ nói một đàng làm một nẻo. Điều Ngài muốn nói ở đây là: cả quan niệm của họ về tôn giáo chỉ gồm tóm trong sự vâng giữ luật lệ bên ngoài như đeo những thẻ kinh thật lớn, tua áo thật dài, tuân giữ tỉ mỉ các luật lệ, nguyên tắc nhưng trong lòng thì đầy cay đắng, ganh tị, kêu ngạo và xấc xược. Đối với Đức Giêsu, các Kinh sư là những kẻ mang mặt nạ đạo đức, còn trong lòng thì che giấu những cảm xúc và tình cảm vô tín nhất. Lời tố giác đó cảnh cáo cho bất cứ ai sống đạo chỉ bằng việc vâng giữ những lễ nghi theo hình thức bên ngoài. Liệu rằng các Kitô hữu chúng ta hôm nay có khá hơn các ông Kinh sư ngày xưa không? Thành thực mà nói, có lẽ nhiều khi chúng ta còn tệ hơn họ nữa. Rất có thể chúng ta đậy lên khuôn mặt mình không chỉ là một mà là nhiều hơn những thứ mặt nạ mà chúng ta tự sưu tầm lấy. Nhiều người trong chúng ta cố gắng tỏ ra mình đạo đức hơn người khác, bằng cách tự ru ngủ bản thân dựa trên những thứ có thể biến mình thành một kẻ “đạo đức đáng kính… sợ”. Từ đó, họ lấy mình làm chuẩn để rồi chê bai người khác khô khan nguội lạnh, mắng người khác kém đạo đức.
- Những người Pharisêu ưa thích những ý tưởng của họ về tôn giáo hơn là ý tưởng của Chúa. Họ quên chân lý căn bản: nếu một người muốn làm thầy người khác thì trước tiên người đó phải lắng nghe Chúa. Hiểm họa nghiêm trọng nhất là bất cứ thầy dạy nào cũng có thể đưa ra những giải thích riêng của mình thay thế cho chân lý của Thiên Chúa; hoặc giả là dựa trên Lời Chúa để rồi đưa ra những phán quyết chủ quan, thiếu nền tảng. Khi làm như thế, họ đã dựng các tường rào, ngăn cản người ta vào nước thiên đàng chứ không phải là hướng dẫn, vì họ đã lầm lạc nên nó khiến người khác cũng vì thế mà lầm lạc theo. Như thế, chúng ta sẽ hiểu được vì sao Đức Giêsu nặng lời với họ: “Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào”.
- Một trong những nét kỳ lạ mà Do Thái giáo đã đem lại trong thế giới xa xưa là vừa thu hút lại vừa xua đuổi người ta. Không có dân tộc nào bị ghen ghét nhiều như người Do Thái. Họ kỳ thị, khinh rẻ các dân tộc khác nên ngược lại, họ cũng bị ghét bỏ. Người ta còn cho rằng, người theo đạo Do Thái phải thề nguyền không bao giờ được giúp đỡ người ngoại trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi người đó hỏi đường, họ cũng không được chỉ. Sự vâng giữ ngày Sabbath khiến họ mang tiếng là lười biếng. Việc không chịu ăn thịt heo cũng khiến họ bị chê bai đến độ người ta bảo họ thờ con heo như một vị thần. Phong trào bài Do Thái đã trở nên mạnh mẽ và phổ biến từ thời xa xưa là nhiều nguyên do như thế. Kitô giáo ngày nay cũng có nhiều điều khiến những người ngoại cảm thấy khó gây được thiện cảm. Công bằng mà nói, sự thiếu cởi mở và khá cứng nhắc của Giáo hội trong quá khứ vẫn còn gây ảnh hưởng cho tới ngày nay. Hôn nhân là một ví dụ điển hình. Dù muốn hay không, con cái của những gia đình thuộc tôn giáo bạn, một khi muốn gả cho một người tín hữu thì không ít người trong số họ vẫn băn khoăn về việc thờ cúng ông bà cha mẹ mai này. Hẳn nhiên Giáo hội đã có những điều chỉnh tích cực nhưng không phải ai cũng biết, không phải ai cũng hiểu. Làm thế nào để người khác hiểu, thuộc về trách nhiệm của tất cả các Kitô hữu chúng ta chứ không riêng của một ai.
- Tuy nhiên, Do Thái giáo cũng có sức thu hút của riêng mình. Ý niệm về vị thần độc nhất là một điều mới lạ đối với một thế giới tin rằng có vô số thần thánh. Sự thanh sạch và những tiêu chuẩn đạo đức của người Do Thái đã thực sự lôi cuốn được rất nhiều người. Nhưng sự lôi cuốn ấy có hai mức độ. Một số người được gọi là những kẻ kính sợ Đức Chúa thì chấp nhận quan điểm về một Thiên Chúa độc nhất. Chấp nhận luật đạo đức của người Do Thái, nhưng họ không tham dự các lễ nghi, lề luật và không chịu phép cắt bì. Những người như vậy rất đông và người ta có thể dễ dàng nhìn thấy họ lắng nghe và thờ phượng Chúa trong các hội đường.
- Mục đích của Pharisêu là khiến những người kính sợ Chúa trở thành người theo đạo Do Thái. Bất cứ ai chịu theo đạo thì đều phải là những người chấp nhận những lễ nghi luật lệ, chịu phép cắt bì và trở thành người Do Thái với ý nghĩa đầy đủ nhất. Nhưng thật trớ trêu, những người mới tin đạo này thường trở thành những tín đồ nhiệt thành và họ còn tuân hành luật lệ hơn cả những người Do Thái chính thống nữa. Đức Giêsu đã tố giác những người Pharisêu bởi vì họ là những kẻ truyền đạo gian ác. Tội lỗi của họ là không thật lòng tìm cách dẫn người ta đến với Chúa nhưng là tìm cách đưa người ta đến với Do Thái giáo của họ.
- Ngoài ra, đối với người Do Thái, họ rơi vào vòng luẩn quẩn và cảm thấy bối rối vì các lời thề, nếu đó là một lời thề có tính ràng buộc. Nói chính xác hơn, người ta buộc lòng phải giữ lời thề một khi họ nhân danh Chúa mà thề; bấy giờ, lời thề đó phải giữ trọn với bất cứ giá nào. Mọi lời thề khác có thể không giữ, hoặc có thể tránh né một cách hợp pháp. Nhưng khi lấy danh Chúa mà thề, thì việc không giữ lời thề chẳng những thất tín với con người, nhưng còn là sỉ nhục Thiên Chúa. Mặc dầu vậy, người Pharisêu luôn tìm cách tránh né những điều mà tinh thần luật khiến họ phải làm hay phải giữ. Đối với Đức Giêsu, họ làm như thế chẳng qua là tìm nhẹ và lánh nặng mà thôi. Thiên Chúa nghe thấu mọi lời nói của chúng ta và Ngài nhìn thấy mọi ý tưởng bí mật của lòng chúng ta. Vì thế, người tín hữu cần phải biết tránh xa những toan tính như người Pharisêu khi xưa. Nó có thể thích hợp với cách nghĩ và làm của thế gian nhưng sẽ không bao giờ phù hợp với sự thành thật cần phải có nơi tâm hồn các Kitô hữu. Nói khác đi, là Kitô hữu, chúng ta đừng tự biến mình thành kẻ mù quáng hay giả hình trước mặt Chúa; bởi vì nếu làm như thế thì sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ bị Thiên Chúa trách phạt như chính Ngài đã làm điều đó với người Do Thái năm xưa.
- Một trong số những lời tố cáo nặng nề nhất mà Đức Giêsu nhắm vào các kinh sư đó là việc họ “nuốt hết” tài sản của các bà góa. Không chỉ các các Kinh sư mà cả những người Pharisêu cũng thường tự hào về chuyện họ thực sự am tường luật lệ của tổ tiên cũng như được Thiên Chúa mến chuộng cách đặc biệt. Sở dĩ họ bị Chúa kết án nặng nề là vì có lý do của nó. Nên biết rằng, các Kinh sư giảng dạy thì không được nhận thù lao. Họ dạy dỗ miễn phí và phải làm một công việc gì đó để mưu sinh như những người khác. Tiếc thay, họ dàn cảnh và thuyết phục người khác tin rằng: không có bất kỳ một việc làm nào được kể là cao quý, được ưu đãi hơn bổn phận chu cấp nhu cầu cho một Rabbi. Những ai làm như vậy thì chắc chắn sẽ chiếm được một chỗ sang trọng trên thiên đàng. Các kinh sư thường rất khéo léo trong việc dẫn dụ này khiến cho nhiều người tin theo họ, nhất là những người phụ nữ. Các bà góa thường dễ bị bắt nạt và lợi dụng để cung cấp mọi thứ cho các kinh sư của mình. Ngay giữa mùa đại dịch, nhiều người cũng tranh thủ kiếm sống bằng cách đi lừa người khác. Đánh vào tâm lý các gia đình có người thân đang đau bệnh và cần được chữa trị kịp thời, nhiều kẻ lừa đảo đã tạo cho mình những vỏ bọc hoàn hảo nhằm dễ bề đưa các con mồi vào bẫy của mình. Cách nào đó, họ cũng khéo léo giống như các Kinh sư và những người Pharisêu được nhắc tới trong Tin Mừng hôm nay.
- Bệnh tật là điều chẳng ai muốn; thế nhưng, lợi dụng điều đó để trục lợi thì quả thực là táng tận lương tâm. Các nạn nhân thì tiền mất tật mang nếu mua phải thuốc men kém chất lượng; còn những kẻ chủ mưu lừa lọc thì khấp khởi trong lòng và đầy tự hào với tài khua môi múa mép của mình. Thế nhưng, hết thảy chúng ta cần nhớ rằng, nếu cuộc đời này có chuyện vay trả - trả vay và mọi người đều bình đẳng trước cái chết; thì đến một ngày nào đó, Thiên Chúa là Đấng rất mực công bình sẽ khiến cho kẻ gian ác phải câm nín mà nghe án phạt về những việc xấu xa họ đã làm. Cuộc sống vốn dĩ đã có quá nhiều đớn đau, phiền muộn; chớ gì mỗi người chúng ta đừng nói gì hay làm gì để rồi gieo thêm sầu khổ cho nhau.
Viết Cường, O.P.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.