Tuổi đều đã cao nhưng hai nữ tu Annê Nguyễn Thị Phục (sinh năm 1945) và Isave Văn Thị Khuyên (sinh năm 1955) - dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn - hằng ngày vẫn miệt mài với công việc chăm sóc, giúp đỡ cho những người già neo đơn mà nhà dòng quy tụ về.
Một chiều, tôi ghé thăm khu nhà nằm phía sau nhà nguyện của dòng MTG Cái Mơn, nơi có hơn 20 cụ già neo đơn nương náu, khi mọi người đang cùng tham gia giờ kinh chung. Dì Annê đứng một góc, lặng lẽ bắt kinh và dõi theo các cụ đang ngồi trật tự ở hàng ghế bên dưới. Những lời nguyện kinh bắt đầu râm ran lan tỏa khắp căn phòng nhỏ, quyện vào bầu không khí yên tĩnh của buổi chiều, tạo nên một cảm giác ấm áp và bình an khó tả.
Trái tim yêu thương của hai nữ tu MTG Cái Mơn là chốn bình yên của các cụ già trong quãng đời còn lại |
Ðã 16 năm gắn bó với nhà dưỡng lão này, nữ tu Annê tâm sự, mỗi ngày trôi qua với dì đều là một món quà mà Thiên Chúa trao gởi để có thể cúi xuống mà nâng đỡ cho các cụ già có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1970, khi chỉ mới khấn tạm, dì phát hiện mình có bệnh trong người. Thời điểm đó, bề trên đã hỏi ý dì có muốn tiếp tục tu không, vì lo rằng do sức khỏe kém, dì sẽ không theo nổi đời khó nghèo, hy sinh của một tu sĩ. Thế nhưng, bằng lòng yêu Chúa và muốn dâng hiến đời mình cho việc phục vụ, dì quyết đeo đuổi đến cùng ơn gọi. Sau khi khấn trọn vào năm 1980, dì ở lại nhà mẹ của dòng, tham gia vào những việc lao động chung qua từng thời kỳ như dệt chiếu, nuôi dê... Kể từ năm 2001, dì chính thức đồng hành với các cụ neo đơn ở nhà dưỡng lão. Trong khoảng thời gian này, cũng có nhiều nữ tu, tập sinh tới cùng giúp dì theo từng đợt ngắn hạn. Từ tháng 6.2017, thêm dì Isave nhận nhiệm vụ cùng sát cánh với dì Annê trong công việc tại nhà dưỡng lão cho đến nay.
Một góc nhỏ lưu giữ những hình ảnh kỷ niệm của nhà dưỡng lão |
Hằng ngày, hai nữ tu chia nhau đảm đương việc săn sóc cho các cụ cao tuổi, từ lo ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, tắm giặt cho đến kinh kệ... Xoay bao nhiêu việc với tất cả các cụ là đã trọn một ngày. Chưa kể những lúc đêm hôm, có cụ nào bệnh, hai dì lại túc trực bên cạnh hoặc nhờ người chuyển đến bệnh viện. Với vóc người nhỏ bé, thoạt nhìn không ai tin hai nữ tu này có thể dìu đỡ nổi các cụ già trong những sinh hoạt, đặc biệt khi họ ốm đau. Thế nhưng, bằng sự khéo léo và nhẫn nại, hai dì đã vượt thắng hết mọi cảnh khó. “Không có sức đỡ các bà thì mình tìm cái thế nào cho vững. Rồi động viên các cụ để họ cố nương theo mình. Mà Chúa lo, cụ nào vóc người to thì sinh hoạt lại rất trật tự nên cũng đỡ”, hai dì đơn giản giải thích.
Cùng tham gia giờ kinh chung, các cụ cao tuổi có được những giây phút bình an tâm hồn |
Khi vào nhà dưỡng lão của dòng, hành trang mà mỗi cụ mang theo không gì ngoài những nỗi muộn phiền chất chứa. Có cụ mồ côi từ nhỏ phải đi lang bạt; có cụ chồng mất, con cái hắt hủi... Nhiều hoàn cảnh, nhiều tính cách, lại đến từ nhiều vùng miền nên không tránh khỏi những va chạm, tủi hờn, hục hặc khi vào sống tập thể. Thế nhưng, chính tình thương, sự thấu hiểu và cảm thông nơi hai nữ tu đã giúp chan hòa tất cả, vực dậy tinh thần và làm họ dần xích lại gần nhau hơn. Ở bên cạnh giúp đỡ trong mọi sinh hoạt, hai dì còn hay pha trò để các cụ vui cười. Tính người già thất thường như trẻ con, vui đó, buồn đó và mau quên. Dì Isave bật cười kể, có cụ nửa đêm lèm bèm than đói, không chịu ngủ vì nói mình... chưa ăn chiều. Hai dì phải thức dậy dỗ dành cho đến lúc cụ nguôi đi mới thôi. Cụ Nguyễn Thị Ngọc, quê gốc ở Hải Phòng, năm nay đã 80 tuổi nghẹn giọng: “Ở đây không khí thoải mái, mà quan trọng nhất vẫn là được chăm sóc. Mấy dì tận tình lắm, lo từng miếng ăn, giấc ngủ...”.
Dù sức khỏe không dồi dào, nhưng tuổi xế chiều lại cho hai dì có được sự thấu hiểu và đồng cảm để có thể thuận lợi đi bên cạnh các cụ neo đơn. Dì Annê chia sẻ: “Người lớn tuổi mà không giúp họ vui lên họ dễ ngã lắm. Bản thân tôi thường ngày cũng cố gắng lên dây cót tinh thần cho chính mình, để truyền lại nguồn năng lượng vui tươi cho các cụ đỡ âu sầu”.
Với những cụ neo đơn ở viện dưỡng lão, trái tim ấm áp của hai vị nữ tu này chính là nơi chốn bình an để họ yên tâm tựa nương trong quãng đời còn lại.
TRẦN CHÂN
Bình luận