Thứ Năm, 04 Tháng Tư, 2019 16:08

Hành trình đến với Ðức tin Công giáo

 

…Khi tôi tròn năm tuổi, má thường dắt đi chùa Tam Bảo, Rạch Giá, mỗi đêm trăng rằm, để nghe Kinh, lạy Phật, sám hối, khiến xương cốt non nớt của tôi rã rời đau đớn vô cùng mà không dám kêu than. Về sau (1939), má tôi theo đạo mới Phật giáo Hòa Hảo của vị Giáo chủ hai mươi tuổi, cực kỳ thông tuệ là Ðức Huỳnh Phú Sổ, và giao cho tôi nhiệm vụ hằng ngày, sau khi xong bài vở, đọc sấm giảng bằng thơ lục bát cho bà nghe. Không ngờ sấm giảng khai mở tâm đạo tôi đón nhận những khái niệm mới như Trời Phật, bố thí, làm phước, làm lành lánh dữ, ưa điều thiện, ghét điều ác, cầu nguyện xin ban phước... Nhưng đồng thời tôi cũng trực giác cảm nhận mù mờ rằng có Ðấng Tối cao vô hình nào đó đang đóng trên trán tôi, dấu ấn “ưu quyền” trên tôi, từ đó tôi hướng cầu nguyện vào Ðấng ấy mà - bắt chước ba tôi gọi Ðức Cao Ðài của ông - tôi gọi là “Ơn Trên của riêng tôi”, để tôi cầu xin mỗi khi cần, như học bài mau thuộc, quên học bài mai cô đừng kêu, phạt thằng Thòn ưa ăn hiếp tôi, ba tôi đừng có vợ bé làm khổ má tôi, anh Tư tôi thi đậu...

... Lúc 15 tuổi, đang học lớp 8 trung học cơ sở Phan Thanh Giản bên Cần Thơ thì có một Chúa nhựt kia, tôi không còn một xu dính túi mua xôi ăn sáng, do thư gởi tiền của ba tôi đến chậm, tôi đói quá, sực nhớ có nghe ai nói ở nhà thờ người ta có phát bánh thánh ngày Chúa nhật, bèn phóng tới đó, kịp giờ hòa mình vào dòng tín hữu trầm lặng chờ rước Mình Thánh Chúa. Tới phiên, tôi vô cùng thất vọng vì đó chỉ là miếng bánh tráng bột mì mỏng tanh tròn cỡ hai ngón tay, bỏ vào miệng là tan ngay. Ra về với bao nỗi sượng sùng vì tật ham ăn.

… Năm sau tôi đậu bằng thành chung, qua Mỹ Tho thi đậu vào lớp đệ nhị (lớp 10) ban Tú tài, chương trình Pháp. Tôi gặp lại thầy Nguyễn Văn Kiết, dạy Pháp văn của tôi ở Cần Thơ, năm trước đổi qua Mỹ Tho dạy văn chương Pháp lớp đệ nhất (lớp 11). Hồi ở Cần Thơ thầy hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn gia đình tôi sau 1945, nên mạnh dạn bảo lãnh xin cho tôi lên thẳng lớp đệ Nhất cho đỡ một năm tiền ăn học. Hội đồng giáo sư tin tưởng chấp thuận đề nghị của thầy.

Mỗi chiều sau giờ học, tôi hay ra vườn hoa cầu tàu dinh Tỉnh trưởng tắm lội, rồi lên ngồi băng đá học bài. Mãi sau đó, tôi mới chú ý thấy một bà người Pháp cũng thường đến ngồi băng đá kế tôi để đan len. Một hôm, tôi cảm thấy bà muốn bắt chuyện, có lẽ thấy tôi học sách Pháp lớp đệ Nhất Tú tài. Không hẹp hòi, tôi ngẩng đầu chào bà bằng một nụ cười đón nhận. Bà liền cám ơn và tự giới thiệu là bác sĩ quân y bệnh viện thị trấn quân vụ Pháp và than phiền cuộc sống tẻ nhạt của bà xoay quanh tam giác: bệnh viện, nhà thờ, công viên. Vui mừng được tiếp xúc với một tín hữu Công giáo trí thức, nhứt là nhớ lại kỷ niệm lần ăn bánh thánh bất hợp lệ trước đây, tôi liền ngỏ ý muốn tìm hiểu rõ hơn đạo Công giáo. Bà khuyên tôi đến nhà thờ Mỹ Tho gặp cha phó xứ Jean Moriceau, Hội Thừa sai Paris. Lần gặp đầu tiên, sau khi thăm hỏi, cha tặng tôi quyển Tân Ước bọc toàn da đỏ, với lời khuyên đem về nhà đọc qua vài trang rồi hãy trở lại.

Hiến sinh Lâm Võ Hoàng (thứ 2 từ trái qua) mừng lễ Phục Sinh tại Thiên Phước năm 2005

… Bốn sách Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng của Gioan đã thu hút và biến chuyển nhận thức của tôi. Tôi trở lại gặp cha và xin phép được thường xuyên đến nhà thờ để tìm hiểu nghi lễ đạo và đời sống đạo. Không những cha bằng lòng mà còn hứa sẽ tìm cho tôi một chỗ ở trong trường trung học các Sư huynh Công giáo đối diện với nhà thờ. Tuy nhiên, chưa tới lúc tôi được phép rước Mình Thánh Chúa sau khi tham dự thánh lễ như các tín hữu đã chịu Phép Thánh Tẩy. Cha cũng trao thêm cho tôi một sách giáo lý bằng tiếng Pháp dễ đọc cho tôi hơn là các “sách bổn” bằng ngôn ngữ Việt bình dân cổ xưa.

… Tốt nghiệp Ðại học Luật khoa Sài Gòn, bằng Pháp khóa cuối cùng, năm 1955, tôi thi đậu Cán sự Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, do Chính phủ thành lập trên cơ sở sản nghiệp thương mại được mua lại của Ngân hàng Ðông Dương của Pháp. Nơi đây, như có năng khiếu bẩm sinh, tôi vẫy vùng như cá trong nước. Thật ra, khả năng làm việc và sáng tạo của tôi đều do công rèn luyện của ông Tổng Giám đốc Hoàng Khắc Thành, tốt nghiệp Cao học Thương mại Paris (HEC), nguyên cán bộ cao cấp Ngân hàng Ðông Dương Paris, một chuyên gia ngân hàng tài ba, đạo đức, liêm chính, khắc khổ của một người tân tòng Công giáo sùng tín. Không ngày nào ông không la mắng tôi, nhiều khi chỉ vì những sơ suất nhỏ nhặt. Nhiều anh em oán giận kêu ca ông. Riêng tôi coi đấy như một cái lợi, vì sau quở trách là một lời êm dịu và một bài học để tránh lỗi lầm. Một lần nọ, sau một hiểu lầm oan ức, ông không ngại ngùng đến tận bàn tôi, trước mặt nhân viên, chân thành xin lỗi tôi. Từ đó, quan hệ chúng tôi ổn định trong niềm tôn trọng tin cậy lẫn nhau. Biết tôi muốn đi đến đức tin Công giáo, ông thường mời tôi đến nhà dùng cơm tối, mỗi khi ông có khách là những đan sĩ Dòng Biển Ðức Thiên An Huế. Do còn quá non nớt, tôi ít khi tham gia câu chuyện, chỉ lắng nghe những trao đổi thâm thúy, từ đó tâm hồn tôi như mở một cánh cửa mới, đón nhận ánh sáng mới, từ một diện mạo mới của đời sống tâm linh Công giáo, đời sống chiêm niệm trong cô tịch và thinh lặng, để cầu nguyện và lao động tự túc.

Kế đó, ông giới thiệu tôi tham gia hoạt động trong nhóm trí thức Công giáo Pax Romana (Hòa bình La Mã) được tái lập lại từ tổ chức cũ ở Paris, gồm những thành viên hồi hương. Chúng tôi có một linh mục Tuyên úy là cha Vinhsơn Nguyễn Huy Lịch, Dòng Ðaminh chi Lyon. Nhờ cha, chúng tôi được thoải mái sử dụng cơ ngơi Tu viện Mai Khôi làm “trụ sở”: hội họp, tĩnh tâm, thánh lễ chung hằng tuần lúc 5 giờ sáng, sau lễ chia sẻ điểm tâm đơn sơ trước khi đi làm. Chủ tế trong các buổi thánh lễ này thường là những linh mục lỗi lạc ghé qua Sài Gòn, hoặc Ðức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình… Cũng tại Tu viện Mai Khôi có tổ chức lớp đêm Tín lý và Kinh Thánh thâm sâu cho chúng tôi. Ngoài ra, các cha trong Tu viện đều sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc phần hồn: tham vấn, tư vấn, linh hướng, giải tội... Tuy tôi chưa “rửa tội”, còn trong giai đoạn tìm hiểu, nhưng trong sinh hoạt nhóm không hề có chút phân biệt nào. Các cha thấy tôi còn non nớt và ham hiểu biết nên đặc biệt chăm sóc. Ðược thế, tôi càng “quậy” các cha với nhiều câu hỏi ngớ ngẩn, đâm hơi. Nhờ vậy từ khi chính thức là tín hữu đến giờ, tôi chỉ có những điều chưa hiểu, chớ không có lộn xộn nghi ngờ bao giờ.

Mỗi tháng, chúng tôi họp mặt ở nhà một anh chị em có điều kiện tiếp đón để thảo luận về một đề tài do một anh chị em tình nguyện chuẩn bị trình bày. Vì có nhiều tham dự viên là người Pháp, nên chúng tôi trao đổi bằng tiếng Pháp. Tôi cũng có lần tình nguyện trình bày đề tài “Tiếng gọi nên thánh” cho nên có cơ hội “điếc không sợ súng”. Với tất cả táo bạo của một “chuẩn tân tòng”, tôi không sợ đối đầu với cha bác học Claude Larre Dòng Tên, về “ân sủng” mà tôi cho là “hỗ trợ cho tự do”, chớ không phải là “điều kiện cơ bản để tự do vươn lên tới Thiên Chúa”. Ðến nay, thấy rõ người ta có thể nhảy cà tưng bao nhiêu cái cũng được, nhưng không ai có thể nắm tóc mình mà tự nâng lên, tôi còn buồn cười cái tuổi “hăm”, hăm hở đáng yêu !

… Một hôm tan giờ làm việc buổi sáng, tôi đang lái xe cố qua ngã tư Thống Nhất - Pellerin (Lê Duẩn - Pasteur hiện nay) chen chúc xe bóp còi inh ỏi, bỗng mắt tôi mờ đi không thấy gì, trong đầu tôi bừng lên một vừng chói lòa đau buốt khôn tả làm tôi cảm nhận rõ rệt, tôi không thể sống nếu chưa nhận Phép Rửa. Tay chân run rẩy, mắt thấy trở lại, tôi chạy nhanh đến tu viện Mai Khôi bấm chuông xin gặp cha Bề trên Pineau. Cha bước ra, vẻ ngạc nhiên, có lẽ không do tôi đến vào giờ cơm, mà do sắc mặt hớt hải của tôi. Cha dịu dàng hỏi: “Có gì đó ?”. Tôi thuật khủng hoảng bất chợt vừa qua và xin được rửa tội vào ngày mai. Cha nở nụ cười vui tươi và phán: “Hay quá! Ðồng ý sẽ cho rửa tội vào năm sau. Chiều nay hãy trở lại đây để bàn thêm”.

Suốt năm sau đó, mỗi chiều tối, sau giờ dạy triết cho các sinh viên, cha chuẩn bị tích cực và cụ thể cho tôi nhận Bí tích Thánh Tẩy, bằng cách trả lời chính xác mọi câu hỏi, thắc mắc của tôi và ấn định ngày trọng đại đó vào trưa Chúa nhựt thứ tư mùa Chay, được gọi là Chúa nhựt “laetare” (mừng vui lên) năm 1961, không phải trong nhà thờ, mà dưới mái che của dãy nhà gần cửa hông của tu viện. Không phải cha Pineau, mà là cha Moriceau đi mô tô từ Di Linh xuống ban phép cho tôi, dưới sự chứng kiến của Ðức Tổng Bình, cha Trọng - Giám đốc Công giáo tiến hành, cha Lập - Viện trưởng Ðại học Ðà Lạt, hai cha Tuyên úy và các anh chị em trong Pax Romana, trong đó có ông bõ của tôi là anh Hoàng Khắc Thành lúc đó là Bộ trưởng Kinh tế. Thầy đích thực của tôi là cha Pineau hình như không được vui, khi tôi cố xin cho cha Moriceau “rửa” cho tôi, cho nên có nhận xét tương ứng: “Ðúng là một kẻ gieo và một kẻ gặt” (làm cho tôi không khỏi cười thầm: “Cha ơi, cha đã thông cảm cho con được vuông tròn sau trước với mọi ân nhân. Cha để ý làm chi đến ba cái lẻ tẻ đó !”). Không chờ đợi, sáng thứ hai hôm sau, thiên hướng sâu xa và đích thực của tôi đã thúc đẩy tôi lấy vé máy bay ra Huế để tĩnh tâm một tháng trong Ðan viện Biển Ðức Thiên An, nơi mà tức khắc cộng đoàn đã chấp nhận tôi.

… Chuẩn bị đại lễ Phục Sinh năm 1965, một hôm tôi ngỏ lời với cha Dom Romain, vị sáng lập và Bề trên tiên khởi của Ðan viện Biển Ðức Thiên An xin được gia nhập Dòng Biển Ðức. Cha nhìn thẳng vào mắt tôi: “Chuyện đó chưa được, vì anh còn nhiều việc hữu ích phục vụ cho đất nước tại ngân hàng”. Hai hôm sau, trong buổi đi dạo trao đổi hằng ngày dưới bóng mát rừng thông trên đồi, cha đề nghị tôi kết hợp với Dòng trong tư cách hiến sinh của Ðan viện, và tôi nhanh chóng tuyên hứa trước cha Bề trên Dom Anselme, với sự tham dự của cha Dom Romain và cha Dom Urbain - tập sư, người Do Thái “trở lại” - qua năm sau, sẽ là vị đồng hành thiêng liêng của tôi trong kỳ tĩnh tâm tới. Ðức tin của cha thật phi thường, mãnh liệt và nghiêm nhặt nhưng đầy thông cảm với kẻ khác, và lòng sùng tín đặc biệt sâu sắc của cha đối với Ðức Trinh Nữ Maria đã để dấu ấn không mờ phai trên tôi.

… Suốt nhiều năm hoạt động nghề nghiệp sôi nổi và thành công, đã chứng minh lời cha Romain không cho tôi đi tu là sáng suốt, vì quan hệ của tôi với Ðan viện Thiên An, thậm chí với Giáo hội, trở nên thưa thớt, lỏng lẻo, như con thuyền đứt giây neo. Trạng thái tâm linh của tôi còn tệ hơn lúc tôi chưa trở lại. Rất may là Chúa không bỏ tôi. Nhờ thói quen chiêm ngắm và cầu nguyện riêng tư, học tập trong những lần ra sinh hoạt tĩnh tâm dài hạn tại đan viện trước đây, tôi tự tạo một hình thức “quan hệ kết hợp” đặc thù với Chúa  bằng một đối thoại thằm lặng liên lỉ, theo cách riêng của tôi, kể lể, thú nhận, xin xỏ, nài van Chúa đủ mọi điều, trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Ðôi khi giữa lúc làm việc, hội họp, tôi cũng tranh thủ đọc vài Kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh, Tin kính, hoặc “làm” một chuỗi Mân Côi với những ngón tay. Cách sống đạo chẳng giống ai này, suy cho cùng, có giá trị như sợi chỉ lỏng lẻo giữ hột nút khỏi sút mất.

 

(trích trong tự thuật về hành trình đến với Ðức tin Công giáo của tác giả, xin xem toàn văn trên Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số tháng 4.2019 sắp phát hành)

 

LÂM VÕ HOÀNG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm