Ngày Thế giới Truyền giáo 2020, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Anh và xứ Wales đã tôn vinh những người can đảm và vị tha đang làm việc ở Malawi, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Giám đốc Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Anh và xứ Wales, linh mục Anthony Chantry, đã đến thăm một số dự án ở Malawi vào cuối năm ngoái, nhấn mạnh: “Ngày Thế giới Truyền giáo là một cơ hội tuyệt vời để đại gia đình Giáo hội được đoàn kết trong đức tin, bằng cách tham gia, mở rộng vòng tay của tình bạn và sự khích lệ đối các nhà truyền giáo trên thế giới. Trong năm đầy bất ổn và sợ hãi do đại dịch Covid-19, từ khủng hoảng khí hậu đến các cuộc xung đột trên thế giới, điều quan trọng hơn bao giờ hết là trở thành ánh sáng trong bóng tối”. Nữ tu Nilcéia, nhà truyền giáo người Brazil làm việc trong phòng khám sức khỏe ở một vùng xa xôi của Malawi đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa bằng cách cống hiến cuộc đời mình cho việc chăm sóc thiết thực và nuôi dưỡng tinh thần cho những người dễ bị tổn thương nhất. Nữ tu nói: “Phòng khám nhỏ của chúng tôi là một ốc đảo đầy hy vọng. Bất chấp những thử thách, chúng tôi vẫn kiên trì trong công việc này vì chúng tôi yêu Chúa và yêu dân tộc của Ngài”.
![]() |
Tượng “Giêsu vô gia cư” tại Ohio, Mỹ
Bức tượng Giêsu vô gia cư (Jesus the Homeless) đã được đặt ở sân nhà thờ Barnabas, Ohio, Mỹ. Được đặt ngày 19.10.2020, sau 20 phút, bức tượng đã gây sự chú ý cho cảnh sát sát địa phương qua báo cáo “một người vô gia cư đang ngủ trên băng ghế”. Viên cảnh sát địa phương đã lo ngại nếu đây là một người thật thì phải đảm bảo rằng người đó không gặp bất kỳ tình trạng xấu nào về sức khỏe. Bức tượng này sẽ lưu giữ ở nhà thờ Barnabas cho đến ngày 1.12.2020, sau đó nó sẽ được chuyển đến nơi khác. Nguyên bản bức tượng Giêsu vô gia cư do ông Timothy Schmalz, nhà điêu khắc người Canada làm ra. Các bản sao của tác phẩm điêu khắc đã được lắp đặt tại nhiều nhà thờ như một cách nâng cao nhận thức về tình trạng vô gia cư của con người. Ông Schmalz đã tìm ra góc nhìn Chúa Giêsu như một người vô gia cư, lấy cảm hứng từ Tin Mừng theo thánh Matthêu. Bức tượng Giêsu vô gia cư của Timothy Schmalz là tiếng chuông cảnh tỉnh về việc thực hành đức ái sao cho đúng nghĩa, đúng ý Chúa.
![]() |
Mọi công dân có thể sống hạnh phúc
Đức cha Mathias Lee Yong-hoon, Giám mục giáo phận Suwon, tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, đã nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 16.10.2020, rằng Giáo hội cố gắng thực hiện thiện ích chung trong xã hội, nỗ lực làm việc và hợp tác với những người khác để tất cả mọi công dân có thể sống một cuộc sống công bằng, hạnh phúc và hòa bình. Theo đó, Giáo hội Hàn Quốc kiên quyết phản đối phá thai trước “xu hướng sống buông thả bỏ mặc sự sống đang lan tràn ở Hàn Quốc”. Ngài cũng đề cập thông điệp Fratelli Tutti - Tất cả anh em, tình liên đới trong bối cảnh người dân Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động và các chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ. Vị tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc cũng nhắc đến các vấn đề về biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm trong bối cảnh đại dịch và các bệnh truyền nhiễm: “Chúng ta phải cố gắng bảo tồn tốt Trái đất duy nhất của chúng ta..., tiếp tục gìn giữ môi trường sinh thái và bảo vệ Ngôi nhà Chung”. Đức cha Mathias Lee Yong-hoon được đề cử giữ vai trò Chủ tịch từ hội nghị của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc diễn ra từ ngày 12 đến 15.10.2020.
![]() |
Hiệu quả của quỹ Hội Giáo hoàng Truyền giáo
Tại các quốc gia Ấn Độ, Panama và Honduras, ngân quỹ của Hội Giáo hoàng Truyền giáo (PMS) đã góp phần vào các nỗ lực của những quốc gia này vượt qua khốn khó trong thời dịch Covid-19. Tại Ấn Độ, Panama và Honduras, các giáo xứ và các cộng đồng tôn giáo đã vận động quyên góp phân phối bữa ăn hằng ngày và các mặt hàng thiết yếu cho hàng ngàn người già, người nghèo, người bệnh, các bộ lạc, người nhập cư, trẻ em lang thang, người vô gia cư và người dễ mắc bệnh. Khoản viện trợ mới nhất từ quỹ khẩn cấp PMS đã được gởi đến các giáo phận, để đóng góp vào việc mua và phân phối dụng cụ cho trẻ em, cho các hoạt động đào tạo, các cuộc họp và hội thảo; hỗ trợ những gia đình khó khăn và dễ bị tổn thương nhất; hỗ trợ các hoạt động giáo dục; đào tạo nghề cho thanh niên từ các bộ lạc.
Giới trẻ Pakistan chầu Thánh Thể
Hướng đến Ngày Thế giới Truyền giáo, 18.10.2020, phong trào Giới trẻ Đức Giêsu ở Pakistan đã kết thúc một tuần lễ chầu Thánh Thể 24 giờ mỗi ngày, từ ngày 10.10 đến 17.10.2020. Với sáng kiến “24 giờ hồng ân”, khoảng 100 người, đại diện giới trẻ Pakistan cầu nguyện cho những người truyền giáo trên khắp thế giới luôn được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.
Quyền có nước của dân El Salvador
Quốc hội El Salvador đã thông qua, với 78 phiếu thuận, việc cải cách Hiến pháp nhằm công nhận quyền có nước của người dân. Việc cải cách này có thể có hiệu lực từ năm 2021, sau cuộc bầu cử Quốc hội. Đức cha José Luis Escobar Alas, Tổng Giám mục San Salvador, trong một đoạn phim được đăng trên phương tiện truyền thông đã cảm ơn các nhà chức trách và bày tỏ sự hài lòng của cộng đồng quốc gia và Giáo hội về việc cải cách hiến pháp liên quan đến quyền có nước. Ở El Salvador, Giáo hội luôn kêu gọi kêu gọi một luật công bằng cho việc phân phối và quản lý nguồn nước. “Quyền có nước” được hiểu là quyền được tiếp cận nước sạch của mọi người. Theo cách hiểu truyền thống, “quyền có nước” đương nhiên nằm trong các giá trị nhân quyền phổ quát trên toàn cầu.
Cùng nhau phát triển, nuôi dưỡng, bền vững
Ngày Lương thực Thế giới, 16.10.2020, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới đã tổ chức buổi cầu nguyện liên tôn trực tuyến để “cầu nguyện cho sự khôn ngoan trong việc chăm sóc Trái đất”. Giáo sư Ioan Sauca, Tổng Thư ký lâm thời, đã bày tỏ: “Môi trường là không thể thiếu đối với sự tồn tại của chúng ta. Để tồn tại, thực phẩm nuôi sống chúng ta phải được sản xuất bền vững. Không thể bóc lột thiên nhiên và phá hủy tạo vật để nuôi sống chính mình”. Trong buổi lễ này đã vang lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, trong khi tìm lương thực, chúng con đang phung phí sức khỏe và sự phong phú của thiên nhiên, con người và chính sự sống trên Trái đất. Chúng con đang đầu độc đất và nước”.
Thiết lập một nữ đan viện Trappiste tại Bồ Ðào Nha
Một nữ đan viện Trappiste dồi dào ơn gọi, đang xúc tiến việc gởi các đan sĩ sang Bồ Ðào Nha thành lập một đan viện mới. Đan viện này, cũng gọi là dòng Xitô Nhặt Phép, tọa lạc tại làng Vitorchiano, thuộc tỉnh Viterbo, cách Rome 80 cây số về hướng bắc, có khoảng 80 nữ đan sĩ. Cách đây ba năm, cộng đoàn đã quyết định thành lập đan viện “Santa Maria”, thuộc giáo phận Braganza, Bồ Ðào Nha. Mọi thủ tục hành chính và giáo luật đã được thi hành, kể cả giấy phép của chính phủ Bồ Ðào Nha. Ðây là nữ đan viện Trappiste đầu tiên tại Bồ Ðào Nha.
Thăng tiến giáo dục là phương cách rao giảng Tin Mừng
Đức cha Simon Peter Poh Hoon Seng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Kuching, Malaysia nhận xét rằng các trường học và các trung tâm học tập do Giáo hội điều hành “là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của đất nước, cung cấp nền tảng giáo dục cơ bản cho trẻ em ở các vùng nông thôn. Giáo hội đã tăng cường mục vụ của mình trong lĩnh vực giáo dục như một phương tiện quan trọng để truyền bá Tin Mừng tại Malaysia”. Đức Tổng Giám mục cũng cho biết Chính phủ Malaysia đang có kế hoạch cung cấp ngân quỹ để các trường học do Giáo hội Công giáo điều hành có thể cải thiện cấu trúc và tiêu chuẩn.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.