Thứ Năm, 28 Tháng Tư, 2022 15:12

Hiệp hành cốt lõi và tập trung

Vào lúc hoàng hôn, có một nhà vua phủ phục sát đất cầu nguyện. Lúc đó có một người phụ nữ hoảng hốt chạy kiếm tìm chồng, vô tình đạp lên nhà vua. Nhà vua nổi giận, triệu người phạm thượng đạp lên mình, để lúc tìm được phu quân trở về để trị tội. Nhưng người phụ nữ điềm nhiên nói: “Tôi vì dồn sức lực tập trung đi tìm chồng, nên không chú ý nhà vua đang cầu nguyện”. Tôi nghĩ nhà vua cầu nguyện lại không tập trung vào Thiên Chúa mà nổi đóa, chú ý tới người xúc phạm tới mình”. Nhà vua nghe xong, hổ thẹn, nghĩ: “Người phụ nữ này đã dạy ta bài học “Cầu nguyện - tập trung”.

Ngày nay, thời gian và hoàn cảnh sẽ mang đến cho thế giới những cái mới, màu sắc mới. Và Giáo hội, trong cuộc đối thoại với thế giới, bằng đôi chân vững vàng về nguồn gốc và trung thành với truyền thống, sẽ luôn điều chỉnh cuộc sống và cơ cấu thế trần với những điều kiện thay đổi của thời đại. Ðiều thực sự quan trọng là canh tân não trạng và trái tim của con người. Chúng ta tin rằng “Ðức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời”1. Chương trình Hiệp hành của Giáo hội tại đất nước chúng ta - trong bối cảnh song hành với sự chuyển đổi của xã hội trong mọi lãnh vực để đáp ứng nhu cầu tiện nghi, tiện lợi, thoải mái và hiện đại của con người toàn diện - cũng đòi hỏi chúng ta phân bổ thời gian cân bằng về thể chất, tinh thần và tâm linh theo phương thức cốt lõi và tập trung.

Nội dung

Trước hết, cốt lõi là đi thẳng vào vấn đề, ý chính, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hành, ít sai sót, lại mang lại hệ quả và chất lượng. Triết lý thành công của các hãng sản xuất các phương tiện truyền thông là: “Ðơn giản hóa”. Ví dụ, điện thoại, chỉ cần bấm một nút khởi động, tìm mở google, youtube, app., rồi bấm, quyét, tìm những gì mình muốn truy cập. Từ trẻ em tới cụ già đều có thể mở và học, xem được nhiều thứ, nếu muốn. Tới tiêu chuẩn hàng hóa: “nhỏ, nhẹ, nhanh; ngắn, gọn, mỏng”.

Thứ đến, tập trung là dồn sức lực hoạt động vào một chỗ, một điểm, vào một đối tượng hay một việc nào đó. Ví dụ: Caritas Việt Nam tập trung vào chiến dịch: “Chúng ta cùng nhau”. Áp dụng năm thứ nhất, tập trung thực hiện: “Nhận thức”. Dồn sức tập trung là chìa khóa của mọi thành công trong cuộc sống. Tài năng nhất trong các tài năng là biết tập trung. Ví dụ: tập trung 20% thời gian sẽ tạo ra ít nhất 80% kết quả. Trong tôn giáo, chú trọng nhất là tập trung vào đức tin - cá vị. Như Chúa Giêsu quả quyết: “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, thì dù các con bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc. Nó cũng vâng lời anh em”(Lc 17,6). Và “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì anh em có nói núi này rời khỏi đây qua bên kia, nó cũng sẽ qua và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20). Thực trạng, đức tin ngày mai của Hội Thánh chúng ta chỉ như những đốm lửa. Giáo hội ngày mai thuộc về những cộng đoàn nhỏ với đức tin có lửa trên đầu và có gió đổi mới trái tim, như trong dịp lễ Ngũ Tuần, ngày khai sinh Hội Thánh, từ phòng tiệc ly. Bây giờ, chúng ta xác định: Cốt lõi và tập trung cụ thể là gì?

1. Cốt lõi của Hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ là cùng nhau đi theo Chúa Kitô, thực hành: Mến Chúa là hiệp thông; Yêu người là tham gia và sứ vụ là loan báo Tin Mừng, bản chất của Giáo hội. Ðó là ba cốt lõi.

- Trước hết là Mến Chúa. Mến ai thì nên giống người đó. Mến Chúa thì nên giống Chúa và được Chúa biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Người. Cụ thể hãy học cùng Chúa, trở nên người Chúa muốn: “Hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,28).

- Thứ đến là Yêu người. Theo gương người Samari. Như lệnh truyền của Chúa: “Hãy cứ đi và làm như vậy”. Cụ thể là thực hành, sống: “Liên đới - trách nhiệm và yêu thương - phục vụ”. Liên - đới trách nhiệm là đáp trả Cựu Ước: luật công bằng; và yêu thương - phục vụ là thực thi Tân Ước: luật bác ái.

- Rồi đến Loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là hệ quả Mến Chúa Yêu người. Là sự triển nở của hai cốt lõi. Cũng giống như lá, hoa, quả của một cây. Lá là sức sống, hoa là cái đẹp, quả là hạnh phúc: “Sống đẹp hạnh phúc”. Rồi, theo quan niệm đông y: “Căn cốt làm nên một con người. Căn là Chúa, cốt là người, nên con người được gọi là “Thần - Nhân”, có sứ vụ loan báo Thiên Chúa cho con người, qua con đường truyền giáo mới của Công đồng Vatican II là “Ðối thoại và hòa giải”. Việc đối thoại được thể hiện theo phương cách đối thoại bằng đời sống hiền lành và khiêm nhường; đối thoại bằng việc làm liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ; đối thoại bằng đức tin theo gương Mẹ Maria “cưu mang Chúa Giêsu” ; còn việc đối thoại bằng thần học thì dành cho các nhà chuyên môn.

2. Tập trung là dồn mọi sức lực và hoạt động vào tâm điểm là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể vừa là gốc vừa là ngọn; vừa là nguồn mạch vừa là chóp đỉnh của đời sống Giáo hội. Tất cả phát xuất từ Bí tích Thánh Thể, chi phối đức ái - mục vụ, động lực thống nhất đời sống và mọi hoạt động. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào những năm cuối đời, đã chầu Thánh Thể từ 7 tới 8 tiếng đồng hồ. Năm 1991, ngài thành lập Hội Giáo dân chầu Thánh Thể và ước ao cho toàn thể Giáo hội chầu Thánh Thể. Thánh Têrêsa Calcutta, sáng lập dòng Bác ái thừa sai, đã chầu Thánh Thể từ 1 tới 3 giờ…

Ðức Hồng y Catalamessa đã nói “Chính Ðức Kitô2 hiện diện trong Bí tích Thánh Thể”, một sự hiện diện đích thực nhưng kín ẩn. Thánh Ambrôsiô: “Trước khi được truyền phép thì bánh này vẫn là bánh; nhưng ngay khi lời truyền phép được thực hiện, thì bánh đã biến bản thể, trở thành Mình Chúa Kitô”. Công đồng Trentô: “Chúa Giêsu hiện diện thực sự, không chỉ bằng hình bóng; Người thực sự hiện diện, theo bản thể, nghĩa là theo thực tại sâu sắc, là điều không thể nhìn thấy được đối với các giác quan, dù bề ngoài vẫn còn là hình bánh và rượu”. Thánh Augustinô: “Sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể diễn ra “trong bí tích”, qua các dấu chỉ bánh và rượu”. Thánh Tôma Aquinô, một kiến ​​trúc sư vĩ đại về linh đạo Thánh Thể cùng với thánh Ambrôsiô và thánh Augustinô, cũng nói về sự hiện diện của Chúa Kitô “theo bản thể” dưới hình bánh và hình rượu3. Thật vậy, Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể với bản thể của Người, Chỉ còn đức tin vào Lời Chúa mà thôi”4. Do đó, Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị, không có ở nơi nào khác, sự hiện diện “Thánh Thể”, chỉ được thực hiện trong Bí tích Thánh Thể mà thôi. Như một tia sáng lóe lên trong lòng Gioan, ông bắt đầu kêu lên: “Chúa đó!”. Rồi mọi thứ thay đổi, và rồi họ cùng nhau vào bờ (Ga 21,4tt). Ðiều tương tự cũng xảy ra với hai môn đệ trên đường Emmaus. Ðức Giêsu cùng đi với họ, cuối cùng, qua hành động bẻ bánh, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,13tt). Tương tự cũng xảy ra cho người Kitô hữu, sau khi đã nhiều lần lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng cuối cùng, qua một quà tặng ân sủng, họ đã bất ngờ “nhận ra” Chúa thật.

 

Ðào luyện lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể

Tôi xin gợi lên một phương thức đào luyện lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể. Linh đạo phương Ðông có phương thức “Cầu nguyện - Cảm nghiệm” tức là tích hợp “Thân - Tâm” hài hòa; tổng hợp “Trí, tâm và ý chí”; dung hợp “Tĩnh - động”. Ðể thực hành, xin mở youtube bấm nhạc thánh ca không lời, êm nhẹ để giúp tác động tới tâm. Rồi định tâm, xác tín “Chúa đang hiện diện”. Thân - tâm thanh thản, hài hòa. Hai đầu ngón tay cái bấm vào hai đầu ngón trỏ, để tập trung giây thần kinh về bộ óc; mắt mở 1/4 nhìn xuống đầu mũi; Ba lần hít vô - sâu, phình bụng - nín, rồi thở ra - dài, thóp bụng. Trong lúc đó, hãy cầu nguyện ba lần: “Xin Chúa thêm đức tin cho con; và xin cho con được gặp Chúa”. Hãy cảm nghiệm, và nhắc lại ba lần: “Chúa đang nhìn con, vì con là hình ảnh của Người, nên con rất đẹp”; “Chúa đang yêu con, vì Chúa là tình yêu, con là con của Người”, ba lần. Cầu nguyện là trí; cảm nghiệm là tâm. Tâm trí quyện lại sẽ trở thành ý chí, muốn vươn lên với Chúa, thuận theo, để Chúa biến đổi. Với điều kiện: nhận chìm cái “Tôi” kiêu căng, tự phụ trong ánh nhìn dịu hiền và trong tình thương bao dung của Chúa. Dần dần cái “tôi” nhỏ lại, trở thành cát bụi, trở thành đất. Khi không còn là gì, Chúa Giêsu nhẹ nhẹ đi vào tâm hồn. Người ở đó và sẽ làm cho con lớn lên và dần dần trở nên: “đồng hình đồng dạng với Người”, một cách nhẹ nhàng mà mãnh liệt, bất ngờ và lạ lùng. Cụ thể, trở nên người “Hiền lành và Khiêm nhường”; biết sống: “Liên đới trách nhiệm và Yêu thương phục vụ”, qua “Ðối thoại và Hòa giải”, 3 lần. Kết thúc: “Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con, cùng với Mẹ Maria, con đón nhận Thánh Thần. Xin Thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn cho con. Cho con ơn khôn ngoan để phục vụ Dân Chúa; cho con ơn sức mạnh để loan báo tin vui và cho con tầm nhìn cùng mọi người vươn tới tương lai”. Xác tín Chúa Thánh Thần đang ở với con và đồng hành với con. Người là Thầy dạy duy nhất và là Ðấng nhắc nhở con những gì mà Chúa Giêsu đã dạy. Xin Chúa cất bớt những trở ngại trong con để chương trình của Người được thực hiện. Lúc này, lập lại ba lần hít sâu, thở sâu. Rồi cầu phúc lành: “Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, xuống phúc lành cho con và cho toàn thế giới hôm nay”. Amen.

***

Ra đi làm việc Bác Ái tức là “Nhìn thấy Chúa Giêsu Thánh Thể nơi mọi người”. Ðức tin xác tín bản thân vào Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể, không đổi thay trước dòng đời vạn biến. Phương thức đào luyện Bí tích Thánh Thể, đặc biệt cho thế hệ trẻ cần đơn giản và tập trung; cốt lõi và tập trung. Giáo hội sẽ trụ vững và luôn tỏa sáng trong dòng đời khoa học chuyển đổi kỹ thuật số, ngàn năm thứ Ba, thiên niên kỷ của Tâm linh.

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

________________________________________________
 

1  Ðức Thánh Cha viết lời tựa cho sách về Tông hiến “Praedicate Evangelium”

2  Ðức Hồng y Cantalamessa, Giáo triều Roma, tĩnh tâm Mùa Chay năm 2022: Bài IV - Sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu, 03/04/2022

3  Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, III, q.75, a.4

4  “Visus tactus gustus in te fallitur - sed Auditui solo tutorial creditur”.

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm