Từ Sài Gòn, qua phà Cát Lái, chúng tôi chạy xe men theo đường tỉnh ĐT679 vượt gần 60 cây số là tới giáo xứ Thành Đức (hạt Long Thành, GP Xuân Lộc), một xứ đạo nhỏ bé có lúc tưởng như bị quên lãng, nằm lọt thỏm giữa rừng cao su thuộc xã Suối Trầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Cha chánh xứ Phaolô Nguyễn Văn Hạnh tỏ ra khá bất ngờ khi chúng tôi đến được nhà thờ mà không phải điện thoại hỏi thăm đường. Ngài nói suốt buổi sáng trông điện thoại xem có liên hệ nhờ chỉ đường hoặc cho người ra đón không, do giáo xứ nhỏ bé, bị che khuất bởi những cây sồi cổ thụ trong khuôn viên giáo đường nên từng có nhiều người đến thăm đi lạc, không tìm được đường vào.
![]() |
Khó khăn đủ bề
Hiện diện nơi vùng đất này hơn 40 năm nhưng hơn hai năm nay, Thành Đức mới có linh mục chánh xứ tiên khởi là cha Phaolô. Hồi tưởng lại ngày về nhận xứ, vị mục tử bùi ngùi: “Nhìn thấy ngôi nhà Chúa đơn sơ khiêm tốn và đoàn chiên mấy chục năm trời không có người dẫn dắt, chỉ có các linh mục quản nhiệm đến dâng lễ đôi bữa một tuần rồi lại đi khiến tôi thật xúc động. Chịu chức hơn 10 năm, đi giúp nhiều xứ, tôi thấy xứ này là khó khăn nhất. Giáo xứ thiếu thốn trăm bề, không có đủ điều kiện để xây dựng cộng đoàn, phát triển đức tin cho người tín hữu. Nhưng phó thác và trông cậy vào Chúa, từng bước một, tới đâu hay tới đó, tôi cố gắng tổ chức lại và bù đắp những thiếu thốn để họ cảm thấy được an ủi”.
Cha Hạnh kể, thuở đầu chỉ có 18 gia đình từ phường Tam Hiệp - Biên Hòa đi kinh tế mới đến lập nghiệp tại vùng đất Suối Trầu. Sau đó, một số người dân từ nơi khác kéo đến làm ăn rồi lập ra ấp, xã. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp như trồng lúa, phát rẫy; khi đất bạc màu thì chuyển qua trồng điều, cà phê…; rồi nông sản mất giá nên dần dần họ cũng bỏ canh tác đi làm công nhân cao su. Nơi đây có đặc thù thấp trũng như lòng chảo. Đường trong làng toàn bộ là đường đất, không có mương, cống thoát nước nên mưa một trận là nhiều hộ gia đình bị ngập nước cao tới cả mét. Đường sá lầy lội, trơn trượt, gây khó khăn cho bổn đạo tới lui tham dự các sinh hoạt của nhà thờ.
![]() |
Dâng hoa Đức Mẹ |
Giáo xứ Thành Đức nằm trên địa bàn này cũng không tránh khỏi những trở ngại như thế, nhưng cha xứ đã tìm nhiều cách nâng đỡ đời sống đức tin cho giáo dân. Cha cố gắng làm mới hoặc làm sống lại những giá trị đạo đức đã nguội lạnh lâu nay. Ông Nguyễn Hồng, Chủ tịch HĐMVGX cho biết: “Ngày cha mới về, chưa biết đường đến nhà của giáo dân, ngài thường nhờ mấy anh em trong ban hành giáo chở đi thăm viếng từng gia đình. Đến khi rành đường, ngài tự đi một mình. Nhờ sự quan tâm gần gũi của cha mà nhiều giáo hữu cảm tình, hy sinh thời giờ tham gia các sinh hoạt của giáo xứ”.
Bồi đắp đức tin
Nhà thờ Thành Đức trông đơn sơ như một ngôi nhà nguyện. Trước đây, các cha quản nhiệm chủ yếu đến dâng lễ rồi về chứ cũng không đủ sức quán xuyến hết mọi việc. Năm tháng trôi qua, sàn lát bằng gạch tàu trở nên cũ kỹ, ghế ngồi lung lay mục nát, kèo thì làm bằng gỗ, nhà không có lấy một cái cửa sổ. Vì thế khi nhận bài sai về xứ này, cha Hạnh vẫn giữ y nguyên khung nhà thờ nhưng cho tân trang lại, cơi nới gian cung thánh, thay gạch nền, đóng lại toàn bộ ghế ngồi, làm thêm cửa sổ, tạo cho ngôi thánh đường một diện mạo sáng sủa, ấm cúng hơn. Chính những công việc chung như vậy lại trở thành cơ hội mời gọi người dân quy tụ về giáo xứ, góp sức mỗi người một tay để sửa sang Nhà Chúa.
![]() |
Nhà máy nước sạch miễn phí |
Giáo xứ không có chủ chiên thì tình trạng nguội lạnh, xa cách, cùng cơn lốc tục hóa dẫn đến xa rời đức tin, bỏ đạo là khó tránh khỏi. Nhưng từ khi có mục tử thường trực thì Thành Đức gần như khôi phục sức sống, các đoàn thể bắt đầu sinh hoạt lại và đi vào quy củ. Hằng tuần, cha Hạnh tổ chức cho 12 nhóm đọc kinh liên gia, từ nhà này qua nhà kia. Mấy chục năm không có cha xứ, hầu như họ quên hết kinh hạt cùng những sinh hoạt đạo đức. Chính vì thế, cha cất công tìm và in ra những bài kinh để họ dễ đọc. “Việc này rất cần thiết để củng cố đức tin nơi bổn đạo, cũng may Chúa ban cho nhiều người nhiệt thành tích cực cộng tác, có những nhóm hơn 10 người rất chịu khó đi đọc kinh trong tâm tình vui vẻ, nhiệt tâm”, cha nói. Ngoài ra, giáo xứ còn có một nhà máy nước miễn phí cho người dân đến lấy về sử dụng. Cha sở còn tặng cả bình đựng nước 26 lít cho những người cần. Phần lớn người đến lấy nước đều là anh em tôn giáo bạn nên đã khơi gợi thêm tình liên đới thân thương.
Ngôi thánh đường đơn sơ chưa đến 800 giáo dân nhưng lại âm thầm tồn tại và bền bỉ dưỡng nuôi lòng đạo đức của người tín hữu. Dù còn nghèo và thiếu thốn, nhưng Thành Đức vẫn không ngừng cho đi. Hội chăm sóc bệnh nhân của xứ đạo là một minh chứng cho lòng từ bi bác ái. Các chị em trong hội tranh thủ thu xếp xong việc gia đình là lo đi chăm sóc người nghèo, người bệnh nơi xứ đạo, phát hiện ở đâu có người đau bệnh lại tích cực đến thăm viếng. Đoàn bác ái nào đến ủy lạo, hội hỗ trợ giới thiệu các hoàn cảnh thực sự cần giúp đỡ để trao những phần quà đến tận tay.
![]() |
Cha Phaolô tham dự kinh liên gia với mọi người |
Khó khăn là vậy, thiếu thốn là thế nhưng Thành Đức lại có nhiều giáo dân là men muối trong cộng đoàn. Ông Hoàng Tình là một ví dụ: Từng là Chủ tịch HĐMVGX trong 24 năm, ông đã tích cực phụ giúp nhà thờ dù nhiều người cộng tác bỏ cuộc. Trong khi ở nhà có hai người con gái bị bại liệt, vẫn được ông tận tình chăm sóc yêu thương, chở tới trường cho học xong lớp 12, đến giờ thì con gái ông có thể ở nhà dạy thêm và bán hàng qua mạng internet. Hằng ngày, ông ra vườn làm rẫy để buổi chiều về sớm, đến nhà thờ dọn lễ. Ngày đó không có cha xứ, cha quản nhiệm ở xa, mỗi lần làm công việc Nhà Chúa, ông phải đi vận động tài chính, hoặc bỏ tiền túi ra lo chút đồ ăn để anh em lót dạ.
“Vun trồng đời sống đức tin rất khó, vì không phải ngày một ngày hai mà có được. Có những mẫu gương mà khi tôi về đây phát hiện ra cũng phải thán phục. Giáo xứ tồn tại cũng là nhờ những tấm lòng nhiệt huyết như vậy góp phần”, cha Phaolô xúc động.
NGỌC LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.