Cách đây 37 năm, năm 1979, Mẹ Têrêsa - người mà tạp chí có tầm vóc quốc tế Times gọi là “thánh sống”, được trao giải thưởng Nobel Hòa bình lần thứ 60. Rất nhiều người đương thời nhận định đây là sự lựa chọn không thể tranh cãi, vượt qua 56 ứng viên và 19 tổ chức được đề cử.
Khi được thông báo về giải thưởng, Mẹ Têrêsa chia sẻ: “Tôi chấp nhận cho vinh quang lớn hơn của Chúa và ích lợi của nhân dân, những người nghèo nhất trong những người nghèo. Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người”.
Tại Tòa thị chính Oslo ở Na Uy, Chủ tịch Ủy ban Nobel, John Sannes khi đó phát biểu: “Mẹ Têrêsa xứng đáng với giải thưởng hòa bình Nobel vì nó góp phần vào hòa bình một cách cơ bản nhất, bởi Mẹ luôn xác định tính cách bất khả xâm phạm đến nhân phẩm con người”.
![]() |
Lên bục nhận giải thưởng, Mẹ Têrêsa đọc kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô và nói: “Tôi chắc chắn rằng giải thưởng này sẽ dẫn đến sự hiểu biết tình yêu giữa người giàu và người nghèo”.
Còn Tổng thống Mỹ J. Carter, một trong những ứng viên được đề cử, ngay lập tức đã gởi một bức điện cho Mẹ: “Công việc của bạn đã là nguồn cảm hứng lớn cho tất cả chúng ta, những người đã ấp ủ và tán thành nguyên nhân của các quyền con người”.
Riêng Thánh Gioan Phaolô II, mới lên ngôi giáo hoàng trước đó một năm, đã bày tỏ niềm vui lớn lao về một giáo hữu Công giáo là tấm gương của toàn thế giới.
Trong những sự kiện chung quanh giải Nobel năm đó, theo yêu cầu của Mẹ Têrêsa, đã không diễn ra bữa tiệc truyền thống với 135 khách, bao gồm cả các gia đình hoàng gia và lãnh đạo chính phủ, dự kiến tổ chức tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Oslo. Mẹ muốn dành khoản phí tổn đó cho người nghèo.
Mẹ Têrêsa đoạt giải Nobel Hòa bình gợi suy nghĩ về ý nghĩa “hòa bình của Mẹ”.
Hòa bình của Mẹ Têrêsa, không phải là đề ra những đáp án liên quan đến chiến tranh, vũ lực, bóc lột hoặc những giải pháp chính trị ổn thỏa cho một vùng hoặc toàn cầu; cũng không phải là những dự án quy mô về công nông nghiệp hoặc an sinh xã hội…; mà chỉ là những phút giây gặp gỡ trực tiếp, chăm lo người lâm vào hoàn cảnh nghèo đói, bệnh hoạn, bị bỏ rơi bên lề xã hội hoặc bị chà đạp nhân phẩm trong cuộc sống hằng ngày ở những nơi Mẹ hiện diện.
![]() |
Hòa bình của Mẹ Têrêsa, là tình người giản dị với những người gần gũi chung quanh, phát xuất từ Tin Mừng của Đức Giêsu: “Xưa Ta đói, các người đã cho ăn. Ta khát, các ngươi cho uống (…). Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25 (35-40). Chính Mẹ đã thực sự có được cảm nghiện thần học sâu sắc: “Mỗi người trong số họ, chính là Chúa Giêsu cải trang”.
Cuộc đời và những chứng từ của Mẹ giúp rất nhiều người cảm nhận về hòa bình. Phải chăng khi yêu thương người, chẳng ai còn có thể nghĩ đến vùi dập, chà đạp hoặc đem chiến tranh, chết chóc, thù hận đến cho con người?
Khi tuyên phong Chân phước cho Mẹ Têrêsa ngày 19.10.2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ là “một trong những nhân cách xứng đáng của thời đại, hình ảnh của người Samari nhân hậu, bản tuyên ngôn can đảm của Phúc Âm”.
HOÀNG ANH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.