Rời nơi chôn nhau cắt rốn đi sinh sống, làm ăn ở xa, các tín hữu Công giáo luôn hướng về quê nhà bằng những nỗi niềm riêng. Trên đất khách, họ lập nên những hội đồng hương, như là vòng tay ấm nâng đỡ tinh thần và kết nối tình thân.
Ở TGP.TPHCM, các hội đồng hương khá đa dạng, có hội tập họp những người cùng huyện, tỉnh; lại có hội quy tụ bà con giáo dân chung một giáo xứ, giáo phận nơi quê nhà. Tất cả đều có một ban liên lạc làm nhiệm vụ lên kế hoạch, tổ chức để cùng thực hiện những chương trình sinh hoạt riêng. Hằng năm, đa số các hội đều có những buổi họp mặt định kỳ. Ông Vũ Đình Cường, phó hội đồng hương giáo xứ Trung Lao (GP Bùi Chu) cho biết: “Tính đến nay, hội đã thành lập được 61 năm. Năm nào vào ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng của hội, chúng tôi cũng tụ họp lại để tham dự một thánh lễ chung. Sau lễ là thời gian để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, từ đó biết thêm hoàn cảnh của nhau để có thể giúp đỡ, chia sẻ về đời sống, công ăn việc làm”. Ngoài tham dự những thánh lễ họp mặt, các thành viên trong hội còn đến thăm hỏi, động viên nhau khi gia đình nào có tang hoặc chia sẻ niềm vui trong các dịp cưới hỏi, tiệc vui. “Thường trong những lần họp mặt, chúng tôi sẽ quyên góp để vào quỹ chung, khi có việc thăm hỏi nhau thì trích ra mua quà. Tuy không đáng là bao nhưng tôi thấy quý ở cái tình của những người con xa quê luôn nghĩ về đồng hương của mình”, anh Nguyễn Ngọc Đức, phó ban thường trực hội đồng hương giáo xứ Phú Hải (GP Bùi Chu) bày tỏ.
Bữa ăn thân tình của đồng hương Phú Hải sau thánh lễ họp mặt |
Không chỉ nâng đỡ nhau nơi đất khách, trong những buổi gặp gỡ, các hội đồng hương còn thắt mối dây liên lạc để những người tha hương biết tin tức quê nhà. Những thông tin có khi được chính những linh mục nơi xứ quê hiện diện để chia sẻ, cũng có lúc lại được truyền đạt một cách ân cần giữa những thành viên cùng tham dự. Để rồi, bằng tấm lòng luôn hướng về đất quê, họ bàn nhau dùng số tiền quỹ đóng góp một phần vào việc xây dựng, tu bổ giáo xứ hoặc giúp đỡ những trường hợp ngặt nghèo nào đó.
Số lượng thành viên tham gia thông thường sẽ tỷ lệ thuận với “độ tuổi” của hội đồng hương. Hội nào thành lập càng lâu năm thì anh chị em trong mái nhà chung này càng đông đúc, đủ mọi thành phần, mọi giới. Đây không chỉ là một đại gia đình lớn mà còn là nơi để mọi người có thể học hỏi, giao lưu. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, thuộc hội đồng hương xứ Thạnh An (GP Long Xuyên) chia sẻ: “Ở đây có cả người đã đi làm có công việc ổn định lẫn các bạn sinh viên mới ra trường. Người đã vào đời, có kinh nghiệm, vốn sống có thể nâng đỡ người trẻ. Bên cạnh đó, lớp trẻ cũng mang đến nhiều bài học về sự tự tin, năng động và khả năng nhanh nhạy học hỏi trong nhịp sống hiện đại. Ngoài ra, hội cũng có chương trình quỹ học bổng hỗ trợ thêm cho con em các gia đình đồng hương gặp khó khăn, như một cách tương trợ giữa các thành viên”. Sau buổi họp mặt đồng hương, nhiều người trong số họ có khi trở thành những người bạn thân thiết và tiếp tục đồng hành cùng nhau giải quyết khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh việc tập họp những người cùng quê quán, có hội đồng hương quy tụ thành viên theo hình thức gia đình. Anh Nguyễn Văn Chinh, hiện đang là giáo dân xứ Trung Chánh (TGP.TPHCM) cũng chính là người đã lập hội đồng hương xã Hải Lý (tỉnh Nam Định) kể: “Ngày đầu thành lập, hội có khoảng 20 gia đình tham gia, nay số gia đình đã tăng lên chừng 50. Do mang tính chất họp mặt các gia đình cùng quê nên bầu không khí càng thêm ấm áp. Ngoài chủ đề công việc, chúng tôi còn xoay quanh cả chuyện con cái ”. Những buổi sinh hoạt hội còn là sân chơi cho nhiều bạn trẻ hòa mình vào không khí sôi nổi, thân tình mà vơi đi nỗi nhớ nhà, sự lạc lõng nơi đất khách. Tiêu biểu là hội đồng hương giáo xứ Vạn Thành (GP Vinh), hằng tuần đều có một buổi họp nơi nhà giáo lý xứ Tân Việt (TGP.TPHCM) để cùng học hỏi đức tin, sinh hoạt, kể chuyện vui buồn trong công việc, học tập. Đến các dịp lễ, hội còn tham dự những buổi văn nghệ chung do xứ tổ chức. Linh mục Đaminh Vũ Ngọc Thủ, chánh xứ Tân Việt tâm niệm: “Tôi gắng giúp, tạo điều kiện để các bạn trẻ trong hội có chỗ có nơi sinh hoạt thoải mái, thứ nhất là để tiếp nối truyền thống của linh mục chánh xứ trước là cha Antôn Nguyễn Đình Thục, kế nữa vì đây là một nếp sinh hoạt tốt cần phải được động viên và duy trì. Hội đồng hương, ngoài nâng đỡ về mặt tinh thần cho các em trong lúc xa nhà, còn tạo cơ hội để bạn trẻ hướng về nguồn cội, ý thức về sự tiếp nối thế hệ. Thiết nghĩ, những người đại diện, tổ chức các hội đồng hương cần mở rộng tầm nhìn hơn nữa để không chỉ liên kết với nhau trong lễ quan thầy, mà còn có thể tiến xa hơn đến các chương trình như quỹ học bổng, giúp đỡ cho những người nghèo khó... Nếu làm được như vậy thì tốt quá!”.
Tuy vẫn còn nhiều hội đồng hương chưa mở rộng được các chương trình bác ái do khó khăn về thời gian cũng như nguồn kinh phí, thế nhưng, vòng tay ấm nâng đỡ tinh thần cho anh chị em xa quê chính là bước đệm hứa hẹn nhiều hoạt động ý nghĩa trong tương lai.
THIÊN LÝ
Bình luận