Thứ Tư, 23 Tháng Mười Một, 2022 16:43

Ði làm thuê góp quỹ

 

Ðó là sáng kiến của nhóm giáo dân đồng bào M’Nông, thuộc giáo khu 10, giáo xứ Ðạ Tông (giáo phận Ðà Lạt). Hai năm qua, mỗi khi cà phê vào mùa thu hoạch, họ cùng nhau đi làm thuê, để góp thêm vào nguồn quỹ chung hữu ích.

 

Bà con giáo dân giáo khu 10 hái cà phê thuê để góp vào quỹ chung của giáo khu


Góp nguồn quỹ chung

Vào trung tuần tháng 11.2022, 48 tín hữu đã cùng nhau thực hiện ngày công đầu tiên ở một vườn cà phê nơi mình cư ngụ là thôn Liêng Krắc 1, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Dưới cái nắng chói chang, mọi người vẫn tất bật làm việc, cười nói. Người hái cà phê, người cho vào bao, người thì khuân vác…

Là người dẫn đoàn người đi làm công, ông Bartôlômêô Păng Tinh Ha Song (trưởng giáo khu 10) cho biết, tổng cộng trong ngày đầu tiên nhóm đã hái được 49 bao cà phê, khoảng 60kg/bao, giá công thuê hái khoảng 1.200 - 1.400 đồng/kilogam.

Một trong số những người đi hái cà phê thuê, chị Maria Đa Cát K’Gơi cảm thấy phấn khởi vì được góp phần nhỏ bé cùng với mọi người vào công việc chung. K’Gơi cho biết: “Nếu kêu gọi các gia đình đóng tiền làm việc này việc kia thì cũng khó, nhưng góp công đi làm thuê thì ai cũng có thể chung tay”. Được biết, vào mùa cà phê năm ngoái, mỗi gia đình trong thôn đều cử 1 người tham gia, và K’Gơi là người dẫn đoàn đi làm, cách nơi ở khoảng 15 - 30km. Sau 3 đợt hái, nhóm đã có được gần 35 triệu đồng.

Nói về nguồn quỹ chung của giáo khu, cô gái 35 tuổi (hiện là nhân viên của Caritas Đà Lạt) tiết lộ, đây là sáng kiến của bà con từ rất lâu. Ban đầu, họ mượn khoảng 1.000 mét vuông đất của một gia đình giáo dân để trồng lúa gây quỹ cho giáo khu. Bên cạnh việc canh tác lúa trong nhiều năm, mọi người còn đi hái bắp thuê và từ năm ngoái đến nay thì đi hái cà phê thuê để góp thêm vào nguồn quỹ chung. 

Các chị em nhặt sạch lá trước khi cho hạt cà phê vào bao


Gắn kết cộng đồng

Sinh ra và lớn lên ở thôn Liêng Krắc 1, K’Gơi cảm thấy tự hào về truyền thống “yêu thương và đoàn kết” của bà con trong giáo khu mình, và khẳng định đây là điều tốt đẹp để người trẻ tiếp nối. Bên cạnh sự góp sức của các gia đình, nguồn quỹ chung hữu ích trong nhiều năm qua là một trong những phương cách giúp giáo khu xây dựng cộng đồng ngày càng khắng khít, người già và lớp trẻ cùng nối kết, chung tay trong tình tương thân tương ái.

Trước đây, khi chưa có nhà thờ giáo xứ, ngôi nhà nguyện đơn sơ được làm bằng vách nứa, nền đất, là nơi 117 gia đình tín hữu M’Nông của giáo khu 10 đến cầu nguyện, rước Mình Thánh Chúa và tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Khi có thu hoạch từ việc trồng lúa và hái bắp thuê, họ đã dùng tiền đó để mua vật liệu (xi măng, tôn, gỗ); nhà ông trùm góp thêm gỗ; giáo dân rủ nhau đi gùi cát, lấy đá, góp thêm xi măng để làm nên ngôi nhà nguyện tươm tất với mái tôn, vách gỗ, nền xi măng như hôm nay. Bên cạnh đó, quỹ chung còn được chi dùng trong việc mừng lễ bổn mạng, Giáng Sinh, lễ Tết, Trung Thu cho thiếu nhi, hoặc mua sắm những vật dụng cần thiết khác để phục vụ đời sống sinh hoạt của cộng đồng.

Ngôi nhà nguyện giáo khu sẽ được cơi nới thêm để đáp ứng các sinh hoạt cộng đồng trong thời gian sắp tới

 

Sáng kiến hái cà phê thuê của bà con giáo khu 10 từ mùa cà phê năm ngoái, trong bối cảnh nhiều nhà vườn khó tìm được nhân công do ảnh hưởng dịch Covid-19, như là một cơ duyên góp thêm vào nguồn quỹ, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong đời sống hằng ngày. Maria K’Gơi “dẫn chứng” rằng, tiền công từ mùa cà phê năm ngoái đã mua thêm được nhiều bộ bàn ghế và chén đĩa. Tính đến nay, giáo khu đã có 30 bộ bàn ghế, 40 bộ chén đĩa và 2 khung rạp. Lượng khung rạp ít ỏi này chỉ có thể để được 4 bộ bàn ghế, nên dự kiến “thu nhập” sau 2 đợt hái cà phê thuê năm nay sẽ dùng để mua thêm khung rạp và bạt che. Giải thích về việc mua thêm khung rạp, vị trưởng khu 50 tuổi nói đây là việc cần thiết, vì hiện giá thuê bên ngoài khoảng 70.000 đồng/bàn. Nếu giáo khu có đầy đủ vật dụng cho bà con sử dụng, cũng sẽ lấy giá tượng trưng cho những gia đình đãi đám tiệc và miễn phí khi có ma chay.

Ngoài việc mua sắm vật dụng như đã dự tính ở trên, số tiền còn lại sau “mùa làm thuê” sẽ góp thêm chi phí cho nồi cháo tình thương vào mỗi Chúa nhật đầu tháng. Cùng chung tay, các gia đình góp thêm chút gạo, hoặc hiện kim để bà con trong 4 tổ của giáo khu thay phiên nhau nấu những nồi cháo dinh dưỡng, phục vụ người cao niên khó khăn, bệnh tật, mất sức lao động... Mỗi lần đến dùng bữa, là dịp để 30 cụ cao niên gặp gỡ, chia sẻ vui buồn với nhau. Hình ảnh thân thương đó làm thỏa lòng bao người…

Giáo khu tổ chức Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi 

 

Được biết, ngôi nhà nguyện có diện tích hơn 50 mét vuông (cách nhà thờ giáo xứ khoảng 7km), vừa là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, các hội đoàn hội họp, vừa là nơi các cụ già dùng cháo, các em thiếu nhi học giáo lý và lớp học tình thương. Do đó, bên cạnh ước mong có được nguồn quỹ dồi dào hơn nữa, để có thể hỗ trợ thêm cho các gia đình khó khăn, bà con giáo khu 10 còn đang tích cực cơi nới mở rộng nhà nguyện, làm thêm bếp, nhà vệ sinh và hệ thống nước sạch để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cộng đồng trong những tháng ngày sắp tới. Trưởng khu giáo Bartôlômêô Păng Tinh Ha Song hy vọng: “Cùng với sự đồng hành, khích lệ của linh mục chủ chăn và phó xứ, cùng sự chung tay của bà con trong những công việc chung, mong rằng cộng đồng chúng tôi sẽ ngày càng keo sơn gắn kết và yêu thương nhau hơn”.

 

Bích Vân

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm