Thứ Năm, 24 Tháng Năm, 2018 16:26

Ðiểm tựa cho di dân từ giáo phận mẹ

Giữa phố thị sôi động, những di dân đến từ nhiều vùng miền vẫn có thể liên kết với nhau và không cô độc khi luôn có sự quan tâm, đồng hành của giáo phận quê nhà...

 

NIỀM ỦI AN

Vì cuộc sống mưu sinh hay vì học tập, nhiều người rời xóm làng vào Sài Gòn sinh sống. Trên thực tế, những người cùng quê hương, cùng xứ đạo thường hay tập trung thành một xóm trọ, với suy nghĩ cần người thân quen để nâng đỡ nhau những lúc tối lửa tắt đèn. Các khu nhà trọ này có nhiều trên đường Phạm Thế Hiển (Q8), hoặc khu vực gần giáo xứ Bến Hải, Bến Cát (Gò Vấp). Đặc biệt, đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) là khu ở trọ tập trung nhiều di dân đến từ các giáo phận Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình; những di dân của giáo phận Vinh lại thường tập trung gần các giáo xứ Xuân Hiệp, Khiết Tâm, Tam Hải và Dĩ An, Bến Cát của tỉnh Bình Dương, chủ yếu làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Hoạt động thể thao di dân Thái Bình

Những di dân này khi hòa nhập vào địa phương mới ít nhiều cũng gặp những khó khăn thử thách. Chính vì vậy, ngoài những hội đồng hương, những nhóm sinh hoạt tự phát… thì sự hỗ trợ, kề cận của giáo phận quê nhà luôn là điều mong đợi của họ. Nhiều năm qua, một số giáo phận có đông di dân tại miền Nam đã có những hoạt động duy trì mối liên kết với giáo dân của mình. Nhiều giáo phận đã xây dựng các văn phòng di dân hỗ trợ tín hữu xa quê. Đi một vòng các trụ sở giáo phận như Thanh Hóa, Vinh, Qui Nhơn, Thái Bình... tại thành phố, có thể thấy được các hoạt động mục vụ cho người xa quê khá phong phú, phổ biến nhất là những lớp giáo lý hôn nhân, giáo lý tân tòng, giải quyết giấy tờ hôn phối, đồng hành cùng sinh viên...

Hiện nay, dù quy mô văn phòng di dân các giáo phận còn khá khiêm tốn về cơ sở vật chất song luôn có cha đặc trách tận tình. Những thắc mắc về giáo lý, cần giải tội hay nâng đỡ đức tin luôn được các cha đáp ứng. Qua những gặp gỡ, chia sẻ và đồng hành của các linh mục, tu sĩ, nhiều người xa quê cảm thấy được nâng đỡ và trưởng thành hơn trong đức tin của mình. Bạn trẻ Xuân Anh (GP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi có đến xin học giáo lý cùng bạn và tham gia vào những chương trình họp mặt khi biết giáo phận mình có văn phòng tương trợ cho di dân. Tôi cảm nhận được sự gần gũi, giúp vượt qua cảm giác bơ vơ khi có thể giữ nếp sinh hoạt cộng đoàn thay vì chỉ đi lễ rồi về”.

Trên thực tế, các nhóm đồng hương được thành lập nhưng dễ bị gián đoạn bởi nhiều yếu tố của đời sống đô thị. Vì vậy, những sự thấu hiểu và quan tâm của các vị chủ chăn, mà cụ thể thông qua văn phòng di dân, nơi bà con có thể gõ cửa luôn vô cùng cần thiết. “Những mặc cảm, tự ti với thân phận xa xứ phần nào nguôi ngoai khi chúng tôi có nơi tìm đến và có những sinh hoạt chung như cùng dự lễ định kỳ hằng tháng với nhau”, chị Minh Tâm (GP Qui Nhơn) chia sẻ tâm tình khi nhắc đến hoạt động của văn phòng di dân giáo phận mình.

Trụ sở GP Thanh Hóa nơi có văn phòng di dân luôn mở cửa

 

NHỮNG NGÀY HỘI TẠO CHẤT KEO

Bên cạnh các hoạt động mục vụ, những ngày gặp mặt di dân tại Sài Gòn là sinh hoạt được các giáo phận định kỳ tổ chức. Đây là dịp để cộng đoàn gặp gỡ các vị chủ chăn quê hương của mình và thăm hỏi nhau. Thường chương trình chỉ diễn ra trong một ngày, với sự hỗ trợ địa điểm của giáo xứ có khuôn viên rộng. Ngày hội chính là một dịp để nói lên những tâm tình mà mình ấp ủ với vị chủ chăn, với những người anh em nơi đất khách quê người. Các vị giám mục cũng chia sẻ tâm tư về công tác mục vụ, giáo dục, và nhiều vấn đề khác trong giáo phận, cùng những định hướng cho giáo dân xa quê.

Ngày 1.5.2018 vừa qua, những người con “quê lúa” GP Thái Bình đã tổ chức ngày họp mặt lần thứ 8 tại giáo xứ Khiết Tâm (Thủ Đức). Theo truyền thống, ngày họp mặt di dân vẫn thường có chủ đề theo năm. Năm nay, chủ đề được chọn là “Kính nhớ các thánh tử đạo và hướng tới các gia đình trẻ”. Năm nào ngày hội cũng có sự hiện diện của vị chủ chăn - Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - bên cạnh các cha đặc trách di dân giáo phận. Mỗi dịp tập họp như vậy, mọi người gặp gỡ nhau, lắng nghe Đức cha chia sẻ chủ đề ngày lễ, rồi cùng lắng đọng tình cảm  hướng về cội nguồn. Trước đó, văn phòng di dân Thái Bình cũng tổ chức giải bóng đá mang tên Cúp giới trẻ Thái Bình miền Nam khơi dậy niềm vui cho nhiều bạn trẻ.“Năm nay, qua bài chia sẻ của Đức cha, tôi có thể biết được ngài luôn bận tâm nhiều về công tác mục vụ cho giới trẻ, vì các bạn trẻ làm ăn xa nhà, không có nhiều người thân, không có nơi sinh hoạt lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều tệ nạn. Đức cha mong muốn có những hội, nhóm nhỏ để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, vất vả. Thực sự tôi đã rất suy nghĩ và cảm động trước trăn trở của Đức cha”, cảm nhận của chị Hồng Loan khi tham dự nhiều năm liền.

Đóng góp ý kiến trong Đại hội Di dân Qui Nhơn

Giáo phận Thanh Hóa cũng chọn ngày 1.5 là mốc định kỳ tổ chức ngày hội di dân, và đã bước sang năm thứ 13. Chọn giáo xứ Phú Trung là địa điểm tổ chức trong năm nay, cùng chủ đề “Chứng nhân tử đạo”, ngày hội đã thu hút đông đảo di dân giáo phận Thanh Hóa tham dự. Được biết, ngày di dân giáo phận xuất phát từ ý tưởng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, nguyên Giám mục giáo phận. Năm 2004, trong một lần đi vào miền Nam, Đức cha Giuse gặp gỡ một số bạn sinh viên, một số người trẻ đi lao động. Qua trao đổi và thấy cuộc sống của những người con Thanh Hóa phương xa có rất nhiều khó khăn, ngài cho tổ chức ngày hội di dân để thể hiện tình liên đới của giáo phận đối với những người con xa quê.

Tương tự, giáo phận Vinh chọn ngày 15.8 hằng năm để tổ chức ngày hội cho những người xa quê hương, cuộc gặp gỡ khởi đầu từ năm 2011. Mỗi năm, con số tham dự lên đến hơn ngàn người. Trong các ngày hội, Đức cha giáo phận cũng nói về tình quê hương, đời sống và các khía cạnh mục vụ như quỹ tín dụng để hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn, việc thuê nhà trọ chung, nhu cầu trợ giúp cho sinh viên nghèo… Bên cạnh đó, người trẻ cũng đặt ra cho Đức cha những câu hỏi về giáo lý, hôn nhân gia đình, sinh hoạt của giáo phận nhà...

Ngày hội di dân GP Thái Bình thu hút đông đảo giáo dân xa quê

Dù mới bắt đầu gầy dựng, những người con đất Qui Nhơn cũng đã bước vào năm thứ 4 có đại hội di dân và đồng hương giáo phận. Ngày hội gần nhất được tổ chức vào ngày 15.4 vừa qua tại cộng thể Don Bosco Bến Cát, với mục đích gặp gỡ, giao lưu, kết nối tình đồng hương huynh đệ, giúp nhau thăng tiến đức tin và nghề nghiệp...

Thoạt nhìn vào có thể thấy ngày hội có kết cấu khá giống nhau như một buổi gặp gỡ, có những sinh hoạt bên lề, bữa cơm huynh đệ và có một thánh lễ. Song, với người từng có dịp tham gia, hình ảnh những người con xa quê vây quanh lấy Đức cha, cha đặc trách của mình trong niềm vui với những lời thăm hỏi quê nhà bằng âm giọng địa phương rất dễ gây xúc động. Những động thái tích cực của các giáo phận mẹ thật sự là một chất keo gắn kết người di dân.

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm