Ngày càng có những giáo dân tìm đến các lớp Thần học, không chỉ là từng khóa ngắn hạn tại các Trung tâm mục vụ hay một số Học viện, họ còn theo đuổi ngành này một cách chuyên sâu để có bằng cử nhân và tiếp tục lên cao học. Học viện Công giáo Việt Nam sau gần 6 năm hoạt động, hiện có 13 giáo dân đang theo chương trình cử nhân Thần học.
Đây là con số khá khiêm tốn bởi phần đông người đến với các lớp Thần học là những linh mục, nam nữ tu sĩ. Trước nay, một bộ phận giáo dân thích tìm hiểu, mở mang kiến thức về Thần học cũng đã có mặt trong những khóa được mở ở một số nơi tại Sài Gòn như Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận, giáo xứ Đa Minh - Ba Chuông, Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, Học viện Thần học Lasan... Nhưng Học viện Công giáo Việt Nam có thể là nơi đầu tiên mà các giáo dân tìm đến học để lấy bằng cử nhân Thần học. Theo linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu - Quyền trưởng khoa Thần học, HVCGVN - thì chuyện giáo dân đi học để lấy bằng cử nhân như vậy, cho thấy trình độ của họ được nâng cao với kiến thức về Triết học, Thần học gần như một linh mục, đây là điều khá đặc biệt. Khi trình độ được nâng cao, người giáo dân phục vụ tốt hơn cho giáo xứ của mình, có thể đảm nhiệm một việc gì đó cần đến sự hiểu biết về Thần học để phụ giúp các vị mục tử trong xứ hay giáo phận. Việc hiệp hành ở các xứ đạo trở nên dễ thực hiện hơn. Khi có trình độ, việc đóng góp của người giáo dân cho Hội Thánh được vững vàng và tin cậy hơn, vai trò của họ cũng được nâng lên...
![]() |
Anh Quang Bình (ngồi đầu, bên phải) với nhóm sinh viên cùng lớp trong một buổi được cha giáo hướng dẫn làm tiểu luận - ảnh: NVCC |
Được “ơn gọi” đi học?
Khi được hỏi động lực nào đã dẫn đưa mình đến với khóa Thần học ở HVCGVN, anh Giuse Nguyễn Quang Bình (giáo dân xứ Tân Phước, TGP TPHCM) nói: “Sự hiểu biết về Chúa gắn với đời sống cầu nguyện đã cho tôi niềm đam mê tìm hiểu sâu hơn các kiến thức về đạo, và tôi đã được Chúa dẫn dắt đến với lớp Thần học này”. Với anh Bình, có thể nói việc đi học như một “ơn gọi”, đến từ lời anh vẫn cầu nguyện “xin cho được biết rõ về Cha và thỏa niềm đam mê tìm hiểu Thánh Kinh...”. Khi biết HVCGVN tuyển sinh chương trình cử nhân Thần học, mở ra cho cả giáo dân, anh mừng vì trước đây, thấy ngành này chỉ thường dành cho linh mục, tu sĩ... Ban đầu có một số đấng bậc lo ngại khi biết anh Bình có ý định đi học như vậy vì anh đang sống đời sống gia đình, đang có công việc ổn định (làm giám đốc kinh doanh và tiếp thị cho Văn phòng đại diện của một công ty Dược phẩm Malaysia tại Việt Nam), đi học sẽ bị chi phối về thời gian mà học xong chưa biết có làm được gì, nhưng rồi tiếng Chúa gọi vẫn thôi thúc và anh quyết định thi vào Học viện... Lúc mới vào trường, anh Bình còn xin công ty mẹ cho làm việc bán thời gian nhưng rồi do phải đến lớp mỗi ngày vào các buổi sáng và một số buổi chiều trong tuần, chưa kể thời gian làm bài thi hết môn, làm tiểu luận, phải đọc thêm giáo trình và các sách tham khảo, thế nên khi xong giai đoạn Triết, qua giai đoạn Thần học (chương trình gồm 2 năm Triết học và 3 năm Thần học), anh đã xin nghỉ việc để chuyên tâm học tập. “Nghỉ việc mất đi một nguồn thu nhập lớn về kinh tế, tất nhiên mình phải có sự dự trữ, may mắn là cũng được bà xã ủng hộ, làm hậu phương, mình mới có thể an tâm đi học”, người giáo dân trung niên chia sẻ thêm.
Khác với anh Bình, anh Đaminh Hoàng Hữu Nhân (giáo dân xứ Fatima Bình Triệu, TGP TPHCM) từng có thời gian ngắn tìm hiểu trong nhà dòng, sau đó chuyển hướng ra lập gia đình. Trong thâm tâm, anh vẫn muốn được học hỏi để mở rộng hơn các kiến thức về Triết học, Thần học, nên khi thấy HVCGVN có chương trình này, không chỉ dành riêng cho tu sĩ mà cả giáo dân cũng được thi vô, anh đã đăng ký. Ban đầu, anh Nhân học khóa đầu tiên, xong 2 năm Triết thì bận lo chuyện gia đình nên xin bảo lưu 2 năm. Sau đó, anh lại tiếp tục đi học, vào lớp của sinh viên khóa 3. “Tôi đã học xong năm Thần I, mới nhận chứng chỉ Triết học trong lễ bế giảng vừa rồi, còn 2 năm nữa sẽ hoàn thành chương trình cử nhân”, anh Nhân cho hay. Người giáo dân ở tuổi 45 này có lẽ cũng nghe được tiếng Chúa mời gọi để theo đến cùng ngành học mình yêu thích nên anh đã cố gắng cân đối thời gian để có thể đến lớp. Anh bảo, mình vẫn phải lo cho các con và gia đình, phải làm sao để kinh tế không trở thành gánh nặng cho vợ. Là thạc sĩ Anh văn, anh Nhân đã sắp xếp thời gian đi dạy tiếng Anh buổi tối hoặc những buổi thỉnh giảng ở trường Đại học hay ở các nhà dòng. Và cũng theo lời anh thì “nhiều khi phải ngủ ít lại để có thời gian, hy sinh một chút để chu toàn bài vở ở Học viện”.
Cùng khóa với anh Nhân, cô sinh viên trẻ Têrêsa Hoàng Nguyễn Minh Anh trước đây từng tham dự một vài môn về Thần học ở Học viện Thần học Lasan, rồi cảm thấy thích và muốn theo học một chương trình hoàn chỉnh để có thể tiếp tục tìm hiểu, đặc biệt là về cổ ngữ nên đã xem xét một vài lựa chọn và quyết định xin thi vào HVCGVN. Là giáo dân xứ đạo Túc Trưng (giáo phận Xuân Lộc), lên Sài Gòn học, Minh Anh đi dạy Anh văn để có thu nhập trang trải cuộc sống. Thắm thoát mà cô sinh viên trẻ nhất lớp cũng đã theo học ở Học viện này được 3 năm.
|
Các học viên của chương trình cử nhân Thần học nhận chứng chỉ Triết học tại HVCGVN, trong đó có một số giáo dân - ảnh: Liên Giang |
Điều gì đọng lại trong các sinh viên giáo dân?
Nhìn lại thời gian 4 năm ở HVCGVN, anh Giuse Nguyễn Quang Bình tạ ơn Chúa vì “mình có là ai đâu mà Chúa cử đến bao nhiêu là giáo sư giỏi. Xưa Phaolô tự hào vì có thầy là Gamaliel, nay mình có cả gần trăm thầy đến từ dòng Tên, dòng Phanxicô, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Don Bosco, dòng Thánh Thể, dòng Đa Minh, các giáo sư của 2 chủng viện lớn Sài Gòn và Xuân Lộc… Vừa được học về kiến thức vừa được lây sự thánh thiện của các ngài. Được học với các giáo sư, những người có học vị cao, mình đã mở mang và nhận được nhiều kiến thức bổ ích”. Sau thời gian học tập tại khoa Thần học, anh Bình cảm nhận rõ nét hơn về tình yêu Thiên Chúa, hiểu hơn phẩm vị của mình và của anh em. Nhờ vậy mà những việc anh phục vụ ở xứ đạo hay đi lễ, tham gia các cử hành mục vụ cũng như chia sẻ với anh chị em những kiến thức về đạo, có chiều sâu hơn. Sự hiểu biết sâu cũng giúp anh tự tin hơn khi nói về Chúa cho người khác, như với việc đi dạy giáo lý tân tòng, giáo lý hôn nhân, anh đã vận dụng kiến thức từ khóa học để bài giảng được sâu sắc hơn... Môi trường ở Học viện cũng đọng lại trong anh Bình nhiều niềm vui, trong cái nhìn của anh thì đó là môi trường “rất thánh”, các cha giáo cũng như những tu sĩ cùng lớp rất hòa đồng. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu thể dục thể thao hay đi dã ngoại thật thú vị...
Khi được hòa mình vào môi trường Triết học và Thần học, anh Đaminh Hoàng Hữu Nhân cũng nhận được những điều mới mẻ, như anh nói: “Vào trong đó mới thấy dù mình đã được rửa tội, có tin Chúa nhưng những hiểu biết nhiều khi không đúng, có lúc mình cứ suy tư theo cách của mình nhưng đi học rồi mới thấy cách nghĩ ấy chưa đúng theo hướng mà Giáo hội hướng dẫn. Mình khám phá ra được nhiều điều, học được nhiều từ các giáo sư, trong đó có những vị đi học từ nước ngoài về, có vốn tri thức rất rộng và sâu. Hơn nữa, nhìn vào các ngài, những giáo dân như mình cảm thấy bản thân không chỉ phát triển về mặt tri thức mà còn cả về đời sống, làm sao cho hài hòa và tốt...”. Và một chuyện mà anh sinh viên trung niên này không quên nhắc đến là cũng như hầu hết những giáo dân đi học tại Học viện, anh được các cha giáo rất thương và luôn động viên bởi “giáo dân thường phải lo kinh tế gia đình, con cái..., nhưng đã thu xếp được để đi học nên các ngài quý lắm, thường khích lệ chúng tôi cố gắng, mình cảm thấy được vào đây học cũng là một diễm phúc”.
![]() |
Minh Anh (ngồi hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) với các anh chị cùng khóa và cha chủ nhiệm trong dịp mừng lễ thánh Quan thầy của lớp |
Cô sinh viên Têrêsa Hoàng Nguyễn Minh Anh thì chia sẻ: “Những gì học được liên quan cụ thể với cuộc sống mình hơn rất nhiều so với cảm thức chung của em khi đọc tên các môn học. Ban đầu, em chỉ muốn học để hiểu trên bình diện lý trí về những gì mình được dạy phải tin. Nhưng càng học, em càng thấy những điều ấy ‘sống còn’ hơn với bản thân mình. Em cảm thấy kiến thức mình nhận được - từ nội dung các môn, từ chính trải nghiệm học, từ con người và tâm tình của các giáo sư, từ các anh chị trong Học viện - cho phép em yêu mến nhiều hơn”. Và theo Minh Anh thì những nội dung được học khiến cô phải suy nghĩ lại về cách nhìn nhận con người cũng như thế giới: “Nói về mặt lý thuyết thì em có cơ hội nhìn lại những gì mình đã được nghe dạy trước đây trong các lớp giáo lý, phân định được cái gì đúng hay sai... Chương trình Thần học cho mình cách nhìn nhận vấn đề, khi đã biết rồi thì khó có thể suy nghĩ hoặc hành động theo lối cũ nữa”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, cả ba sinh viên giáo dân này đều ước mong sau khi hoàn tất chương trình cử nhân, sẽ tiếp tục theo lên Cao học. Khi có bằng thạc sĩ Thần học, họ sẽ có cơ hội phục vụ Giáo hội nhiều hơn. Như anh Hoàng Hữu Nhân, với vốn liếng tiếng Anh sẵn có, kết hợp thêm kiến thức về Triết, Thần hoặc thuật ngữ Anh văn trong các bộ môn này, anh có thể tham gia vào việc giảng dạy tại các chủng viện, nhà dòng nếu các nơi này cần... Cô bạn trẻ Minh Anh thì yêu thích ngôn ngữ và muốn nghiên cứu chuyên sâu về cổ ngữ, đặc biệt là tiếng Hy Lạp Tân Ước. Cô cũng muốn được hướng dẫn lại cho các sinh viên Thần học tương lai những gì mà mình đã trải nghiệm... Còn người sinh viên đàn anh Nguyễn Quang Bình, ngoài việc phụ giúp giáo xứ như hiện nay, anh mong có thể đi dạy sau khi có học vị thạc sĩ vì “đi dạy giúp mình học tiếp được nữa và phát triển hơn lĩnh vực chuyên môn”. Mặt khác, anh còn tâm niệm: “Khi Chúa mạc khải cho mình biết thêm về Ngài, mình chia sẻ lại với anh chị em, như vậy cũng là một cách sống chứng nhân giữa đời”.
Trong cương vị người phụ trách khoa Thần học, cha Antôn Nguyễn Cao Siêu kỳ vọng ngày càng có nhiều giáo dân tham gia các khóa Thần học, không chỉ ở bậc cử nhân mà còn tiếp tục chương trình Cao học, để đem lại cho Giáo hội một bộ mặt mới vì đây là thành phần đóng góp tích cực cho các giáo xứ, giáo phận...
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.