Thứ Bảy, 18 Tháng Ba, 2023 09:03

Khơi gợi truyền giáo

 

Ngày 9.3.2023, Việt Nam đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Sách trắng ghi nhận hiện thời Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước cũng đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i...

Đức ái Kitô giáo là một trong những chứng từ truyền giáo sinh động - ảnh: Caritas Gx Triệu Thông

 

Riêng Công giáo hiện có hơn 7 triệu tín hữu và 7.771 cơ sở tôn giáo.

Cách nay 16 năm - ngày 1.2.2007, Việt Nam cũng đã công bố sách trắng về tôn giáo. Vào thời điểm đó, Việt Nam có 6 tôn giáo hiện diện với khoảng 20 triệu tín đồ, trong đó Công giáo có khoảng 6 triệu tín hữu.

Như thế số lượng tín hữu Công giáo trong giai đoạn 2007-2023 đã tăng khoảng 1 triệu người. Ngoài ra số lượng các cơ sở tôn giáo, chủng viện, dòng tu, linh mục tu sĩ hiển nhiên cũng gia tăng tương ứng… Mặt khác, các tín hữu cũng có thể cảm nhận về một bầu khí ngày càng thông thoáng, lạc quan trong đời sống tôn giáo ngoài xã hội cũng như đời sống đạo tại các cộng đoàn.

Một trong những dấu ấn được khởi đầu vào tháng 7.1989 với chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Roger Etchegaray, đại diện Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam; sau đó vào tháng 11.1990, Đức Hồng y trong cương vị dẫn đầu một phái đoàn của Tòa Thánh thăm chính thức Việt Nam. Nối tiếp là các chuyến viếng thăm thường niên của phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Vatican hoặc của Tòa Thánh tại Việt Nam.

Trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, có thêm các chuyến viếng thăm Vatican của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam gồm Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (2007). Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết (2009), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2013)…

Tháng 2.2009, Việt Nam và Tòa Thánh quyết định thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican để thảo luận về quan hệ ngoại giao và các vấn đề cùng quan tâm... Năm 2011, Đức TGM Leopoldo Girelli được bổ nhiệm làm Đại diện không thường trú tại Việt Nam, hiện thời là Đức TGM Marek Zalewski (từ tháng 5.2018).

Trong bầu khí thông thoáng và lạc quan, đời sống đạo thường nhật của tín hữu tại các cộng đoàn không thiếu những nét sinh động. Bên cạnh các sinh hoạt phụng tự là các hoạt động góp phần với xã hội như thể hiện cuộc sống đạo hạnh, dấn thân trong công việc bác ái từ thiện, bảo vệ môi trường, sống chan hòa với tín hữu các tôn giáo bạn…

Việc gia tăng số tín hữu qua từng giai đoạn khơi gợi về sứ vụ truyền giáo của mọi tầng lớp Kitô hữu. Ngoài việc gia tăng theo đà phát triển dân số cơ học hoặc hôn nhân, số tín hữu còn có thêm các tân tòng.

Hiển nhiên việc thể hiện niềm tin và đức ái Kitô giáo của từng bổn đạo trong cuộc sống hằng ngày là một trong những chứng từ truyền giáo sinh động.

 

HOÀNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm