Tối 6.5.2017, tại Trung tâm Hội nghị TPHCM (272 Võ Thị Sáu, Q3) đã diễn ra chương trình “Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 33” do Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) tổ chức, nhằm quảng bá, tôn vinh các giá trị nội dung kỷ lục (lần thứ 1/2017) và quảng bá TOP đặc sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 (lần 2/2017).
|
Linh mục Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi nhận bằng tiến sĩ danh dự |
Trong buổi hội ngộ, linh mục Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi (quản xứ Lệ Sơn - GP. Đà Nẵng), kỷ lục gia và là thành viên Hội đồng xác lập tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã vinh dự nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Tổ chức Đại học Kỷ lục Thế giới với đề tài: “Người sáng tạo công trình sách Trò chơi trí tuệ cao cấp có nhiều chìa khóa để mở mật mã nhất”. Đồng thời ngài nhận thêm bằng kỷ lục gia: “Người biên soạn sách Phương pháp đệm đàn Organ theo số ngón tay để học đệm đàn Organ với thời gian học ngắn nhất”. Đây là cuốn sách nói về phương pháp dành cho người chưa hề biết nhạc, chưa hề biết đàn cũng có thể tự luyện tập được. Được biết một năm trước, vào ngày 23.6.2016, tại thành phố Đà Nẵng, cha Nguyễn Ngọc Phi cũng đã nhận được hai kỷ lục là “Linh mục viết truyện ngụ ngôn nhiều nhất” và “Người có sách Trò chơi trí tuệ cao cấp có nhiều chìa khóa mở mật mã nhất”.
Cũng trong dịp hội ngộ Kỷ lục gia lần này, nhạc sĩ Công giáo Vũ Đình Ân đã được trao kỷ lục “Tác giả Hợp xướng truyện Kiều và hợp xướng Lục Vân Tiên có thời lượng diễn xuất dài nhất”. Hợp xướng Truyện Kiều dày 295 trang viết với phần đệm Piano và có thời lượng diễn tấu dài 65 phút. Riêng hợp xướng Lục Vân Tiên là công trình âm nhạc lớn thứ hai của nhạc sĩ Vũ Đình Ân. Hợp xướng này ông đã bỏ ra thời gian viết là 4 năm và khi trình diễn kéo dài trên 100 phút, với gần 200 ca viên và diễn viên múa minh họa.
NGỌC LAN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.