Thứ Tư, 10 Tháng Tư, 2019 15:39

Linh mục nhắc lại lời hứa dấn thân

 

Một chủ đề quan trọng khác trong thánh lễ Truyền dầu là chức linh mục.

Trong thánh lễ này, Ðức Giám mục giáo phận sẽ đồng tế với tất cả các linh mục thuộc giáo phận của mình hoặc ít là với các vị linh mục đại diện thuộc những khu vực khác nhau trong giáo phận của ngài. Ðiều này diễn tả mối hiệp nhất giữa các linh mục với Ðức Giám mục giáo phận của họ cũng như giữa các linh mục với nhau. Ðồng thời, thể hiện sự hiệp thông của toàn thể Dân Chúa cầu nguyện cho Giám mục, cho các linh mục, cho anh chị em dự tòng sắp gia nhập Hội Thánh và cũng là sự hiệp thông của mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh của Ðức Kitô. Ngoài ra, đây là một sự kiện nhắc nhở mỗi linh mục về niềm phấn khởi, ân sủng và sự dấn thân trong ngày họ lãnh nhận thiên chức linh mục.1 Hơn nữa, Thánh lễ Truyền Dầu còn thể hiện thực tại về một Giáo hội địa phương bao gồm các thành phần khác nhau như: tín hữu, thừa tác viên, linh mục và giám mục. Sự hiện diện của đông đảo tín hữu trong Thánh lễ Truyền Dầu cho thấy đây là sự cử hành chức tư tế của Dân Chúa, tức chức tư tế phổ quát của những anh chị em đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Hôm nay, các linh mục thụ phong biểu lộ chức tư tế thừa tác của họ. Còn sự viên mãn của chức linh mục được biểu lộ nơi Ðức Giám mục. Tất cả phản ánh chức tư tế của Ðức Giêsu mà dân của Người tham dự vào qua những cách thế và cấp độ khác nhau.

 

Từ cuối những năm 1960, tức là sau Công đồng Vatican II, do sự thiếu hụt quá nhiều linh mục bởi nhiều vị rời bỏ sứ vụ của mình, nên theo đề nghị của Ðức Hồng y John Wright (Bộ trưởng bộ Giáo sĩ, lúc bấy giờ), Giáo hội càng ngày càng nhấn mạnh nhiều hơn đến chức linh mục thừa tác trong thánh lễ Truyền dầu.

Văn kiện của Ðức Phaolô VI mang tên Sacerdotalis Caelibatus (25.6.1967) đã đề nghị mỗi linh mục, nhân kỷ niệm ngày chức tư tế được thiết lập vào thứ Năm Thánh, hãy cùng với các linh mục khác lặp lại lời hứa dấn thân trung thành và trọn vẹn mà họ đã cam kết đối với Chúa Kitô (số 80), mặc dầu trong chính ngày thụ phong linh mục, họ chỉ hứa kính trọng và vâng phục Giám mục giáo phận cùng bề trên hợp pháp của mình.

Tiếp đó, thư luân lưu của Thánh Bộ Giáo sĩ (4.11.1969) cũng yêu cầu vào thứ Năm Thánh, mọi linh mục nên nhắc lại những ước thệ của mình đối với Ðức Kitô và những ràng buộc họ đã cam kết trong ngày thụ phong linh mục.

Ngày 6.3.1970, Thánh Bộ Phụng tự Thánh đã cho ra đời bản văn để các linh mục sử dụng mà lặp lại các thề hứa dấn thân của mình cho Ðức Kitô giống như các tu sĩ đọc lại lời khấn hàng năm.2 Những lời này một lần nữa nhắc nhở các ngài về: 1] Trách nhiệm phục vụ của linh mục với cộng đoàn giáo dân; 2] Việc giữ độc thân và tùng phục Ðức Giám mục hoặc bề trên của mình để nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn; 3] Tư cách của người quản lý, cử hành, trao ban các mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa qua các bí tích. Ðiều này giúp các linh mục luôn ý thức về những bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ. Ngày 6.3.1970, bản văn lặp lại lời tuyên hứa ra đời, được đưa vào trong thánh lễ “Missa Chrismatis” sáng thứ Năm Thánh và nghi thức linh mục lặp lại lời tuyên hứa được diễn ra sau bài giảng. Nghi thức này như là một cuộc đối thoại (đáp) giữa Ðức Giám mục, các linh mục và dân chúng, trong đó, các linh mục đoan hứa sẽ làm hết sức mình để ngày càng trở nên giống Ðức Kitô Thượng Tế và phục vụ dân Chúa cách trung thành theo chức vụ của các ngài là thầy dạy, tư tế và mục tử. Hướng về phía giáo dân Ðức Giám mục mời gọi họ đồng hành với các linh mục bằng lời cầu nguyện. Ngài cũng kêu gọi họ cầu nguyện cho chính mình để bản thân ngài cũng được trung thành với sứ mạng tông đồ của Chúa.

 

Phụng vụ Lời Chúa

Các bài đọc Sách Thánh hôm nay hoàn toàn mới so với những bài đọc được công bố trong thời kỳ trước Công đồng Vatican II3 và có thể được tóm lại trong hai từ khóa: Chúa Thánh Thần và chức tư tế. Quả thật, bài đọc I (Is 61,1-9) là một bản tóm tắt sứ mạng của người môn đệ (tư tế) trong mọi thời đại: đem tin lành và sự giải thoát cho người nghèo. Bài đọc II (Kh 1,5-8) nêu bật Ðức Giêsu Kitô là vị Chứng nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ lãnh mọi vương đế trần gian, Người đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha. Tất cả là do hồng ân của Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của người môn đệ nêu trên cũng chính là sứ mạng của Ðức Kitô mà Hội Thánh muốn cho công bố trong Tin Mừng hôm nay (Lc 4,16-21): Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Sau khi đọc bản văn Sách Thánh (Is), Ðức Giêsu công bố:“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe”. Ðó cũng là sứ mạng của những người được gọi là Kitô hữu, họ là môn đệ [hay người đi theo] Ðức Kitô và là dân tư tế. Ðặc biệt hơn, đây là sứ mệnh của linh mục thừa tác vốn là những người tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô. Các ngài thi hành sứ mạng này trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

 

LM Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

_______________________________________________________________

1 Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Năm Phụng Vụ (Sài Gòn: Tủ Sách Ðại Kết, 1996), 131.

2 Xc. Patrick Regan, Advent to Pentecost, 144- 150.

3 Thời kỳ tiền Công đồng, Bài đọc I là Gc 5, 13-16: xức dầu bệnh nhân; Tv 28(27), 7-8: ca tụng Thiên Chúa là nơi trú ẩn cho người được xức dầu; Bài Tin Mừng là Mc 6,7-13: Chúa Giêsu sai 12 môn đệ đi xức dầu cho bệnh nhân.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm