Thứ Bảy, 23 Tháng Mười, 2021 15:00

Loan báo Tin Mừng trong thời dịch

 

Làn sóng dịch Covid-19 tại Việt Nam gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt đức tin. Trong những ngày cả nước cùng chống dịch, Ðức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng - HÐGMVN đã có cuộc trao đổi với báo Công giáo và Dân tộc, ngài nhắn gởi tới các thành phần Dân Chúa về phương cách sống, loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh hiện nay.

 

CGvDT: Kính thưa Ðức cha, ở nhiều giáo phận, hiện tại nhiều giáo hữu vẫn không thể đến nhà thờ tham dự thánh lễ do tác động của dịch Covid-19. Các sinh hoạt tập trung đông người khác cũng tạm ngưng suốt thời gian dài nhằm hạn chế sự lây nhiễm của dịch. Giáo dân thiếu thánh lễ, thiếu vắng sinh hoạt đức tin, xin Ðức cha có đôi lời nhắn gởi đến anh chị em?

Ðức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Vì dịch Covid-19 vẫn phức tạp nên rất nhiều nơi ngưng các thánh lễ cộng đồng và các sinh hoạt tôn giáo. Nhiều người nhìn sự kiện này một cách bi quan, cho rằng lòng đạo sẽ đi xuống... Nhưng nếu nhìn một cách tích cực, sự kiện này đem lại cho chúng ta những điều tốt.

Trong hoàn cảnh này, hãy để cho sự thiếu vắng thánh lễ cộng đồng thôi thúc lòng khao khát Chúa nơi chúng ta. Các bác sĩ khuyên thỉnh thoảng nhịn ăn một, hai bữa, để sức khỏe tốt hơn; trong tôn giáo, sự chay tịnh giúp tinh thần vững mạnh hơn. Người có lòng tin yếu thì có thể bị yếu thêm do không được tham dự thánh lễ cộng đồng; ngược lại người mạnh tin thì sẽ mạnh thêm. Có một câu danh ngôn rất hay : “Sự vắng mặt trong tình yêu cũng giống như nước với lửa: nó dập tắt tình nhỏ, khơi bùng tình lớn”. Ðây là dịp để chúng ta kiểm định đức tin của mình, và thúc đẩy nơi chúng ta lòng khao khát Chúa, nhờ đó khi lại được có thánh lễ cộng đồng, ta sẽ hân hoan vui mừng.

Ðây cũng là dịp để chúng ta ý thức và cảm thông với những anh chị em ở các vùng truyền giáo xa xôi, họ khao khát thánh lễ mà không có, có khi một tháng, vài tháng hay cả nửa năm mới được dự một thánh lễ.

Giáo hội vẫn quan niệm gia đình là một Giáo hội thu nhỏ. Sự kiện phải ngưng các sinh hoạt tôn giáo cộng đồng mở ra cho chúng ta khả năng sinh hoạt tôn giáo tại gia, giữa mọi người trong gia đình. Có thể nhiều gia đình chẳng bao giờ có giờ kinh tối với nhau, chẳng bao giờ cùng tôn thờ Chúa với nhau. Thế thì đây là dịp để hâm nóng lại đức tin cho gia đình mình. Tôi xúc động khi nhìn thấy tấm ảnh chụp một gia đình đang sốt sắng dự thánh lễ trực tuyến. Có người hỏi tôi phải làm gì cho hết thời giờ khi bị bó chân tay ở nhà ? Tôi đề nghị dành thời giờ sáng một tiếng, chiều một tiếng, cả nhà ngồi đọc Lời Chúa trong Tân Ước, hoặc hơn nữa trong Cựu Ước, rồi có thể chia sẻ với nhau…, có thể nghe chương trình “Kinh Thánh 100 tuần” của Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm.

Ôi, nếu mọi người ý thức Chúa đang hiện diện sống động trong gia đình trong những khoảnh khắc đó thì hay biết mấy!   

San sẻ khó khăn do dịch

 

CGvDT: Trong tình cảnh dịch bệnh, những tín hữu Công giáo có thể loan báo Tin Mừng như thế nào, thưa Ðức cha?

Tin Mừng phải được loan báo trong mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay bất lợi (cf. 2Tm 4,1-3). Cha ông chúng ta trong lúc bị bách hại vẫn mạnh dạn loan báo Tin Mừng, cả trên đường ra pháp trường cơ mà. Vậy người Công giáo có thể thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng trong thời đại dịch như thế nào?

Bên cạnh việc cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, vốn là điều thiết yếu như Chúa Giêsu dạy (x. Mt 9,38; Lc 11,9), người Công giáo cần sống Tin Mừng cách cụ thể: Tuân thủ những quy định phòng chống dịch để bảo vệ mình và người khác (đừng tỏ ra coi thường, bất chấp như một vài nơi); quan tâm đến những người bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch như các bệnh nhân (đừng chê trách hay xa lánh họ), những người nghèo khổ, thiếu thốn vì đời họ đã khổ nay khổ hơn, đã đói nay đói hơn... Một lời an ủi khích lệ, một sự chia sẻ vật chất dù nhỏ bé, nhưng làm với ý thức sống Tin Mừng, đó đã là loan báo Tin Mừng rồi.

Người Công giáo cũng có thể loan báo Tin Mừng qua đời sống mở ra, một cách cá nhân hay cộng đoàn, sống tình liên đới và trách nhiệm với mọi người trước sự tàn phá của đại dịch. Chúng ta hẳn cảm thấy ấm lòng khi biết nơi này nơi kia, các giáo xứ, dòng tu tổ chức trao tặng thực phẩm cho những người nghèo. Giáo dân lẫn các linh mục, tu sĩ ở nhiều giáo phận thời gian qua đã cộng tác, tham gia với các ngành chức năng và chính quyền để dập dịch, rất nhiều tu sĩ rời nhà dòng đi vào các bệnh viện dã chiến nơi tuyến đầu để cống hiến sức lực, phục vụ hết mình, lan tỏa tinh thần yêu thương của Tin Mừng.

“Sự thiếu vắng thánh lễ cộng đồng thôi thúc lòng khao khát Chúa nơi chúng ta”, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long chia sẻ

 

CGvDT: Thực tế cho thấy, ở các xứ đạo, cộng đoàn dòng tu và các cá nhân, đã có những chương trình cụ thể chia sẻ với người nghèo trong cơn dịch. Các hình ảnh này lan tỏa, đánh động nhiều người. Là vị chủ chăn, xin Ðức cha cho biết cảm nhận khi nhìn thấy những nghĩa cử đó, đây là điều tốt đẹp mà giáo hữu cần phát huy?

Tại giáo phận Vinh, nhiều giáo xứ đã có những hành động thiết thực trong thời gian dịch bùng phát, nhiều giáo dân tự động chia sẻ tình bác ái cách cá nhân. Tòa Giám mục cũng tham gia vào quỹ vắc xin, và chia sẻ để khích lệ bộ đội biên phòng đang nằm gai nếm mật ở biên giới Việt - Lào để ngăn chặn dịch bệnh có thể nhập vào. Tôi cảm động khi thấy Ban chấp hành hội Gia đình Thánh Tâm, Ban hành giáo giáo xứ Lập Thạch đến góp một món tiền cho quỹ vắc xin. Nhiều giáo xứ hỏi góp tiền ở đâu, tôi bảo cứ góp ở địa phương. Tôi cũng cảm động khi biết một giáo dân âm thầm mua thực phẩm để tặng cho những nơi bị cách ly. Dòng Mến Thánh Giá Vinh nấu mỗi ngày mấy trăm suất cơm tặng cho những người bị cách ly tại xã Nghi Diên như đã nói trên.

Tất cả những việc ấy khiến tôi cảm động và vui mừng vì người Công giáo đang thể hiện nghĩa tình “một miếng khi đói bằng một gói khi no”“sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

 Các tu sĩ lên đường tham gia phòng chống dịch Covid-19 - ảnh: Ngọc Lan

 

CGvDT: Cuối cùng, xin Ðức cha có những chia sẻ với cộng đoàn Dân Chúa để sống đức tin tốt đẹp trong bối cảnh hiện tại?

Dịch Covid-19 là một thách đố nặng nề đối với mọi người và cả nhân loại. Nhưng nó cũng là một cơ hội thiết thực để người tín hữu sống đức tin và đức ái Tin Mừng cho chính mình cũng như tha nhân.

Ðạo không tách chúng ta ra khỏi cuộc sống xã hội và mọi người, nhưng mời gọi chúng ta hòa nhập. Tôi nhớ đến lời mở đầu hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cùng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS số 1). Tôi cũng nhớ lời Ðức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: “Các thách thức xuất hiện là để bị vượt qua! Chúng ta hãy là những con người thực tế nhưng không để mất niềm vui, sự táo bạo và sự dấn thân trong hy vọng tràn trề của chúng ta. Ðừng để mình bị cướp mất nhuệ khí truyền giáo”, (EG số 109).

Vậy, dù tất cả chúng ta đang lao đao trong cơn đại dịch, tôi dám kêu mời anh chị em hãy cứ vui lên, hãy giữ đức tin và sống đức ái Kitô giáo trong cuộc chiến này!

 

Chúng con xin hết lòng cảm ơn Ðức cha!

 

NGUYỄN HÙNG LUÂN

(thực hiện)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm